Bài 14. Ôn tập chương 3 trang 50, 51, 52, 53 SBT Hóa 11 Kết nối tri thức

Cho các phát biểu sau: (1) Phân tử hợp chất hữu cơ nhất thiết phải chứa carbon; (2) Liên kết chủ yếu trong phân tử hợp chất hữu cơ là liên kết ion;


14.1

Cho các phát biểu sau:

(1) Phân tử hợp chất hữu cơ nhất thiết phải chứa carbon;

(2) Liên kết chủ yếu trong phân tử hợp chất hữu cơ là liên kết ion;

(3) Hợp chất hữu cơ thường khó nóng chảy và khó bay hơi;

(4) Hợp chất hữu cơ thường không tan hoặc ít tan trong nước;

(5) Phản ứng của các hợp chất hữu cơ thường chậm, không hoàn toàn, không theo một hướng nhất định;

(6) Các hợp chất hữu cơ thường khó cháy và khó bị phân huỷ dưới tác dụng của nhiệt.

Số phát biểu đúng là

A. 3.                              B. 4.                              C. 5.                              D. 6.

Phương pháp giải:

- Hợp chất hữu cơ là hợp chất của carbon, trừ một số hợp chất oxide của carbon, muối carbonate, các carbide,…

- Các hợp chất hữu cơ có đặc điểm chung sau đây:

+ Thành phần phân tử nhất thiết phải chứa nguyên tố carbon, thường có hydrogen, oxygen, nitrogen, halogen, sulfur, phosphorus,...

+ Liên kết hoá học chủ yếu là liên kết cộng hoá trị. Các nguyên tử carbon không những có khả năng liên kết với nguyên tử của các nguyên tố khác mà còn có thể liên kết với nhau tạo thành mạch carbon.

+ Nhiệt độ nóng chảy thấp, nhiệt độ sôi thấp (dễ bay hơi) và thường không tan hoặc ít tan trong nước, tan trong các dung môi hữu cơ.

+ Dễ cháy, kém bền với nhiệt nên dễ bị nhiệt phân huỷ.

+ Phản ứng của các hợp chất hữu cơ thường xảy ra chậm, theo nhiều hướng và tạo ra hỗn hợp các sản phẩm. Để tăng tốc độ phản ứng thường cần đun nóng và có xúc tác.

Lời giải chi tiết:

Các phát biểu

Tính đúng/ sai

(1) Phân tử hợp chất hữu cơ nhất thiết phải chứa carbon.

Đúng. Vì hợp chất hữu cơ là hợp chất của carbon (trừ một số hợp chất oxide của carbon, muối carbonate, các carbide,…)

(2) Liên kết chủ yếu trong phân tử hợp chất hữu cơ là liên kết ion.

Sai. Liên kết hoá học chủ yếu trong hợp chất hữu cơ là liên kết cộng hoá trị.

(3) Hợp chất hữu cơ thường khó nóng chảy và khó bay hơi.

Sai. Hợp chất hữu cơ có nhiệt độ nóng chảy thấp (dễ nóng chảy), nhiệt độ sôi thấp (dễ bay hơi).

(4) Hợp chất hữu cơ thường không tan hoặc ít tan trong nước.

Đúng. Hợp chất hữu cơ thường không tan hoặc ít tan trong nước, tan trong các dung môi hữu cơ.

(5) Phản ứng của các hợp chất hữu cơ thường chậm, không hoàn toàn, không theo một hướng nhất định.

Đúng. Phản ứng của các hợp chất hữu cơ thường xảy ra chậm, theo nhiều hướng và tạo ra hỗn hợp các sản phẩm.

(6) Các hợp chất hữu cơ thường khó cháy và khó bị phân huỷ dưới tác dụng của nhiệt.

Sai. Các hợp chất hữu cơ dễ cháy, kém bền với nhiệt nên dễ bị nhiệt phân huỷ.

Số phát biểu đúng là 3.

→ Chọn A.


14.2

Cho hợp chất hữu cơ X có công thức cấu tạo sau:

 

X không chứa loại nhóm chức nào sau đây?

