Bài tập Nói và nghe trang 21 Sách bài tập Ngữ Văn 6 tập 1 Chân trời sáng tạo
Theo em, việc kể lại một truyện cổ tích bằng cách viết và bằng cách nói có gì khác nhau không? Nếu có, những điễm khác đó là gì? Từ những điểm khác đó, em rút ra được kinh nghiệm gì cho bài nói của mình?
Câu 1
1. Theo em, việc kể lại một truyện cổ tích bằng cách viết và bằng cách nói có gì khác nhau không? Nếu có, những điễm khác đó là gì? Từ những điểm khác đó, em rút ra được kinh nghiệm gì cho bài nói của mình?
Phương pháp giải:
Dựa vào trải nghiệm viết và kể chuyện của em để trả lời
Lời giải chi tiết:
* Việc kể lại một truyện cổ tích bằng cách viết và bằng cách nói có sự khác nhau:
- Cách viết: được viết thành một bài văn hoàn chỉnh, đúng ngữ pháp, đúng lỗi chính tả, trình bày các sự việc chi tiết theo một lối văn chương.
- Cách nói:
-
Dùng các giọng điệu khác nhau giữa các nhân vật, kết hợp lời kế với cử chỉ, nét mặt, điệu bộ để bộc lộ được câu chuyện.
-
Văn nói được trình bày ngắn gọn dưới dạng từ và sử dụng ngôn ngữ nói.
* Rút kinh nghiệm cho bài nói:
- Cần phải luyện tập trước khi kể bằng văn nói.
- Chú ý giọng điệu khi kể (thấp, cao, to nhỏ, nhanh, chậm,...) phù hợp với lời kể của các nhân vật, sự việc khác nhau.
- Kết hợp nét mặt, cử chỉ, điệu bộ cho phù hợp với bối cảnh câu chuyện.
- Khi trình bày ngắn gọn dưới dạng từ và sử dụng ngôn ngữ nói, tránh dùng ngôn ngữ viết hoặc đọc lại bài viết.
Câu 2
2. Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có nhiều truyện về người mang lốt vật. Em hãy chọn một truyện để kể cho các bạn trong lớp nghe.
Lời giải chi tiết:
* Các truyện cổ tích về người mang lốt vật như: Sọ Dừa; Lấy vợ Cóc; Lấy chồng Dê. Em hãy chọn một truyện để kể cho các bạn trong lớp nghe.
* Khi chuẩn bị trình bày, các em thực hiện theo 4 bước gồm:
- Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói
- Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
+ Đọc thật kĩ chuyển cổ tích
+ Tìm ý và lập dàn ý cho bài nói.
- Bước 3: Luyện tập và trình bày
+ Đứng trước gương để tập kể lại câu chuyện.
+ Chú ý giọng điệu khác nhau giữa các nhân vật, kết hợp lời kế với cử chỉ, nét mặt, điệu bộ.
+ Tóm tắt nội dung trình bày, sắp xếp các ý theo thứ tự, lựa chọn những từ ngữ thích hợp với ngôn ngữ nói.
- Bước 4: Trao đổi, đánh giá
+ Tự dùng Bảng kiểm bài nói kể lại một tuyện cổ tích trong SGK, tr. 60 để góp ý cho bạn và tự đánh giá bài kể của mình.
* Ví dụ: Câu chuyện Lấy chồng Dê:
Ngày xưa, ở một vùng gần biển, có hai vợ chồng nhà nọ, đầu tóc đã hoa râm mà vẫn hiếm hoi. Hai vợ chồng cầu khấn khắp nơi mong có mụn con khỏi phải hiu quạnh lúc tuổi già. Thế rồi người vợ bỗng có mang, chín tháng mười ngày đẻ ra một bọc, khi mở ra thì không phải là người mà là một con dê đực. Chồng bực mình bảo vợ đem ném xuống sông cho khuất mắt, nhưng người vợ không nỡ, khuyên chồng cứ để lại nuôi.
Trong lòng phiền não, người chồng phát ốm rồi từ giã cõi đời. Trái lại, dê thì hay ăn chóng lớn, lại biết trông gà, chăn lợn, giúp đỡ mẹ những việc vặt trong nhà. Vì thế, mẹ dê cũng phần nào khuây khỏa.
Một hôm dê đi chơi đâu về, tới đặt đầu vào lòng mẹ nói:
- Mẹ ạ! Phú ông làng bên có ba cô con gái, mẹ đi dạm cho con một cô!
Mẹ dê nghe con nói không nhịn được cười, bảo:
- Mày thật là đứa không biết phận mình. Đời nào phú ông lại gả con cho cái thứ dê như mày cơ chứ!
Nhưng dê một hai bắt mẹ mang trầu cau đến hỏi cho bằng được. Sau cùng, thấy con vật nài hết sức, nên chiều lòng con, mẹ đành đánh bạo đến nhà phú ông. Giáp mặt phú ông, ngần ngại mãi, bà mới dám mở miệng ngỏ lời. Vừa nghe nói, phú ông đã đùng đùng nổi giận, quát mắng om sòm:
- Câm mau cái con mụ này! Đồ láo! Dám vác mặt tới đây hỏi con vàng con ngọc của ta cho con dê của mụ kia à? Muốn tốt thì xéo ngay đi!
Nhưng theo lời con dặn, mẹ dê vẫn cứ nhẫn nhục ngồi lại, một hai nói mãi không thôi. Cuối cùng phú ông bất đắc dĩ bảo:
- Thôi được, ta cũng chiều lòng mụ gọi các con ta ra đây hỏi xem, hễ đứa nào bằng lòng lấy con mụ thì ta sẽ gả.
Nói xong, phú ông cho gọi ba cô con gái đến trước mặt, rồi hỏi ngay con gái đầu lòng:
- Con có muốn về làm dâu nhà mụ này không?
Cô gái nguýt mẹ dê một cái rõ dài rồi hối hả đi vào, không quên buông một câu nói vội:
- Úi dào, chồng người chả lấy, lại lấy chồng dê!
Phú ông cười ha hả. Lại hỏi đến cô con gái thứ hai:
- Còn con có ngại hắn là dê không nào?
- Thưa cha, con là người không thể lấy được dê.
Đến lượt cô con gái thứ ba, phú ông lại hỏi:
- Còn con nữa, con cũng thế chứ?
Nhưng cô thứ ba đã khép nép cúi đầu thưa:
- Cha mẹ đặt đâu con xin ngồi đấy!
Phú ông chưa bao giờ ngạc nhiên đến thế. Nhưng đã chót hứa với mẹ dê, hắn không còn biết nói năng ra sao nữa. Hắn nghĩ: - "Không cần từ chối, ta cứ thách cưới cho rõ nặng, nhất định các vàng cũng không dám "chơi chèo". Hắn bèn đòi mẹ dê phải đủ sính lễ một trăm trâu bò, một trăm lợn, một mâm vàng, một mâm bạc mới được đón đâu về. Nghe nói, mẹ dê lật đật chạy về kể lại cho con nghe và nói:
- Con ạ! Hãy từ bỏ ý định ngông cuồng đi thôi. Phú ông tuy nói gả nhưng lại thách cao như thế, họa có vua chúa mới biện đủ.
- Đừng lo mẹ ạ - dê con trả lời - con sẽ lo được.
Đêm hôm ấy, trong khi mẹ dê ngủ, thì dê bước ra sân trút lốt dê thành một chàng trai trẻ. Khi chàng hô lên: - "Lấy cho ta mọi thứ để làm sính lễ", lập tức các gia nô xuất hiện trước mặt chàng rất đông, họ đội đến đủ số vàng bạc và dắt đến đủ số trâu, bò, lợn, rồi biến mất. Chàng trai lại chui trở vào lốt dê, gọi mẹ dậy nhận đủ lễ vật để sửa soạn ngày mai đưa sang cho phú ông.
Ngày rước dâu, dê bon bon đi trước, còn cô gái út phú ông lẽo đẽo theo sau cùng với hai chị. Sau khi vào buồng làm lễ hợp cẩn, cô gái bỗng thấy chồng mình trút lốt dê ra thành một chàng trai tuấn tú thì vừa sợ vừa mừng. Sáng dậy chồng lại chui vào lốt dê như cũ, rồi ra nhà ngoài. Hai người chị vợ cố nán ở lại để xem em mình ăn ở với dê ra làm sao. Nhưng khi gặp người em, họ chả thấy em có vẻ gì là băn khoăn hối hận về việc có chồng là dê cả. Không khỏi lấy làm ngạc nhiên, họ tỉ tê hỏi dò em cho ra sự thực. Vợ dê kể lại cho hai chị biết mọi việc trước sau. Đêm lại, hai chị lén trổ vách buồng của em nhìn vào quả thấy đúng như lời em nói. Họ không ngờ chồng của em lại khôi ngô trẻ đẹp vượt xa bọn con trai trong thiên hạ. Hôm sau hai chị khuyên em phá lốt dê đi để cho chồng không còn biến vào đâu được. Quả nhiên từ đấy dê chấn dứt cuộc đời đội lốt dê. Còn hai người chị thì lại hối tiếc và ghen tị với số phận may mắn của em.
Hơn một năm sau, một hôm chồng trao cho vợ một con dao và một hòn đá lửa, dặn rằng:
- Tôi có một số công việc phải vượt muôn trùng sóng nước, chưa hẹn được ngày về, cũng không thể đem nàng đi được. Nàng ở nhà nhớ đừng đi đâu xa. Hai vật hộ thân này hãy luôn luôn mang bên người đừng quên, có khi dùng được việc.
Rồi một sáng sớm, Dê từ biệt mẹ và vợ dong buồm ra khơi. Vợ Dê ở nhà thức khuya dậy sớm, hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng. Nhớ lời chồng dặn, bao giờ con dao và hòn đá cũng được giắt ở bên lưng.
Một ngày kia, hai chị đến nhà rủ em đi trẩy hội. Vợ dê trước chối từ nhưng sau thấy hai chị dỗ mãi, bèn theo họ ra đi. Cả ba người xuống một chiếc thuyền đậu sẵn ở bến. Thuyền băng băng rẽ sóng, chị em cùng nhau vui vẻ chuyện trò. Qua ngày hôm sau, ba chị em lại quây quần ngắm mây trông sóng ở đằng mũi thuyền. Nhưng đã lập mưu sẵn, hai chị thừa lúc em vô ý bất thần đẩy em xuống biển. Vợ dê chưa kịp kêu lên thì đã bị sóng khỏa chìm nghỉm. Còn hai chị, thi hành xong kế độc, liền hối hả cho thuyền vào bờ, rồi giả bộ hốt hoảng báo tin rằng em mình không may sẩy chân rơi xuống nước.
Lại nói chuyện vợ dê trong khi đang vùng vẫy có ngoi lên khỏi mặt nước thì bỗng có một con cá kình lao tới đớp ngay vào bụng. Sẵn dao bên mình nàng lập tức rút ra đâm chém tứ tung. Cá kình bị thương quẫy rất dữ dội. Nhưng vì bị thủng bụng nên chỉ một lúc sau cá đã tắt thở, nằm phơi bụng nổi lên mặt nước. Chăng bao lâu sóng biển đánh giạt xác cá vào một hòn đảo. Vợ Dê liền cầm dao rạch luôn bụng cá, chui ra ngoài. Đó là một hòn đảo hoang không có bóng người. Nàng bèn chặt cây dựng lều làm thành một chỗ ở bên bãi biển. Sẵn có đá lửa, nàng đốt củi lên sưởi, và xẻo thịt cá kình nướng ăn. Sau đó lại vào rừng hái trái đào củ, thay cho lương thực. Cứ như thế tất cả những khó khăn trong cuộc sống dần dần nàng đều vượt qua.
Một hôm, vợ Dê nhìn vọng ra ngoài khơi bỗng thấy xa xa có bóng một cánh buồm trắng. Nàng bèn buộc áo vào một cành cây phất lên làm hiệu. Con thuyền nhận được dấu hiệu của nàng, rẽ sóng tiến vào đảo. Khi thuyền cập bến, nàng sửng sốt thấy người trên thuyền không phải ai xa lạ chính là chồng mình. Đúng là chàng dê sau bao ngày vượt vời đang trên đường trở về quê hương, thấy dấu hiệu cầu cứu nên ghé vào đảo. Hai vợ chồng ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Chỉ một lát sau, Dê đã nghe hết đầu đuôi câu chuyện.
Khi thuyền về đến nhà, Dê giấu vợ không cho ai biết, rồi sai người dọn một bữa cỗ linh đình nói là để cúng vợ. Chàng cho mời làng nước và bà con họ hàng, cả gia đình nhà vợ tới dự. Hai người chị nghe tin Dê đã về thì mừng khấp khởi, vội đến ngay. Cả hai làm bộ khóc lóc thảm thiết trong khi bịa ra câu chuyện cái chết thảm thiết của cô em xấu số. Sau đó chúng mấy lần liếc mắt đưa tình để cám dỗ người em rể tuấn tú mà chúng vẫn ao ước được chung tình. Dê vẫn thủng thỉnh đi từ bàn nọ sang bàn kia, mời mọi người ăn uống no say. Đoạn Dê khoan thai bảo hai chị:
- Em xin vào nhà gọi người ra hầu hai chị!
Dê vén màn cho vợ từ trong buồng bước ra. Nàng tươi cười chào hỏi hai chị và mọi người, làm cho ai nấy đều sửng sốt. Hai người chị vừa thẹn vừa sợ, nhân lúc mọi người không chú ý, len lén bước ra khỏi cổng. Nhưng chúng đi chưa được một quãng đường đã bị thần sét nhảy xuống đánh chết.
Từ đấy hai vợ chồng Dê ăn ở với nhau sung sướng trọn đời.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài tập Nói và nghe trang 21 Sách bài tập Ngữ Văn 6 tập 1 Chân trời sáng tạo timdapan.com"