I. Tình huống - vấn đề - Bài 1 : Tôn trọng lẽ phải
Giải câu hỏi 1, 2, 3 trang 5, 6, 7 sách bài tập tình huống Giáo dục công dân 8. Thảo luận về lẽ phải, các em trong tổ 1 có ý kiến khác nhau : Lẽ phải là điều đúng đắn; lẽ phải là điều hợp với đạo lí ; ....
Câu 1
Thảo luận về lẽ phải, các em trong tổ 1 có ý kiến khác nhau:
- Lẽ phải là điều đúng đắn.
- Lẽ phải là điều hợp với đạo lí.
- Lẽ phải là điều hợp với lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội.
- Lẽ phải là điều mà khoa học chứng minh là đúng.
- Lẽ phải là điều mà xưa ông bà đã làm, nay con cháu làm theo.
Em đưa ra các ví dụ về từng trường hợp trên, phân tích ví dụ đó và cho biết ý kiến riêng của em về từng trường hợp. Có phải tất cả những điều nêu trên đều là lẽ phải không ?
Lời giải chi tiết:
- Lẽ phải là điều đúng đắn.
Ví dụ: Luôn tuân thủ đúng các quy luật mà nhà trường đặt ra trong nhà trường: mặc đồng phục, không gian lận trong thi cử,…
Vậy điều đúng đắn được coi là lẽ phải.
- Lẽ phải là điều hợp với đạo lý:
Ví dụ: Câu thành ngữ: “Uống nước nhớ nguồn” là một minh chứng cho đạo lý lâu đời của dân tộc ta. Đạo lý đó được truyền lại từ đời này sang đời khác nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên.
Vậy điều hợp với đạo lí được coi là lẽ phải.
- Lẽ phải là điều hợp với lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội:
Ví dụ: Những điều luật trong luật pháp, hiến pháp của nhà nước đặt ra nhằm phục vụ lợi ích cho nhân dân hướng người dân sống đúng đắn.
Vậy điều hợp với lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội được coi là lẽ phải.
- Lẽ phải là những điều mà khoa học chúng minh là đúng:
Ví dụ: Khoa học đã từng chứng minh rất nhiều điều đúng đắn về cuộc sống và cả con người. Ta có thể thấy những điều mà khoa học chứng minh là đúng đắn tuy nhiên vẫn chưa thể nói đây chính là lẽ phải. Ví như câu hỏi nguồn gốc của tư duy vẫn chưa được tìm ra. Các nhà khoa học cho rằng tư duy là giác quan của con người bắt nguồn từ não bộ nhưng thực vật không có não và hệ thần kinh trung ương nhưng vẫn cảm nhận được ánh sáng và thậm chí là cả âm thanh.
Vậy những điều mà khoa học chúng minh là đúng chưa thực sự là lẽ phải.
- Lẽ phải là điều mà xưa ông bà ta đã làm, nay con cháu làm theo:
Ví dụ: như phong tục đốt pháo hay thả đèn trời được ông bà ta làm vào mỗi dịp Tết đến xuân về để chúc mừng một năm mới an khang nhưng đến ngày nay những tập tục đó gần như đã bị bỏ vì lý do có nguy cơ cháy nổ gây nguy hiểm.
Vậy điều mà xưa ông bà ta đã làm, nay con cháu làm theo chưa thực sự là lẽ phải.
Kết luận: Không phải tất cả những điều trên đều là lẽ phải.
Câu 2
Em đã học môn Giáo dục công dân ở lớp 6 và lớp 7 với những chủ đề về đạo đức và pháp luật:
- Về đạo đức có các chủ đề :
+ Siêng năng, kiên trì.
+ Tiết kiệm.
+ Tự chăm sóc, rèn luyện thân thể,
+ Lễ độ.
+ Tôn trọng kỉ luật.
+ Biết ơn.
+ Yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên
+ Sống chan hoà với mọi người.
+ Lịch sự, tế nhị.
+ Tích cực, tự giác trong hoạt động tập thể, hoạt động xã hội.
+ Sống giản dị.
+ Trung thực.
+ Tự trọng.
+ Yêu thương con người.
+ Tôn sư trọng đạo,
+ Đoàn kết, tương trợ.
+ Khoan dung.
+ Xây dựng gia đình văn hoá.
- Về pháp luật có các chủ đề :
+ Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
+ Thực hiện trật tự, an toàn giao thông.
+ Quyền trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục.
+ Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
+ Quyền và nghĩa vụ học tập.
+ Quyền được bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự, chỗ ở, bí mật thư tín ...
Theo em, trong hai nhóm chủ đề trên, chủ đề nào quan hệ chặt chẽ với việc “tôn trọng lẽ phải” ? Tại sao ?
Lời giải chi tiết:
Trong hai nhóm chủ đề đã học ở môn Giáo dục công dân lớp 6 và lớp 7, chủ đề 2 quan hệ chặt chẽ với việc “tôn trọng lẽ phải”. Bởi vì, pháp luật thường có tính chặt chẽ, bắt buộc, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho con người nên cần phải dựa trên cơ sở của sự thật.
Câu 3
Doãn Thuần(1) lúc nhỏ học ông Trình Di (2) chỉ lo học để theo nghề khoa cử. Có một khoa thi tiến sĩ, ông đã vào đến kì Văn sách (bài hỏi để học trò giải quyết theo ý của mình), đầu đề là : “Tru Nguyên Hựu chư thần” nghĩa là giết các bầy tôi đời Nguyên Hựu (3) Doãn Thuần bỏ bài, không làm đi ra. Khi về, ông thưa với thầy là ông Trình Di rằng :
- Từ nay con không đi thi tiến sĩ nữa.
Ông Trình Di nói : Ngươi còn có mẹ già kia mà !
Doãn Thuần về thưa chuyện thi cử với mẹ và nhắc lại cả câu nói của thầy Trình Di.
Bà mẹ nói:
- Ta muốn con lấy “điều phải” mà nuôi ta, hơn là lấy “bổng lộc không ra gì” mà nuôi ta.
Ông Trình Di nghe thấy câu ấy, khen rằng, “Giỏi thay một người mẹ như thế !”.
Tống sử Doãn Thuần truyện
(Theo Cổ hộc tinh hoa)
(1), (2), (3) Đời Tống (Trung Quốc - Thế kỉ X - XII)
Gợi ý : Bầy tôi của đời Nguyên Hựu nhà Tống đều là người giỏi, ra đề thi “giết các bầy tôi đời Nguyên Hựu” tức là làm điều trái với lẽ phải. Trình Di, thầy học của Doãn Thuần bảo Doãn Thuần thi, làm quan vì còn mẹ già phải nuôi, đó cũng là lẽ phải.
Câu chuyện trên nói đến “lẽ phải” theo cách nhìn, cách nghĩ riêng của từng người (ông Trình Di, Doãn Thuần, mẹ ông Doãn Thuần). Tại sao lời nói của bà mẹ ông Doãn Thuần là hợp lẽ phải nhất ? Em hãy giải thích.
Lời giải chi tiết:
Lời nói của bà mẹ ông Doãn Thuần là hợp lẽ phải nhất vì đề bài thi mang nghĩa giết những người giỏi nên viêc mẹ ông Doãn Thuần có ý ủng hộ con bỏ thi là đúng đắn bởi giết người giỏi là trái lẽ phải. Bà muốn con mình sống đúng đắn, làm những việc hợp lẽ phải để phụng dưỡng bà, trở thành một người tốt chứ không vì chút bổng lộc cỏn con mà làm trái lẽ phải. Đó trở thành một bài học lớn về “tôn trọng lẽ phải”.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "I. Tình huống - vấn đề - Bài 1 : Tôn trọng lẽ phải timdapan.com"