A. Alcohol.                   B. Aldehyde.                 C. Amine.                     D. Carboxyl.

Phương pháp giải:

Một số loại nhóm chức cơ bản được thể hiện trong bảng sau:

Lời giải chi tiết:

+ X chứa các loại nhóm chức:

-OH: Alcohol.

-NH2: Amine.

-COOH: Carboxyl.

+ X không chứa loại nhóm chức aldehyde (-CHO).

→ Chọn B.


14.3

Cho các hợp chất hữu cơ sau:

(1) CH4; (2) CH3OH; (3) CH2=CH2; (4) CH2OH–CHOH–CH2OH; (5) CH ≡CH; (6) CH3CH=O; (7) CH3COOH; (8) HOOC[CH2]4COOH; (9) C6H6 (benzen); (10) H2NCH2COOH; (11) CH2OH[CHOH]4CH=O.

Nhận định nào sau đây không đúng?

A. Có hai hợp chất hữu cơ đa chức và hai hợp chất hữu cơ tạp chức.

B. Có hai hợp chất thuộc loại alcohol và ba hợp chất thuộc loại carboxylic acid.

C. Có bốn hợp chất thuộc loại hydrocarbon, trong đó có hai hydrocarbon không no.

D. Có bảy hợp chất thuộc loại dẫn xuất của hydrocarbon, trong đó ba hợp chất đơn chức.

Phương pháp giải:

Hợp chất hữu cơ đa chức có 2 nhóm chức giống nhau trở lên.

Hợp chất hữu cơ tạp chức có 2 nhóm chức khác nhau trờ lên.

Một số loại nhóm chức cơ bản được thể hiện trong bảng sau:

Lời giải chi tiết:

(1) CH4; (2) CH3OH; (3) CH2=CH2; (4) CH2OH–CHOH–CH2OH; (5) CH ≡CH; (6) CH3CH=O; (7) CH3COOH; (8) HOOC[CH2]4COOH; (9) C6H6 (benzen); (10) H2NCH2COOH; (11) CH2OH[CHOH]4CH=O.

- Hợp chất hữu cơ đa chức: (4) CH2OH–CHOH–CH2OH; (8) HOOC[CH2]4COOH.

Hợp chất hữu cơ tạp chức: (10) H2NCH2COOH; (11) CH2OH[CHOH]4CH=O.

Nhận định A đúng.

- Alcohol: (2) CH3OH; (4) CH2OH–CHOH–CH2OH.

Carboxylic acid: (7) CH3COOH; (8) HOOC[CH2]4COOH.

Nhận định B không đúng.

- Hydrocarbon:

+ Hydrocarbon no: (1) CH4;

+ Hydrocarbon không no: (3) CH2=CH2; (5) CH ≡CH.

+ Hydrocarbon thơm: (9) C6H6 (benzen).

Nhận định C đúng.

- Dẫn xuất hydrocarbon: (2) CH3OH; (4) CH2OH–CHOH–CH2OH; (6) CH3CH=O; (7) CH3COOH; (8) HOOC[CH2]4COOH; (10) H2NCH2COOH; (11) CH2OH[CHOH]4CH=O.

Dẫn xuất hydrocarbon đơn chức: (2) CH3OH; (6) CH3CH=O; (7) CH3COOH.

Nhận định D đúng.

→ Chọn B.


14.4

Cho các phát biểu sau:

(1) Cấu tạo hoá học là trật tự liên kết giữa các nguyên tử trong phân tử;

(2) Cấu tạo hoá học khác nhau tạo ra các chất khác nhau;

(3) Trong phân tử hợp chất hữu cơ, nguyên tử carbon luôn có hoá trị bốn;

(4) Trong phân tử hợp chất hữu cơ, các nguyên tử carbon chỉ liên kết với nguyên tử của nguyên tố khác.

(5) Tính chất vật lí và tính chất hoá học của hợp chất hữu cơ phụ thuộc vào thành phần phân tử và cấu tạo hoá học.

