Đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 Phòng GD&ĐT Châu Thành
Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 Phòng GD&ĐT Châu Thành với cách giải nhanh và chú ý quan trọng
ĐỀ BÀI
Câu 1: (1,5 điểm)
Công cuộc cải tổ của Liên Xô từ năm 1985 đến năm 1991 để lại hậu quả như thế nào?
Câu 2: (3 điểm)
Hãy nêu tên 2 văn kiện quan trọng trong thời kì đầu thành lập ASEAN? Vì sao từ giữa những năm 1950 của thế kỉ XX, các nước Đông Nam Á đã có sự phân hóa trong đường lối đối ngoại?
Câu 3: (3 điểm)
Tình hình Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai như thế nào? Cho biết nội dung và ý nghĩa của những cải cách dân chủ ở Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai?
Câu 4: (2 điểm)
Hãy cho biết biểu hiện của chiến tranh lạnh? Em có nhận xét và suy nghĩ gì về chiến tranh lạnh?
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Thực hiện bởi Ban chuyên môn
Câu 1:
Phương pháp: Xem lại sự khủng hoảng và tan rã của Liên bang Xô viết, sgk trang 10.
Lời giải:
* Hậu quả:
- Đất nước càng lún sâu vào khủng hoảng và rối loạn.
- Nhiều cuộc bãi công diễn ra, mâu thuẫn sắc tộc bùng nổ, nhiều nước cộng hòa đòi li khai, các tệ nạn xã hội gia tăng, các thế lực chống đối ráo riết kích động quần chúng,…
- Một số người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xô viết đã tiến hành đảo chính, lật đổ Tổng thống Goóc-ba-chốp. Nhưng cuộc đảo chính nhanh chóng thất bại và đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
- Ngày 21 - 12 - 1991, những người lãnh đạo 11 nước cộng hoà trong Liên bang Xô viết đã họp và kí kết hiệp định về giải tán Liên bang xô viết, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (thường gọi tắt là SNG).
- Ngày 25- 12- 1991, Goóc-ba-chốp tuyên bố từ chức tổng thống. Lá cờ Liên bang Xô viết trên nóc điện Crem-li bị hạ xuống, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô viết.
Câu 2:
Phương pháp: Xem lại nội dung các nước Đông Nam Á, sgk trang 21, 22, 23, suy luận.
Lời giải:
* Hai văn kiện quan trọng trong thời kì đầu thành lập ASEAN:
- Thứ nhất, bản Tuyên ngôn thành lập ASEAN (sau này được gọi là Tuyên ngôn Băng Cốc): xác định mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
- Thứ hai, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (Hiệp ước Bali): xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước thành viên.
* Từ giữa những năm 1950 của thế kỉ XX, các nước Đông Nam Á có sự phân hóa trong đường lối đối ngoại. Vì:
- Thế giới diễn ra cuộc “Chiến tranh lạnh”, trong bối cảnh đó, tình hình Đông Nam Á ngày càng trở nên căng thẳng do chính sách can thiệp của Mĩ vào khu vực.
+ Tháng 9/1954, Mĩ cùng Anh, Pháp thành lập khối quân sự Đông Nam Á (SEATO), nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng của CNXH và đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc. Thái Lan và Philipin tham gia vào khối quân sự SEATO.
+ Việt Nam, Lào, Campuchia tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
+ Inđônêxia và Myanma thực hiện đường lối hòa bình trung lập.
Câu 3:
Phương pháp: Xem lại tình hình Nhật Bản sau chiến tranh, sgk trang 36, suy luận.
Lời giải:
* Tình hình Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai:
- Nhật Bản là nước bại trận, mất hết thuộc địa và bị quân đội Mĩ chiếm đóng.
- Nền kinh tế bị tàn phá nặng nề.
- Những khó khăn bao trùm đất nước như: thất nghiệp trầm trọng; thiếu thốn lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng; lạm phát nặng nề,…
* Nội dung và ý nghĩa của những cải cách dân chủ ở Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai:
- Nội dung: Dưới chế độ quân quản của Mĩ, một loạt các cải cách dân chủ được tiến hành như:
+ Ban hành Hiến pháp mới (1946) có nhiều nội dung tiến bộ;
+ Thực hiện cải cách ruộng đất;
+ Xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt và trừng trị tội phạm chiến tranh;
+ Giải giáp các lực lượng vũ trang;
+ Giải thể các công ti độc quyền lớn;
+ Thanh lọc các phần tử phát xít ra khỏi các cơ quan nhà nước;
+ Ban hành các quyền tự do dân chủ (luật Công đoàn, đề cao địa vị phụ nữ, trường học tách khỏi ảnh hưởng của tôn giáo,…).
- Ý nghĩa:
+ Nước Nhật đã có sự chuyển biến lớn sâu sắc, từ chế độ chuyên chế sang chế độ dân chủ.
+ Là một nhân tố quan trọng tạo nên sự phát triền “thần kì” về kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh (1952-1973).
Câu 4:
Phương pháp: Xem lại ý nghĩa và tác động của cách mạng khoa học - kĩ thuật, sgk trang 51, liên hệ bản thân.
Lời giải:
* Biểu hiện của chiến tranh lạnh:
- Về phía Mĩ và các nước đế quốc:
+ Ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị cuộc “Chiến tranh tổng lực” nhằm tiêu diệt Liên Xô và các nước XHCN.
+ Tăng cường ngân sách quân sự, thành lập các khối quân sự, các căn cứ quân sự bao quanh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (NATO, SEATO, CENTO, AUZUS, Khối quân sự Tây bán cầu, Liên minh Mĩ - Nhật,...).
+ Bao vây kinh tế, cô lập về chính trị đối với Liên Xô và các nước XHCN, tạo ra sự căng thẳng, phức tạp trong các mối quan hệ quốc tế.
+ Liên tiếp gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
- Về phía Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa: tăng ngân sách quốc phòng, củng cố khả năng phòng thủ của mình.
* Nhận xét và suy nghĩ của em về chiến tranh lạnh:
- Chiến tranh lạnh đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề, thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới mới.
- Các cường quốc đã phải chi một khối lượng lớn của cải, vật chất cho cuộc chạy đua vũ trang, sản xuất các loại vũ khí hủy diệt, xây dựng hàng nghìn căn cứ quân sự.
- Trong khi đó, loài người vẫn đang chống trọi với cảnh đói nghèo, dịch bệnh, thiên tai,… nhất là ở các nước châu Á và châu Phi.
=> Các quốc gia trên thế giới cần có sự cạnh tranh để cùng phát triển. Nhưng sự cạnh tranh trong “Chiến tranh lạnh” là hoàn toàn phi nghĩa.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 Phòng GD&ĐT Châu Thành timdapan.com"