B. Hoạt động thực hành - Bài 4B: Trái đất là của chúng mình

Giải bài 4B: Trái đất là của chúng mình phần hoạt động thực hành trang 43, 44, 45 sách VNEN tiếng việt 5 với lời giải dễ hiểu


Câu 1

Lập dàn ý cho bài văn miêu tả trường em

a) Quan sát trường em. Viết vào vở những điều em quan sát được.

b) Lập dàn ý cho bài văn tả trường em.

Phương pháp giải:

a. Mở bài:

Giới thiệu: Trường em nằm ở vị trí nào? Đặc điểm gì nổi bật giúp mọi người dễ nhận ra ngôi trường đó? ... (Hoặc: Lí do em muốn tả cảnh ngôi trường đang học).

b. Thân bài:

- Cảnh bên ngoài trường: Lối đi vào có gì nổi bật? cổng trường thế nào? Biển ghi tên trường ra sao? Hoạt động trước cửa trường vào thời điểm miêu tả có điểm gì đáng nói?...

- Cảnh bên trong trường:

+ Sân trường rộng hay hẹp? Cây cối thế nào? Trên sân trường có những cảnh gì nổi bật (về âm thanh, màu sắc...)?

+ Khu vực lớp học (trước mặt em, bên phải, bên trái) được bố trí ra sao? Các phòng học có những điểm gì làm em chú ý (cửa ra vào, cửa sổ,...)? ...

+ Các khu vực khác ở trường em (văn phòng, nhà hiệu bộ, thư viện, phòng thiết bị dạy học, vườn trường, bồn hoa cây cảnh,...) có gì nổi bật?

c. Kết bài:

Cảnh trường (vào lúc miêu tả) gợi cho em những cảm nghĩ gì? (Hoặc: Em có suy nghĩ gi về ngôi trường thân yêu của mình?

Lời giải chi tiết:

Dàn bài tham khảo:

MB: Giới thiệu bao quát:

- Trường nằm trên một khoảng đất rộng.

- Đứng từ xa xa đã thấy ngôi trường nổi bật với mái đỏ, tường rào và những hàng cây bao quanh.

TB: Tả từng phần của ngôi trường

- Sân trường:

+Sân si măng rộng.

+Giữa sân là cột cờ

+Trên sân có một số cây bàng, phượng, bằng lăng cành lá vươn rộng tỏa bóng mát.

+Hàng ghế đá bên sân trường dưới những tán cây là nơi được các bạn học sinh vô cùng yêu thích.

+Hoạt động: Sân trường là nơi các bạn học sinh tập trung lại vào những tiết chào cờ hay những ngày kỉ niệm. Ồn ào, náo nhiệt vào mỗi giờ ra chơi và yên ắng lại khi các bạn học sinh trở lại lớp học.

- Lớp học:

+Ba tòa nhà hai tầng xếp thành hình chữ U.

+Tòa nhà mái đỏ, sơn vàng

+Các lớp học rộng rãi, thoáng mát. Có quạt trần, đèn điện, giá sách, giá trưng bày các tác phẩm. Tường lớp trang trí tranh, ảnh màu do học sinh tự vẽ. Có một góc thi đua lưu lại thành tích trong tuần của các bạn học sinh.

+Hoạt động: Trong giờ học , các học sinh chăm chú lắng nghe thầy cô giáo giảng bài.

- Phòng truyền thống ở tòa nhà chính: Lưu lại tranh ảnh, đồ lưu niệm của nhà trường

- Vườn trường

+Cây trong vườn

+Hoạt động chăm sóc cây của học sinh ở vườn trường

KB:

Trường học của em mỗi ngày một đẹp hơn nhà sự quan tâm của các thầy cô và chính quyền địa phương.

- Em rất yêu quý và tự hào về trường em.


Câu 2

Chọn viết một đoạn văn theo dàn ý trên.

Phương pháp giải:

Có thể chọn viết đoạn văn tả sân trường hoặc dãy lớp học / khu vực văn phòng...

Nên có câu mở đầu đoạn văn nêu ý chung, tiếp theo là các câu miêu tả cụ thể cảnh vật. Chú ý lựa chọn những từ ngữ, hình ảnh gợi tả, chi tiết tiêu biểu, sinh động (thể hiện sự quan sát tinh tế, bằng nhiều giác quan).

M: Sân trường không rộng lắm nhưng là khu vực thoáng đãng nhất của trường tôi. Hàng cây xà cừ trồng quanh sân như những chiếc ô che nắng cho chúng tôi vui đùa lúc ra chơi. Bốn góc sân trường sừng sững bôn cây phượng vĩ trồng đã lâu năm. Mùa hè, hoa phượng nở đỏ như những chùm lửa lập loè trong vòm lá. Nếu chú ý lắng nghe, bạn sẽ thấy tiếng chim hót líu lo như dạo khúc nhạc vui.

Theo Vũ Hoàng Linh

Lời giải chi tiết:

Đoạn văn tham khảo:

            Trường em bao gồm ba khu nhà hai tầng xếp quay vào nhau thành hình chữ U. Một khu nhà là phòng cô hiệu trưởng, cô hiệu phó, phòng truyền thống, phòng sinh hoạt chuyên môn của các thầy cô. Còn lại chính là nơi để chúng em học tập hằng ngày. Hai dãy nhà khang trang được quét ve màu vàng nổi bật. Dãy hành lang sạch sẽ, rộng rãi và thẳng tắp. Bên trong mỗi lớp học đều được bày trí giống nhau. Có đèn điện, quạt trần, bảng đen và bàn ghế sắp xếp ngay ngắn. Trong các phòng học còn có giá sách để chúng em có thể tìm đọc ngay tại lớp, phía cuối lớp có trang trí những bức tranh do chính tay chúng em vẽ. Nơi mà em yêu thích nhất trong lớp chính là bảng thành tích trong tuần. Một góc nhỏ thôi nhưng lưu lại hết những hoạt động của chúng em trong tuần vừa  qua, chúng em đã làm những gì, đạt được những gì, mục tiêu là gì,… mỗi lần nhìn vào đó em lại có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập. Trong mỗi tiết học, chúng em đều ngồi ngay ngắn, lắng tai nghe lời các thầy cô giáo giảng dạy. Mỗi khi muốn phát biểu ý kiến, sẽ giơ tay và đặt ngay ngắn trên bàn. Lớp học là nơi đã lưu giữ bao nhiêu kỉ niệm của chúng em. Hết năm học này, dù có phải chuyển tới một phòng học khác thì em vẫn sẽ mãi ghi nhớ kỉ niệm về nơi này.


Câu 3

Câu 3: Kể lại câu chuyện Tiếng vĩ cầm ở Mĩ Lai

a. Nghe thầy cô kể lại chuyện Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai.

b. Dựa vào lời kể của thầy cô và lời ghi dưới mỗi bức ảnh, em hãy giới thiệu thêm về mỗi hình ảnh dưới đây.

c. Mỗi nhóm cử đại diện kể lại câu chuyện Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai.

Phương pháp giải:

- Câu chuyện xảy ra vào thời gian nào?

- Truyện phim có những nhân vật nào?

- Sau ba mươi năm, Mai-cơ đã đến Việt Nam để làm gì?

- Quân đội Mĩ đã tàn sát mảnh đất Mỹ Lai như thế nào?

- Những việc làm nào thể hiện còn một số lính Mĩ vẫn có lương tri và ghê sợ hành động của quân đội Mĩ?

- Tiếng đàn của Mai-cơ có ý nghĩa gì?

Lời giải chi tiết:

a) Nội dung văn bản truyện phim:

Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai

1. Bên sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi, xuất hiện một người Mĩ mang theo một cây đàn vĩ cầm. Đó là mai – cơ, một cựu chiến binh Mĩ tại Việt Nam. Sau 30 năm, ông muốn quay trở lại mặt đất đã từng chịu nhiều đau thương này với mong ước chơi một bản nhạc cầu nguyện cho linh hồn của những người đã khuất ở Mỹ Lai.

2. Mỹ Lai là một vùng quê thuộc xã Sơn Mỹ huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vào sáng ngày 16 tháng 3 năm 1968, chỉ trong vòng bốn tiếng đồng hồ, quân đội Mĩ đã hủy diệt hoàn toàn mảnh đất này: thiêu cháy nhà cửa, ruộng vườn, giết hại gia súc, bắn chết 504 người, phần lớn là cụ già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Có gia đình 11 người bị lính Mĩ ập tới, xả súng đồng loạt giết hại trong ít phút. Có những em bé bị bắn khi đang bú trên xác của mẹ.

