Đề thi học kì 1 môn sử lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Lương Thế Vinh - Tây Ninh

Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Lương Thế Vinh - Tây Ninh với cách giải nhanh và chú ý quan trọng


MÃ ĐỀ 004

I/ Phần trắc nghiệm (2 điểm)

Câu 1. Trong thị tộc, quan hệ giữa các thành viên trong lao động là

A. phân công lao động luân phiên.

B. hợp tác lao động.

C. hưởng thụ bằng nhau.

D. lao động độc lập theo hộ gia đình.

Câu 2. Vai trò của người đàn ông thay đổi thế nào khi gia đình phụ hệ xuất hiện?

A. Vai trò của đàn ông và đàn bà như nhau.

B. Đàn bà có vai trò quyết định trong gia đình.

C. Đàn ông có vai trò trụ cột và giành lấy quyền quyết định trong gia đình.

D. Đàn ông không có vai trò gì.

Câu 3. Các quốc gia cổ đại phương Tây thường được gọi là

A. Thị quốc.                         B. Tiểu quốc.

C. Vương quốc.                      D. Bang.

Câu 4. Bản chất nền dân chủ cổ đại phương Tây là

A. Dân chủ chủ nô.      B. Dân chủ tư sản.

C. Dân chủ nhân dân. D. Dân chủ quý tộc.

Câu 5. Thế kỉ XII, đạo nào có ảnh hưởng lớn ở Cam-pu-chia?

A. Đạo Phật.                  B. Ấn Độ giáo.

C. Đạo Hin-đu.               D. Đạo Ki-tô.

Câu 6. Trong các vương quốc của người Giéc-man, vương quốc nào giữ vai trò quan trọng và thể hiện rõ nét nhất quá trình phong kiến hóa?

A. Đông Gốt.                     B. Tây Gốt.

C. Văng-đan.                     D. Phơ-răng.

Câu 7. Cơ sở nào để mỗi lãnh địa là một đơn vị chính trị độc lập?

A. Mỗi lãnh địa có một lãnh chúa cai trị.

B. Mỗi lãnh địa có quân đội, tòa án, luật pháp, chế độ thuế khóa và tiền tệ riêng.

C. Nền kinh tế của các lãnh địa là nền kinh tế tự nhiên, đóng kín.

D. Mỗi lãnh địa là một vùng đất riêng biệt.

Câu 8. Từ năm 1519 đến năm 1522, Ph. Ma-gien-lan đã

A. dẫn đầu đoàn thám hiểm đi vòng qua cực Nam của châu Phi.

B. dẫn đầu đoàn thủy thủ đến một số đảo thuộc vùng biển Ca-ri-bê.

C. chỉ huy đoàn thuyền đến Ca-li-cút thuộc bờ Tây Nam Ấn Độ.

D. thực hiện chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới bằng đường biển.

II/ Phần tự luận (8 điểm).

Câu 1. Trình bày những thành tựu tiêu biểu của văn hóa cổ đại Hi Lạp và Rô-ma. Thành tựu nào có ý nghĩa lớn nhất đối với văn minh loài người nói chung và Việt Nam nói riêng? (3 điểm).

Câu 2. Thế nào là lãnh địa phong kiến? Đặc điểm kinh tế và chính trị trong lãnh địa như thế nào? (3 điểm).

Câu 3. Nguyên nhân nào dẫn đến các cuộc phát kiến địa lý? Hệ quả của các cuộc phát kiến địa lý đó là gì? (2 điểm).

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Thực hiện bởi Ban chuyên môn

1. B

2. C

3. A

4. A

5. A

6. D

7. C

8. D

 I/ Phần trắc nghiệm (2 điểm)

Câu 1.

Phương pháp: Xem lại thị tộc và bộ lạc, sgk trang 9

Lời giải:

Do yêu cầu của công việc và trình độ lao động thời nguyên thủy đòi hỏi sự hợp tác lao động của nhiều người, của cả thị tộc.

Chọn B

Câu 2.

Phương pháp: Xem lại sự xuất hiện tư hữu và xã hội có giai cấp, sgk trang 11.

Lời giải:

Khi tư hữu xuất hiện, quan hệ cộng đồng bắt đầu bị phá vỡ. => Gia đình cũng bắt đầu thay đổi theo. Gia đình phụ hệ xuất hiện. Đàn ông làm các công việc nặng nhọc như cày bừa, làm thủy lợi, làm dân binh, nên đã có vai trò trụ cột và giành lấy quyền quyết định trong gia đình. Con cái lấy theo họ cha.

Chọn C

Câu 3.

Phương pháp: Xem lại thị quốc Địa Trung Hải, sgk trang 22, suy luận.

Lời giải:

Cư dân Địa Trung Hải sống thiên về nghề buôn và nghề thủ công, cùng những đặc trưng về điều kiện tự nhiên. Nên mỗi vùng, mỗi mỏm bán đảo là giang sơn của một bộ lạc. Khi xã hội có giai cấp hình thành thì đây là một nước.

Trong đó, cư dân sống tập trung ở thành thị. Phần chủ yếu của một nước là thành thị với một vùng đất đai trồng trọt xung quanh. => Cho nên, người ta còn gọi nước đó là thị quốc (thành thị quốc gia - trước đây gọi là thành bang).

