Phần 3. Thực hành trang 80 Chuyên đề học tập Văn 11 - Chân trời sáng tạo

Tóm tắt quy trình viết bài giới thiệu về tác giả văn học theo mẫu. Lập dàn ý chi tiết cho bài viết giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp/ giới thiệu phong cách nghệ thuật của một tác giả văn học


Câu 1

Câu 1 (trang 80, Sách chuyên đề Ngữ văn 11):

Tóm tắt quy trình viết bài giới thiệu về tác giả văn học theo mẫu.

Phương pháp giải:

Dựa vào cách triển khai trong văn bản tham khảo và hướng dẫn các bước để điền thông tin phù hợp vào bảng.

Lời giải chi tiết:

Quy trình viết

Thao tác cần làm

Điều cần lưu ý

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

+ Xác định đề tài, mục đích viết, người đọc.

+ Thu thập tài liệu.

+ Một bài giới thiệu có thể công bố bằng nhiều cách.

Bước 2: Tìm và lập dàn ý

+ Tìm ý

+ Lập dàn ý

+ Tìm đầy đủ các ý.

+ Sắp xếp phù hợp vào các phần.

Bước 3: Viết bài

+ Từ phần lập dàn ý viết hoàn chỉnh thành bài văn.

+ Câu văn nêu rõ luận điểm.

+ Ngôn ngữ khách quan, trung tính, không ca ngợi thái quá.

+ Nhan đề ngắn gọn, súc tích.

+ Có thể trích dẫn một số ý kiến đánh giá về tác giả đó của các nhà phê bình văn học.

 Bước 4: Xem và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

+ Xem lại và chỉnh sửa

+ Rút kinh nghiệm

 

Đọc kĩ lại chỉnh sửa những lỗi và rút kinh nghiệm cho bài sau.


Câu 2

Câu 2 (trang 80, Sách chuyên đề Ngữ văn 11):

a. Lập dàn ý chi tiết cho bài viết giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp/ giới thiệu phong cách nghệ thuật của một tác giả văn học( có thể chọn một trong các tác giả sau: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tố Hữu, Xuân Quỳnh, Phạm Tiết Duật, Hoàng Nhuận Cầm).

b. Từ dàn ý chi tiết, viết bài văn hoàn chỉnh

Phương pháp giải:

Dựa vào bài tập 1 về các bước để viết bài giới thiệu cuộc đời của tác giả văn học và dựa vào hiểu biết cá nhân để chọn tác giả phù hợp. 

Lời giải chi tiết:

- Chọn tác giả Nam Cao

* Dàn ý

I. Mở bài: Giới thiệu khái quát về nhà văn Nam Cao

II. Thân bài:

 a. Cuộc đời con người

- Tên thật Trần Hữu Tri (1915 – 1951) bút danh Nam Cao.

- Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Đại Hoàng tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, nay thuộc Hòa Hậu, Lí Nhân, Hà Nam.

- Nam Cao bôn ba nhiều nơi, nhưng bệnh tật đẩy ông về quê. Từ đó, Nam Cao sống chật vật bằng nghề dạy học và viết văn. 

 b. Sự nghiệp sáng tác

- Sinh thời, Nam Cao thường suy nghĩ về vấn đề “sống và viết”.

- Sự nghiệp của ông bắt đầu bằng các trang văn lãng mạn. Lúc này, quan điểm sáng tác lãng mạn ảnh hưởng đến Nam Cao khá rõ. Nhưng rồi, tác giả nhận ra: văn chương lãng mạn có phần xa lạ với đời sống lầm than, nhà văn lãng mạn thoát li không ưa sự thật; âm điệu ảo não, thất tình tràn đầy các trang sách của họ.

- Nam Cao là nhà văn hiện thực – người thư kí trung thành của thời đại. Với quan niệm “chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội”, văn chương sẽ không có giá trị, ông nghĩ: viết thì “rất cần sự thực”. 

- Trước 1945, tài năng Nam Cao kết tinh trong gần 60 truyện ngắn, một truyện vừa (Chuyện người hàng xóm), và tiểu thuyết Sống mòn. Tác phẩm của ông chủ yếu xoay quanh hai đề tài: người tri thức nghèo và nông dân bần cùng.

