Bài 18. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Kết nối tri thức
Em hãy chia sẻ những hiểu biết của bản thân về hành vi xâm phạm chỗ ở trái phép.
Mở đầu
Trả lời Mở đầu trang 117 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Em hãy chia sẻ những hiểu biết của bản thân về hành vi xâm phạm chỗ ở trái phép.
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức thực tế của bản thân để chia sẻ về hành vi xâm phạm chỗ ở trái phép.
Lời giải chi tiết:
Hiện nay, tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại điều 158 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể: “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác”.
Tội xâm phạm chỗ ở của công dân là hành vi khám trái pháp luật chỗ ở, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
Mặc dù điều luật nêu ba loại hành vi (khám, đuổi hoặc hành vi khác), nhưng các hành vi này đều được gọi chung là hành vi xâm phạm, nên dù người phạm tội thực hiện một hoặc cả ba hành vi trên thì cũng chỉ định tội là “xâm phạm chỗ ở của công dân”
? mục 1
Trả lời câu hỏi mục 1 trang 118 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi:
1/ Chủ thể trong trường hợp 3 đã thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân như thế nào?
2/ Em hãy nêu ví dụ về việc thực hiện tốt quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân trong cuộc sống.
Phương pháp giải:
1/ Chỉ ra được cách chủ thể trong trường hợp 3 đã thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
2/ Nêu được ví dụ về việc thực hiện tốt quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân trong cuộc sống.
Lời giải chi tiết:
1/ Trong trường hợp 3, A đã thực hiện đúng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. A đã gọi điện thoại để thông báo cho chị V và xin phép phá khoá vào nhà kiểm tra khi phát hiện có mùi khét bốc ra từ nhà chị.
2/ Ví dụ về việc thực hiện tốt quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân trong cuộc sống:
- Công an chỉ khám xét nhà ở của người dân khi có quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Chủ cho thuê nhà trọ gọi điện thông báo cho người thuê trọ trước khi dùng chìa khoá dự phòng mở cửa phòng trọ để sửa chữa đường ống nước.
- Trẻ em xin phép và chỉ vào nhà, sân, vườn của người khác để nhặt đồ làm rơi sau khi được chủ nhà đồng ý.
? mục 2
Trả lời câu hỏi mục 2 trang 119 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi:
1/ Em hãy cho biết, trường hợp 2 và 3 đề cập đến những hậu quả gì của hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
2/ Ngoài những hậu quả đã được đề cập đến trong trường hợp trên, hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân còn có thể gây ra những hậu quả nào khác? Nêu ví dụ minh hoạ.
Phương pháp giải:
1/ Đọc trường hợp 2, 3 và nêu được những hậu quả của hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được đề đề cập đến.
2/ Nêu được những hậu quả khác của hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Lấy ví dụ minh hoạ.
Lời giải chi tiết:
1/ - Trường hợp 2, hành vi lợi dụng đêm tối trèo cổng, lẻn vào sẵn rình mò và tìm cách phá khóa cửa để vào nhà của thanh niên lạ đã khiến chị T thấy bất an, sợ hãi.
- Trường hợp 3, hành vi khoá cửa, không cho phép vào nhà để ép trả nợ của chủ nợ đã khiến mẹ con chị M mất nơi ở, không thể sinh hoạt bình thường, phải bé nhau đi lang thang ngoài đường trong đêm tối, vừa mất an toàn vừa ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.
2/ - Ngoài những hậu quả trên, hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân còn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực khác như:
+ Gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
+ Xâm phạm trật tự quản lí hành chính nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước.
+ Gây ảnh hưởng đến kinh tế, danh dự của công dân.
+ Người vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lí kỉ luật, xử lí hành chính, xử lí hình sự và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
- Ví dụ:
+ Hành vi đánh đập, đe dọa để đuổi người khác ra khỏi nhà sẽ gây ra những thương tổn về sức khỏe, tâm lí, danh dự cho người bị xâm phạm chỗ ở, gây rối loạn an ninh trật tự ở địa phương.
+ Hành vi lẻn vào nhà người khác để trộm cắp sẽ gây nên những tổn thất về kinh tế cho người bị xâm phạm chỗ ở, người trộm cắp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
? mục 3
Trả lời câu hỏi mục 3 trang 120 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Em hãy đọc tình huống sau để trả lời câu hỏi:
1/ Ở trường hợp 1 và 2, các bạn đã thực hiện trách nhiệm của học sinh trong việc thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân như thế nào?
2/ Theo em, học sinh có trách nhiệm gì trong việc thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân? Hãy kể những việc em đã làm để thực hiện tốt quyền này.
Phương pháp giải:
1/ Đọc trường hợp 1, 2 và chỉ ra cách các bạn trong trường hợp đó đã đã thực hiện trách nhiệm của học sinh trong việc thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
2/ - Nêu được trách nhiệm của học sinh trong việc thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
- Hãy kể những việc em đã làm để thực hiện tốt quyền này.
Lời giải chi tiết:
1/ - Trường hợp 1, Q đã chuẩn bị một số tài liệu, trò chơi đơn giản lồng ghép, hướng dẫn cho em gái và các bạn nhỏ hàng xóm một số kiến thức pháp luật về quyền bất khả xâm phạm chỗ ở và các kĩ năng phòng, chống xâm hại trẻ em để các em có thể tự bảo vệ an toàn cho bản thân khi ở nhà một mình.
- Trường hợp 2, khi tham dự buổi tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân và một số quyền tự do khác của công dân, các bạn học sinh ở Trường Trung học phổ thông X đã rất hào hứng trước những chia sẻ của các cô chú công an và tích cực đặt nhiều câu hỏi, nhiều tình huống để bổ sung kiến thức, nâng cao hiểu biết cho bản thân về những quyền công dân quan trọng này.
2/ - Trách nhiệm của học sinh trong việc thực hiện hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân:
+ Không được tự ý vào chỗ ở của người khác khi chưa được sự đồng ý;
+ Cần tích cực học tập, tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân;
+ Có ý thức tôn trọng chỗ ở của người khác;
+ Tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân;
+ Đấu tranh, phê phán, tố cáo các hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân;
+ Tham gia tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở đến mọi người xung quanh...
- Một số việc em đã làm để thực hiện tốt quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân:
+ Xin phép và chỉ vào nhà của người khác khi có sự đồng ý của chủ nhà.
+ Từ chối, không nghe theo sự rủ rê của bạn bè xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác.
+ Từ chối, không cho người khác vào nhà khi không có lí do hợp lí, cảm thấy không an toàn.
+ Học tập để nâng cao hiểu biết về các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân.
+ Hướng dẫn, tuyên truyền cho mọi người xung quanh hiểu về quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân.
1
Trả lời Luyện tập 1 trang 121 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Em hãy cho biết, các ý kiến sau đây đúng hay sai? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc các ý kiến và bày tỏ quan điểm đúng hay sai về các ý kiến đó. Giải thích.
Lời giải chi tiết:
a. Sai, vì pháp luật bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân ở tất cả những nơi thuộc về chỗ ở hợp pháp của công dân bao gồm nhà ở; tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; nhà khác nhưng được sử dụng nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
b. Sai, vì việc tự ý khám xét nhà của người khác khi chưa có sự đồng ý của chủ nhà vì những nghi ngờ vô căn cứ là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu tự ý thực hiện thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
c. Đúng, vì pháp luật Việt Nam quy định chỉ những người có thẩm quyền thuộc các cơ quan chức năng mới được ra lệnh khám xét chỗ ở của công dân (Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021).
d. Sai, vì thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội.
2
Trả lời Luyện tập 2 trang 121 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Các chủ thể dưới đây đã thực hiện đúng hay vi phạm quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc các trường hợp và phân tích các chủ thể đã thực hiện đúng hay vi phạm quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân. Giải thích.
Lời giải chi tiết:
a. Hành vi của K không vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân mà chỉ vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Người dân chỉ có quyền đối với phần diện tích đất theo ranh giới của nhà mình, còn hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do Nhà nước quản lí. Do đó, hành vi đỗ xe khiến người nhà ông Y không thể mở cửa đi ra ngoài của K không vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. (Khi K cố tình đỗ xe để ngăn cản, cấm gia đình ông Y vào nhà thì mới vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.)
b. Hành vi của A đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Hành vi của A chưa được sự đồng ý của chủ nhà nên đó là sự xâm nhập trái phép chỗ ở của người khác, vi phạm quy định của pháp luật.
c. Hành vi của ông T là vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Phòng trọ cũng là chỗ ở hợp pháp của công dân, được pháp luật thừa nhận. Khi người thuê trọ đã trả tiền để thuê phòng thì đây là chỗ ở hợp pháp của họ. Người cho thuê nhà không được tự ý ngăn cản họ vào nhà (trừ trường hợp có lí do hợp lí, ví dụ trước đó hai bên đã có điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà là nếu người thuê trọ chậm đóng tiền nhà trong thời gian bao lâu thì chủ nhà được phép khoá cửa phòng trọ, không cho người thuê trọ vào nhà ở).
d. Hành vi của bảo vệ cùng một số cư dân chung cư không vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Đây là tình huống khẩn cấp, liên quan đến mạng sống của hai em bé nên không thể trì hoãn. Mặt khác, người lớn trong nhà cũng đi vắng nên bảo vệ và những người xung quanh không thể trực tiếp thông báo, xin phép, nếu chờ tìm số điện thoại để liên hệ thì có thể sẽ xảy ra những hậu quả xấu (ví dụ: hai em bé bị ngã xuống dưới).
3
Trả lời Luyện tập 3 trang 121 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Em hãy đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:
- Theo em, hành vi trèo tường vào nhà ông B để tìm tên cướp của anh X và anh Y có vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân không? Vì sao?
- Theo em, hành vi của T có vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc các tình huống và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Tình huống a. Hành vi trèo tường vào nhà ông B để tìm tên cướp của anh X và anh Y là vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Anh X và anh Y chỉ nghi ngờ mà không phải trực tiếp trông thấy tên cướp trèo tường vào nhà ông B nên không có lí do chính đáng, không có thẩm quyền để vào nhà ông B tìm kiếm. Đồng thời, hai anh cũng chưa được sự đồng ý của ông B nên việc trèo tường vào nhà là xâm nhập trái phép, vi phạm pháp luật
- Tình huống b. Hành vi của T là vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. T không thông báo, không nhận được sự đồng ý của chủ nhà mà đã tự ý lấy chìa khoá để mở cửa vào nhà là xâm nhập chỗ ở trái phép, vi phạm quy định của pháp luật.
4
Trả lời Luyện tập 4 trang 121 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Em hãy xử lí các tình huống sau:
Phương pháp giải:
Đọc các tình huống và xử lí tình huống.
Lời giải chi tiết:
a. Nếu là anh trai của C, em sẽ tư vấn C nên trấn an bà nội, từ chối mở cửa, yêu cầu hai người đàn ông xuất trình thẻ công an và quyết định khám nhà. Nếu họ có giấy tờ đầy đủ thì T yêu cầu họ gọi đại diện chính quyền đến rồi mới đồng ý cho khám nhà. Nếu họ không xuất trình được giấy tờ thì T liên hệ công an hoặc chính quyền địa phương hoặc người lớn đáng tin cậy nhờ hỗ trợ.
b. Nếu là K, em sẽ không đồng ý với ý kiến của người bạn và sẽ giải thích cho bạn hiểu việc tự ý vào nhà người khác là không đúng, vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân và có thể dẫn đến những hậu quả không tốt. Hai bạn xin phép chủ nhà rồi mới vào lấy quyền truyện hoặc nhờ chủ nhà tìm hộ.
Vận dụng
Trả lời Vận dụng trang 122 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Em hãy viết một bài luận tuyên truyền về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân và chia sẻ lại với các bạn trong lớp.
Phương pháp giải:
Viết một bài luận tuyên truyền về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân và chia sẻ lại với các bạn trong lớp.
Lời giải chi tiết:
(*) Tham khảo:
Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là gì?
"Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định" - điều 22 Hiến pháp 2013 đã hiến định về quyền bất khả xâm phạm của công dân.
"Chỗ ở hợp pháp" được hiểu như thế nào?
Hiến pháp năm 2013 tại điều 22 đã hiến định: "Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp".
Nơi ở hợp pháp của công dân gắn liền với quyền tự do cư trú. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Theo Luật cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú.
Điều 12 luật này quy định về nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp được hiểu là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Xâm phạm chỗ ở người khác là hành vi vi phạm pháp luật!
Khoản 2 và 3 điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định".
Điều 12 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định nguyên tắc "bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của cá nhân": Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở… của cá nhân.
Khoản 1 điều 192 BLTTHS quy định: Việc khám xét chỗ ở của công dân chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Với các quy định này, cần được hiểu quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là quyền hiến định của mỗi công dân, không ai được tùy tiện vào nơi ở của họ. Việc xâm phạm chỗ ở của công dân khi không được sự đồng ý của họ là hành vi trái pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Theo điều 158 BLHS 2015, hành vi "xâm phạm chỗ ở của người khác" được mô tả bởi 4 nhóm hành vi: khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ; dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ; tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.
Hậu quả của các nhóm hành vi này làm cho nạn nhân bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của họ và các thành viên trong gia đình, gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho nạn nhân, xâm phạm trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được pháp luật bảo hộ.
Hình phạt đối với tội danh này là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài 18. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Kết nối tri thức timdapan.com"