Giải Bài tập 3 trang 11 sách bài tập Ngữ văn 11 tập 2 - Kết nối tri thức

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi: Nêu ý chính của đoạn trích. Trong đoạn trích, đâu là những thông tin khách quan có tính xác thực về đối tượng được đề cập, đâu là những chi tiết được vẽ nên bằng trí tưởng tượng của tác giả?


Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lý đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô như lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng các tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “Dải Sông Đà bọt nước lênh đênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.

(Nguyễn Tuân toàn tập, tập IV, NXB Văn học, Hà Nội, 2000, dẫn theo Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, tr. 191 – 192)

Câu 1

Câu 1 (trang 11, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập hai):

Nêu ý chính của đoạn trích.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại văn bản để xác định ý chính.

Lời giải chi tiết:

Tính chất nên thơ của một quãng sông Đà qua cảm nhận đầy màu sắc chủ quan và cách thể hiện giàu tính nghệ thuật của Nguyễn Tuân.


Câu 2

Câu 2 (trang 11, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập hai):

Trong đoạn trích, đâu là những thông tin khách quan có tính xác thực về đối tượng được đề cập, đâu là những chi tiết được vẽ nên bằng trí tưởng tượng của tác giả?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại văn bản để chỉ ra những thông tin khách quan về đối tượng được đề cập. Từ đó nhận xét về chi tiết được vẽ nên bằng trí tưởng tượng của tác giả.

Lời giải chi tiết:

- Đoạn trích cung cấp cho người đọc một số thông tin khách quan về con sông: Sông Đà êm đềm, tĩnh lặng gần như tuyệt đối; con sông trôi qua một nương ngô vừa nhú mấy lá non, những bãi cỏ gianh đang ra nõn búp; những con hươu hiền lành đang ăn cỏ bên bờ sông; đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông; những đò giong buồm vải chạy trên sông.

- Đoạn trích cũng có nhiều chi tiết được vẽ nên bằng trí tưởng tượng của tác giả: Vẻ lặng tờ của sông Đà ở đời Lý, đời Trần, đời Lê càng làm nổi bật sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối của sông Đà hiện tại; tiếng còi một chuyến xe lửa đầu tiên trên tuyến đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu; sự giật mình ngơ ngác của con hươu; hai trạng thái khác nhau của sông Đà: thương nhớ những hòn đá thác thượng nguồn và lắng nghe tiếng người chạy đò trên sông.


Câu 3

Câu 3 (trang 11, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập hai):

Theo bạn, màu sắc tuỳ bút được thể hiện như thế nào trong đoạn trích?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại văn bản để chỉ ra màu sắc tùy bút được thể hiện.

Lời giải chi tiết:

- Đoạn trích được viết khá tự do, phóng túng, thể hiện rõ nhất ở cách triển khai, ở những liên tưởng của tác giả. Đó là kiểu liên tưởng bất chợt, đầy màu sắc chủ quan, không phản ánh tính tất yếu của thực tại.

- Đoạn trích đậm tính trữ tình với cảm xúc hồn nhiên, có phần ngộ nghĩnh; hình ảnh, ngôn ngữ và cách biểu đạt rất giàu chất thơ (“búp cỏ gianh đẫm sương đêm”, “bờ sông hoang dại”, “bờ tiền sử”, “bờ sông hồn nhiên”, “nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”, “con hươu thơ ngộ”, “đầu nhung”, “tiếng còi sương”…).


Câu 4

Câu 4 (trang 11, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập hai):

Chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn trích. 

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại văn bản để chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng.

Lời giải chi tiết:

* Trong đoạn trích, Nguyễn Tuân sử dụng thành công một số biện pháp tu từ, và đó cũng là yếu tố góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho tuỳ bút của ông:

- Biện pháp tu từ so sánh:

+ Ở hai câu “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa, tác giả đã sử dụng những hình ảnh có tính trừu tượng để so sánh với đối tượng cụ thể, khá thú vị nhằm mở ra cho người đọc một không gian liên tưởng mênh mông.

+ Trong câu văn “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi, hình ảnh so sánh có tác dụng cụ thể hoá đối tượng miêu tả, giúp người đọc có được cảm giác rõ ràng hơn về những vảy cá lấp lánh ánh bạc khi chúng quẫy sóng sông Đà.

- Biện pháp tu từ nhân hoá; con hươu thơ ngộ hỏi ông khách sông Đà vì ngạc nhiên trước tiếng còi tàu; sông Đà thương nhớ những hòn đá thác xã ở thượng nguồn…


Câu 5

Câu 5 (trang 11, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập hai):

Qua đoạn trích, bạn cảm nhận như thế nào về tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản để đưa ra cảm nhận về tình cảm của tác giả với quê hương, đất nước.

Lời giải chi tiết:

Đọc đoạn trích, có thể cảm nhận vẻ đẹp của sông Đà được khắc họa bằng bút pháp nghệ thuật tài hoa của Nguyễn Tuân. Tuy nhiên, cái tài đó có nguồn gốc sâu xa từ tâm hồn một con người tha thiết yêu mến, gắn bó, tự hào về cảnh sắc thiên nhiên của đất nước. Cảm xúc đắm say của tác giả thể hiện qua từng câu văn, từng hình ảnh, từng lối liên tưởng,.. là bằng chứng rõ ràng về tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước mình.