Số phát biểu đúng là

A. 2.                              B. 3.                              C. 4.                              D. 5.

Phương pháp giải:

Thuyết cấu tạo hóa học

- Trong phân tử chất hữu cơ, các nguyên tử liên kết với nhau theo đúng hoá trị và theo một thứ tự nhất định. Thứ tự liên kết đó được gọi là cấu tạo hoá học. Sự thay đổi thứ tự liên kết đó sẽ tạo ra chất khác.

- Trong phân tử chất hữu cơ, carbon có hoá trị IV. Các nguyên tử carbon không những liên kết với nguyên tử của các nguyên tố khác mà còn có thể liên kết trực tiếp với nhau tạo thành mạch carbon (mạch hở không phân nhánh, mạch hở phân nhánh hoặc mạch vòng).

- Tính chất của các chất phụ thuộc vào thành phần phân tử (bản chất và số lượng các nguyên tử) và cấu tạo hoá học. Các nguyên tử trong phân tử có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Lời giải chi tiết:

Các phát biểu

Tính đúng/ sai

(1) Cấu tạo hoá học là trật tự liên kết giữa các nguyên tử trong phân tử.

Đúng. Trong phân tử chất hữu cơ, các nguyên tử liên kết với nhau theo đúng hoá trị và theo một thứ tự nhất định. Thứ tự liên kết đó được gọi là cấu tạo hoá học.

(2) Cấu tạo hoá học khác nhau tạo ra các chất khác nhau.

Đúng. Sự thay đổi thứ tự liên kết (cấu tạo hóa học) sẽ tạo ra chất khác.

(3) Trong phân tử hợp chất hữu cơ, nguyên tử carbon luôn có hoá trị bốn.

Đúng. Trong phân tử chất hữu cơ, carbon có hoá trị IV.

(4) Trong phân tử hợp chất hữu cơ, các nguyên tử carbon chỉ liên kết với nguyên tử của nguyên tố khác.

Sai. Các nguyên tử carbon không những liên kết với nguyên tử của các nguyên tố khác mà còn có thể liên kết trực tiếp với nhau tạo thành mạch carbon.

(5) Tính chất vật lí và tính chất hoá học của hợp chất hữu cơ phụ thuộc vào thành phần phân tử và cấu tạo hoá học.

Đúng. Tính chất của các chất phụ thuộc vào thành phần phân tử (bản chất và số lượng các nguyên tử) và cấu tạo hoá học.

→ Chọn C.


14.5

Cho các phát biểu sau:

(1) Công thức cấu tạo biểu diễn kiểu liên kết và trật tự liên kết giữa các nguyên tử trong phân tử;

(2) Chất đồng phân có cùng công thức phân tử nhưng có thể khác nhau về loại nhóm chức, mạch carbon, vị trí liên kết pi (π) hoặc vị trí nhóm chức;

(3) Chất đồng đẳng có cấu tạo và tính chất tương tự, nhưng thành phần phân tử khác nhau một hay nhiều nhóm CH2.

Số phát biểu đúng là

A. 0.                              B. 1.                              C. 2.                              D. 3.

Phương pháp giải:

- Công thức cấu tạo biểu diễn kiểu liên kết và trật tự liên kết giữa các nguyên tử trong phân tử.

- Những hợp chất hữu cơ khác nhau nhưng có cùng công thức phân tử được gọi là các chất đồng phân của nhau.

+ Các đồng phân có tính chất hoá học khác nhau do chúng có cấu tạo hoá học khác nhau.

+ Ứng với một công thức phân tử có thể có các đồng phân cấu tạo về mạch carbon, loại nhóm chức, vị trí nhóm chức.

- Những hợp chất có thành phần phân tử hơn kém nhau một hay nhiều nhóm CH2 nhưng có tính chất hoá học tương tự nhau là những chất đồng đẳng, chúng hợp thành dãy đồng đẳng với công thức chung xác định.

Lời giải chi tiết:

Các phát biểu

Tính đúng/ sai

(1) Công thức cấu tạo biểu diễn kiểu liên kết và trật tự liên kết giữa các nguyên tử trong phân tử.

Đúng.

