Giải bài tập 7 Đọc và thực hành tiếng Việt trang 5 sách bài tập Văn 10 - Kết nối tri thức

Những từ ngữ, hình ảnh nào trong bốn câu thơ đầu cho thấy sự vận động của thời gian và cảnh vật?


Đọc lại văn bản Bảo kính cảnh giới, bài 43 trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai, tr.22 và trả lời các câu hỏi:


Câu 1

Nêu ấn tượng chung của bạn về bức tranh thiên nhiên mùa hè được thể hiện trong bài thơ.

Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Bảo kính cảnh giới.

- Rút ra ấn tượng chung về bức tranh thiên nhiên mùa hè.


Lời giải chi tiết:

Có thể chọn một trong những ấn tượng nổi bật về bức tranh thiên nhiên: vẻ đẹp tươi sáng, rực rỡ, tràn đầy sức sống; mọi sự vật đều ở trạng thái động;...



Câu 2

Những từ ngữ, hình ảnh nào trong bốn câu thơ đầu cho thấy sự vận động của thời gian và cảnh vật?

Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Bảo kính cảnh giới.

- Chọn từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu.


Lời giải chi tiết:

Những từ ngữ, hình ảnh trong bốn câu thơ đầu cho thấy sự vận động của thời gian và cảnh vật: đùn đùn, trương, còn phun thức đỏ, đã tiễn mùi hương, ..



Câu 3

Phân tích một vài nét đặc sắc trong cách cảm nhận thiên nhiên và nghệ thuật tả cảnh của tác giả.


Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Bảo kính cảnh giới.

- Phân tích nét đặc sắc trong cách cảm nhận thiên nhiên.

- Rút ra nhận xét về nghệ thuật tả cảnh của tác giả.


Lời giải chi tiết:

Thiên nhiên được quan sát, cảm nhận bằng nhiều giác quan (xúc giác, thính giác, thị giác,...); được miêu tả ở trạng thái căng tràn nhựa sống (đùn đùn tán rợp trương, phun thức đỏ,...), trên dòng thời gian chuyển động (”Hồng liên trì đã tịn mùi hương”);... 

– Nghệ thuật tả cảnh đặc sắc: Không giới hạn ở bút pháp chấm phá, ước lệ, tượng trưng thường gặp trong thơ trung đại mà nghiêng về bút pháp tả thực. Bức tranh mùa hạ hiện lên với màu sắc tươi sáng, rực rỡ (lục, đỏ, hồng), hình ảnh sống động, từ ngữ giàu tính tạo hình: 

+ Hình ảnh cây hoè với tán lá xanh đậm “đùn đùn... rợp trương” – bừng bừng sức sống, vòm lá tươi xanh như đang toả rộng ngay trước mắt. 

+ Hình ảnh cây lựu với nguồn nhựa sống căng tràn, bật lên thành “thức đỏ" rực rỡ nơi đầu cành. + Hình ảnh ao sen dù “đã tịn mùi hương” vẫn gợi liên tưởng về một không gian thanh khiết từng đầy ắp hương thơm; gợi sự biến đổi của vạn vật trên dòng chảy thời gian và thời khắc giao mùa đang tới;... 



Câu 4

Bạn cảm nhận được những nét đẹp nào của khung cảnh cuộc sống con người trong hai câu thơ 5 và 6? 


Phương pháp giải:

- Đọc kĩ câu thơ 5 và 6.

- Rút ra cảm nhận của bản thân về khung cảnh cuộc sống con người.


Lời giải chi tiết:

Dựa vào các chi tiết miêu tả âm thanh, hình ảnh để nêu cảm nhận về khung cảnh cuộc sống con người trong hai câu thơ 5 và 6: 

– Âm thanh “lao xao” của phiên chợ cá mang đến vẻ đẹp bình dị, ấm áp của cuộc sống sinh hoạt nơi làng chài; những con thuyền về bến, người mua kẻ bán... Tiếng đàn ve “dắng dỏi” khiến không gian ngỡ tĩnh lặng của buổi hoàng hôn trở nên rộn rã hơn. 

– Hình ảnh “làng ngư phủ”, “lầu tịch dương” vốn mang tính ước lệ, qua ngòi bút Nguyễn Trãi đã truyền tải được nhịp sống bình yên, ấm áp của đời thường chốn thôn quê.



Câu 5

Hai câu thơ cuối thể hiện điều gì trong tư tưởng, tâm hồn của Nguyễn Trãi?


Phương pháp giải:

- Đọc lại hai câu thơ cuối.

- Rút ra biểu hiện trong tư tưởng, tâm hồn tác giả.


Lời giải chi tiết:

Nguyễn Trãi gửi vào hai dòng thơ cuối khát vọng về một cuộc sống bình yên, no ấm cho nhân dân khắp mọi phương trời. Để tìm câu trả lời, cần đối chiếu giấc mơ lớn lao ấy với tư tưởng nhân nghĩa, vẻ đẹp tâm hồn được thể hiện trong cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi.




Từ khóa phổ biến