Giải câu 1, 2, 3 trang 22, 23

Giải Cùng em học tiếng việt 4 tập 2 tuần 24 câu 1, 2, 3 trang 22, 23 với lời giải chi tiết. Câu 1. Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:


Câu 1

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Tàn nhang

            Trong một góc công viên, rất nhiều trẻ con đang xếp hàng chờ được một họa sĩ trang trí lên trên mặt để trở thành những “người da đỏ” hay “người ngoài hành tinh” … Một cậu bé cũng nắm tay bà xếp hàng chờ đến lượt mình. Mặt cậu bé rất nhiều đốm tàn nhang nhỏ, nhưng đôi mắt thì sáng lên vì háo hức.

            - Cậu lắm tàn nhang thế, làm gì còn chỗ nào trên mặt mà về! – Cô bé xếp hàng sau cậu bé nói to.

            Ngượng ngập, cậu bé cúi gằm mặt xuống. Thấy vậy, bà cậu ngồi xuống bên cạnh.

            - Sao cháu buồn thế? Bà yêu những đốm tàn nhang của cháu mà. Hồi còn nhỏ lúc nào bà cũng mong có tàn nhang đấy! – Rồi bà cụ đưa những ngón tay nhăn nheo vuốt má cậu bé. – Tàn nhang cũng xinh lắm, chắc chắn chú họa sĩ sẽ thích những vết tàn nhang của cháu!

            Cậu bé mỉm cười:

            - Thật không bà?

            - Thật chứ! – Bà cậu đáp. – Đấy, cháu thử tìm xem thứ gì đẹp hơn những đốm tàn nhàng!

            Cậu bé nhìn bà, suy nghĩ một chút rồi thì thầm:

            - Những nếp nhăn, bà ạ!

(Theo Internet)

a/ Trong công viên cậu bé và nhiều trẻ em khác đang làm gì?

b/ Điều gì xảy ra khiến cậu bé ngượng ngập?

c/ Bà cậu bé đã nói gì để an ủi cậu?

d/ Cậu bé thấy thứ gì đẹp hơn những nốt tàn nhang của cậu?

c/ Tình cảm của hai bà cháu như thế nào?

Phương pháp giải:

a) Con đọc đoạn văn đầu tiên.

b) Con đọc lời mà một cậu bé khác đã nói về cậu bé mặt có tàn nhang.

c) Con đọc lời của bà.

d) Con đọc câu văn cuối cùng trong bài.

e. Con đọc kĩ đoạn cuối hai bà cháu trò chuyện với nhau.

Lời giải chi tiết:

a. xếp hàng chờ được một hoạ sĩ trang trí lên mặt.

b. Một cô bé cất giọng chê những nốt tàn nhang trên khuôn mặt cậu bé.

c. “Bà yêu những đốm tàn nhang của cháu mà. Hồi còn nhỏ lúc nào bà cũng mong có tàn nhang đấy!”/ “Tàn nhang cũng xinh lắm, chắc chú hoạ sĩ sẽ thích những vết tàn nhang của cháu.”

d. những nếp nhăn

e. Hai bà cháu rất yêu thương nhau.


Câu 2

Đọc đoạn văn sau:

            (1) Cô giáo dẫn một bạn gái vào lớp và nói với chúng tôi: “Đây là Ngọc Anh, bạn mới của lớp ta. (2) Bạn Ngọc Anh là học sinh cũ của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. (3) Bạn ấy là một họa sĩ nhỏ đấy. (4) Các em hãy làm quen với nhau đi.” (5) Cả lớp tôi vỗ tay rào rào, đón chào người bạn mới.

a/ Tô màu vào số trước câu kể Ai là gì? có trong đoạn văn.

b/ Hoàn thành bảng về tác dụng của các câu kể Ai là gì? có trong đoạn văn.

Câu số

Tác dụng (chỉ điền từ giới thiệu hoặc nhận định)

 

……. Về tên của bạn gái.

 

……. Ngọc Anh là học sinh cũ của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.

 

……. bạn gái là một họa sĩ.

Phương pháp giải:

a) Câu kể Ai là gì? gồm hai bộ phận:

- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ trả lời câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)?

- Bộ phận thứ hai là vị ngữ trả lời câu hỏi: Là gì (là ai, là con gì)?

b) Con suy nghĩ rồi điền từ thích hợp vào chỗ trống.

Lời giải chi tiết:

a) Những câu kể Ai là gì? có trong đoạn đó là:

(1) Đây là Ngọc Anh, bạn mới của lớp ta.

(2) Bạn Ngọc Anh là học sinh cũ của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.

(3) Bạn ấy là một họa sĩ nhỏ đấy.

b)

Câu số

Tác dụng (chỉ điền từ giới thiệu hoặc nhận định)

(1)

Giới thiệu về tên của bạn gái.

(2)

Giới thiệu Ngọc Anh là học sinh cũ của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.

(3)

Nhận định bạn gái là một họa sĩ.


Câu 3

Đọc đoạn văn sau:

(1) Chim bồ câu là loài chim tượng trưng cho hòa bình. (2) Nó có bộ lông màu trắng tinh, hai mắt tròn xoe như hai hạt nhãn tiêu. (3) Bồ câu là một chú chim biết đưa thư. Ban ngày, bồ câu đi kiếm ăn. (4) Nó thường ăn hạt đậu, hạt thóc. (5) Buổi tối, bồ câu bay về làm tổ trên những thân cây.

a/ Tô màu vào số trước câu kể Ai là gì? có trong đoạn văn.

b/ Phân loại các câu kể Ai là gì? có trong đoạn văn vào nhóm thích hợp:

- Câu dùng để giới thiệu: …….

- Câu dùng để nhận định: …….

Phương pháp giải:

a) Câu kể Ai là gì? gồm hai bộ phận:

- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ trả lời câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)?

- Bộ phận thứ hai là vị ngữ trả lời câu hỏi: Là gì (là ai, là con gì)?

b) Có hai loại câu kể Ai là gì?

- giới thiệu: cho biết một vài điều, một vài thông tin cần thiết.

- nhận định: đưa ra ý kiến nhận xét, đánh giá về một vấn đề nào đó.

Lời giải chi tiết:

a) Các câu kể Ai là gì? có trong đoạn văn là:

(1) Chim bồ câu là loài chim tượng trưng cho hòa bình.

(3) Bồ câu là một chú chim biết đưa thư.

b) Phân loại các câu kể trong đoạn:

- Câu dùng để giới thiệu: (1)

- Câu dùng để nhận định: (3)