(2) Chất đồng phân có cùng công thức phân tử nhưng có thể khác nhau về loại nhóm chức, mạch carbon, vị trí liên kết pi (π) hoặc vị trí nhóm chức.

Đúng. Các loại đồng phân: đồng phân cấu tạo về mạch carbon, loại nhóm chức, vị trí nhóm chức.

 

(3) Chất đồng đẳng có cấu tạo và tính chất tương tự, nhưng thành phần phân tử khác nhau một hay nhiều nhóm CH2.

Đúng.

Số phát biểu đúng là 3.

→ Chọn D.


14.6

Nhận định nào sau đây không đúng?

A. Người ta có thể chiết tách các chất hữu cơ hữu ích từ thuốc Bắc bằng cách ngâm thuốc Bắc trong dung dịch ethanol.

B. Sau khi ép cây mía và làm sạch các chất bẩn rắn cũng như chất bẩn màu, người ta thu được dung dịch nước đường. Cô cạn nước đường ở áp suất thấp sẽ tách được đường.

C. Sau khi chưng cất cây sả bằng hơi nước, người ta thu được lớp tinh dầu (chứa terpene) nồi trên mặt nước. Dùng phương pháp chiết sẽ tách riêng được lớp tinh dầu.

D. Để tách ethanol (ethylic alcohol) từ hỗn hợp với nước và bã rượu. Dùng kĩ thuật lọc tách sẽ tách riêng được ethanol ra khỏi hỗn hợp này.

Phương pháp giải:

• Chưng cất là phương pháp dựa vào sự khác nhau về nhiệt độ sôi của các chất trong hỗn hợp ở một áp suất nhất định.

• Chiết là phương pháp tách biệt và tinh chế hỗn hợp các chất dựa vào sự hoà tan khác nhau của chúng trong hai dung môi không trộn lẫn vào nhau.

• Kết tinh là phương pháp được dùng để tách và tinh chế các chất rắn dựa trên nguyên tắc:

(1) Các chất khác nhau có độ hoà tan khác nhau trong cùng một dung môi.

(2) Độ tan của chất cần tách giảm nhanh khi giảm nhiệt độ.

• Sắc kí cột là phương pháp tách biệt và tinh chế hỗn hợp các chất dựa vào sự phân bố khác nhau của chúng giữa pha động và pha tĩnh.

Lời giải chi tiết:

Nhận định D không đúng. Để tách ethanol (ethylic alcohol) từ hỗn hợp với nước và bã rượu, người ta dùng phương pháp chưng cất.

→ Chọn D.


14.7

Cho các cặp chất sau: (a) CH≡CH và CH2=C=CH2; (b) CH≡CH và CH3CH2C≡CH; (c) CH3CH2CH2OH và (CH3)2CHCH2OH; (d) C6H5OH và C6H4(OH)2; (e) HCH=O và CH3COCH3.

Số cặp chất là đồng đẳng của nhau là

A. 1.                              B. 2.                              C. 3.                              D. 4.

Phương pháp giải:

Những hợp chất có thành phần phân tử hơn kém nhau một hay nhiều nhóm CH2 nhưng có tính chất hoá học tương tự nhau là những chất đồng đẳng, chúng hợp thành dãy đồng đẳng với công thức chung xác định.

Lời giải chi tiết:

(a) CH≡CH và CH2=C=CH2 không phải là đồng đẳng của nhau vì CH≡CH chứa liên kết ba C≡C còn CH2=C=CH2 chứa hai liên kết đôi C=C, dẫn đến tính chất hóa học của chúng khác nhau.

(b) CH≡CH và CH3CH2C≡CH là đồng đẳng của nhau vì trong phân tử đều chứa một liên kết ba C≡C và phân tử hơn kém nhau hai nhóm CH2.

(c) CH3CH2CH2OH và (CH3)2CHCH2OH là đồng đẳng của nhau vì trong phân tử đều chứa một nhóm chức -OH và phân tử hơn kém nhau một nhóm CH2.

(d) C6H5OH và C6H4(OH)2 không phải là đồng đẳng của nhau vì số nhóm chức –OH trong phân tử khác nhau, dẫn đến tính chất hóa học của chúng khác nhau.

