Bài 15. Quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Kết nối tri thức

Em hãy chia sẻ hiểu biết của bản thân về quyền khiếu nại, quyền tố cáo của công dân.


Mở đầu

Trả lời Mở đầu trang 94 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy chia sẻ hiểu biết của bản thân về quyền khiếu nại, quyền tố cáo của công dân.

Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức thực tế của bản thân để chia sẻ hiểu biết về quyền khiếu nại, quyền tố cáo của công dân.

Lời giải chi tiết:

- Công dân thực hiện khiếu nại có quyền sau:

+ Tự mình khiếu nại hoặc uỷ quyền cho người khác thực hiện quyền khiếu nại. 

+ Tham gia đối thoại hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại.

+ Được quyền nhận các thông tin liên quan đến quá trình giải quyết khiếu nại trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước.

+ Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại.

+ Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó. 

+ Nhận văn bản trả lời về việc thụ lí giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại. 

+ Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật,

+ Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính. 

+ Rút khiếu nại.

- Công dân thực hiện tố cáo có quyền sau:

+ Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác. 

+ Được thông báo về việc thụ lí hoặc không thụ lí tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo.

+ Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, to chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; 

+ Rút tố cáo.

+ Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo, được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.


a

Trả lời câu hỏi mục 1a trang 96 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi:


1/ Các chủ thể trong trường hợp 2 và 3 đã thực hiện quyền khiếu nại của công dân như thế nào?

2/ Theo em, các quy định của pháp luật về quyền của công dân về khiếu nại có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi công dân và đối với Nhà nước? Nêu ví dụ về việc thực hiện tốt quyền của công dân về khiếu nại trong đời sống.

Phương pháp giải:

1/ Chỉ ra cách các chủ thể trong trường hợp 2 và 3 đã thực hiện quyền khiếu nại của công dân.

2/ Nêu được ý nghĩa các quy định của pháp luật về quyền của công dân về khiếu nại. Lấy ví dụ về việc thực hiện tốt quyền của công dân về khiếu nại trong đời sống.

Lời giải chi tiết:

1/ - Trong trường hợp 2, Trung tâm Ngoại ngữ X đã thực hiện quyền của công dân về khiếu nại bằng việc gửi đơn đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét lại quyết định thu hồi giấy phép hoạt động đối với trung tâm; tìm hiểu các thông tin liên quan đến sự việc; rút đơn khiếu nại khi nhận thấy quyết định thu hồi giấy phép là có căn cứ và đúng với quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp 3, bà Y đã thực hiện quyền của công dân về khiếu nại bằng việc uỷ quyền cho con gái làm đơn khiếu nại và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến sự việc gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.

2/ - Ý nghĩa của các quy định pháp luật về quyền khiếu nại của công dân: 

+ Là cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

+ Là điều kiện để công dân tham gia và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lí nhà nước và xã hội. 

+ Là hình thức thể hiện quyền làm chủ của công dân trong hoạt động quản lí nhà nước; phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, giảm thiểu những hậu quả tiêu cực, góp phần xây dựng và phát triển một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Ví dụ thực hiện tốt quyền của công dân về khiếu nại trong đời sống thực tiễn:

+ Người dân chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật, nhờ luật sư tư vấn trước khi làm đơn khiếu nại gửi tới cơ quan chức năng đề nghị xem xét giải quyết vấn đề của mình. 

+ Người dân được nhận bồi thường thiệt hại, được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm sau khi việc giải quyết khiếu nại hoàn thành.


b

Trả lời câu hỏi mục 1b trang 98 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi:


1/ Theo em, các chủ thể trong trường hợp 2 đã thực hiện quyền tố cáo của công dân như thế nào?

2/ Theo em, các quy định của pháp luật về quyền của công dân về tố cáo có ý nghĩa gì đối với mỗi công dân và đối với xã hội. Nêu ví dụ về việc thực hiện tốt quyền của công dân về tố cáo trong đời sống thực tiễn.

