A. Hoạt động cơ bản - Bài 15B: Con tìm về với mẹ

Giải bài 15B: Con tìm về với mẹ phần hoạt động cơ bản trang 153, 154 sách VNEN tiếng việt 4 với lời giải dễ hiểu


Câu 1

1. Quan sát tranh và nói về nội dung bức tranh:

 

Trả lời:

     Bức tranh cho ta thấy một chú bé đất đang ở trên bờ nhìn xuống, dưới sông, nàng công chúa và chàng kị sĩ hốt hoảng vì bị lật thuyền, ngã nhào xuống nước.


Câu 2 -> 4

2. Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài:

Tuổi Ngựa

(Trích)

- Mẹ ơi, con tuổi gì?

- Tuổi con là tuổi Ngựa

Ngựa không yên một chỗ

Tuổi con là tuổi đi...

 

- Mẹ ơi, con sẽ phi

Qua bao nhiêu ngọn gió

Gió xanh miền trung du

Gió hồng vùng đất đỏ

Gió đen hút đại ngàn

Mấp mô triền núi đá...

Con mang về cho mẹ

Ngọn gió của trăm miền...

Ngựa con sẽ đi khắp

Trên những cánh đồng hoa

Lóa màu trắng hoa mơ

Trang giấy nguyên chưa viết

Con làm sao ôm hết

Mùi hoa huệ ngạt ngào

Gió và nắng xôn xao

Khắp đồng hoa cúc dại.

 

Tuổi con là tuổi Ngựa

Nhưng mẹ ơi, đừng buồn

Dẫu cách núi cách rừng

Dẫu cách sông cách biển

Con tìm về với mẹ

Ngựa con vẫn nhớ đường.

(Xuân Quỳnh)

3. Đọc từ  ngữ và lời giải nghĩa:

- Tuổi Ngựa: sinh năm Ngựa (năm Ngọ, theo âm lịch)

- Đại ngàn: rừng lớn, có nhiều cây to lâu đời.

4. Cùng luyện đọc.


Câu 5 -> 6

5. Thảo luận, trả lời câu hỏi: 

1) Bạn nhỏ tuổi gì? Mẹ bảo tuổi ấy tính nết thế nào? 

2) “Ngựa con" theo ngọn gió rong chơi những đâu?

3) Điều gì hấp dẫn “ngựa con” trên những cánh đồng hoa?

4) Trong khổ thơ cuối, “ngựa con” đã nhắn nhủ mẹ điều gì?

Trả lời:

1) Bạn nhỏ tuổi con ngựa. Mẹ bảo tuổi con ngựa có tính không chịu ngồi yên một chỗ mà chỉ thích đi.

2) "Ngựa con" theo ngọn gió rong chơi ở: miền trung du, vùng đất đỏ, triền núi đá mấp mô...

3) Điều hấp dẫn "ngựa con" trên những cánh đồng hoa là: lóa màu trắng hoa mơ, mùi hoa huệ ngào ngạt, gió và nắng xôn xao của đồng hoa cúc dại.

4) Trong khổ thơ cuối "ngựa con" đã nhắn nhủ mẹ: Mẹ ơi đừng buồn, dù con có đi đâu thì con vẫn sẽ luôn luôn nhớ đường tìm về với mẹ.

6. Hai bạn lần lượt đọc 4 khổ thơ (nhiều lượt) để học thuộc lòng bài thơ.