B. Hoạt động thực hành - Bài 20B: Trách nhiệm công dân
Giải bài 20B: Trách nhiệm công dân phần hoạt động thực hành trang 22, 23, 24 sách VNEN Tiếng Việt 5 với lời giải dễ hiểu
Câu 1
Em hãy chọn và viết bài văn theo một trong các đề bài sau:
(1) Tả một ca sĩ đang biểu diễn.
(2) Tả một người bạn của em.
(3) Hãy tưởng tượng và tả lại một nhân vật trong truyện em đã đọc.
Gợi ý:
Em lần lượt làm các việc sau:
- Xác định yêu cầu của đề bài.
- Tìm và sắp xếp các ý thành dàn ý.
- Viết hoàn chỉnh bài văn.
- Đọc lại bài để soát lỗi (chính tả, từ, câu)
- Nộp bài.
Trả lời:
(1) Tả một ca sĩ đang biểu diễn
Chương trình sinh nhật VTV3 tròn 10 tuổi được tổ chức tại trường quay S9. Sân khấu được trang hoàng thật đẹp. Ánh sáng lung linh vừa làm cho khung cảnh vừa kì ảo vừa lộng lẫy. Chương trình sinh nhật VTV3 có rất nhiều ca sĩ biểu diễn, nhưng em thích nhất là cô Mỹ Tâm và bài hát cô thể hiện.
Sau lời giới thiệu của chú Lại Văn Sâm, cô Mỹ Tâm tươi tắn bước ra sân khấu trong những tràng pháo tay giòn giã. Năm nay cô đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn còn trẻ trung và xinh đẹp lắm. Dáng người cô cao dong dỏng. Chiếc váy màu hồng ôm lấy thân hình thon thả của cô. Ánh đèn sân khấu làm cho cô thêm xinh đẹp. Đến giữa sân khấu, cô cúi chào khán giả. Một tràng pháo tay nữa lại vang lên. Cô Mỹ Tâm khẽ nhún nhảy, đầu lắc lư theo điệu nhạc. Cô đưa tay lên vuốt mái tóc màu hạt dẻ. Mỹ Tâm cất tiếng hát. Giọng hát của cô vút cao. Cả trường quay chìm trong im lặng. Ánh đèn sân khấu hắt lên làm khuôn mặt cô rạng ngời. Hai má ửng hồng, cô mỉm cười với khán giả. Có lúc cô đưa tay lên, nháy mắt một cái rất điệu. Trông cô như một chú chim họa mi đáng yêu. Rồi cô xoay một vòng, mái tóc tung bay: “Họa mi, họa mi hót giữa bầu trời xanh…”. Giọng hát của cô vút lên hòa cùng điệu nhạc sôi động. Tiếng đàn, tiếng hát vừa ngừng, cả trường quay như muốn nổ tung bởi tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả.
Nhạc vừa dứt, cô Mỹ Tâm cúi chào khán giả rồi đi vào. Hình ảnh cô Mỹ tâm với bài hát Họa mi tóc nâu đã làm em nhớ mãi. Em mong sao sẽ được xem cô Mỹ Tâm biểu diễn nhiều tiết mục hay hơn nữa.
(2) Tả một người bạn của em
Em có rất nhiều người bạn nhưng người đã gắn bó với em từ tấm bé là Thủy. Cô bạn ở ngay cạnh nhà em, thân thiết với em ngay từ khi hai đứa còn học mẫu giáo với nhau.
Thủy có dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn. Vóc dáng nhỏ bé nhưng bù lại Thủy rất nhanh nhẹn. Thoắt cái đã làm xong việc đâu ra đấy, thoắt cái đã chạy tới chỗ này, thoắt cái đã bước tới chỗ kia. Thủy có một mái tóc đen mượt, dài tới ngang lưng. Trong khi mà nhiều bạn đã bắt đầu theo đuổi mái tóc ngắn, nhuộm màu thì Thủy vẫn trung thành với nét đẹp truyền thống đó. Mái tóc đen đó càng làm nổi bật làm da trắng của bạn. Đôi mắt của Thủy to, long lanh và đen lay láy. Mỗi lúc nói chuyện đôi mắt ấy sáng lấp láy, linh động khiến ai cũng phải mải miết chú ý mà ngước nhìn. Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mỗi người, nhìn vào đôi mắt ươn ướt ấy ngay từ đầu em đã cảm nhận được Thủy là cô bạn vô cùng nhạy cảm và sống nội tâm. Khuôn miệng bạn lúc nào cũng mỉm cười vui vẻ, mỗi lần cười tươi lại lộ ra lúm đồng tiền duyên ơi là duyên.
Thủy là một cô bé vô cùng hài hước, ở đâu có bạn ấy thì ở đó sẽ không bao giờ thiếu những tiếng cười. Người ta bảo vui vẻ không phải là một loại tính cách mà nó là một loại năng lực, năng lực khiến cho những người xung quanh mình được vui vẻ. Khi nghe câu này em đã nghĩ đến Thủy, cô bạn sở hữu năng lực vui vẻ cực mạnh. Những câu chuyện của Thủy luôn thu hút mọi người và kéo gần tất cả lại với nhau. Lúc kể chuyện, đôi tay thường khua lên khua xuống, cái đầu lí lắc khiến ai trong chúng em đều cảm thấy vui vẻ. Đừng tưởng Thủy nhỏ con mà coi thường, bạn ấy còn rất thích giúp đỡ và bênh vực bạn bè. Đâu đâu cũng sẵn sàng sẵn tay giúp đỡ bạn bè mình. Còn nhớ hồi lớp 4 có một bạn trong lớp bị bắt nạt, Thủy không ngại đứng ra bênh vực và bảo vệ. Đồng thời Thủy cũng vô cùng khéo léo, mỗi bức tranh mà Thủy vẽ vào giờ Mĩ thuật luôn sống đống, có hồn và mang một vẻ đẹp riêng chẳng lẫn đi đâu được. Mùa đông vừa rồi, Thủy tặng cho em một chiếc khăn bạn ấy tự đan khiến em thật bất ngờ, hóa ra bạn ấy còn biết đan nữa.
Em và Thủy chơi với nhau từ hồi mẫu giáo, chuyện vui buồn gì chúng em cũng cùng nhau trải qua cả. Cả tuổi thơ của em đều tràn ngập hình dáng Thủy in hằn vào từng kỉ niệm. Có một lần sinh nhật, vì Thủy đi xa về không kịp mua quà tặng đúng ngày cho em, vào hôm sinh nhật bạn đã nói “Cậu ước điều gì? Tớ sẽ giúp cậu thực hiện”. Lúc đó em nói bừa rằng “Cậu cõng tớ ra hồ bơi đi” Không ngờ Thủy với vóc dáng nhỏ con khi ấy lại nhất quyết đòi cõng em ra hồ thật. Đó thật sự là món quà mà cả đời này em cũng không thể nào quên được.
Người ta bảo những người bạn ở bên nhau từ thuở còn nhỏ sẽ ở bên nhau mãi mãi em tin rằng tình bạn của em với Thủy cũng sẽ như vậy.Chúng em sẽ cố gắng cùng nhau học tập thật tốt, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống và trở thành những người có ích cho xã hội.
(3) Hãy tưởng tượng và tả lại một nhân vật trong truyện em đã học
- Bà ơi! Tấm và Cám như thế nào? Bà kể đi bà …
- Tấm là chị, Cám là em. Hai cô là chị em cùng cha khác mẹ. Tấm xinh đẹp, nết na, có mái tóc xanh, đôi mắt mở to đen láy. Tấm hay làm, phúc hậu lắm. Tội nghiệp, thương lắm, Tấm mồ côi mẹ. Còn Cám là con bà dì ghẻ. Mẹ Cám nanh ác nên Cám có cái mồm nhọn như mõm chuột, hai cái tai bé tí, gian tham và ranh ma!...
Bà mất đã 6 năm, nhưng câu chuyện Tấm Cám bà kể năm tôi lên bốn đến nay tôi vẫn còn nhớ. Nhiều đêm nằm mơ, tôi vẫn còn hình dung được bàn tay, đôi chân, giọng nói, nụ cười và gương mặt của Tấm.
Tấm có mái tóc dài, dài chấm lưng và đen nhánh. Đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn nên bữa nào mụ dì ghẻ bắt đi mò cua bắt tép Tấm cũng bắt được nhiều hơn Cám. Tấm thật thà, tốt bụng, cả tin nên đã bị cô em gian xảo đánh lừa trút hết cua ốc tôm tép.
Ở hiền nên Tấm gặp lành. Tấm có con cá bống làm bạn khi đang sống trong cảnh ngộ tủi nhục, cô đơn. Tiếng Tấm dịu hiền gọi Bống làm em cảm động lắm : "Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người". Nhưng rồi con cá bống đáng yêu đó cũng bị mẹ con mụ dì ghẻ độc ác giết chết.
- Bà ơi? Chị Tấm có được đi hội không hở bà? Chị Tấm có được gặp Hoàng tử không hở bà?
- Mụ dì ghẻ đổ thóc trộn vào một đấu gạo, mụ bắt Tấm nhặt thóc. Mụ không muốn cho Tấm đi hội. Mụ chỉ muốn Cám, con gái ruột của mụ được gặp Hoàng tử thôi…
Tiếng bà kể, tôi vẫn nhớ. Bụt đã sai đàn chim sẻ bay xuống nhặt thóc giúp Tấm, Bụt ban cho Tấm một bộ lụa hồng để mặc đi hội. Qua chỗ lội, Tấm đánh rơi giày. Sau đó, Hoàng tử đã tìm được giày của Tấm. Tấm được yêu cầu thử giày. Trong bộ quần áo lụa hồng Tấm đẹp như cô Tiên giáng trần. Hoàng tử say đắm và Tấm về cung cưới làm vợ.
Mẹ con dì ghẻ đã lập mưu giết chết Tấm để cướp ngôi hoàng hậu. Con Vàng Anh biết nói tiếng người, trái thị thơm mà bà bảo kiếp đời cô Tấm đó: "Thị thơm, thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi, chứ bà không ăn"… Những ngày tháng Tấm ở với bà cụ hàng nước là những ngày tháng ấm áp nhất đối với Tấm. Tấm được sống trong tình thương mẹ con. Bàn tay của Tấm nõn nà khéo léo như búp ngọc, lúc bổ cau, lúc têm trầu. Chính miếng trầu cánh phượng mà Tấm têm sáng hôm ấy đã làm cho Hoàng tử nhận ra người đẹp sau bao lần hóa kiếp.
- Có chuyện ông Tơ bà Nguyệt không hở bà ?
- Có chứ ! Bụt là ông Tơ Hồng xe duyên cho Tấm và Hoàng tử nên vợ nên chồng đó.
Năm nay, tôi đã 10 tuổi, nhiều đêm nằm mơ, tôi vẫn gặp cô Tấm – Hoàng hậu xinh đẹp trong truyện cổ tích bà kể ngày xưa.
Câu 2
Chuẩn bị kể một câu chuyện em đã nghe, đã đọc về một người sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh.
Gợi ý:
a) Nhớ lại những truyện em đã được học về người sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh.
Những người sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh là người:
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy ước của cộng đồng, ví dụ: anh cảnh vệ Lí Phúc Nha hỏi giấy tờ của Bác Hồ (Bảo vệ như thế là rất tốt – Hướng dẫn tự học Tiếng Việt 2, tập hai); thiếu nhi giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi công cộng, chấp hành luật lệ giao thông; Thái độ Trần Thủ Độ.
- Yêu chuộng công lí, đấu tranh thực hiện công lí, ví dụ: nhân vật Mồ Côi xử kiện, đem lại sự công bằng cho người dân (Mồ Côi xử kiện – Hướng dẫn học Tiếng Việt 3, tập một)
- Đấu tranh chống vi phạm pháp luật, ví dụ: nhân vật chú bé gác rừng đã phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng của kẻ xấu (Người gác rừng tí hon – Hướng dẫn học Tiếng Việt 5, tập một); thiếu nhi tham gia bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hoá, bảo vệ môi trường.
b) Em có thể nhớ và kể lại những truyện em đã đọc trong sách báo hoặc xem trên ti vi có nội dung theo yêu cầu của đề bài:
c) Tập kể chuyện:
- Giới thiệu câu chuyện:
+ Từ đâu mà em biết câu chuyện?
+ Truyện kể về ai?
+ Ý nghĩa của câu chuyện là gì?
- Kể diễn biến của câu chuyện:
+ Câu chuyện xảy ra khi nào? Ở đâu?
+ Việc gì quan trọng/ nghiêm trọng đã xảy ra?
+ Kết quả thế nào?
Chú ý: Kể diễn biến của câu chuyện, nhấn mạnh vào các suy nghĩ, hành động của nhân vật thể hiện ý thức sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh.
Trả lời:
Kể chuyện về anh cảnh vệ Lí Phúc Nha
Chắc hẳn các bạn còn nhớ anh Lí Phúc Nha trong câu chuyện Bảo vệ như thế là rất tốt được học ở lớp Hai. Câu chuyện đề cao ý thức cảnh giác, bảo vệ nội quy của một chiến sĩ người dân tộc.
Câu chuyện được kể như sau:
"Dạo đó ở vùng căn cứ của ta trong kháng chiến chống Pháp, có một chiến sĩ tên là Lí Phúc Nha, người dân tộc Sán Chỉ, được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ.
Ngày đầu đứng gác ở nhà Bác, anh vừa thấy tự hào, vừa thấy vinh dự nhưng cũng không tránh khỏi sự lo lắng vì đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Một hôm đứng gác, anh chăm chú nhìn vào con đường dẫn vào vọng gác. Bất chợt anh thấy một ông cụ cao gầy, chân đi dép cao su đang rảo bước về phía anh. Anh chưa kịp hỏi, ông cụ đã cất tiếng chào:
- Chú gác ở đây à?
Nói rồi, cụ định vào nhà. Anh Nha vội vàng cản lại và nói:
- Cụ cho cháu xem giấy tờ ạ!
Ông cụ vui vẻ bảo:
- Bác đây mà.
- Bác cũng phải có giấy tờ mà! Có giấy mới được vào nhà!
Lúc ấy đại đội trưởng hốt hoảng chạy tới:
- Bác Hồ đây mà. Sao đồng chí không để Bác vào nhà của Bác?
- Anh Nha bẽn lẽn gãi đầu. Nhưng Bác đã ôn tồn bảo:
- Chú làm nhiệm vụ bảo vệ như thế là rất tốt.
Trong cuộc sống, chúng ta cần coi trọng nội quy, những quy định đề ra, có như thế xã hội ta mới giữ được kỷ cương, phép nước.
Câu 3, 4
Câu 3: Kể chuyện trong nhóm
- Lần lượt từng em kể lại câu chuyện mình đã chọn.
- Nêu điều em học được ở nhân vật trong câu chuyện.
- Nhận xét bạn kể (về nội dung câu chuyện và cách kể chuyện)
Câu 4: Kể chuyện trước lớp
- Đại diện các nhóm kể câu chuyện của mình trước lớp.
- Lớp bình chọn bạn kể hay nhất.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "B. Hoạt động thực hành - Bài 20B: Trách nhiệm công dân timdapan.com"