Giải đề thi học kì 2 lý lớp 8 năm 2019 - 2020 trường THCS Thăng Long
Giải chi tiết đề thi học kì 2 môn lý lớp 8 năm 2019 - 2020 trường THCS Thăng Long với cách giải nhanh và chú ý quan trọng
Đề bài
Câu 1: (1,0 điểm)
a) Khi nào lực tác dụng lên vật thực hiện được công?
b) Công suất là gì?
Câu 2: (1,0 điểm)
Vì sao quả bóng cao su hoặc quả bóng bay bơm căng dù có buộc chặt sau một thời gian lại bị xẹp dần dù bóng không bị thủng.
Câu 3: (2,0 điểm)
Thả một miếng kim loại đã được đun nóng vào một ly nước lạnh. Hỏi:
a) Nhiệt năng của miếng kim loại và nước thay đổi như thế nào?
b) Sự thay đổi nhiệt năng trên được thực hiện bằng cách nào? Nhiệt năng là gì?
Câu 4: (2,0 điểm)
a) Hãy kể tên các hình thức truyền nhiệt
b) Vì sao khi trời rét, mặc nhiều áo mỏng lại có thể thấy ấm hơn một áo vải dày?
Câu 5: (4,0 điểm)
Một người kéo một vật nặng 12 kg chuyển động đều lên cao 4 m theo phương thẳng đứng trong 20 giây.
a) Tính công và công suất của người ấy.
b) Nếu kéo vật lên độ cao trên bằng một mặt phẳng nghiêng dài 8 m thì lực kéo của người đó có giá trị là bao nhiêu? (bỏ qua ma sát giữa vật và mặt phẳng nghiêng).
Lời giải chi tiết
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM
Câu 1:
Phương pháp
Sử dụng lý thuyết bài công và công suất.
Cách giải
a)
Khi lực tác dụng lên vật làm cho vật chuyển động. Ta nói lực thực hiện một công cơ học hay lực sinh công.
b)
Công suất là đại lượng được tính bằng công thực hiện được trong một đơn vị thời gian.
Câu 2:
Phương pháp
Các chất được cấu tạo từ các hạt riêng biệt gọi là nguyên tử, phân tử.
Giữa các nguyên tử, phân tử có khoảng cách.
Cách giải
Quả bóng cao su hoặc quả bóng bay bơm căng dù có buộc chặt sau một thời gian lại bị xẹp dần dù bóng không bị thủng, vì:
Thành bóng cao su hay quả bóng bay được cấu tạo từ các phân tử cao su, giữa chúng có khoảng cách. Các phân tử không khí ở trong bóng có thể chui qua các khoảng cách này mà ra ngoài làm cho bóng xẹp dần.
Câu 3:
Phương pháp
- Nhiệt năng của một vật là tổng động năng của các phân tử cấu tạo nên vật.
- Nhiệt độ của vật càng cao thì các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh và nhiệt năng của vật càng lớn.
Cách giải
a)
Đây là quá trình truyền nhiệt: nhiệt lượng từ miếng kim loại truyền cho nước.
Khi đó, ta có nhiệt độ của nước tăng lên, của miếng kim loại giảm đi => Nhiệt năng của nước tăng lên, của miếng kim loại giảm đi.
b)
- Sự thay đổi nhiệt năng trên được thực hiện bằng cách truyền nhiệt.
- Nhiệt năng của một vật là tổng động năng của các phân tử cấu tạo nên vật.
Câu 4:
Phương pháp
Sử dụng lý thuyết các hình thức truyền nhiệt.
Cách giải
a) Các hình thức truyền nhiệt:
- Bức xạ nhiệt
- Dẫn nhiệt
- Đối lưu.
b) Khi trời rét, mặc nhiều áo mỏng lại có thể thấy ấm hơn một áo vải dày vì khi mặc nhiều áo mỏng ta đã tạo ra được nhiều lớp không khí giữa các lớp áo mỏng. Các lớp không khí này dẫn nhiệt kém nên có thể giữa ấm cho cơ thể tốt hơn, giúp thân thể người cách nhiệt với môi trường bên ngoài tốt hơn khi mặc một chiếc áo dày.
Câu 5:
Phương pháp
Sử dụng các công thức \(\left\{ \begin{array}{l}A = Fs\\P = \frac{A}{t}\end{array} \right.\)
Cách giải
a)
Lực người ấy tác dụng vào vật là: \(F = 10m = 12.10 = 120N\)
Công của người ấy là: \(A = F.s = 120.4 = 480J\)
Công suất của người ấy là:
\(P = \dfrac{A}{t} = \dfrac{{480}}{{20}} = 24W\)
b)
Áp dụng định luật về công ta có:
\(F.s = P.h \\\Leftrightarrow F = \dfrac{{P.h}}{s} = \dfrac{{10.12.4}}{8} = 60N\)
Vậy nếu kéo vật lên độ cao trên bằng một mặt phẳng nghiêng dài 8 m thì lực kéo của người đó có giá trị là 60N.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải đề thi học kì 2 lý lớp 8 năm 2019 - 2020 trường THCS Thăng Long timdapan.com"