(e) HCH=O và CH3COCH3 không phải là đồng đẳng của nhau vì hai chất này khác nhau về loại nhóm chức (HCH=O chứa nhóm chức -CHO, CH3COCH3 chứa nhóm chức >C=O), dẫn đến tính chất hóa học của chúng khác nhau.

Số cặp chất là đồng đẳng của nhau là 2.

→ Chọn B.


14.8

Cho các cặp chất sau: (a) CH≡CH và CH3-C≡CH3; (b) (CH3)2C=CH2 và CH3CH2CH=CH2; (c) CH3CH2CH=O và CH3COCH3; (d) CH3CH2CH2OH và CH3CH(OH)CH3; (e) CH2=CH-CH2-CH3 và CH2=CH-CH=CH2.

Số cặp chất là đồng phân của nhau là

A. 1.                              B. 2.                              C. 3.                              D. 4.

Phương pháp giải:

Những hợp chất hữu cơ khác nhau nhưng có cùng công thức phân tử được gọi là các chất đồng phân của nhau.

Lời giải chi tiết:

Cặp chất

Chất thứ nhất

Chất thứ hai

Kết luận

Công thức cấu tạo

Công thức phân tử

Công thức cấu tạo

Công thức phân tử

(a)

CH≡CH

C2H2

CH3-C≡CH3

C3H6

Không phải là đồng phân.

(b)

(CH3)2C=CH2

C4H8

CH3CH2CH=CH2

C4H8

Đồng phân mạch carbon.

(c)

CH3CH2CH=O

C3H6

CH3COCH3

C3H6

Đồng phân về loại nhóm chức.

(d)

CH3CH2CH2OH

C3H8O

CH3CH(OH)CH3

C3H8O

Đồng phân vị trí nhóm chức.

(e)

CH2=CH-CH2-CH3

C4H8

CH2=CH-CH=CH2

C4H6

Không phải là đồng phân.

Số cặp chất là đồng phân của nhau là 3.

→ Chọn C.


14.9

Các hợp chất sau đây thuộc loại hydrocarbon nào?

 

Phương pháp giải:

Hydrocarbon là những hợp chất hữu cơ chỉ được tạo thành từ hai nguyên tố carbon và hydrogen.

- Alkane là những hydrocarbon mạch hở, chỉ chứa các liên kết đơn trong phân tử.

- Alkene là những hydrocarbon mạch hở, chỉ chứa các liên kết đơn và một liên kết đôi C=C trong phân tử.

- Alkyne là những hydrocarbon mạch hở, chỉ chứa các liên kết đơn và một liên kết ba C=C trong phân tử.

Lời giải chi tiết:

Butane thuộc loại alkane, but-1-ene thuộc loại alkene và but-2-yne thuộc loại alkyne.


14.10

Phân tích định lượng Atabrine, một loại thuốc chống sốt rét, người ta xác định được chất này chứa 69,1% carbon, 7,5% hydrogen, 10,5% nitrogen, 8,9% chlorine và 4,0% oxygen về khối lượng. Hãy xác định công thức thực nghiệm của Atabrine.

Phương pháp giải:

Công thức đơn giản nhất cho biết tỉ lệ số nguyên tử của các nguyên tố có trong phân tử hợp chất hữu cơ (tỉ lệ các số nguyên tối giản).

Lời giải chi tiết:

Công thức tổng quát của Atabrine có dạng CxHyOzNtClu.

Ta có: \({\rm{x}}:{\rm{y}}:{\rm{z}}:{\rm{t}}:{\rm{u}} = \frac{{69,1}}{{12}}:\frac{{7,5}}{1}:\frac{{4,0}}{{16}}:\frac{{10,5}}{{14}}:\frac{{8,9}}{{35,5}}\)

                               \( = 5,76:7,5:0,25:0,75:0,25\)

                               \( = 23:30:1:3:1\)

Công thức thực nghiệm của Atabrine là C23H30ON3Cl.


14.11

Một mẫu aspirin được xác định là có chứa 60,00% carbon, 4,44% hydrogen và 35,56% oxygen về khối lượng. Phổ khối lượng của aspirin như hình sau đây. Xác định công thức phân tử của Aspirin.

 

Phương pháp giải:

Có thể dự đoán phân tử khối của hợp chất hữu cơ đơn giản bằng tín hiệu của mảnh ion phân tử (kí hiệu là [M+]). Mảnh ion phân tử này thường ứng với tín hiệu có giá trị m/z lớn nhất.

Thiết lập công thức phân tử hợp chất hữu cơ (CxHyOzNt) từ phân tử khối (M) được khái quát như sau:

\({\rm{x  =  }}\frac{{{\rm{\% }}{{\rm{m}}_{\rm{C}}}}}{{{\rm{12}}}} \times \frac{{\rm{M}}}{{{\rm{100}}}}{\rm{; y  =  }}\frac{{{\rm{\% }}{{\rm{m}}_{\rm{H}}}}}{{\rm{1}}} \times \frac{{\rm{M}}}{{{\rm{100}}}}{\rm{; z  =  }}\frac{{{\rm{\% }}{{\rm{m}}_{\rm{O}}}}}{{{\rm{16}}}} \times \frac{{\rm{M}}}{{{\rm{100}}}}{\rm{; t  =  }}\frac{{{\rm{\% }}{{\rm{m}}_{\rm{N}}}}}{{{\rm{14}}}} \times \frac{{\rm{M}}}{{{\rm{100}}}}\)

Với x, y, z, t lần lượt là số nguyên tử C, số nguyên tử H, số nguyên tử O, số nguyên tử N; %mC, %mH, %mO, %mN lần lượt là % khối lượng của các nguyên tố C, H, O, N trong hợp chất hữu cơ.

Lời giải chi tiết:

Gọi công thức phân tử của aspirin là CxHyOz.

Từ phổ khối lượng của aspirin, ta có: \({{\rm{M}}_{{\rm{aspirin}}}} = 180\)

\(\begin{array}{l}{\rm{x  =  }}\frac{{{\rm{\% }}{{\rm{m}}_{\rm{C}}}}}{{{\rm{12}}}} \times \frac{{\rm{M}}}{{{\rm{100}}}}{\rm{  =  }}\frac{{60}}{{{\rm{12}}}} \times \frac{{180}}{{{\rm{100}}}} = 9\\{\rm{y  =  }}\frac{{{\rm{\% }}{{\rm{m}}_{\rm{H}}}}}{{\rm{1}}} \times \frac{{\rm{M}}}{{{\rm{100}}}}{\rm{ =  }}\frac{{4,44}}{{\rm{1}}} \times \frac{{180}}{{{\rm{100}}}} \approx 8\\{\rm{z  =  }}\frac{{{\rm{\% }}{{\rm{m}}_{\rm{O}}}}}{{{\rm{16}}}} \times \frac{{\rm{M}}}{{{\rm{100}}}}{\rm{ =  }}\frac{{35.56}}{{{\rm{16}}}} \times \frac{{180}}{{{\rm{100}}}} \approx 4\end{array}\)

Vậy công thức phân tử của aspirin là C9H8O4.


14.12

Xác định loại đồng phân cấu tạo có thể có và viết các đồng phân cấu tạo có thể có của các hợp chất có công thức phân tử C4H9Cl và C8H10 (hydrocarbon thơm).

Phương pháp giải:

Những hợp chất hữu cơ khác nhau nhưng có cùng công thức phân tử được gọi là các chất đồng phân của nhau.

+ Các đồng phân có tính chất hoá học khác nhau do chúng có cấu tạo hoá học khác nhau.

+ Ứng với một công thức phân tử có thể có các đồng phân cấu tạo về mạch carbon, loại nhóm chức, vị trí nhóm chức.

Lời giải chi tiết:

C4H9Cl có đồng phân cấu tạo về mạch carbon và vị trí nhóm thế (nhóm –Cl) trên mạch.

 

C8H10 (hydrocarbon thơm) có đồng phân về vị trí tương đối của các nhóm thế trên vòng bezene.

 

Bài giải tiếp theo