Bài 22.1; 22.2; 22.3; 22.4; 22.5 trang 50 SBT Vật lý 9
Giải bài 22.1; 22.2; 22.3; 22.4; 22.5 trang 50 SBT Vật lý 9. 22.1 Trong thí nghiệm phát hiện tác dụng từ của dòng điện, dây dẫn AB được bố trí như thế nào?
Bài 22.1
Trong thí nghiệm phát hiện tác dụng từ của dòng điện, dây dẫn AB được bố trí như thế nào?
A. Tạo với kim nam châm một góc bất kì.
B. Song song với kim nam châm.
C. Vuông góc với kim nam châm.
D. Tạo với kim nam châm một góc nhọn.
Phương pháp giải:
Quan sát cách bố trí thí nghiệm phát hiện tác dụng từ của dòng điện trong SGK vật lí.
Giải chi tiết:
Quan sát hình vẽ bố trí thí nghiệm trong SGK ta thấy: Trong thí nghiệm phát hiện tác dụng từ của dòng điện, dây dẫn AB được mắc song song với kim nam châm.
Chọn đáp án: B
Bài 22.2
Có một số pin để lâu ngày và một đoạn dây dẫn. Nếu không có bóng đèn pin để thử, có cách nào kiểm tra được pin còn điện hay không khi trong tay bạn có một kim nam châm?
Phương pháp:
Sử dụng lý thuyết: Không gian xung quanh nam châm, xung quanh dòng điện có khả năng tác dụng lực từ lên kim nam châm đặt trong nó.
Giải chi tiết:
Mắc hai đầu dây dẫn vào hai cực của pin cho dòng điện chạy qua dây dẫn. Đưa kim nam châm lại gần dây dẫn. Nếu kim nam châm bị lệch khỏi hướng Nam – Bắc thì pin còn điện.
Bài 22.3
Từ trường không tồn tại ở đâu?
A. Xung quanh nam châm.
B. Xung quanh dòng điện.
C. Xung quanh điện tích đứng yên.
D. Xung quanh trái đất.
Phương pháp giải:
Vận dụng lý thuyết: Nơi nào trong không gian có lực từ tác dụng lên kim nam châm thì nơi đó có từ trường.
Giải chi tiết:
Ta có: Nơi nào trong không gian có lực từ tác dụng lên kim nam châm thì nơi đó có từ trường. Trong các không gian trên từ trường không tồn tại ở xung quanh điện tích đứng yên.
Chọn đáp án: C
Bài 22.4
Giả sử có một dây dẫn chạy qua nhà. Nếu không dùng dụng cụ đo điện, có cách nào phát hiện được trong dây dẫn có dòng điện chạy qua hay không?
Phương pháp:
Sử dụng lý thuyết: dòng điện chạy qua dây dẫn thẳng hay dây dẫn có hình dạng bất kì đều gây ra tác dụng lực lên kim nam châm đặt gần nó.
Giải chi tiết:
Có thể theo hai cách sau:
1. Cuốn dây thành cuộn. Đặt thanh sắt nhỏ trước cuộn dây đó. Nếu trong dây dẫn có dòng điện thì thanh sắt sẽ bị hút.
2. Đưa một đầu thanh nam châm lại gần dây dẫn căng thẳng, nếu có dòng điện chạy trong dây, dây sẽ bị rung (dao động)
Bài 22.5
Dựa vào hiện tượng nào dưới đây mà kết luận rằng dòng điện chạy qua dây dẫn thẳng có từ trường?
A. Dây dẫn hút nam châm lại gần nó.
B. Dây dẫn hút các vụn sắt lại gần nó.
C. Dòng điện làm cho kim nam châm lại gần và song song với nó lệch khỏi hướng Bắc Nam ban đầu.
D. Dòng điện làm cho kim nam châm luôn luôn cùng hướng với dây dẫn.
Phương pháp giải:
Sử dụng lý thuyết: Không gian xung quanh nam châm, xung quanh dòng điện có khả năng tác dụng lực từ lên kim nam châm đặt trong nó.
Giải chi tiết:
Để có thể kết luận kết luận rằng dòng điện chạy qua dây dẫn thẳng có từ trường, Thì ta cần phải làm thí nghiệm với các dụng cụ. Nếu dòng điện làm cho kim nam châm lại gần và song song với nó lệch khỏi hướng Bắc Nam ban đầu thì xung quanh dây dẫn có từ trường.
Chọn đáp án: C
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài 22.1; 22.2; 22.3; 22.4; 22.5 trang 50 SBT Vật lý 9 timdapan.com"