Giải đề thi học kì 2 lý lớp 9 năm 2020 - 2021 Phòng GD - ĐT Thành Phố Thủ Dầu Một

Giải đề thi học kì 2 lý lớp 9 năm 2020 - 2021 Phòng GD - ĐT Thành Phố Thủ Dầu Một với cách giải nhanh và chú ý quan trọng


Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

Hãy chọn phương án trả lời đúng nhất:

Câu 1: Tia tới song song với trục chính của thấu kính phân kì cho tia ló

A. Đi qua tiêu điểm

B. Song song với trục chính

C. Tiếp tục truyền thẳng theo phương của tia tới

D. Có đường kéo dài đi qua tiêu điểm

Câu 2: Khi tia sáng truyền từ không khí sang nước, gọi i là góc tới và r là khúc khúc xạ thì:

A. r < i                         B. r > i

C. r = i                         D. r = 2i          

Câu 3: Đối với máy phát điện xoay chiều có cuộn dây quay thì:

A. Stato là cuộn dây dẫn

B. Stato là nam châm

C. Stato là thanh quét

D. Stato là hai vành khuyên

Câu 4: Một người quan sát một vật nhỏ bằng kính lúp:

A. Ảnh của vật là ảnh ảo cùng chiều, lớn hơn vật

B. Ảnh của vật là ảnh thật cùng chiều, lớn hơn vật

C. Ảnh của vật là ảnh ảo ngược chiều, lớn hơn vật

D. Ảnh của vật là ảnh ảo cùng chiều, nhỏ hơn vật

Câu 5: Vật AB đặt trước thấu kính phân kì có tiêu cự f và cách thấu kính một khoảng OA cho ảnh A’B’ cao bằng nửa AB. Điều nào sau đây là đúng nhất?

A. OA < f                   B. OA = 2f

C. OA = f                   D. OA > f

Câu 6: Mắt cận thị có điểm cực viễn cách mắt 0,5m. Đeo kính cận là thấu kính loại nào sau đây để khắc phục tật mắt trên?

A. Thấu kính hội tụ có tiêu cự 25cm

B. Thấu kính phân kì có tiêu cự 25cm

C. Thấu kính hội tụ có tiêu cự 50cm

D. Thấu kính phân kì có tiêu cự 50cm

II. TỰ LUẬN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

a) Cuộn sơ cấp của một máy biến thế có 2200 vòng, cuộn thứ cấp có 120 vòng. Khi đặt vào hai đầu cuộn sơ cấp một hiệu điện thế xoay chiều 220 V thì ở hai đầu cuộn thứ cấp có hiệu điện thế là bao nhiêu?

b) Một đường dây tải điện có điện trở \(100\Omega \), hiệu điện thế giữa hai đầu dây là 10000V, công suất cần tải là 500KW. Tính công suất hao phí do tỏa nhiệt trên đường dây?

Câu 2 (2 điểm): Hình vẽ dưới đây cho biết \(\Delta \) là trục chính của một thấu kính, S là điểm sáng và S’ là ảnh của điểm sáng qua thấu kính đã cho:

a) Thấu kính trên là loại thấu kính gì?

b) Bằng cách vẽ hãy xác định quang tâm O, các tiêu điểm F và F’ của thấu kính?

Câu 3 (3 điểm)

Đặt một vật sáng AB cao 4cm vuông góc với trục chính của một thấu kính phân kì có tiêu cự 12cm (điểm A đặt trên trục chính). Vật AB đặt ngoài khoảng tiêu cự của thấu kính.

a) Dựng ảnh A’B’ của vật AB tạo bởi thấu kính và nhận xét đặc điểm của ảnh.

b) Tính khoảng cách từ vật đến thấu kính. Biết ảnh cách thấu kính 7,2cm.

Lời giải chi tiết

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Thực hiện: Ban chuyên môn

I. TRẮC NGHIỆM

1. D

2. A

3. B

4. A

5. C

6. D

Câu 1:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết đường truyền của ba tia sáng đặc biệt qua thấu kính phân kì:

- Tia tới song song với trục chính thì tia ló kéo dài đi qua tiêu điểm.

- Tia tới đến quang tâm thì tia ló tiếp tục truyền thẳng theo phương của tia tới.

- Tia tới đi hướng tới tiêu điểm F’ cho tia ló song song với trục chính.

Cách giải:

Tia tới song song với trục chính thì tia ló kéo dài đi qua tiêu điểm.

Chọn D

Câu 2:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết về quan hệ giữa góc tới và góc khúc xạ:

Khi tia sáng truyền từ không khí sang các môi trường trong suốt rắn, lỏng khác nhau thì góc khúc xạ nhỏ hơn góc tới.

Cách giải:

Khi tia sáng truyền từ không khí sang nước thì góc khúc xạ nhỏ hơn góc tới => r < i

Chọn A

Câu 3:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết về máy phát điện xoay chiều:

Một máy phát điện xoay chiều có hai bộ phận chính là nam châm và cuộn dây dẫn. Một trong hai bộ phận đứng yên gọi là stato, bộ phận còn lại gọi là roto.

Cách giải:

Đối với máy phát điện xoay chiều có cuộn dây quay thì stato là nam châm và cuộn dây là roto.

Chọn B

Câu 4:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết về kính lúp.

Cách giải:

Kính lúp là thấu kính hội tụ có tiêu cự ngắn, dùng để quan sát các vật nhỏ. Vật cần quan sát phải đặt trong khoảng tiêu cự của kính để cho một ảnh ảo lớn hơn vật. Mắt nhìn thấy ảnh ảo đó.

Chọn A

Câu 5:

Phương pháp:

Dựng ảnh của vật qua thấu kính phân kì, sử dụng các tính chất của ảnh và vật qua thấu kính phân kì.

Cách giải:

Vật AB đặt trước thấu kính phân kì có tiêu cự f, có A nằm trên trục chính và cách thấu kính một khoảng OA cho ảnh A’B’ cào bằng nửa vật AB khi OA = OF’ = f

Chọn C

Câu 6:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết về mắt cận và mắt lão.

Cách giải:

Mắt cận thị sử dụng kính cận là thấu kính phân kì. Kính cận thích hợp có tiêu cự f trùng với điểm cực viễn.

Mắt cận thị cách điểm cực viễn 0,5m => tiêu cự f = 0,5m = 50cm.

=> Để khắc phục tật mắt trên cần dùng thấu kính phân kì có tiêu cự 50cm.

Chọn D

II. TỰ LUẬN

Câu 1:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết về máy biến thế:

Tỉ số giữa hiệu điện thế ở hai đầu các cuộn dây của máy biến thể bằng tỉ số giữa số vòng của các cuộn dây tương ứng.

Cách giải:

a)

Gọi \({U_1},{U_2}\) và \({N_1},{N_2}\) lần lượt là hiệu điện thế và số vòng dây của cuộn sơ cấp và thứ cấp.

Ta có: \(\frac{{{U_1}}}{{{U_2}}} = \frac{{{N_1}}}{{{N_2}}}\)

Suy ra: \(\frac{{220}}{{{U_2}}} = \frac{{2200}}{{120}} \Rightarrow {U_2} = 12V\)

Vậy hiệu điện thế hai đầu cuộn thứ cấp là 12V.

b)

Cường độ dòng điện là:

\(I = \frac{P}{U} = \frac{{{{500.10}^3}}}{{10000}} = 50A\)

Công suất hao phí do tỏa nhiệt trên đường dây là:

\({P_{hp}} = {I^2}R = {50^2}.100 = 250000W\)

Vậy \({P_{hp}} = 250KW\)

Câu 2:

Phương pháp:

- Thấu kính phân kì luôn cho ảnh ảo, cùng chiều và nhỏ hơn vật.

- Ảnh của vật tạo bởi thấu kính hội tụ có thể là ảnh ảo hoặc ảnh thật.

- Sử dụng đường truyền của ba tia sáng đặc biệt qua thấu kính hội tụ.

Cách giải:

a) Do thấu kính trên cho ảnh thật, ngược chiều và có độ lớn bằng vật nên suy ra thấu kính trên là thấu kính hội tụ.

b) Thấu kính hội tụ cho ảnh thật ngược chiều và bằng vật suy ra ta có: d = 2f => ảnh cách O một đoạn d’ = 2 OF

Sử dụng hai trong ba tia sáng đặc biệt:

+ Tia tới song song với trục chính thì tia ló đi qua tiêu điểm.

+ Tia tới đến quang tâm O thì tia ló tiếp tục truyền thẳng theo phương của tia tới.

 

Câu 3:

Phương pháp:

Sử dụng đường truyền của ba tia sáng đặc biệt qua thấu kính phân kì.

Sử dụng công thức: \(\frac{1}{f} = \frac{1}{d} + \frac{1}{{d'}}\)

Cách giải:

a)

Dựng ảnh A’B’:

- Từ điểm B vẽ tia song song với trục chính của thấu kính thu được tia ló có đường kéo dài đi qua tiêu điểm F’.

- Từ điểm B vẽ tiếp tia đi qua quang tâm O của thấu kính thu được tia ló truyền thẳng qua O.

- Giao điểm của hai tia trên là ảnh B’ của B. Từ B’ hạ đường vuông góc xuống trục chính của thấu kính ta được điểm A’ => A’B’ là ảnh của AB qua thấu kính phân kì.

b)

Ta có: Tiêu cự của thấu kính f = 12 cm. Thấu kính phân kì nên f = -12

Khoảng cách từ ảnh đến thấu kính d’ = 7,2 cm. Do ảnh ảo nên d ‘ = -7,2 cm.

Lại có: \(\frac{1}{f} = \frac{1}{d} + \frac{1}{{d'}}\)

Suy ra: \(\frac{1}{{ - 12}} = \frac{1}{d} - \frac{1}{{7,2}} \Leftrightarrow d = 18cm\)

Vậy khoảng cách từ vật đến thấu kính là 18 cm.