Bài tập Nói và nghe trang 32 Sách bài tập Ngữ Văn 6 tập 1 Chân trời sáng tạo
Nếu có một người bạn nước ngoài muốn tìm hiểu về thơ lục bát, em sẽ nói gì với bạn ấy?
Đề bài
Nếu có một người bạn nước ngoài muốn tìm hiểu về thơ lục bát, em sẽ nói gì với bạn ấy?
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Xử lý tình huống
Lời giải chi tiết
Để có được nền văn học phong phú như hiện nay, chúng ta phải kể đến công lao của các nhà thơ, nhà văn từ thuở sơ khai cho đến hiện đại. Trong các thể thơ nổi tiếng của nước nhà phải kể đến thể thơ lục bát. Thơ lục bát đã thấm đẫm tâm hồn người Việt chúng ta vì đó là thể thơ trong ca dao, đồng dao và các bài ru con. Thơ lục bát rất giản dị về quy luật, dễ làm thường dùng để diễn tả những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn con người. Bắt nguồn từ ca dao, dân ca, được phát triển qua các truyện thơ Nôm… thơ lục bát đã đạt đến sự hoàn thiện hoàn mỹ với Truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du. Trong thơ ca hiện đại, thơ lục bát vẫn được tiếp tục phát huy qua thơ Nguyễn Bính, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa… và nhiều nhà thơ khác, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong lòng người đọc.
Thơ lục bát ngay từ tên gọi đã cho ta biết số tiếng trong mỗi câu. Thơ gồm các cặp câu, mỗi cặp lục bát sẽ bao gồm hai câu, một câu sáu chữ (tiếng) và một câu tám chữ (tiếng). Độ dài ngắn của thơ lục bát là hoàn toàn phụ thuộc vào chủ định của người sáng tác. Số câu trong bài không hạn định, ít nhất là hai, nhiều có thể lên tới hàng ngàn, vài ngàn câu như các truyện thơ Nôm mà tiêu biểu nhất là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Trong ca dao, có những bài chỉ vẻn vẹn hai câu mà đủ sức thể hiện, khái quát một nội dung, một vấn đề nào đó của xã hội, hay một trạng thái tình cảm của con người, ví dụ như:
Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Về cách gieo vần, tiếng thứ 6 của dòng lục vần với tiếng thứ 6 của dòng bát kế nó, tiếng thứ 8 dòng bát vần với tiếng thứ 6 của dòng lục tiếp theo. Vần có hai loại: Vần lưng và vần chân. Hai dòng lục bát hiệp theo vần lưng có nghĩa là tiếng thứ sáu của câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát. Ví dụ như:
Công cha đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân
Nếu tiếp tục kéo dài thì tiếng thứ tám của câu bát lại vần với tiếng thứ sáu của câu lục bên dưới. Đó là vần chân. Ví dụ:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Về ngắt nhịp, thơ lục bát thường được ngắt nhịp chẵn, ví dụ như 2/2/2, 2/4/2, 4/4,....Ví như dụ câu thơ dưới đây ngắt nhịp 2/2/2:
Người thương/ơi hỡi/ người thương
Đi đâu /mà để /buồng hương/ lạnh lùng
Về thanh điệu là sự phối hợp thanh điệu giữa các tiếng trong một cặp câu lục bát. Ta có thể thấy, chữ thứ hai và chữ thứ sáu của câu bát thì đều là vần bằng, nhưng yêu cầu đặt ra ở đây là chúng không được cùng một thanh. Nếu chữ thứ sáu là thanh không có dấu, hay còn gọi là phù bình thì chữ thứ tám phải thuộc thanh trầm bình. Ví dụ cụ thể như trong bài ca dao sau:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Sau khi tìm hiểu về thơ lục bát, ta cũng phần nào hiểu được cách mà các nhà thơ sáng tạo ra một tác phẩm văn chương, đó là cả một quá trình, vừa thể hiện được tài năng, vừa thể hiện được tư duy nhanh nhạy của các thi sĩ.
Những bài thơ được làm theo thể thơ lục bát rất gần gũi và gắn bó với nhân dân, dễ dàng tiếp cận, rất dễ thuộc, dễ nhớ đối với những tầng lớp nhân dân có trình độ học vấn chưa cao. Chính vì vậy, đây là một thể thơ phổ biến trong đời sống nhân dân lao động. Ngày nay, tuy đời sống thi ca có phần đi xuống nhưng sự ưa chuộng của người Việt đối với thể thơ lục bát vẫn còn rất sâu đậm. Không những nó là một thể thơ có khả năng thể hiện cái hồn tính của dân tộc mà còn là một loại hình nghệ thuật độc đáo và tài hoa bậc nhất thế giới.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài tập Nói và nghe trang 32 Sách bài tập Ngữ Văn 6 tập 1 Chân trời sáng tạo timdapan.com"