Giải Bài tập Viết trang 11 sách bài tập Ngữ văn 7 - Chân trời sáng tạo
Khi làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ, cần lưu ý điều gì? Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ có đặc điểm gì?
Câu 1
Khi làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ, cần lưu ý điều gì?
Phương pháp giải:
Đọc lại phần một số điểm cần lưu ý khi làm một bài thơ, Bài 1 SGK Ngữ Văn 7 tập 1, trang 22
Lời giải chi tiết:
Những điều cần lưu ý khi sáng tác một bài thơ bốn hoặc năm chữ là:
– Thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận,.. của người viết về cuộc sống.
– Sử dụng từ ngữ, hình ảnh phù hợp để thể hiện cách nhìn, cảm xúc của bản thân về cuộc sống.
– Sử dụng các biện pháp tu từ phù hợp để tạo nên những liên tưởng độc đáo, thú vị.
– Gieo vần, ngắt nhịp một cách hợp lí để làm tăng giá trị biểu đạt của ngôn từ.
– Đặt nhan đề phù hợp với nội dung văn bản.
– Đảm bảo đủ số chữ (bốn chữ hoặc năm chữ) ở các dòng thơ theo yêu cầu của thể loại.
Câu 2
Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ có đặc điểm gì?
Phương pháp giải:
Đọc lại phần Hướng dẫn quy trình viết, Bài 1 SGK Ngữ Văn 7 tập 1, trang 24.
Lời giải chi tiết:
- Khái niệm: Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ (bốn chữ hoặc năm chữ) thuộc kiểu văn biểu cảm, thể hiện cảm xúc của người viết về một bài thơ.
- Đặc điểm đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ:
+ Biểu đạt một nội dung tương đối trọn vẹn, gồm nhiều câu được liên kết với nhau, bắt đầu bằng chữ viết hoa lùi vào đầu dòng và kết thúc bằng dấu câu dùng để ngắt đoạn.
+ Trình bày cảm xúc của người viết về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ.
+ Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc.
+ Cấu trúc gồm có ba phần:
Mở đoạn: giới thiệu nhan đề, tác giả và cảm xúc chung về bài thơ bằng một câu (câu chủ đề).
Thân đoạn: trình bày cảm xúc của bản thân về nội dung và nghệ thuật của bài thơ: cảm xúc đó được gợi ra từ những hình ảnh, từ ngữ nào trong bài thơ.
Kết đoạn: khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của nó đối với người viết.
Câu 3
Viết một đoạn văn khoảng 150 chữ, trình bày cảm xúc của em về một trong hai bài thơ Về mùa xoài mẹ thích (Thanh Nguyên) và Mục đồng ngủ trên cát trắng (Trần Quốc Toàn).
Phương pháp giải:
Đọc lại hai bài thơ Về mùa xoài mẹ thích (Thanh Nguyên) và Mục đồng ngủ trên cát trắng (Trần Quốc Toàn), tóm tắt những ý chính và xây dựng dàn ý bài viết.
Lời giải chi tiết:
* Các em thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
- Xác định đề tài bằng cách trả lời những câu hỏi như: Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì? Kiểu bài nào? Độ dài của đoạn văn là bao nhiêu?
- Thu thập tư liệu bằng cách xác định những thông tin cẩn tìm và tìm những thông tin ấy ở đâu?
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
Tìm ý bằng cách:
- Đọc diễn cảm bài thơ vài lần để cảm nhận âm thanh, vần, nhịp điệu của bài thơ và xác định những cảm xúc mà văn bản đã gợi cho em.
- Tìm và xác định ý nghĩa của những từ ngữ, hình ảnh độc đáo, những biện pháp tu từ mà tác giả bài thơ đã sử dụng.
- Xác định chủ đề của bài thơ.
- Lí giải vì sao em có cảm xúc đặc biệt với bài thơ.
- Viết nhanh dưới dạng cụm từ thể hiện những ý tưởng trên.
Lập dàn ý: Hãy sắp xếp những ý đã nêu thành dàn ý của đoạn văn theo mẫu gợi ý trong SGK.
Bước 3: Viết bài
Dựa vào dàn ý, viết một đoạn văn hoàn chỉnh. Khi viết, cần bảo đảm các yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
Dựa vào bảng kiểm trong SGK để xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.
* Đoạn văn mẫu tham khảo:
Đoạn văn mẫu :
Trong kho tàng thi ca Việt Nam từ xưa đến nay có rất nhiều bài hay và xúc động viết về mẹ, trong đó không thể không kể đến bài “Về mùa xoài mẹ thích” của Thanh Nguyên. Bài thơ mở đầu từ hình ảnh mộc mạc, thân thương của “quả xoài xưa Mẹ thích” với hương thơm chín nức, quả bé tròn tròn, ngọt lịm, xoài mang hình quả tim, hột xoài trong suốt - hạt mưa đầu mùa, vỏ xoài - cảnh hoàng lan, … Tất cả những hình ảnh ấy được hiện lên qua sự hoài niệm ngọt ngào của người con. Những gì thuộc về mẹ là một vùng kí ức ngọt ngào, thiêng liêng đối với tác giả. Hình ảnh người mẹ hiền hậu, dịu dàng, lam lũ cả đời, chắt chiu khó nhọc vì con và đặc biệt là rất gần gũi, thương yêu con cái. Điều đó được tác giả thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh như: “xoài mang hình quả tim - đấy lòng Mẹ ngọt mềm”, “Nghe hương xoài bay theo/ từng bước chân của Mẹ/ thơm lựng vào lời kể/ những câu chuyện đời xưa ”.... Qua việc hồi tưởng về những kí ức gắn liền với cây xoài của mẹ, tác giả thể hiện sự yêu thương, kính trọng dành cho người mẹ của mình và cả những tiếc nuối, hụt hẫng, buồn bã trước sự ra đi của mẹ. Từ dó gửi gắm cho chúng ta thông điệp quý giá: Kí ức ngọt ngào, quý giá về những người thân yêu có thể gắn liền với những điều thật giản đị, gần gũi, nhỏ bé...
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải Bài tập Viết trang 11 sách bài tập Ngữ văn 7 - Chân trời sáng tạo timdapan.com"