Phương pháp giải:

1/ Chỉ ra cách các chủ thể trong trường hợp 2 đã thực hiện quyền tố cáo của công dân.

2/ Nêu được ý nghĩa các quy định của pháp luật về quyền của công dân về tố cáo. Lấy ví dụ về việc thực hiện tốt quyền của công dân về tố cáo trong đời sống thực tiễn.

Lời giải chi tiết:

1/ Trong trường hợp 2, H đã thực hiện quyền của công dân về tố cáo bằng việc thu thập bằng chứng về hành vi sai phạm của K và B sau đó đem đến cơ quan chức năng để đề nghị can thiệp giải quyết. Gia đình H được nhận bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật từ K và B.

2/ - Ý nghĩa của các quy định pháp luật về quyền của công dân về tố cáo: 

+ Là cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 

+ Tạo điều kiện để công dân thực hiện tốt quyền của bản thân. 

+ Ngăn chặn những việc làm trái pháp luật, xâm phạm lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước và xã hội; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Ví dụ thực hiện tốt quyền của công dân về tố cáo trong đời sống thực tiễn:

+ Người dân quay clip, chụp lại các hình ảnh gây ô nhiễm môi trường của một cơ sở sản xuất và tố cáo với cơ quan chức năng. 

+ Người dân được cơ quan chức năng khen thưởng vì tố cáo hành vi buôn bán trái phép chất ma tuý.


c

Trả lời câu hỏi mục 1c trang 99 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi


1/ Các chủ thể trong trường hợp 3 và 4 đã thực hiện nghĩa vụ gì của công dân về khiếu nại, tố cáo?

2/ Em hãy nêu ví dụ minh hoạ cho việc công dân thực hiện tốt nghĩa vụ về khiếu nại, tố cáo.

Phương pháp giải:

1/ Chỉ ra nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo mà các chủ thể trong trường hợp 3 và 4 đã thực hiện.

2/ Nêu ví dụ minh hoạ cho việc công dân thực hiện tốt nghĩa vụ về khiếu nại, tố cáo.

Lời giải chi tiết:

1/ - Trường hợp 3, anh C đã thực hiện nghĩa vụ trình bày trung thực, cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc khiếu nại; chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại.

- Trường hợp 4, chị U đã thực hiện nghĩa vụ cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân, trình bày chi tiết sự việc, cung cấp các chứng cứ liên quan cho cán bộ công an khi tố cáo bà M.

2/ Ví dụ việc công dân thực hiện tốt nghĩa vụ về khiếu nại, tố cáo:

- Người dân sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin, hỗ trợ cơ quan công an giải quyết tố cáo khi có yêu cầu. 

- Người dân gửi đơn khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết, không đăng tải các thông tin sai sự thật về việc khiếu nại lên mạng xã hội.


? mục 2

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 100 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi:


1/ Hành vi vi phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong trường hợp 2 và 3 đã gây ra những hậu quả như thế nào?

2/ Ngoài những hậu quả đã đề cập đến trong các trường hợp trên, theo em, hành vi vi phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân còn có thể dẫn đến những hậu quả nào khác? Giải thích và nêu ví dụ minh hoạ.

3/ Em hãy chia sẻ về một trường hợp vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại hoặc tố cáo mà em biết và rút ra bài học cho bản thân.

Phương pháp giải:

1/ Nêu được hậu quả của hành vi vi phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong trường hợp 2 và 3 đã gây ra.

2/ Nêu được các hậu quả khác của hành vi vi phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Giải thích và nêu ví dụ minh hoạ.

3/ Chia sẻ về một trường hợp vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại hoặc tố cáo mà em biết và rút ra bài học cho bản thân.