Chọn A

Câu 4.

Phương pháp: Phân tích đặc điểm của thị quốc Địa Trung Hải, rút ra nhận xét.

Lời giải:

- Chế độ dân chủ thể hiện ở chỗ: chính quyền thuộc về các công dân. Đại hội công dân bầu và cử ra các cơ quan nhà nước, quyết định mọi công việc nhà nước (tính chất dân chủ rộng rãi).

- Tuy nhiên, thể chế dân chủ ở các quốc gia cổ đại phương Tây dựa trên sự bóc lột hà khắc của chủ nô đối với nô lệ. Nền dân chủ này chỉ đem lại quyền lợi cho tầng lớp quý tộc chủ nô (một bộ phận nhỏ trong xã hội), trong khi đó nhiều người lại không có quyền công dân và đặc biệt là hàng trăm nghìn nô lệ không được quyền làm người, bị áp bức, bóc lột và coi như là những “công cụ biết nói”.

=> Bản chất nền dân chủ cổ đại phương Tây là dân chủ chủ nô.

Chọn A

Câu 5.

Phương pháp: Xem lại đặc điểm văn hóa của Vương quốc Cam-pu-chia, sgk trang 52.

Lời giải:

Thời kì đầu, Cam-pu-chia tiếp thu văn hóa Hinđu giáo. Thế kỉ XII, Phật giáo Đại thừa có ảnh hưởng lớn ở Cam-pu-chia.

Chọn A.

Câu 6.

Phương pháp: Xem lại sự hình thành các vương quốc phong kiến ở Tây Âu, sgk trang 56.

Lời giải:

Khi tràn vào lãnh thổ Rô-ma, người Giéc-man đã lập nên nhiều vương quốc mới của họ như: Ăng-glô Xắc-xông, Vương quốc Phơ-răng, Vương quốc Tây Gốt, Đông Gốt,… Những việc làm của người Giéc-man sau khi tràn vào lãnh thổ Rô-ma đã tạo nên những biến đổi về kinh tế, xã hội (quá trình phong kiến hóa). => Quan hệ sản xuất phong kiến ở châu Âu được hình thành. Quá trình đó diễn ra rõ nét và mạnh mẽ nhất ở Vương quốc Phơ-răng.

Chọn D

Câu 7.

Phương pháp: Xem lại xã hội phong kiến Tây Âu, sgk trang 57.

Lời giải:

Trên cơ sở của nền kinh tế tự nhiên, đóng kín, mỗi lãnh địa cũng là một đơn vị chính trị độc lập.

Chọn C

Câu 8.

Phương pháp: Xem lại những cuộc phát kiến địa lý, sgk trang 61.

Lời giải:

Từ năm 1519 đến năm 1522, Ph. Ma-gien-lan đã thực hiện chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới bằng đường biển. Đoàn tàu của ông đi vòng quanh điểm cực Nam của Nam Mĩ tiến vào Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương và quay về bờ biển Tây Ban Nha.

Chọn D.

II/ Phần tự luận (8 điểm).

Câu 1.

Phương pháp: Xem lại văn hóa cổ đại Hi Lạp và Rô-ma, sgk trang 25, phân tích, liên hệ.

Lời giải:

Những thành tựu tiêu biểu của văn hóa cổ đại Hi Lạp và Rô-ma:

* Về lịch và chữ viết:

- Có những hiểu biết chính xác hơn về Trái Đất và Hệ mặt trời, sáng tạo ra lịch dương rất gần với hiểu biết ngày nay.

- Sáng tạo ra hệ thống chữ cái Rô-ma tức A, B, C,…, ban đầu gồm 20 chữ, sau thêm 6 chữ. Bên cạnh đó còn có hệ chữ số thường 1, 2, 3 và số La Mã I, II, III.

* Về các ngành khoa học cơ bản:

- Đến thời cổ đại Hi Lạp - Rô-ma, những hiểu biết khoa học mới thực sự trở thành khoa học vì có độ chính xác của khoa học đạt tới trình độ khái quát thành định lý, lý thuyết và nó được thực hiện bởi các nhà khoa học có tên tuổi, đặt nền móng cho ngành khoa học đó.

+ Toán học: có Ta-lét, Pi-ta-go, Ơ-clít.

+ Vật Lý: có Ác-si-mét.

+ Sử học: vượt qua sự ghi chép tản mạn, họ biết tập hợp tài liệu, phân tích và trình bày có hệ thống: Hê-rô-đốt, Tu-xi-đít, Ta-xít.

* Về văn học:

- Phát triển rực rỡ với những vở kịch thơ độc đáo, các tác phẩm nổi tiếng: của Hô me là Iliát và Ôđixê,

- Xuất hiện các nhà văn có tên tuổi như Etxin, Sô phốc, Bripít. Những nhà thơ nổi tiếng như Lucrexơ, Viếcgin.

* Về nghệ thuật, kiến trúc: Đền Pác-tê-nông (Aten), đấu trường Cô-li-dê (Rô-ma), tượng lực sĩ ném đĩa, Thần Vệ nữ Milô,… là những kiệt tác khiến người đời sau vô cùng thán phục.

