Giải Bài tập 7 trang 20,21 Bài 8 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi
Trả lời câu hỏi bài tập 7 SBT trang 20,21 Ngữ văn 6 Kết nối tri thức tập 2
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Trong cuộc sống, giữa người này với người kia không chỉ có sự khác biệt mà còn có những nét gần gũi, tương đồng. Bên cạnh sự tương đồng về đặc điểm sinh lí (đói cần phải ăn, khát cần phải uống,...), con người còn có những điểm giống nhau về tâm lí, về tinh thần. Sinh ra trên đời, có ai không muốn khoẻ mạnh, thông minh? Có ai không muốn cuộc đời hạnh phúc và sự nghiệp thành công? Có ai không thích cái đẹp? Có ai không muốn được tôn trọng?... Tuy nhiên, những khao khát chính đáng ấy không phải bao giờ cũng được thoả mãn. Thực tế, có nhiều người rơi vào hoàn cảnh bất hạnh. Ốm đau, mất việc, thiếu thốn, thất bại,... là những điều từng xảy ra đối với bao người xung quanh ta. Hễ ai lâm vào cảnh ngộ như thế cũng sẽ cảm thấy khốn khổ và muốn được sẻ chia, đồng cảm, cần được giúp đỡ về vật chất và tinh thần.
(Theo Phan Huy Dũng (Chủ biên), Để làm tốt bài thi môn Ngữ văn kì thi trung học phổthông quốc gia - phần nghị luận xã hội, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2016, tr. 93)
Câu 1
Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết tính chất nghị luận trong đoạn trích trên?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích nêu lên vấn đề để bàn luận, có sử dụng lí lẽ và bảng chứng để làm rõ văn đề. Đó là những dấu hiệu cho thấy tính chất nghị luận trong đoạn trích.
Câu 2
Vấn đề gì được tập trung bàn luận trong đoạn trích?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Sự tương đồng, gần gũi giữa con người với nhau là vấn đề được tập trung bàn luận trong đoạn trích.
Câu 3
Theo tác giả, con người có sự tương đồng về những mặt nào? Sự tương đồng về mặt nào mới là quan trọng?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Theo tác giả, con người có sự tương đồng về mặt sinh lí và mặt tâm lí, tinh thần. Sự tương đồng về tâm lí, tỉnh thần mới là điều quan trọng, cần bàn.
Câu 4
Khi nêu vấn đề: “Trong cuộc sống, giữa người này với người kia không chỉ có sự khác biệt mà còn có những nét gần gũi, tương đồng”, người viết dùng lí lẽ để nêu ý kiến. Ý kiến đó có sức thuyết phục không?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Khi nêu vấn đề:“Trong cuộc sống, giữa người này với người kia không chỉ có sự khác biệt mà còn có những nét gần gũi, tương đồng”, người viết đã dùng lí lẽ: hễ là con người, ai cũng muốn khoẻ mạnh, thông minh, hạnh phúc, thành công, được người khác tôn trọng. Lí lẽ này rất có sức thuyết phục, không dễ bác bỏ.
Câu 5
Đọc đoạn trích, em rút ra được điều gì giúp bản thân biết ứng xử đúng đắn trong cuộc sống?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích và liên hệ bản thân
Lời giải chi tiết:
Em có thể tự rút ra bài học ứng xử cho riêng mình, trong đó, quan trọng nhất là phải biết chia sẻ, cảm thông với người khác.
Câu 6
Trong câu “Bên cạnh sự tương đồng về đặc điểm sinh lí (đói cần phải ăn, khát cần phải uống,...), con người còn có những điểm giống nhau về tâm lí, về tinh thần”, có thể hoán đổi vị trí hai từ tương đồng và giống nhau ở câu trên được không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Giải thích nghĩa của hai từ
Lời giải chi tiết:
Hai từ tương đồng và giống nhau có thể hoán đổi vị trí cho nhau, bởi đó là hai từ đồng nghĩa, có cách sử dụng giống nhau trong nhiều trường hợp.
Câu 7
Nếu đổi hết tất cả các câu hỏi trong đoạn thành câu khẳng định, ví dụ: “Sinh ra trên đời, có ai không muốn khoẻ mạnh, thông minh?” đổi thành “Sinh ra trên đời, ai cũng muốn khoẻ mạnh, thông minh.” thì theo em, khả năng tác động đến người đọc của đoạn trích có bị giảm đi không?
Phương pháp giải:
Liên hệ bản thân
Lời giải chi tiết:
Các câu hỏi trong đoạn hoàn toàn có thể đổi cấu trúc thành câu khẳng định. Tuy nhiên đó chỉ là vấn đề ngữ pháp. Thực tế, cấu trúc theo kiểu câu hỏi như ở đoạn trích này, khả năng tác động mạnh hơn hẳn so với kiểu câu khẳng định.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải Bài tập 7 trang 20,21 Bài 8 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Kết nối tri thức với cuộc sống timdapan.com"