Giải câu 1, 2, 3 trang 8, 9, 10

Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 4 tập 1 tuần 2 câu 1, 2, 3 trang 8, 9, 10 với lời giải chi tiết. Câu 1.c: Theo em, vì sao người được cứu lúc này lại khắc chữ lên đá?


Câu 1

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Lỗi lầm và sự biết ơn

            Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Một người nổi nóng, không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị người kí. Người kia cảm thấy bị xúc phạm, nhưng anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.

            Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát.

            Người bị miệt thị lúc này bị sa lầy và lún dần xuống, người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Thoát khỏi vũng lầy, anh lấy một miếng kim loại khắc lên tảng đá dòng chữ: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.

            Người bạn kia hết sức ngạc nhiên, bèn hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá?”.

            Anh bạn điềm tĩnh trả lời: “Khi ai đó xúc phạm chúng ta, chúng ta nên viết điều đó lên cát – nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá – nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.”

            Mỗi chúng ra hãy học cách viết những nỗi buồn lên cát, khắc tạc những niềm vui và hạnh phúc lên đá để chúng mãi không phai.

(Theo Hạt giống tâm hồn)

a/ Sau cuộc tranh cãi gay gắt, một trong hai người bạn đã làm gì?

b/ Sau khi được cứu sống khỏi vũng lầy, người bị miệt thị lúc trước đã làm gì?

c/ Theo em, vì sao người được cứu lúc này lại khắc chữ trên đá?

d/ Theo em, câu chuyện trên đã cho chúng ta bài học gì?

A.Phải biết quan tâm đến bạn bè lúc khó khăn, hoạn nạn.

B. Biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè vượt qua khó khăn nhất thời.

C. Biết xóa bỏ những điều không vui trong cuộc sống.

D. Biết bỏ qua những lỗi lầm và ghi nhớ ân nghĩa.

Phương pháp giải:

a. Em đọc kĩ đoạn văn thứ nhất.

b. Em đọc kĩ đoạn văn thứ ba.

c. Khắc lên đá và viết lên cát thứ gì sẽ lưu lại được lâu hơn, thứ gì sẽ dễ biến mất hơn?

d. Em đọc kĩ và trả lời.

Lời giải chi tiết:

a. Sau cuộc tranh cãi gay gắt, một trong hai người bạn đã viết lên cát : “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.

b. Sau khi được cứu sống khỏi vũng lầy, người bị miệt thị lúc trước đã lấy một miếng kim loại khắc lên đá dòng chữ : “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã cứu  sống tôi”.

c. Người được cứu lúc này khắc chữ lên đá bởi vì anh ta muốn ghi nhớ hành động tốt đẹp từ người bạn của mình.

d. Câu chuyện đã cho chúng ta bài học :

D. Biết bỏ qua những lỗi lầm và ghi nhớ ân nghĩa.


Câu 2

Tìm các từ ngữ phù hợp và điền vào bảng sau:

Thể hiện lòng nhân hậu, tình yêu thương đồng loại

Thể hiện tinh thần đùm bọc hoặc giúp đỡ lẫn nhau

 

 

 

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ yêu cầu để tìm từ ngữ phù hợp và điền vào chỗ trống.

Lời giải chi tiết:

Thể hiện lòng nhân hậu, tình yêu thương đồng loại

Thể hiện tinh thần đùm bọc hoặc giúp đỡ lẫn nhau

Yêu thương, quan tâm, cảm thông, đồng cảm, thấu hiểu, …

 

Đoàn kết, giúp đỡ, che chở, hỗ trợ, tương trợ, trợ giúp,…


Câu 3

Điền dấu hai chấm, dấu chấm thích hợp vào ô trống trong đoạn văn sau. Nêu tác dụng của dấu hai chấm vừa điền:

            Thỏ nghĩ ngợi rồi nó quyết định sang đề nghị với rùa  Bác rùa ơi, tôi nghĩ chúng ta nên chạy thi với nhau để xem trong khu rừng này ai là người chạy nhanh nhất  Rùa đồng ý ngay.

Tác dụng của dấu hai chấm:…….

Phương pháp giải:

Tác dụng của dấu hai chấm:

- Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của nhân vật

- Báo hiệu lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

Lời giải chi tiết:

            Thỏ nghĩ ngợi rồi nó quyết định sang đề nghị với rùa: “Bác rùa ơi, tôi nghĩ chúng ta nên chạy thi với nhau để xem trong khu rừng này ai là người chạy nhanh nhất.”. Rùa đồng ý ngay.

Tác dụng của dấu hai chấm: Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của nhân vật.