Thành tựu có ý nghĩa lớn nhất đối với văn minh loài người nói chung và Việt Nam nói riêng là chữ viết.

Hệ thống chữ cái a, b, c,… ban đầu gồm 20 chữ, sau thêm 6 chữ, dần dần được hoàn chỉnh như ngày nay. Đây là một phát minh và cống hiến lớn lao cho nhân loại.

=> Nhờ sự ra đời của chữ viết mà việc trao đổi và lưu giữ thông tin được tiến hành dễ dàng hơn. Chữ Quốc ngữ của Việt Nam hiện nay cũng được trình bày bằng hệ thống chữ cái a, b, c,…  

Câu 2.

Phương pháp: Xem lại xã hội phong kiến Tây Âu, sgk trang 56.

Lời giải:

* Lãnh địa phong kiến:

- Là một đơn vị chính trị và kinh tế cơ bản trong thời kì phong kiến phân quyền ở Tây Âu.

- Mỗi lãnh chúa phong kiến đều có một lãnh địa riêng.

- Mỗi lãnh địa là một khu đất rộng lớn bao gồm đất của lãnh chúa và đất khẩu phần:

+ Trong khu đất của lãnh chúa có những lâu đài, dinh thự, nhà thờ, nhà kho, chuồng trại,… có hào sâu, tường cao bao quanh, tạo thành những pháo đài kiên cố.

+ Đất khẩu phần ở xung quanh pháo đài được lãnh chúa giao cho nông nô cày cấy và thu thuế.

* Đặc điểm kinh tế và chính trị trong lãnh địa:

- Đặc điểm kinh tế: đóng kín, mang tính chất tự nhiên, tự cấp, tự túc, không có sự trao đổi buôn bán với bên ngoài.

+ Nông nô nhận ruộng đất của lãnh chúa cày cấy và nộp tô cho lãnh chúa.

+ Nông nghiệp: Kĩ thuật sản xuất đã có những tiến bộ đáng kể: biết dùng phân bón, gieo trồng theo thời vụ, biết dùng cày và bừa do ngựa kéo,…

+ Thủ công nghiệp: cũng chỉ hoạt động trong lãnh địa, nông nô làm các nghề phụ như dệt vải, may quần áo, làm công cụ,... lãnh chúa có những xưởng thủ công riêng như xưởng rèn, đồ gốm, may mặc.

- Đặc điểm chính trị: mỗi lãnh địa là một đơn vị chính trị độc lập.

+ Các lãnh chúa có quyền cai trị lãnh địa của mình như một ông vua, có quân đội, toà án, pháp luật riêng, chế độ thuế khoá, tiền tệ riêng, có chế độ thuế khóa, tiền tệ, cân đong đo lường riêng.

+ Một số lãnh chúa lớn còn buộc nhà vua ban cho mình quyền “miễn trừ” không can thiệp vào lãnh địa của lãnh chúa. Như vậy, nhà vua thực chất cũng là một lãnh chúa lớn.

+ Trong các lãnh địa, lãnh chúa sống cuộc sống nhàn rỗi, xa hoa. Họ sống sung sướng trên sự bóc lột tô thuế và sức lao động của nông nô.

Câu 3. Nguyên nhân nào dẫn đến các cuộc phát kiến địa lý? Hệ quả của các cuộc phát kiến địa lý đó là gì? (2 điểm).

Phương pháp: Xem lại những cuộc phát kiến địa lý, sgk trang 60.

Lời giải:

* Nguyên nhân dẫn đến các cuộc phát kiến địa lý:

- Sản xuất phát triển, nhu cầu về nguyên liệu, thị trường, vàng bạc tăng lên.

- Con đường bộ buôn bán qua Tây Á và Địa Trung Hải do người Ả rập độc chiếm.

- Khoa học - kỹ thuật phát triển (hải đồ, la bàn, tàu có bánh lái và hệ thống buồm lớn).

+ Các nhà hàng hải hiểu biết nhiều về đại dương, có quan niệm đúng đắn về hình dạng Trái Đất.

+ Vẽ được nhiều hải đồ, bản đồ ghi rõ các vùng đất, các hòn đảo có cư dân.

+ Máy đo góc thiên văn, la bàn được sử dụng trong việc định hướng giữa đại dương bao la.

+ Kĩ thuật đóng tàu có những tiến bộ mới, đóng được tàu có bánh lái và hệ thống buồm lớn như như loại tàu Ca-ra-ven.

* Hệ quả của các cuộc phát kiến địa lý:

- Tích cực: Mở ra trang mới trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người: khẳng định Trái Đất hình cầu.

+ Mở ra những con đường mới, những vùng đất mới, những dân tộc mới, những kiến thức mới, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các châu lục.

+ Thị trường thế giới được mở rộng, hàng hải quốc tế phát triển.

+ Thúc đẩy quá trình khủng hoảng, tan rã của quan hệ phong kiến và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu.

- Tiêu cực: nảy sinh quá trình cướp bóc thuộc địa và buôn bán nô lệ.