- Các tác phẩm của ông “Những truyện không muốn viết” (1942), “Trăng sáng” (1943), ” Đời thừa” (1943), “Sống mòn” (tiểu thuyết – 1944). “Chí Phèo” (1941), “Trẻ con không được ăn thịt chó” (1942), “Lão Hạc” (1943), “Một bữa no” (1943).

c. Các tác phẩm:

- Hoàn cảnh sáng tác

- Tóm tắt tác phẩm

- Ý nghĩa của tác phẩm

III. Kết bài: Đánh giá chung về tác giả Nam Cao và tác phẩm của ông.

* Bài viết hoàn chỉnh

Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc giai đoạn 1930 – 1945, là một cây bút viết về người nông dân hết sức chân thực, có đóng góp nhiều cho sự thành công của dòng văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

Tên khai sinh của ông là Trần Hữu Tri, sinh năm 1917, mất năm 1951. Quê ở làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nam Cao là cây bút luôn suy nghĩ, tìm tòi để “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Vì thế, đề tài của ông tuy không mới nhưng tác phẩm vẫn có những đặc sắc tâm lý.

Tác phẩm của Nam Cao chủ yếu xoay quanh hai đề tài chính: người nông dân và người trí thức tiểu tư sản nghèo, ở đề tài người trí thức tiểu tư sản có những tác phẩm: “Trăng sáng, Đời thừa, Mua nhà, Nước mắt…” và những truyện đáng chú ý khi ông viết về người nông dân như: “Lão Hạc, Chí Phèo, Một bữa no, Lang Rận…”.

Có thể nói dù viết về trí thức nghèo hay về người nông dân cùng khổ thì Nam Cao vẫn luôn day dứt, đau đớn trước tình trạng con người bị xói mòn về nhân phẩm, thậm chí huỷ diệt cả nhân tính trong cái xã hội phi nhân đạo đương thời. Nam Cao là người có ý thức trách nhiệm nhất về ngòi bút của mình, suốt cuộc đời lao động văn học, nhà văn luôn suy nghĩ về sống và viết.

Trong nền văn xuôi hiện đại nước ta, Nam Cao là nhà văn có tài năng xuất sắc và một phong cách độc đáo. Ngòi bút của Nam Cao vừa tỉnh táo, sắc lạnh, vừa nặng trĩu suy nghĩ và đằm thắm yêu thương. Văn Nam Cao hết sức chân thực, ông coi sự thực là trên hết, không gì ngăn được nhà văn đến với sự thực, vừa thấm đượm ý vị triết lí và trữ tình.

Ông có sở trường diễn tả, phân tích tâm lý con người. Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông sống động, uyển chuyển, tinh tế, rất gần với lời ăn tiếng nói của quần chúng. Với một tài năng lớn và giàu sức sáng tạo, Nam Cao đã góp phần quan trọng vào việc cách tân nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hoá.

Tác phẩm Nam Cao để lại chủ yếu là truyện ngắn, trong số những truyện ngắn viết về người nông dân, thì “Lão Hạc” là một truyện ngắn xuất sắc và tiêu biểu.

Thông qua số phận và cái chết của lão Hạc, Nam Cao đã thể hiện một thái độ trân trọng và cái nhìn nhân đạo đối với lão Hạc nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung – những con người nghèo khổ nhưng sống trong sạch, thà chết chứ không chịu mang tiếng nhục, làm những điều trái với lương tâm cao cả của mình.

Nam Cao cũng đã nêu lên một triết lý nhân sinh rằng: Con người chỉ xứng đáng với danh nghĩa con người khi biết trân trọng và chia sẻ, nâng niu những điều đáng quý, đáng thương ở con người. Đồng cảm với những số phận đáng thương, Nam Cao đã lên tiếng thông qua tác phẩm là tiếng nói lên án xã hội đương thời thối nát, bất công, không cho những con người có nhân cách cao đẹp như lão được sống. Tác phẩm “Lão Hạc” cũng mang một giá trị nghệ thuật sâu sắc, thể hiện được phong cách độc đáo của nhà văn Nam Cao.

Tóm lại, nhà văn Nam Cao đã có những đóng góp không nhỏ trong nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã để lại nhiều giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

Bài giải tiếp theo