Giải bài Đêm trăng và cây sồi trang 9, sách bài tập Ngữ Văn 12 - Cánh diều
Nội dung của đoạn trích: quá trình chuyển biến tâm trạng của nhân vật An-đrây trong và sau chuyến đi đến nhà bá tước Rô-xtốp
Câu 1
Trả lời Câu hỏi 1 trang 9 SBT Văn 12 Cánh diều
Xác định nội dung của đoạn trích Đêm trăng và cây sồi.
Phương pháp giải:
Đọc văn bản
Lời giải chi tiết:
Nội dung của đoạn trích: quá trình chuyển biến tâm trạng của nhân vật An-đrây trong và sau chuyến đi đến nhà bá tước Rô-xtốp
Câu 2
Trả lời Câu hỏi 2 trang 9 SBT Văn 12 Cánh diều
Nhân vật An-đrây Bôn-côn-xki chú ý đến cô gái Na-ta-sa Rô-xtốp trong tình huống nào? Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Na-ta-sa.
Phương pháp giải:
Đọc văn bản.
Lời giải chi tiết:
- An-đrây Bôn-côn-xki chú ý đến Na-ta-sa Rô-xtốp khi anh đến thăm gia đình Rô-xtốp ở Ô-trát-nôi-ê.
- Nhân vật Na-ta-sa Rô-xtốp được miêu tả là một cô gái trẻ trung, đầy sức sống với nét đẹp tươi trẻ, cuốn hút: “cô thiếu nữ mắt đen, tóc đen, vóc người mảnh dẻ”, “reo lên và cười”...
Câu 3
Trả lời Câu hỏi 3 trang 9 SBT Văn 12 Cánh diều
Truyện diễn ra trong không gian nào? Nêu nhận xét của em về cảnh sắc thiên nhiên được miêu tả trong đoạn trích.
Phương pháp giải:
Đọc văn bản.
Lời giải chi tiết:
- Truyện diễn ra chủ yếu trong ngôi nhà, khu vườn nhà Rô-xtốp ở Ô-trát-nôi-ê và con đường mà An-đrây trở về nhà.
- Cảnh sắc thiên nhiên được miêu tả trong đoạn trích:
+ “Rừng đã khoác bộ áo xanh um tùm.”
+ “Ánh trăng lùa vào phòng, tựa hồ nãy giờ đã chực sẵn từ lâu ngoài cửa sổ.”
+ “Ngay cửa sổ có một hàng cây xén phẳng, một phía thì tối đen, phía kia thì óng ánh như bạc. Ở phía dưới hàng cây cao có những khóm cây gì ướt mọng, cánh lá lăn tăn phản chiếu ánh trăng bạc. Xa hơn, ở phía sau hàng cây đen có một cái nhà sương đọng lấp lánh, về phía bên phải có một cây to um tùm, thân và cành đều trắng muốt, và ở phía trên là vầng trăng gần tròn, trên nền trời xuân trong sáng chỉ lác đác mấy vì sao.”
+ “khóm rừng bạch dương có cây sồi già … .Cánh rừng đã rậm rạp và um tùm thông non rải rác trong rừng không còn tương phản với vẻ đẹp chung quanh, bây giờ chúng đã hoà mình vào khung cảnh chung, đã đâm những búp chồi non xanh mịn.
+ “Phía bên trái, cánh rừng tối sẫm với những bóng cây rợp mát; phía bên phải, rừng ẩm ướt, bóng lộn, lá cây óng ánh dưới nắng, chỉ khẽ đung đưa trong gió nhẹ. Cảnh vật đều nở hoa, có tiếng hoạ mi thành thót khi xa khi gần”
+ “Cây sồi già bây giờ đã hoàn toàn đổi mới, toả rộng một vòm lá xum xuê xanh tốt thẫm màu, đang như say sưa ngất ngây, khẽ đung đưa tròn ánh nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sứt sẹo; vẻ ngờ vực và buồn rầu trước kia cũng không còn dấu vết. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỷ, những đám lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài.”
→ Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, tràn đầy sức sống. Chính những khung cảnh tươi mới, đẹp đẽ như vậy đã thúc đẩy và hồi sinh tâm hồn của nhân vật An-đrây.
Câu 4
Trả lời Câu hỏi 4 trang 9 SBT Văn 12 Cánh diều
Vì sao An-đrây quan tâm đến cây sồi già bên đường? Nêu những chi tiết cho thấy sự thay đổi của cây sồi già. Theo em, cây sồi trong văn bản tượng trưng cho điều gì?
Phương pháp giải:
Đọc văn bản. Chú ý phần 2 của văn bản: Phần văn bản nói về con đường mà An-đrây quay trở về nhà
Lời giải chi tiết:
- An-đrây quan tâm đến cây sồi già bên đường vì nó gợi lại trong lòng chàng những kỷ niệm khó quên.
- Chi tiết cho thấy sự thay đổi của cây sồi già:
+ “toả rộng một vòm lá xum xuê xanh tốt thẫm màu”
+ Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sứt sẹo, vẻ ngờ vực và buồn rầu.
+ Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỷ, những đám lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài.
- Theo em, cây sồi trong văn bản chính là sự tượng trưng cho tâm hồn của An-đrây. Khi cây sồi khoác lên mình một diện mạo mới cũng là thời gian mà tâm hồn của An-đrây đã hồi sinh. Nó chính là biểu hiện của niềm hi vọng, sức sống mãnh liệt và niềm tin vào tương lai của chàng công tước ba mươi mốt tuổi.