Lời giải chi tiết:

1/ - Trường hợp 2, hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại (cụ thể là hành vi cô lập và gây khó dễ cho chị N trong công việc của người bị chị khiếu nại trước đó) đã khiến chị N mệt mỏi, hiệu quả công việc bị giảm sút và nhiều lần muốn nghỉ việc.

- Trường hợp 3, hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về tố cáo (cụ thể là hành vi đăng nhiều tin sai sự thật về sự việc lên mạng xã hội của bà M) đã khiến nhiều người dân hiểu nhầm, ảnh hưởng xấu tới uy tín của các cán bộ và cơ quan nhà nước ở địa phương.

2/ - Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo có thể gây nên nhiều hậu quả tiêu cực khác như: 

+ Ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của pháp luật và trật tự quản lí nhà nước. 

+ Có thể gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân. 

+ Làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, kinh tế của công dân. 

+ Người thực hiện hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Ví dụ:

+ Hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo có thể khiến người khiếu nại, tố cáo bị thương tích, tốn kém tiền bạc để chữa trị, phục hồi sức khoẻ. 

+ Hành vi lan truyền thông tin sai sự thật về khiếu nại, tố cáo có thể khiến những người có liên quan bị hiểu nhầm dẫn đến ảnh hưởng xấu về tinh thần, thậm chí tự tử.

3/ - Trường hợp: Anh A đứng đầu một nhóm người gửi đơn tố cáo nặc danh (không ghi rõ họ tên, địa chỉ) bịa đặt việc trưởng phòng H nhận hối lộ, sử dụng bằng cấp giả nhằm mục đích: xúc phạm danh dự, hạ uy tín của trưởng phòng H; cạnh tranh vị trí trong đợt bổ nhiệm tiếp theo. Nhưng trên thực tế, trưởng phòng H không thực hiện hành vi nhận hối lộ, bằng cấp của anh H là thật. Việc tố cáo của anh A đã ảnh hưởng đến sự đoàn kết của tập thể, ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm anh H của tổ chức và xúc phạm danh dự của anh H.

- Bài học: Nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân về tố cáo.


1

Trả lời Luyện tập 1 trang 101 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai? Vì sao?

Phương pháp giải:

Đọc các ý kiến và bày tỏ quan điểm đúng hay sai về ý kiến đó. Giải thích.

Lời giải chi tiết:

a. Sai, vì ngoài lĩnh vực hành chính, công dân còn có quyền khiếu nại trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như lao động, việc làm, giáo dục, y tế,...

b. Đúng, vì hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo có thể khiến người dân tiếp nhận thông tin sai sự thật, dẫn đến hiểu nhầm, bất mãn với hoạt động của các cán bộ, cơ quan nhà nước và nảy sinh những hành vi chống đối. Nếu các thế lực phản động lợi dụng điều này để kích động người dân biểu tình, chống phá Nhà nước thì có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị.

c. Sai, vì khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, công dân phải gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Việc đăng bài lên mạng xã hội không có giá trị về mặt pháp lí nên sẽ không được giải quyết, đồng thời việc này còn có thể gây ra nhiều hậu quả xấu như khiến người khác hiểu nhầm, gây xung đột, mâu thuẫn.

d. Đúng, vì việc thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo sẽ hỗ trợ cho cơ quan nhà nước phát hiện những việc làm vi phạm pháp luật, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trên cơ sở đó, Nhà nước có sự can thiệp, xử lí, ngăn chặn những hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.


2

Trả lời Luyện tập 2 trang 101 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Các chủ thể dưới đây thực hiện đúng hay vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo? Vì sao?


Phương pháp giải:

Đọc các trường hợp và phân tích trường hợp để chỉ ra được chủ thể đã thực hiện đúng hay vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo. Giải thích.

Lời giải chi tiết:

a. - Hành vi của cán bộ T chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân về tố cáo, vì hành vi này chưa đúng với quy định của pháp luật, gián tiếp bao che cho người sai phạm, gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người tố cáo.

- Hành vi của anh B đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân về tố cáo vì hành vi này đã thể hiện trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, thực hiện nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của công dân và tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

b.  Hành vi của lãnh đạo cơ quan X đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo. Hành vi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình, qua đó kịp thời tiếp nhận, xử lí, khắc phục những điều chưa tốt trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu những hậu quả tiêu cực không mong muốn.

c. Hành vi của công an G đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân về tố cáo. Hành vi của công an G đã thực hiện quyền được bảo vệ an toàn của người tố cáo. Qua đó sẽ hỗ trợ anh D biết cách tự bảo đảm an toàn cho bản thân, nhận biết những nguy cơ mất an toàn và giảm thiểu những hậu quả xấu.

d. Hành vi của bà S đã vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về tố cáo. Hành vi này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà A và gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lí sự việc.


3

Trả lời Luyện tập 3 trang 101 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đưa ra lời khuyên cho các nhân vật trong mỗi tình huống dưới đây:


- Nếu em là P, em sẽ khuyên bố mẹ như thế nào? 

- Nếu là O, em sẽ khuyên Y như thế nào?

Phương pháp giải:

Đọc các tình huống và đưa ra lời khuyên cho các nhân vật trong mỗi tình huống đó.

Lời giải chi tiết:

a. Nếu là P, em sẽ: 

- Giải thích cho bố mẹ hiểu về quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, mục đích của việc khiếu nại là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi phát hiện sai phạm mà không khiếu nại là gián tiếp bao che cho những hành vi vi phạm. 

- Khuyên bố mẹ nên thu thập thông tin và làm đơn khiếu nại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. 

b. Nếu là O, em sẽ: 

- Giải thích cho Y hiều hành vi của chủ tiệm tạp hoá có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực (ví dụ: nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ,...), hiểu về quyền tố cáo của công dân. 

- Khuyên Y nên tố cáo hành vi của ông chủ tiệm tạp hoá. Khi thực hiện tố cáo, Y nên chia sẻ lo lắng của bản thân với cán bộ công an và yêu cầu họ giữ bí mật thông tin người tố cáo để đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân của mình.


4

Trả lời Luyện tập 4 trang 102 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Theo em, học sinh có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo?


Phương pháp giải:

Liên hệ bản thân để chỉ ra trách nhiệm của học sinh trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo.

Lời giải chi tiết:

Trách nhiệm của học sinh trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo:

- Chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân, nâng cao hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo.

- Tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo bằng những việc làm phù hợp năng lực, độ tuổi. 

- Tuyên truyền, khuyến khích những người xung quanh hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo. 

- Phê phán, đấu tranh, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật.


Vận dụng

Trả lời Vận dụng trang 102 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy viết một bài luận thể hiện ý nghĩa của quyền và nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo của công dân và chia sẻ lại với các bạn trong lớp.

Phương pháp giải:

Viết một bài luận thể hiện ý nghĩa của quyền và nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo của công dân và chia sẻ lại với các bạn trong lớp.

Lời giải chi tiết:

Quyền và nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo là một trong những nét đặc trưng của chế độ dân chủ, giúp bảo vệ quyền lợi và ngăn chặn những hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật. Trong một xã hội văn minh, công bằng và dân chủ, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo của công dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của mọi người và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, chính trực.

Trước hết, việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo giúp người dân bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước những hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật. Khi một cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm, thì công dân có quyền khiếu nại, tố cáo để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Nếu không có quyền khiếu nại, tố cáo, thì người dân sẽ không có cơ hội để đưa ra ý kiến, phản ánh những hành vi vi phạm và các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ không chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, việc thực hiện nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của những người khác. Khi nhận thấy có hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật xảy ra đối với người khác, công dân có nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền lợi của những người bị tổn thương. Điều này giúp đảm bảo công bằng và tôn trọng quyền của mỗi cá nhân, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết và sự quan tâm đến cộng đồng.