3. Trong cuộc thảm sát tàn khốc ấy, chỉ có mười người may mắn sốt sóng nhờ được ba phi công Mĩ có lương tâm tiếp cứu. Ba phi công ấy là Tôm-xơn, Côn-bơn, và An-drê-ốt-ta. Sáng hôm đó, đang bay trên cánh đồng Mỹ Lai ba người lính kinh hoàng khi thấy quân đội của họ đang dồn phụ nữ và trẻ em vào một con mương cạn rồi xả súng bắn. Tôm-xơn phát hiện thấy một bé gái bị thương nằm giữa cánh đồng, anh bắn pháp hiệu cấp cứu. Một đại úy Mĩ chạy ngay tới, nhưng thay vì cứu cô bé, hắn bắn chết cô. Thấy một tốp lính Mĩ khác đang rượt đuổi dân thường. Tôm-xơn bèn hạ trực thăng ngay trước mặt tốp lính, ra lệnh cho xạ thủ súng máy chĩa súng vào chúng, sẵn sàng nhả đạn nếu chúng tiến lại gần. Tiếp đó, anh lệnh cho hai trực thăng đỗ xuống, chở những người dân về nơi an toàn.

     Khi bay dọc con mương, đội bay còn cứu thêm được một cậu bé vẫn còn sống từ trong đống xác chết.

 4. Trong cuộc thảm sát tàn bạo của quân đội Hoa Kì, cùng với tôm-xơn, Côn-bơn và An-drê-ốt-ta, còn có anh lính da đen Hơ-bớt tự bắn vào chân mình để khỏi tham gia tội ác, có Rô-nan bền bỉ sưu tầm tài liệu, kiên quyết đưa vụ giết chóc man rợ ra ánh sáng. 40 bức ảnh trắng, 18 bức ảnh màu về vụ thảm sát do Rô-nan chụp và công bố là bằng chứng quan trọng, buộc tòa án của nước Mĩ phải đem vụ Mỹ Lai ra xét xử.

5. Mai-cơ đã thực hiện được ý nguyện của mình. Tiếng đàn của anh đã vang lên ở Mỹ Lai. Tiếng đàn nói lên lời giã từ quá khứ, ước vọng quá khứ, ước vọng hòa bình và cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất.

b) Giới thiệu thêm về hình ảnh trong mỗi bức tranh:

- Ảnh 1: Đây là cựu chiến binh Mĩ Mai-cơ. Ông trở lại Việt Nam với một mong ước đánh một bản đàn cầu nguyện cho những người đã khuất  ở Mỹ Lai.

- Ảnh 2: Năm 1968, quân đội Mĩ đã huỷ diệt Mỹ Lai. Đây là tấm ảnh tư liệu ghi lại một hình ảnh có thực – cảnh một tên lính Mĩ đang châm lửa đốt nhà. Tấm ảnh này do một nhà báo Mĩ tên là Rô-nan chụp được trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai. Còn nhiều tấm ảnh khác nữa làm bằng chứng tội ác của lính Mĩ trong vụ thảm sát

- Ảnh 3: Đây là tấm ảnh tư liệu chụp hình ảnh chiếc trực thăng của Tôm-xơn và đồng đội đậu trên cánh đồng Mỹ Lai, tiếp cứu 10 người dân vô tội.

- Ảnh 4: Hai lính Mĩ đang dìu anh lính da đen Hơ-bớt vì anh đã tự bắn vào chân mình để khỏi phải tham gia vào tội ác này.

- Ảnh 5: Nhà báo Rô-nan đã tố cáo vụ thảm sát Mỹ Lai trước công luận, buộc toà án của nước Mĩ phải đem vụ Mĩ Lai ra xét xử. Đây là minh hoạ của một tờ tạp chí Mĩ đăng tin phiên toà xử Vụ Mỹ Lai ở nước Mĩ.

- Ảnh 6 và 7: Tôm-xơn và Cô-bơn đã trở lại Việt Nam sau 30 năm xảy ra vụ thảm sát. Hai người xúc động khi gặp lại những người dân đã được họ cứu sống. An-đrê-ốt-la vắng mặt trong cuộc gặp gỡ này bởi vì anh đã chết trận sau vụ Mĩ Lai 3 tuần.

c) Dựa vào bài tập b vừa làm em chủ động hoàn thành bài tập này.


Câu 4

Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện

Phương pháp giải:

Em dựa vào các tình tiết trong truyện để suy nghĩ tới ý nghĩa của câu chuyện.

Lời giải chi tiết:

Ca ngợi hành động dũng cảm của những người Mĩ có lương tâm đã ngăn chặn và tố cáo tội ác man rợ của quân đội Mĩ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến