B. Hoạt động thực hành - Bài 20B: Niềm tự hào Việt Nam

Giải bài 20B: Niềm tự hào Việt Nam phần hoạt động thực hành trang 21, 22 sách VNEN Tiếng Việt 4 với lời giải dễ hiểu


Câu 1

Viết bài văn tả một đồ vật mà em đã quan sát.


Phương pháp giải:

Đề 1: Tả chiếc cặp sách của em

A. Mở bài

- Cái cặp là vật dụng gần gũi với em nhất.

- Cặp được mẹ mua cho vào dịp đầu năm học mới

B. Thân bài

a. Tả bao quát

- Cặp hình hộp chữ nhật.

- Làm bằng vải bò, có quai đeo.

b. Tả chi tiết

- Mặt trước màu xanh lam, có trang trí hình chú mèo con đáng yêu đang tung tăng trên đường.

- Đường viền nắp cặp màu vàng, nổi bật trên mặt cặp.

- Khóa cặp làm bằng sắt xi bóng nhoáng

- Mặt sau hình chữ nhật, màu xanh đậm hơn mặt trước.

- Dây đeo màu xanh đậm, lót xốp rất êm.

- Bên trong có ba ngăn, một ngăn chính và hai ngăn phụ.

- Có một túi nhỏ để đựng đồ dùng học tập.

- Mỗi ngăn được ngăn cách một lớp vải dù, mềm và chắc.

- Mỗi khi đóng, mở khóa nghe lách cách.

C. Kết bài

- Cặp giúp em bảo quản sách vở.

- Cặp đồng hành với em tới trường.

- Cặp chứa dựng nguồn kiến thức.

- Em xem cặp như người bạn thân.

- Em giữ gìn cặp cẩn thận để dùng được bền, đẹp.

 

Đề 2: Tả cái thước kẻ của em

Gợi ý:

A. Mở bài

- Giới thiệu về cái thước.

+ Ai mua hoặc ai tặng? (bạn em tặng)

+ Mua hoặc tặng vào dịp nào? (bạn theo gia đình chuyển đến nơi ở mới).

B. Thân bài

- Tả bao quát cái thước:

+ Hình dáng: chiều dài? Chiều ngang? (chiều dài 20 cm, chiều ngang mỗi cạnh là 2 cm).

- Tả chi tiết:

+ Màu sắc của từng mặt thước: (màu lam).

+ Mặt thước trang trí như thế nào? (vạch kẻ đều nhau đánh dấu từng cm).

B. Kết bài

- Em giữ gìn thước kẻ cẩn thận vì đó là món quà kỉ niệm của bạn.

- Em coi thước kẻ như người bạn thân thiết.

 

Đề 3: Tả cây bút chì của em.

A. Mở bài

- Giới thiệu chiếc bút chì mà em muốn tả

- Em có nó trong trường hợp nào? (cùng mẹ đi nhà sách)

- Do ai tặng hoặc mua  cho em? (mẹ mua)

B. Thân bài

a. Tả bao quát

- Hình dáng chiếc bút (dài và thon)

- Màu sắc: Màu trắng sữa

- Dài khoảng bao nhiêu? (khoảng 15 xăng-ti-mét)

b. Tả chi tiết

- Tả chi tiết từng bộ phận:

+ Đầu bút (gắn cục tẩy)

+ Thân bút (hình lục giác, thon dài, được khắc một dòng chữ tiếng Anh màu nâu)

+ Ngòi bút (chì than màu đen nhọn hoắt lộ ra)

- Công dụng của cây bút

C. Kết bài

Cảm nghĩ của em về cây bút chì đó

 

Đề 4: Tả cái bàn học ở lớp hoặc ở nhà của em

Gợi ý:

A. Mở bài:

Cái bàn em ta là bàn ở lớp hay ở nhà? Bàn kê ở đâu? Em dùng bàn vào thời gian nào?

B. Thân bài:

- Tả bao quát: Bàn kiểu gì? Làm bằng loại gỗ gì? Còn mới hay cũ? Kích thước chung (dài, rộng, cao...) thế nào?

- Tả từng bộ phận:              

+ Mặt bàn: được làm bằng gì? màu sắc? độ bóng? cách trang trí, hình dáng, kích thước?

+ Chân bàn: có mấy cái? độ dài? cách sắp xếp các chân, độ vững chãi?...

+ Ngăn bàn: nằm ở đâu? có mấy ngăn? dài, rộng ra sao? dùng để đựng những đồ dùng gì?

B. Kết bài:

Việc giữ gìn, sự gắn bó và những kỉ niệm của em đối với cái bàn đó như thế nào?

Lời giải chi tiết:

Đề 1: Tả chiếc cặp

    Đồ vật gần gũi và thân thuộc nhất đối với mỗi người học sinh có lẽ là chiếc cặp sách. Bước chân tung tăng tới trường ai ai cũng đều khoác trên vai chiếc cặp sách xinh xinh. Em cũng giống như vậy. Em rất yêu chiếc cặp sách của em. Đó là món quà mà mẹ tặng cho em nhân dịp năm học mới. Cũng là người bạn thân thiết của em.

    Chiếc cặp của em có hình hộp chữ nhật. Cặp đủ to và rộng để em có thể đem đủ sách vở cho mỗi ngày đến trường. Nó được làm bằng vải bò, chất liệu bền và không dễ bị rách. Có hai quai đeo phía sau để em có thể đeo lên vai mỗi khi tới trường.

    Mẹ thật tinh ý khi lựa cặp màu xanh lam cho em, đó là màu sắc mà em vô cùng yêu thích. Màu xanh là màu của niềm tin và hy vọng. Em bước vào năm học mới với biết bao kì vọng và mong mỏi gặt hái được thật nhiều thắng lợi. Phía trước cặp có thêu hình chú mèo con đáng yêu đang tung tăng trên đường. Em tuổi mèo và em cũng rất thích mèo. Mỗi lần ngắm nhìn chiếc cặp là em lại đưa tay mân mê chú mèo con xinh xinh ấy. Phía đường viền nắp cặp có màu vàng. Trên nền xanh lại có viền vàng nhìn rất nổi bật và bắt mắt.Từng mũi may được máy một cách tỉ mỉ và tinh xảo. Khóa của cặp được làm bằng sắt xi bóng nhoáng không sợ bị hoen gỉ. Mặt sau của chiếc cặp cũng là màu lam nhưng đậm hơn ở phía trước. Mẹ nói màu đậm như thế này nhìn rất sạch sẽ, dù con có lỡ dây bẩn cũng khó nhìn ra. Dây quai cặp cũng là màu xanh đậm, có lót đệm nên rất êm.Những ngày phải mang nhiều sách vở đến lớp khoác trên vai chiếc cặp em không hề cảm thấy đau một chút nào.

    Mở cặp ra phía bên trong cặp có ba ngăn, một ngăn chính và hai ngăn phụ.Mỗi ngăn được ngăn cách bởi một lớp vải dù , mềm và chắc. Ngăn chính em xếp sách vở ngay ngắn, gọn gàng vào. Hai ngăn phụ em để dành xếp giấy tờ và dụng cụ học tập. Bố trí khoa học như vậy nên mỗi lúc em mở cặp để tìm kiếm đồ vật gì đều không phải mất quá nhiều thời gian. Đóng nắp cặp lại em còn được nghe tiếng kêu lách tách, nghe thật sự rất vui tai.

    Chiếc cặp sách là một vật vô cùng hữu ích.Nó giúp em bảo quản sách vở, chứa đựng nguồn tri thức của em. Cặp đồng hành với em mỗi ngày nắng mưa tới trường. Em coi cặp giống như người bạn thân của em. Em sẽ giữ gìn thật cẩn thận để cặp luôn được bền và đẹp.

 

Đề 2: Tả cây thước kẻ

    Minh Anh là bạn thân nhất trong lớp của em. Mùa hè vừa rồi bạn phải chuyển nhà theo gia đình vào vùng đất mới. Trước khi đi bạn có tặng em một món quà là một cây thước kẻ. Đó là món quà em vô cùng trân trọng.

    Chiếc thước kẻ được bọc trong một lớp vỏ màu cam tránh cho việc nó bị xây xước. Mỗi khi muốn dùng em chỉ cần nghiêng nhẹ là thước sẽ trượt ra và xuất hiện trước mắt em như trò ảo thuật. Thước dày dặn và chắc chắn. Chiều dài 20 xăng-ti-mét, chiều ngang mỗi cạnh là 2 xăng-ti-mét.

    Thước có màu lam, đó là màu mà em vô cùng yêu thích. Trên thước có dính một mảnh giấy nhỏ xinh với dòng chữ “Name”.Minh Anh đã nắn nót viết trên đó dòng chữ “Tặng Ngọc Thảo”. Đánh dấu rằng đây là chiếc thước của riêng em, độc nhất vô nhị.Mỗi lần nhìn nét chữ ấy em đều bật cười và nhớ đến người bạn của mình. Trên mặt thước được khắc từng vạch kẻ màu đen đậm và rõ ràng giúp em sử dụng một cách thuận tiện hơn rất nhiều.

    Chiếc thước luôn được em giữ gìn một cách  cẩn thận. Đó không chỉ là món quà bạn thân tặng  cho em mà còn là người bạn thân thiết của em,giúp em vạch từng dòng kẻ ngay ngắn và đồng hành với em mỗi khi học tập.


Đề 3: Tả cây bút chì

    Đầu năm học mới em cùng mẹ đi nhà sách để chuẩn bị đồ dùng học tập. Tại đây em đã thấy một chiếc bút chì xinh xắn mà em rất ưng ý. Mẹ đã mua tặng em chiếc bút chì ấy như một món quà nhỏ để động viên em trong học tập.

    Chiếc bút chì có hình dáng thon và dài.Độ dài của nó khoảng 15 xăng-ti-mét. Toàn thân được phủ một màu trắng sữa nhìn rất hài hòa và mát mắt. Nhìn bao quát thật giống một chiếc tàu vũ trụ thu nhỏ. Chỉ cần khởi động là có thể bay tới tận những hành tinh xa xôi bên kia.

    Chiếc bút chì được phân ra thành ba bộ phận nhỉ. Đầu bút chì có một chiếc nắp nhỏ xinh xắn nhìn như chiếc mũ.Mở nắp ra bên trong là một cái cục tẩy nhỏ xinh màu trắng nhỏ xinh. Chiếc cục tẩy này giúp ích em rất nhiều khi cần tẩy những thứ không cần thiết.Mẹ dặn cho cần phải rèn tính cẩn thận và sạch sẽ để hạn chế dùng tới cục tẩy. Em luôn ghi nhớ lời mẹ chỉ bảo, không để chiếc tẩy nhỏ xinh này bị mòn đi quá nhanh. Thân bút chì có hình lục giác, góc cạnh. Điều này thật tiện lợi giúp cho bút chì không bị lăn khi em đặt chú ta trên mặt phẳng.Trên thân bút được khắc một dòng nhữ tiếng Anh màu nâu. Ngòi bút chỉ thon nhọn, chì than lộ ra màu đen, nhọn nhọn. Mỗi lần chì hết em lại gọt thật cẩn thận, không gọt quá nhiều để tránh ngòi chì bị gãy.Cũng không gọt quá ít sẽ khiến ngòi bút nét không được thanh.

    Mỗi lần sử dụng bút chì ngòi bút lại vẽ lên những nét màu đen đậm và chắc. Em rất thích dùng chiếc bút chì này vào mỗi giờ Mĩ thuật nó khiến cho mỗi nét vẽ của em thêm uyển chuyển lại vẫn đậm và chắc.

    Em rất yêu chiếc bút chì này. Biết rằng một ngày nào đó bút chì gọt hết sẽ không thể dùng được nữa, nhưng em vẫn luôn giữ gìn một cách cẩn thận. Vì đó là món quà mẹ tặng em, cũng là người bạn thân thiết và gần gũi trong học tập của em.

 

Đề 4: Tả cái bàn học

    Năm nay em đã lên lớp Bốn. Do em phải học bài và làm nhiều bài tập về nhà, bố mẹ đã sắp xếp cho em một góc học tập ngăn nắp, thoáng mát. Đặc biệt hơn cả là cái bàn học xinh xắn đặt kề cửa sổ nhìn ra vườn cây xanh rợp bóng.

    Bàn được làm bằng gỗ tạp, chưa phải là gỗ tốt nhưng nhờ được đánh véc-ni nên rất bóng loáng, cùng màu nâu sẫm như ghế và giá sách. Mặt bàn hình chữ nhật, bề dài đúng một sải tay em, bề rộng vừa đủ ba gang, hơi xuôi về phía em đặt ghế, tạo tư thế thoải mái khi em ngồi viết. Độ bóng của véc-ni càng làm nổi rõ những đường vân gỗ rất đẹp. Mép bàn phía trước có một đường rảnh dài, lõm xuống giúp em đựng bút, thước, tẩy... khỏi bị lăn xuống theo độ dốc của bàn. Bên dưới mặt bàn là một ngăn hộc khá rộng, em có thể kéo ra đóng vào dễ dàng khi nắm vào cái tay cầm bằng sắt. Trong ngăn hộc này, em đựng dụng cụ học môn kĩ thuật, bộ đò dùng học toán, nhiều hộp phấn viết bảng trắng lẫn màu, thậm chí có cả mớ dây thun tết hình con rết, nắm sỏi tròn để chơi ô quan... Bốn chân bàn là những thanh gỗ vuông to và cứng cáp, các góc mép được bào nhẵn. Ba thanh gỗ dẹp hơn đóng thành hình chữ H ở chân bàn phía gần mặt đất giữ cho các chân bàn được vững vàng chắc chắn hơn.

    Mỗi khi học xong em thường thu dọn sách vở và các thứ trên mặt bàn cho gọn ghẽ rồi lau bàn bằng khăn vải mềm. Không bao giờ em lơ đễnh hay cố ý viết, vẽ bậy lên mặt bàn. Vì vậy mà dùng đã nửa năm bàn vẫn còn mới.

    Em yêu quý cái bàn này lắm bởi ngày nào nó cũng cùng em học tập miệt mài. Áp má lên mặt bàn, em nghe mát rượi như có ngọn gió nào thổi từ khu rừng xa xưa nơi cây gỗ này sinh sống. Em tưởng như nghe được lời gió thì thầm nhắc nhở: "Cô chủ ơi, gắng học lên! Chúng tôi tin tưởng nhiều ở cô đấy nhé!".




Câu 2

Kể một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về một người có tài theo gợi ý sau:

- Em kể câu chuyện về ai? Người đó có tài gì?

- Em đã đọc câu chuyện ở đâu, hoặc đã nghe ai kể?

- Câu chuyện diễn ra thế nào, kết thúc thế nào?

Phương pháp giải:

(Em tìm các câu chuyện trong sách, báo, in-tơ-nét,… ; có thể kể về các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ có tài mà em biết qua các bài học, như: Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Trương Vĩnh Ký, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Ác-si-mét, Ê-đi-xơn, Pu-skin, Vương Hi Chi,…)

Lời giải chi tiết:

Nâng niu từng hạt giống

     Viện nghiên cứu của ông Lương Định Của bất ngờ nhận được một món quà do một người bạn của ông gửi tặng. Đó là mười hạt giống lúa quý. Đang lúc trời rét đậm kéo dài, ông Của chia mười hạt giống ra làm hai. Một nửa gieo ở phòng thí nghiệm, còn một nửa ông đem về, dùng nước ấm để ngâm, rồi gói vào khăn. Tối tối, ông ủ vào trong người để nhờ nhiệt độ cơ thể giúp hạt giống nảy mầm. Quả nhiên sau đợt rét, chỉ có năm hạt giống ủ trong người là nảy mầm xanh tốt.

     Ông là một nhà khoa học đã tạo ra được nhiều giống lúa quý cho nền nông nghiệp Việt Nam.


Câu 3

Thi kể chuyện.



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến