Bài 11. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Kết nối tri thức

Em hãy chỉ ra quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong thông tin sau: “Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc,....”


Mở đầu

Trả lời Mở đầu trang 68 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy chỉ ra quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong thông tin sau:

“Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc,....”

(Trích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000)


Phương pháp giải:

Đọc thông tin và chỉ ra quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong thông tin đó.

Lời giải chi tiết:

Đoạn trích trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy: Các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng với nhau trước pháp luật về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.


a

Trả lời câu hỏi mục 1a trang 69 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc những thông tin sau để trả lời câu hỏi:


1/ Quy định tỉ lệ ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong thông tin 1 nhằm mục đích gì? Vì sao?

2/ Quyền bình đẳng về chính trị giữa các dân tộc ở Việt Nam được biểu hiện như thế nào trong thông tin 2?

3/ Em hãy lấy ví dụ thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên lĩnh vực chính trị.

Phương pháp giải:

1/ Đọc thông tin 1 và nêu được mục đích của quy định tỉ lệ ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong thông tin đó và giải thích.

2/ Đọc thông tin 2 và nêu biểu hiện của quyền bình đẳng về chính trị giữa các dân tộc ở Việt Nam được thể hiện trong thông tin đó.

3/ Lấy được ví dụ thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên lĩnh vực chính trị.

Lời giải chi tiết:

1/ Quy định tỉ lệ ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong thông tin 1 nhằm mục đích để các dân tộc thiểu số có thể thực hiện được quyền bình đẳng giữa các dân tộc khi tham gia vào các cơ quan đại diện của Nhà nước.

2/ Thông tin 2 cho thấy các dân tộc sinh sống ở Việt Nam đều bình đẳng về chính trị, người của bất kì dân tộc nào cũng có thể được bầu làm đại biểu Quốc hội ở Việt Nam, quyền bình đẳng giữa các dân tộc không chỉ về mặt pháp lí mà cả về thực tiễn, được hiện thực hóa trong kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

3/ Ví dụ thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên lĩnh vực chính trị:

- Nghị quyết số 1135 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đặt mục tiêu phấn đấu đạt 18% tỷ lệ người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu Quốc hội trong tổng số đại biểu Quốc hội. 

- Trong nhiều nhiệm kỳ bầu cử vừa qua, tỷ lệ người dân tộc thiểu số  tham gia bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị đại diện cho nhân dân đã đạt một số thành tựu, nhìn chung tăng cả về số lượng cũng như chất lượng. Từ lúc mới có 10,2% (khóa I), đến khóa XII là 17,7%.


b

Trả lời câu hỏi mục 1b trang 70 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc những thông tin sau để trả lời câu hỏi:


1/ Quyền bình đẳng về kinh tế giữa các dân tộc ở Việt Nam được biểu hiện như thế nào trong các thông tin trên?

2/ Em hãy lấy ví dụ trong thực tiễn thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên lĩnh vực kinh tế.

Phương pháp giải:

1/ Đọc các thông tin và nêu biểu hiện của quyền bình đẳng về kinh tế giữa các dân tộc ở Việt Nam trong các thông tin đó.

2/ Lấy được ví dụ trong thực tiễn thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên lĩnh vực kinh tế.

Lời giải chi tiết:

1/ Quyền bình đẳng về kinh tế giữa các dân tộc ở Việt Nam được biểu hiện trong các thông tin như sau:

- Thông tin 3: Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ đề ra chủ trương, chính sách mà còn ban hành các văn bản pháp luật cụ thể, tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước.

- Thông tin 4: Đồng bào các dân tộc ở bản Kéo Hượn đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường được tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở địa phương, từng bước nâng cao và cải thiện cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân trong bản.

2/ Ví dụ trong thực tiễn thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên lĩnh vực kinh tế:

Ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã địa bàn khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135). Hơn 20 năm qua, Chương trình 135 đã đạt được nhiều thành tựu, tập trung một số nội dung như: Hệ thống cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội địa bàn khó khăn được đầu tư với hàng ngàn công trình (đường giao thông liên thôn, xã, trường học, trạm y tế, công trình hỗ trợ tưới tiêu, nhà sinh hoạt cộng đồng); nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và cách làm mới đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân vươn lên thoát nghèo...


c

Trả lời câu hỏi mục 1c trang 71 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc những thông tin sau để trả lời câu hỏi:


1/ Quyền bình đẳng về văn hoá, giáo dục giữa các dân tộc được biểu hiện như thế nào trong các thông tin trên?

2/ Em hãy lấy ví dụ trong thực tiễn thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục.

Phương pháp giải:

1/ Đọc các thông tin và nêu biểu hiện của quyền bình đẳng về văn hoá, giáo dục giữa các dân tộc trong các thông tin đó.

2/ Lấy được ví dụ trong thực tiễn thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục.

Lời giải chi tiết:

1/ Quyền bình đẳng về văn hoá, giáo dục giữa các dân tộc được thể hiện trong các thông tin trên như sau:

- Thông tin 3: Các dân tộc sinh sống ở Việt Nam đều bình đẳng về văn hoá. Văn hoá của tất cả các dân tộc đều được tạo điều kiện để bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình.

- Thông tin 4: Các dân tộc đều bình đẳng về giáo dục, Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

2/ Ví dụ trong thực tiễn thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục:

Trong những năm qua, để phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, ban hành và thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tiêu biểu như:

- Chính sách hỗ trợ học tập cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi.

- Chính sách học bổng đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học.

- Chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh bán trú cấp Tiểu học, THCS, học sinh cấp THPT là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

- Chính sách miễn, giảm học phí.

- Chính sách ưu tiên cộng điểm xét tuyển vào cao đẳng, đại học.


? mục 2

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 73 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc những thông tin sau để trả lời câu hỏi:


1/ Theo em. Vì sao chúng ta chỉ có thể bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu đẹp nếu các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển?

2/ Từ thông tin 2, em hãy cho biết việc thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã có tác động tích cực như thế nào đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nếu các dân tộc trong đất nước không bình đẳng thì sẽ dẫn đến những hậu quả gì?

Phương pháp giải:

1/ Đọc các thông tin và giải thích vì sao chúng ta chỉ có thể bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu đẹp nếu các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.

2/ - Chỉ ra tác động tích cực của việc thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. 

- Nêu được hậu quả nếu các dân tộc trong đất nước không bình đẳng.

Lời giải chi tiết:

1/ Để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước thì các dân tộc cần phải: tôn trọng sự khác biệt của mỗi dân tộc, tạo điều kiện để các dân tộc đoàn kết, cùng phát triển, cùng tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, cùng thực hiện mục tiêu chung của đất nước “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

2/ - Nhờ những chính sách đúng đắn về dân tộc, đặc biệt là quyền bình đẳng giữa các dân tộc mà các dân tộc đều có điều kiện phát triển về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, xã hội.

- Nếu các dân tộc trong đất nước không bình đẳng thì sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa các dân tộc, làm cho một số dân tộc không có các điều kiện để phát triển như những dân tộc khác. Điều đó có thể dẫn đến những hành vi kì thị, chia rẽ, mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, làm cả xã hội phát triển chậm, không ổn định. Trong những điều kiện như vậy, các thế lực thù địch có thể lợi dụng để chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết giữa các dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.


1

Trả lời Luyện tập 1 trang 73 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào sau đây? Vì sao?

Phương pháp giải:

Đọc các ý kiến và bày tỏ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến đó. Giải thích.

Lời giải chi tiết:

a. Đồng tình. Vì theo quy định của pháp luật Việt Nam thì: Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội; công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo... Do vậy, các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể có đại biểu của mình trong hệ thống các cơ quan nhà nước.

b. Đồng tình. Vì theo quy định của pháp luật Việt Nam thì ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt, song các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình.

c. Không đồng tình. Vì việc Nhà nước quy định và thực hiện một số chính sách ưu tiên đối với HS, sinh viên là người dân tộc thiểu số sẽ tạo điều kiện thuận lợi để HS, sinh viên là người dân tộc thiểu số vượt qua những khó khăn vươn lên học tốt vì lợi ích của bản thân, dân tộc mình và cả đất nước.

d. Đồng tình. Vì việc kì thị, phân biệt đối xử về thành phần dân tộc sẽ dẫn đến mất đoàn kết, không bình đẳng, không tôn trọng sự khác biệt về dân tộc, chia rẽ dân tộc, không giúp nhau phát triển, thậm chí còn làm cho xã hội chậm phát triển.


2

Trả lời Luyện tập 2 trang 74 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Hành vi của các chủ thể dưới đây là thực hiện đúng pháp luật hay vi phạm pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc? Vì sao?


Phương pháp giải:

Đọc các trường hợp và phân tích hành vi của các chủ thể là thực hiện đúng pháp luật hay vi phạm pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Giải thích.

Lời giải chi tiết:

a. Các hành vi, việc làm của A và cơ quan có thẩm quyền đều đúng. Pháp luật Việt Nam quy định: Công dân có quyền xác định dân tộc của mình (trích Điều 42 Hiến pháp năm 2013).

 b. Việc làm của Công ty X không nhận anh Q vào làm việc với lí do anh là người dân tộc thiểu số là sai. Công ty đã phân biệt đối xử và vi phạm quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

c.  Việc làm của anh H là đúng, vì theo Hiến pháp Việt Nam quy định: Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình (khoản 3 Điều 5 Hiến pháp năm 2013).


3

Trả lời Luyện tập 3 trang 74 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

a. Gần tới ngày Toà án xét xử việc tranh chấp đất đai giữa anh P (người dân tộc Ơ-đu) với anh N (người dân tộc Kinh). Anh P lo lắng vì mình chỉ thành thạo tiếng dân tộc Ơ-đu mà không thành thạo tiếng Việt sẽ gây bất lợi cho bản thân.

Em hãy tư vấn cách thức để giúp anh P được đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 b. D và B sinh ra, lớn lên và học tập cùng trưởng tại địa phương X. Cả hai cùng dự thi vào Trường Đại học N và có số điểm thi đại học bằng nhau, nhưng D là người dân tộc thiểu số được cộng thêm điểm ưu tiên nên đủ điểm đỗ, còn B là người dân tộc Kinh không ưu tiên nên không đỗ. B thắc mắc và cho rằng như vậy là không được đảm bảo sự bình đẳng.

Em hãy tư vấn để giúp B hiểu được chính sách ưu tiên của Nhà nước trong việc tuyển sinh đại học.

Phương pháp giải:

Đọc tình huống và xử lí tình huống.

Lời giải chi tiết:

a. Anh P vẫn có thể trình bày trước Tòa án bằng tiếng dân tộc Ơ đu của mình, vì pháp luật Việt Nam quy định: Công dân có quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (trích Điều 42 Hiến pháp năm 2013).

b. Việc giải quyết của Trường Đại học N là đúng. Việc Nhà nước ưu tiên trong tuyển sinh đại học đối với người dân tộc thiểu số là hoàn toàn hợp lí, nhằm tạo điều kiện cho người dân các dân tộc thiểu số có thể thực hiện được quyền bình đẳng của mình với dân tộc đa số.


4

Trả lời Luyện tập 4 trang 74 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy kể một việc làm cụ thể của bản thân đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

Phương pháp giải:

Liên hệ bản thân và kể một việc làm cụ thể đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

Lời giải chi tiết:

Một số việc làm cụ thể của bản thân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa dân tộc:

- Tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc.

- Phê phán những hành vi thể hiện sự kì thị, phân biệt đối xử giữa đồng bào các dân tộc.

- Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dán về quyền bình đẳng của các dân tộc.


Vận dụng

Trả lời Vận dụng trang 74 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em và nhóm học tập sưu tầm các bài phát biểu, bài viết của những người nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới về quyền bình đẳng giữa các dân tộc và chia sẻ với các bạn trong lớp.

Phương pháp giải:

Sưu tầm các bài phát biểu, bài viết của những người nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới về quyền bình đẳng giữa các dân tộc và chia sẻ với các bạn trong lớp.

Lời giải chi tiết:

(*) Tham khảo 1: 

Quan điểm của V.I.Lênin về bình đẳng dân tộc

V.I.Lênin luôn tuyên bố và khẳng định dứt khoát việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc trong một quốc gia trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.  Bình đẳng dân tộc là bình đẳng về mặt quyền lợi và nghĩa vụ, trong đó, V.I.Lênin nhấn mạnh việc bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc ít người: “Chúng ta đòi hỏi một sự bình đẳng tuyệt đối về mặt quyền lợi cho tất cả các dân tộc trong quốc gia và sự bảo vệ vô điều kiện các quyền lợi của mọi dân tộc ít người”. Như vậy, bình đẳng dân tộc gắn với việc bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số trong một quốc gia. Để bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi cho các dân tộc, đặc biệt là dân tộc ít người, V.I.Lênin phản đối bất cứ một đặc quyền dành cho một dân tộc nào: “Không có một đặc quyền nào cho bất cứ dân tộc nào, mà là quyền bình đẳng hoàn toàn của các dân tộc”; “Tất cả các dân tộc trong nước đều tuyệt đối bình đẳng và mọi đặc quyền của bất cứ dân tộc nào hoặc ngôn ngữ nào đều bị coi là không thể dung thứ và trái với hiến pháp”. Về nội dung của bình đẳng giữa các dân tộc, theo V.I.Lênin phải bảo đảm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: “Một Nhà nước dân chủ không thể dung thứ một tình trạng áp bức, kiềm chế của một dân tộc này đối với bất cứ dân tộc nào khác trong bất cứ lĩnh vực nào, trong bất cứ ngành hoạt động xã hội nào”. Bình đẳng dân tộc gắn với việc bảo đảm quyền lợi của dân tộc thiểu số phải được thể hiện trong mọi lĩnh vực. Bình đẳng trong kinh tế là bảo đảm quyền lợi, lợi ích kinh tế, quyền được phân phối công bằng tư liệu sản xuất cũng như thành quả của sự phát triển cho tất cả các dân tộc. Bình đẳng trong chính trị là bảo đảm quyền của các dân tộc trong tham gia vào đời sống chính trị, hệ thống chính trị của đất nước. Bình đẳng trong văn hóa, xã hội là bảo đảm quyền hưởng các thành quả phát triển văn hóa, xã hội của đất nước, quyền được bảo vệ bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Trong khi khẳng định sự toàn diện, đầy đủ trong thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc, V.I.Lênin nhấn mạnh đến việc thực hiện bình đẳng dân tộc trong lĩnh vực văn hóa: “Một Nhà nước dân chủ phải thừa nhận vô điều kiện quyền tự do hoàn toàn của các ngôn ngữ dân tộc khác nhau và gạt bỏ bất cứ đặc quyền nào của một trong những ngôn ngữ đó”. Văn hóa của một dân tộc tộc người thể hiện ở phong tục, tập quán, tín ngưỡng và các sinh hoạt hằng ngày, trong đó thể hiện rõ nét ở ngôn ngữ riêng của tộc người đó. Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa, đồng thời là phương tiện truyền tải các giá trị, sinh hoạt văn hóa của tộc người đó. V.I.Lênin khẳng định quyền tự do sử dụng ngôn ngữ riêng của các tộc người chính là quyền bình đẳng về văn hóa giữa các dân tộc. Quyền này thể hiện ở chỗ không có ngôn ngữ quốc gia nào có tính chất bắt buộc, các dân tộc được học ngôn ngữ của mình trong trường học, được sử dụng ngôn ngữ của mình trong mọi trường hợp ví dụ như tòa án... “Đảm bảo sự bình đẳng hoàn toàn giữa các dân tộc và không có một ngôn ngữ quốc gia có tính chất bắt buộc, đảm bảo cho dân cư có các trường học dạy bằng tất cả các ngôn ngữ địa phương”. Theo V.I.Lênin, bình đẳng dân tộc về mặt văn hóa không chỉ là việc các dân tộc được tự do sử dụng ngôn ngữ của mình, được bảo vệ bản sắc văn hóa riêng của mình mà còn là được hưởng công bằng các giá trị, thành tựu phát triển văn hóa chung của đất nước: “Tỷ lệ kinh phí chi tiêu cho nhu cầu văn hóa - giáo dục của các dân tộc ít người của một địa phương không thể thấp hơn tỷ lệ mà dân tộc ít người đó chiếm so với toàn bộ dân số của địa phương đó”.

(*) Tham khảo 2: 

Lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh 

tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam (ngày 03-12-1945)

“Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa.

Nhiệm vụ chính của các dân tộc thiểu số hiện nay phải thực hiện là:

1- Đoàn kết hơn nữa để chống xâm lăng.

2- Hết sức tăng gia sinh sản.

3- Ra sức cứu giúp đồng bào dưới xuôi về nạn đói và ủng hộ Chính phủ để kháng chiến và cứu đói.

4- Gây sự thân thiện giữa ta và Trung Quốc, nhất là các dân tộc ở các miền biên giới Việt Nam và Trung Quốc.

Anh em thiểu số chúng ta sẽ được:

1- Dân tộc bình đẳng: Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu bất bình trước sẽ sửa chữa đi.

2- Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt:

a) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng.

b) Về văn hoá, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc.

Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình”.