Câu 5
Trả lời Câu hỏi 5 trang 9 SBT Văn 12 Cánh diều
Trình bày diễn biến tâm trạng của nhân vật An-đrây. Từ đó, nhận xét cách thể hiện tâm lí nhân vật của nhà văn Tôn-xtôi.
Phương pháp giải:
Đọc văn bản.
Lời giải chi tiết:
- Diễn biến tâm trạng của nhân vật An-đrây:
+ Tâm trạng không vui: An-đrây không thích việc phải đến nhà bá tước Rô-xtốp để thỉnh cầu về công việc
+ Băn khoăn, trăn trở khi bắt gặp và quan sát cô gái Na-ta-sa: An-đrây bị thu hút bởi tâm hồn và vẻ tươi tắn, niềm vui sướng của cô gái ấy. An-đrây “chợt thấy lòng se lại”, mọi thứ xung quanh dần trở nên tươi vui hơn.
+ Vui vẻ, yêu đời khi gặp lại cây sồi già trên đường trở về nhà. An-đrây nhận ra rằng cây sồi già đã thay đổi, nó tràn đầy sức sống. Nó khiến cho anh có cảm giác tươi mới và tốt đẹp hơn.
+ Những dòng suy tư tích cực và sự thức tỉnh về cuộc đời
→ Nhà văn Tôn-xtôi đã khéo léo trong việc miêu tả tâm lý nhân vật An-đrây. Ông khiến cho cảm xúc của nhân vật giống như một dòng chảy: chuyển biến, vận động rồi phát triển. Ban đầu cảm xúc của An-đrây mang tính tiêu cực là không vui, bất mãn; nhưng sau đó khi gặp được cô gái Na-ta-sa thì tâm trạng của An-đrây đã bắt đầu có sự thay đổi; để rồi sau đó phát triển theo hướng tích cực,trở nên vui vẻ và tràn đầy hi vọng. Đây là cách miêu tả phì hợp với quy luật khách quan: con người luôn vận động và phát triển trong mối liên hệ với cuộc sống.
Câu 6
Trả lời Câu hỏi 6 trang 9 SBT Văn 12 Cánh diều
Phân tích, đánh giá nghệ thuật miêu tả thiên nhiên và cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại, ngôn ngữ đối thoại của tác giả trong đoạn trích Đêm trăng và cây sồi.
Phương pháp giải:
Đọc văn bản. Chú ý đến những đoạn văn mà tác giả miêu tả thiên nhiên, những đoạn văn có sử dụng ngôn ngữ độc thoại, đối thoại.
Lời giải chi tiết:
- Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên: Tác giả đã tái hiện lên một bức tranh thiên nhiên vô cùng chân thực, sống động, chi tiết. Từ bức tranh về cảnh đẹp của đêm trăng, đến cảnh sắc đầy sức sống của cây sồi già, tất cả màu sắc, đường nét, âm thanh… đều như hiện ra trước mặt của độc giả.
- Cách sử dụng ngôn ngữ đối thoại: Tác giả chủ yếu sử dụng lời đối thoại trong cuộc trò chuyện giữa Na-ta-sa và Sonya. Qua tiếng cười, những câu độc thoại ngắn, tác giả đã khiến cho độc giả hiểu rõ hơn về tính cách, về tâm hồn nhạy cảm, hồn nhiên, vui trẻ của cô gái ấy.
- Cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại: Tác giả sử dụng ngôn ngữ độc thoại để thể hiện dòng suy nghĩ, sự chuyển biến trong tình cảm và suy nghĩ của nhân vật An-đrây. Từ đó, tác giả đã khiến cho độc giả hiểu rõ hơn, được tiếp cận trực tiếp dòng suy nghĩ và tình cảm của nhân vật. Dòng suy nghĩ và sự chuyển biến trong tình cảm của nhân vật trở nên gần hơn, chân thật và sâu sắc hơn.
Câu 7
Trả lời Câu hỏi 7 trang 9 SBT Văn 12 Cánh diều
Đọc đoạn văn sau đây trích từ văn bản Đêm trăng và cây sồi của Lép Tôn-xtôi:
“Phải làm thế nào cho mọi người cùng đều biết cơ: cả Pi-e, cả người con gái đêm nào muốn bay lên trời; phải làm sao cho mọi người đều biết rõ ra, sao cho cuộc sống của ta trôi qua không phải chỉ vì mình ra, sao cho họ đừng sống cách biệt với cuộc sống của ta như vậy, sao cho cuộc đời ta phản chiếu lên tất cả mọi người, và mọi người cùng sống chung với ta!”.
Nêu suy nghĩ của em về nội dung của đoạn văn trên.
Phương pháp giải:
Dựa vào mạch cảm xúc của nhân vật trong văn bản Đêm trăng và cây sồi và những từ ngữ, cách biểu lộ cảm xúc của nhân vật thông qua đoạn trích trên để trả lời câu hỏi
Lời giải chi tiết:
Đoạn độc thoại trên giống như một lời tâm sự vừa được bộc phát của một tâm hồn cằn cỗi đang được hồi sinh. Từng nhịp, từng chữ như thể hiện sự nôn nóng, sự thức tỉnh của tâm hồn An-đrây. Chàng ta đã ý thức được rằng cuộc đời của mình không lạc quẻ, mà phải là cuộc sống được thắt chặt, kết nối với mọi người. Chàng ta muốn hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn, nơi mà chàng ta có thể sống chung với mọi người, ảnh hưởng tích cực đến đời sống của cộng đồng, xã hội.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải bài Đêm trăng và cây sồi trang 9, sách bài tập Ngữ Văn 12 - Cánh diều timdapan.com"