B. Hoạt động thực hành - Bài 8B: Ước mơ giản dị

Giải bài 8B: Ước mơ giản dị phần hoạt động thực hành trang 86, 87 sách VNEN tiếng việt 4 với lời giải dễ hiểu


Câu 1

1. Chuẩn bị kể chuyện về ước mơ.

1) Thi nêu đúng và nhanh tên truyện trong Hướng dẫn học Tiếng Việt 4, tập một nói về ước mơ của con người.

Gợi ý:

- Trung thu độc lập: ước mơ của anh chiến sĩ về tương lai giàu đẹp của đất nước.

- Ở Vương quốc Tương Lai: ước mơ của các bạn nhỏ mang lại cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp và giàu mạnh cho con người.

- Lời ước dưới trăng: ước mơ giản dị và cao đẹp của chị Ngàn.

- Đôi giày ba ta màu xanh: ước mơ giản dị của chị phụ trách Đội và Lái.

2) Những câu chuyện kể lại ước mơ của con người:

a) Những ước mơ đẹp: Cô bé bán diêm, Không gia đình, Ở Vương quốc Tương Lai.

b) Những ước mơ viển vông, phi lí: Ba điều ước, Ông lão đánh cá và con cá vàng.


Câu 2 -> 3

2. a) Kể chuyện về ước mơ.

    b) Nhận xét bạn kể.

    c) Thảo luận về ý nghĩa của câu chuyện.

Trả lời:

     Em đã từng được mẹ kể cho nghe câu chuyện Cô bé bán diêm. Truyện đã để lại cho em ấn tượng khó quên về hình ảnh một cô bé với những điều ước giản đơn và tươi đẹp. Câu chuyện như sau:

     Trong đêm giao thừa, trời rét mướt, có một cô bé đầu trần, chân đi đất với cái bụng đói đang rầu rĩ bán diêm trong bóng tối. Cô bé bán diêm ấy đã mồ côi mẹ và cũng đã mất đi người thương yêu em nhất là bà nội. Em không dám về nhà vì sợ bố sẽ đánh em. Vừa lạnh vừa đói, cô bé ngồi nép vào một góc tường rồi khẽ quẹt một que diêm để sưởi ấm. Que diêm thứ nhất cho em có cảm giác ấm áp như ngồi bên lò sưởi. Em vội quẹt que diêm thứ hai, em được thấy một bàn ăn thịnh soạn hiện lên. Rồi em quẹt que diêm thứ ba và được thấy cây thông Nô-en. Quẹt que diêm thứ tư: bà nội hiền từ của em hiện lên đẹp đẽ, gần gũi và phúc hậu biết mấy. Nhưng ảo ảnh đó nhanh chóng tan đi sau sự vụt tắt của que diêm. Em vội vàng quẹt hết cả bao diêm để mong níu bà nội lại. Cô bé bán diêm đã chết trong giá rét khi mơ cùng bà bay lên cao mãi.

     Sau khi nghe xong câu chuyện, em luôn tin rằng: chắc chắn cô bé sẽ tìm kiếm được hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn trên thiên đàng cùng với sự che chở và tình thương yêu của người bà yêu dấu.

3. Thi kể chuyện trước lớp.


Câu 4

4. Đọc lại bài Đôi giày ba ta màu xanh và cho biết:

- Các đoạn văn được sắp xếp theo trình tự nào?

- Các câu mở đầu đoạn văn đóng vai trò gì trong việc thể hiện trình tự ấy?

Trả lời:

- Các đoạn văn được sắp xếp theo trình tự thời gian.

- Các câu mở đầu đoạn văn đóng vai trò thể hiện sự tiếp nối về thời gian, liên kết đoạn trước với đoạn sau của câu chuyện, giúp cho câu chuyện thêm mạch lạc.


Câu 5

5. Kể lại một đoạn của câu chuyện em đã học, trong đó các sự việc được sắp xếp theo trình tự thời gian. Viết đoạn văn đó vào vở.

Lưu ý:

- Kể các sự việc đúng trình tự trước sau.

- Dùng các từ ngữ chỉ thời gian ở đầu mỗi đoạn.

Trả lời:

     Ngày xưa, ở vương quốc Đa-ghét-xtan có một ông vua nổi tiếng bạo ngược. Dưới triều đại ông ta, nhân dân hết sức lầm than. Thế rồi khắp nơi nơi bỗng truyền đi một bài hát thống thiết, lên án thói hống hách bạo tàn của nhà vua và phơi bày nỗi thống khổ của nhân dân. Mọi người dân, từ người lớn đến trẻ con, ai ai cũng say sưa ca bài hát ấy.

     Một ngày kia, bài hát lọt đến tai nhà vua. Ngài lập tức ra lệnh lùng bắt kì được kẻ sáng tác bài ca phản loạn ấy. Các quan đại thần và lính cận vệ ra sức sục sạo cũng không thể tìm được ai là tác giả của bài hát. Vì vậy, nhà vua hạ lệnh tống giam tất cả các nhà thơ và những nghệ nhân hát rong.

     Ba hôm sau, tất cả những người đó được giải vào cung, mỗi người phải hát cho nhà vua nghe một bài hát do chính mình sáng tác.