Bài 9. Tiết kiệm - trang 42 SBT Giáo dục công dân 6 - Cánh diều

Việc làm nào dưới đây thể hiện tính tiết kiệm. Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây. Câu tục ngữ nào dưới đây nói về tiết kiệm. Em có nhận xét gì về những hình ảnh dưới đây. Đọc câu chuyện dưới đây và trả lời câu hỏi. Vì sao An nói với mẹ không cần mua áo mới nữa. Em có thể học tập được điều gì ở An. Theo em, Quân có nên đòi hỏi bố mẹ mua xe đạp điện cho mình không. Vì sao. Em có đồng ý với ý kiến này không. Giải thích vì sao.


Câu 1

Việc làm nào dưới đây thể hiện tính tiết kiệm?

(Khoanh tròn chữ cái trước câu em lựa chọn)

A. Dùng bóng đèn mờ để học bài cho đỡ tốn kém.

B. Giữ gìn sách vở, đồ dùng cẩn thận.

C. Ít giặt quần áo cho lâu cũ

D. Tính toán hợp lí mỗi khi mua sắm đồ dùng cá nhân.

E. Mua đồ dùng cũ cho đỡ tốn tiền.

G. Không la cà quán game để dành thời gian học bài.

H. Dùng lại sách giáo khoa cũ của anh, chị lớp trên

I. Luôn để đồ đạc đúng nơi quy định.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các việc làm và xác định xem đó là việc làm thể hiện điều gì?

A. Dùng bóng đèn mờ để học bài cho đỡ tốn kém.

=> Đây không phải là việc làm tiết kiệm vì nếu dùng bóng đèn mờ để học sẽ làm ảnh hưởng đến mắt.

B. Giữ gìn sách vở, đồ dùng cẩn thận.

=> Đây là việc làm thể hiện tính tiết kiệm, sách vở, đồ dùng được giữ gìn cẩn thận thì sẽ dùng được lâu.

C. Ít giặt quần áo cho lâu cũ

=> Đây không phải là việc làm tiết kiệm vì quần áo ít giặt sẽ gây mất vệ sinh.

D. Tính toán hợp lí mỗi khi mua sắm đồ dùng cá nhân.

=> Đây là việc làm tiết kiệm, việc tính toán hợp lí sẽ giúp chúng ta không mua đồ bừa bãi, lãng phí.

E. Mua đồ dùng cũ cho đỡ tốn tiền.

=> Đây không phải là việc làm tiết kiệm vì đồ dùng đã qua sử dụng thì sẽ không bền, chỉ sử dụng được thời gian ngắn rồi lại phải mua đồ khác.

G. Không la cà quán game để dành thời gian học bài.

=> Đây là việc làm thể hiện tính tiết kiệm vì la cà quán game thì sẽ tốn một khoản tiền.

H. Dùng lại sách giáo khoa cũ của anh, chị lớp trên

=> Đây là việc làm thể hiện tính tiết kiệm vì sách giáo khoa của các anh chị lớp trên nếu vẫn còn dùng được thì có thể dận dụng, không cần lãng phí.

I. Luôn để đồ đạc đúng nơi quy định.

=> Đây là việc làm thể hiện sự ngăn nắp, gọn gàng.

Lời giải chi tiết:

Những việc làm thể hiện sự tiết kiệm là B, D, G, H

B. Giữ gìn sách vở, đồ dùng cẩn thận.

D. Tính toán hợp lí mỗi khi mua sắm đồ dùng cá nhân.

G. Không la cà quán game để dành thời gian học bài.

H. Dùng lại sách giáo khoa cũ của anh, chị lớp trên


Câu 2

Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây?

(Đánh dấu X vào ô tương ứng)

Ý kiến

Đồng tình

Không đồng tình

A. Tiết kiệm tiền là việc của người lớn, không phải của trẻ em.

 

 

B. Cần tiết kiệm thường xuyên, trong mọi hoàn cảnh.

 

 

C. Chỉ tiết kiệm khi kinh tế thiếu thốn, khi giàu thì không cần.

 

 

D. Ai cũng cần chi tiêu tiết kiệm.

 

 

E. Nên biết chi tiêu phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình

 

 

G. Chỉ cần tiết kiệm của mình, không cần tiết kiệm cho tập thể

 

 

H. Người biết tiết kiệm sẽ thực hiện được những mong muốn thiết thực của mình.

 

 

 

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các ý kiến và đánh dấu vào ô tương ứng với thái độ của em với ý kiến đó.

Lời giải chi tiết:

Ý kiến

Đồng tình

Không đồng tình

A. Tiết kiệm tiền là việc của người lớn, không phải của trẻ em.

 

X

B. Cần tiết kiệm thường xuyên, trong mọi hoàn cảnh.

X

 

C. Chỉ tiết kiệm khi kinh tế thiếu thốn, khi giàu thì không cần.

 

X

D. Ai cũng cần chi tiêu tiết kiệm.

X

 

E. Nên biết chi tiêu phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình

X

 

G. Chỉ cần tiết kiệm của mình, không cần tiết kiệm cho tập thể

 

X

H. Người biết tiết kiệm sẽ thực hiện được những mong muốn thiết thực của mình.

X

 


Câu 3

Câu tục ngữ nào dưới đây nói về tiết kiệm?

(Khoanh tròn chữ cái trước câu em lựa chọn)

A. Năng nhặt chặt bị

B. Kiến tha lâu cũng đầy tổ

C. Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện.

D. Thua keo này bày keo khác

E. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

G. Của bền tại người

H. Góp gió thành bão

I. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm

K. Làm khi lành để dành khi đau.

L. Có chí làm quan, có gan làm giàu.

Phương pháp giải:

Em đọc từng câu tục ngữ và cho biết nó nói về điều gì?

A. Năng nhặt chặt bị

=> Nói về sự siêng năng, kiên trì

B. Kiến tha lâu cũng đầy tổ

=> Nói về sự kiên trì, chịu khó

C. Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện.

=> Nói về tính tiết kiệm

D. Thua keo này bày keo khác

=> Nói về sự kiên trì

E. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

=> Nói về sự kiên trì

G. Của bền tại người

=> Nói về sự cẩn thận, biết giữ gìn đồ đạc

H. Góp gió thành bão

=> Nói về sự đoàn kết

 

I. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm

=> Nói về sự tiết kiệm

K. Làm khi lành để dành khi đau.

=> Nói về sự tiết kiệm

L. Có chí làm quan, có gan làm giàu.

=> Nói về ý chí, nghị lực

Lời giải chi tiết:

Những câu tục ngữ nói về tiết kiệm là C, I, K

C. Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện.

I. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm

K. Làm khi lành để dành khi đau.


Câu 4

Em có nhận xét gì về những hình ảnh dưới đây?

 

Phương pháp giải:

Em quan sát kĩ các hình ảnh và đưa ra nhận xét của bản thân.

- Hình 1: đồng hồ và tiền. Có nghĩa là thời gian rất quý giá

- Hình 2: Khóa vòi nước khi không sử dụng

- Hình 3: Tắt điện khi không sử dụng

- Hình 4: Tiết kiệm tiền

Lời giải chi tiết:

Những hình ảnh trên đều nói về sự tiết kiệm trong cuộc sống.

- Hình 1: Tiết kiệm thời gian

- Hình 2: Tiết kiệm nước

- Hình 3: Tiết kiệm điện

- Hình 4: Tiết kiệm tiền


Câu 5

Đọc câu chuyện dưới đây và trả lời câu hỏi

CÂU CHUYỆN VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CỦA BÁC HỒ

Sinh thời, không ít hơn hai lần Bác Hồ kể lại câu chuyện Người dùng phong bì gửi công văn, thư từ. Lần thứ nhất, tháng 5 – 1949, Bác Hồ kể: “Trung bình một cái phong bì có kích thước giấy 180 phân vuông. Mỗi ngày các cơ quan, đoàn thể và tư nhân ít nhất cũng dùng hết một vạn cái phong bì, tức là 180 thước vuông giấy. Mỗi năm là 64800 thước vuông giấy. Nếu ai cũng tiết kiệm, dùng một cái phong bì hai lần, thì mỗi năm chỉ tốn một nửa số giấy, tức là 32 400 thước vuông. Còn 32 400 thước để dành cho các lớp bình dân học vụ thì chẳng tốt sao? Hơn nữa, nhờ sự tiết kiệm giấy, mà tiền bạc và công phu làm giấy có thể làm thêm việc kiến thiết khác, thì càng lợi ích hơn nữa.”

Sinh thời, Bác Hồ luôn có lối sống tiết kiệm, là tấm gương mẫu mực để chúng ta noi theo. Câu chuyện ngắn về sử dụng phong bì đã để lại bài học sâu sắc về thực hành tiết kiệm.

Năm 1952, nói về thực hành tiết kiệm, Bác Hồ dẫn ví dụ: “Cơ quan nào cũng dùng phong bì, nếu mỗi cơ quan đều tiết kiệm, một chiếc phong bì dùng hai, ba lần, thì mỗi năm Chính phủ có thể tiết kiệm được hàng chục tấn giấy.”. Và Bác nhấn mjanh: “Đối với giấy như thế, đối với mọi thứ khác đều như thế.”, bởi: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai, ba lần”. Và Bác đã làm để mọi người bắt chước: hằng ngày các văn bản Bác đều viết ở mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam; còn phong bì Bác đều dùng lại phong bì của các nơi gửi tới đến hai, ba lần.

Đối với Bác Hồ, bất cứ làm việc gì, sử dụng cái gì dù lớn dù nhỏ cũng đều phải tiết kiệm. Bởi theo Bác, tiết kiệm cũng như cái thùng có đáy, nước đổ vào không thể đi đâu được. Thế nên, Bác Hồ luôn nhắc mọi người: “Cần với kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.”. Bác Hồ còn dẫn câu ngạn ngữ để mọi người dễ hình dung cái kiểu cần mà không kiệm: “Làm chừng nào xào chừng ấy” thì: “cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không.”

Trong khi căn dặn mọi người, mọi ngành, mọi cấp thường xuyên thực hành tiết kiệm, thì đồng thời, Bác Hồ cũng quan tâm làm cho mọi người hiểu rõ tiết kiệm không phải là khắc khổ, là bủn xỉn đến mức nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, tiết kiệm để tạo cho mức sống ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn: “Nếu ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời giờ, thì với sức lao động và tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội.”

a. Lối sống tiết kiệm của Bác Hồ được thể hiện thế nào trong câu chuyện trên?

b. Bài học về sự tiết kiệm của Bác Hồ trong câu chuyện trên còn phù hợp với điều kiện hiện nay hay không? Vì sao?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ câu chuyện và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. Trong câu chuyện, lối sống tiết kiệm của Bác Hồ được thể hiện ở việc dùng phong bì. Bác khuyến khích mọi người nên dùng một phong bì hai đến ba lần để tiết kiệm giấy.

b. Bài học về sự tiết kiệm của Bác Hồ trong câu chuyện trên vẫn còn phù hợp với điều kiện ngày nay. Vì trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều cần phải tiết kiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang đem lại những hậu quả nặng nề như hiện nay, việc tiết kiệm sẽ giúp chúng ta có thể giảm bớt được chi phí sinh hoạt trong thời buổi khó khăn này.


Câu 6

Mùa Đông đến, trời rét. Mẹ muốn mua cho An một chiếc áo ấm mới để An đi học. Đối với gia đình nghèo như gia đình An thì việc chi tiêu mấy trăm nghìn đồng vào chiếc áo rét cũng là việc cần phải đắn đo suy nghĩ. Có bao nhiêu việc cần phải chi tiêu như tiền ăn hằng ngày của gia đình, tiền học phí của hai anh em An, tiền mua sách vở,… mà gia đình An làm nghề nông nên làm ra đồng tiền rất khó. Mặc dù rất thích có áo mới, nhưng thương bố mẹ. An nói với mẹ chiếc áo hiện nay của bạn còn mặc được, không cần mua áo mới lúc này.

a. Vì sao An nói với mẹ không cần mua áo mới nữa?

b. Em có thể học tập được điều gì ở An?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ tình huống và đưa ra câu trả lời của mình.

Lời giải chi tiết:

a. An nói với mẹ không cần mua áo mới nữa là vì An thương bố mẹ đi làm vất vả, đồng thời An cũng biết hoàn cảnh gia đình mình.

b. Qua câu chuyện của An, em học được tính tiết kiệm, lòng thương yêu bố mẹ của An.


Câu 7

Năm nay lên lớp 6, Quân học ở trường trung học cơ sở cách nhà khoảng hơn 2km, Quân đi xe đạp khoảng 10 phút là đến trường. Đang đạp xe đến trường, Quân thấy một số bạn trong lớp có xe đạp điện, Quân muốn mình cũng có xe đạp điện để không thua kém bạn nào trong lớp. Quân ngỏ lời với bố mẹ:

- Bố ơi, ở lớp con có nhiều bạn có xe đạp điện mới mua đấy. Bố mua cho con một chiếc để thay chiếc xe đạp này nhé. Nhân tiện cũng là quà bố mẹ thưởng cho con vào học trung học cơ sở.

- Nhà mình gần trường, con cứ đi xe đạp đi học cũng được. Nhà mình còn nhiều khó khăn lắm con ạ! Đợi khi nào đỡ khó khăn hơn bố mẹ sẽ mua xe đạp điện cho con. – Bố của Quân nói.

- Bố mẹ không thương con, để con thua kém bạn bè rồi. – Quân dằn dỗi bố mẹ.

Theo em, Quân có nên đòi hỏi bố mẹ mua xe đạp điện cho mình không? Vì sao?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ tình huống và trả lời

Lời giải chi tiết:

Theo em, Quân không nên đòi hỏi bố mẹ mua xe đạp điện. Vì nhà của Quân rất gần với trường học, hơn nữa, gia đình Quân cũng đang gặp khó khăn


Câu 8

Có ý kiến cho rằng, lối sống tiết kiệm rất cần thiết đối với mỗi học sinh, là điều mà mỗi học sinh chúng ta nên học tập và rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ.

Em có đồng ý với ý kiến này không? Giải thích vì sao.

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Em đồng ý với ý kiến trên. Vì tiết kiệm có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống. Nó giúp con người biết quý trọng thời gian, tiền bạc, thành quả lao động của bản thân và người khác nhằm làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Học sinh nên học tập và rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ để hình thành thói quen tiết kiệm cho tương lai.

 

Bài giải tiếp theo



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến