Dựa vào hiểu biết của em, hãy giới thiệu về hang Sơn Đoòng

Hang Sơn Đoòng nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Vào năm 2009-2010, hang Sơn Đoòng được công bố là hang động lớn nhất thế giới và đến năm 2013 tour du lịch khám phá Sơn Đoòng bắt đầu được khai thác.


Dàn ý

1. Mở bài:

Giới thiệu chung về địa danh hang Sơn Đoòng.

Cảm nghĩ khái quát về hang Sơn Đoòng.

2. Thân bài:

a) Giới thiệu tổng quan về hang Sơn Đoòng:

- Vị trí địa lí

- Diện tích

- Khung cảnh xung quanh

b) Giới thiệu về lịch sử hình thành hang Sơn Đoòng:

- Nguồn gốc hình thành

- Thời gian phát hiện

c) Giới thiệu về không gian, cảnh vật ở hang Sơn Đoòng:

- Đặc điểm tự nhiên của hang Sơn Đoòng

- Chi tiết cảnh quan của hang Sơn Đoòng

d) Ý nghĩa về văn hóa, du lịch của hang Sơn Đoòng:

- Ý nghĩa đối với địa phương

- Ý nghĩa đối với đất nước

- Là niềm tự hào của đất nước.

- Thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, quảng bá hình ảnh du lịch.

3. Kết bài:

Khẳng định lại một lần nữa giá trị, ý nghĩa của hang Sơn Đoòng.

Nêu cảm nghĩ của bản thân về hang Sơn Đoòng.


Bài mẫu 1

Hang Sơn Đoòng nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Vào năm 2009-2010, hang Sơn Đoòng được công bố là hang động lớn nhất thế giới và đến năm 2013 tour du lịch khám phá Sơn Đoòng bắt đầu được khai thác.

Sơn Đoòng có niên đại 3 triệu năm tuổi, với độ dài gần 9km, cao đến 200m, rộng 160m, đủ lớn để có thể chứa tòa nhà cao 40 tầng. Với thể tích đo đạc được ước tính 38,5 triệu mét khối, Sơn Đoòng vượt qua hang Deer ở Malaysia trở thành hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Những cột măng đá cao đến 80m trong lòng hang cũng được đánh giá là các cột thạch nhũ cao nhất.

Được biết, hang động lớn nhất thế giới này được tìm ra bắt đầu từ một người đàn ông bản địa. Sau này, đội thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đã tiếp tục khám phá và công bố. Sơn Đoòng hình thành trên một đoạn đứt gãy của dãy Trường Sơn và bị dòng nước sông Rào Thương ăn mòn qua hàng triệu năm đã tạo thành đường hầm khổng lồ bên dưới lớp núi đá vôi. Những vết nứt trên trần hang bị ăn mòn và sụt lún, tạo thành những hố sụt lớn thông ra bên ngoài.

Những giọt nước rơi xuống từ trên trần hang hàng triệu năm tạo nên những viên ngọc trai hang động có kích thước lớn bằng quả bóng chày. Bên trong không gian kỳ vĩ ấy là cả một thế giới tách biệt, cả một kỳ quan thiên nhiên hiếm có khiến cho các nhà chinh phục Sơn Đoòng phải sửng sốt.

Hiện tại, cách duy nhất đến được Sơn Đoòng đầu tiên phải đi bộ băng rừng qua Bản Đoòng – một bản nhỏ của cộng đồng người dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều sinh sống. Từ Bản Đoòng, tiếp tục tiến sâu vào khu rừng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đến Hang Én – hang động lớn thứ ba thế giới và cũng là cửa hang Sơn Đoòng.

Điểm nổi bật bên trong hang là một khối thạch nhũ tự nhiên đồ sộ trong hang Sơn Đoòng, nhìn từ xa về phía khu vực Hố Sụt thứ nhất có thể nhìn thấy bóng dáng Khối Bàn Chân Chó hiện lên sừng sững, một cảnh tượng kỳ vĩ của hang động lớn nhất thế giới. Từ vị trí này để đến được Hố Sụt thứ nhất phải đi qua một đoạn hang khổng lồ hơn 1km. Từ trên vị trí này có thể gần như chiêm ngưỡng được toàn cảnh hang Sơn Đoòng.

Hố sụt thứ hai của Sơn Đoòng hay còn được gọi là “Vườn Địa Đàng”, từ đây có thể bao quát cả khu rừng ngay phía dưới. Sự hình thành của hố sụt cho phép ánh sáng len lỏi vào trong hang; tạo nên một khu rừng nhỏ với cây cối và thảm thực vật; một hệ sinh thái hang Sơn Đoòng đặc hữu đã có thể tồn tại nhờ có ánh sáng mặt trời.

Bên trong hang có hai bãi trại, bãi trại thứ nhất của hang Sơn Đoòng nằm ngay gần Hố Sụt thứ nhất. Bãi trại nằm trên khu vực nền cát khá phẳng và có tầm nhìn tuyệt đẹp nhìn về phía Hố Sụt thứ nhất. Bãi trại thứ hai còn được gọi là cắm trại bên bờ biển bởi bãi trại này nằm trên nền hang phủ cát trắng như bờ biển vậy. Đây cũng được xem là bãi cắm trại có khung cảnh hùng vĩ nhất thế giới. Đoạn cuối của hang là bức tường thạch nhũ cao 90m và được đặt tên là “Bức tường Việt Nam” và cũng là nơi trần hang cao nhất khoảng 200m, đoạn hang này khá bùn lầy. Khi lên đến đỉnh Bức tường Việt Nam là cửa ra của hang.

Hãng truyền hình BBC khi làm phim về Sơn Đoòng đã nhận định: “Một thế giới kỳ diệu bị quên lãng, nơi chứa đựng những cảnh đẹp không tưởng, là tài sản thiên nhiên vô giá đối với hành tinh chúng ta”.


Bài mẫu 2

Du lịch Hang Sơn Đoòng Quảng Bình được chính thức khai thác và đi vào hoạt động từ năm 2013 và đang nắm giữ “ngôi vương” với danh hiệu hang động lớn nhất hành tinh.

Hang Sơn Đoòng là một địa điểm du lịch Quảng Bình nổi tiếng, thuộc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) và cũng là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam gần biên giới với Lào. Hang Sơn Đoòng được khám phá vào năm 1991 bởi Hồ Khanh – một người dân địa phương khi ông chỉ tình cờ tìm ra khi lánh vào cửa hang để tránh mưa. Rất lâu sau này, cho đến năm 2009 khi đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đến nơi này thăm dò thì ông Hồ Khanh mới có cơ hội báo cho họ biết về sự tồn tại của hang động.

Phải khó khăn lắm ông và đoàn thám hiểm mới tìm lại được cửa hang vốn nằm sâu trong rừng già với địa hình hiểm trở, xa xôi và đặc biệt là không thể phát hiện thấy trên Google Earth. Dưới sự hướng dẫn của ông, họ đã đi sâu vào hang, đo đạc, chụp ảnh và thu thập dữ kiện khoa học. Hang Sơn Đoòng đã được công nhận là di sản của thế giới với các đặc điểm vượt trội: Hang động tự nhiên có kích thước lớn nhất, môi trường bên trong cực độc đáo với thảm rừng nguyên sinh, sông ngầm và sở hữu điều kiện thời tiết riêng.

Hang được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp, dòng nước này làm xói mòn tạo nên đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Tại những đoạn đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, đó chính là vòm hang.

Chiều dài hang Sơn Đòong gần 9km, vòm hang đoạn cao nhất lên đến 200m, rộng 150m (được ước tính hoàn toàn có thể “nhét vừa” 1 tòa nhà chọc trời khoảng 40 tầng), thể tích ước chừng 36.8 triệu m3 (tương đương 15.000 bể bơi Olympic). Với những số liệu trên, hiện nay Sơn Đoòng chính thức vượt lên kỷ lục thế giới của hang Deer trong vườn quốc gia Gunung Mulu, Malaysia, trở thành hang động tự nhiên lớn nhất, hoành tráng và lộng lẫy nhất thế giới.

Là hang động lớn nhất thế giới cùng với hệ sinh thái độc đáo của mình, kể từ khi được phát hiện vào năm 2009 đến nay, hang Sơn Đoòng vẫn giữ vững “ngôi vị” hang động kỳ vĩ nhất, lớn nhất và bí ẩn nhất thế giới. Với hàng chục km hang động sâu trong lòng núi đá vôi, sông ngầm, vách đá và cả một hệ sinh thái riêng.

Tất cả những điều đó tạo nên một quần thể thiên nhiên đa dạng, phong phú và vô cùng quyến rũ bạn từ bốn phương. Cũng tại Sơn Đoòng, bạn có thể tìm thấy những kỳ quan thiên nhiên lần đầu tiên được nhìn thấy trên thế giới. Chỉ mới đặt chân tới cửa hang, từng luồng gió lạnh thổi trong hang sẽ làm tan biến những mệt mỏi của quãng đường “băng rừng lội suối” gian nan mà bạn đã phải trải qua. Không chỉ ngỡ ngàng trước không gian rộng lớn của hang, bạn sẽ còn cảm thấy vô cùng phấn khích bởi sự bí ẩn diệu kỳ ẩn sau những làn sương mù dày huyền ảo nữa đó.

Không chỉ nổi tiếng với kích thước khổng lồ, quang cảnh bên trong hang Sơn Đoòng còn tạo ra một cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ với núi, sông và cả một khu rừng với hệ sinh thái vô cùng độc đáo, đa dạng. Sơn Đoòng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động thực vật khác nhau, được tạo nên bởi dòng sông ngầm chảy xiết sâu dưới lòng đất và được ánh mặt trời của một phần hang bị sập chiếu vào.

Hang Sơn Đoòng hấp dẫn bạn bởi sự đa dạng trong địa chất trong địa hình đặc biệt của những dòng sông ngầm và những hang động rộng lớn. Nếu nhũ đá ở động Phong Nha tráng lệ thì ở Sơn Đoòng hệ thống nhũ đá tựa như những gã khổng lồ đầy uy quyền với những cột măng đá cao đến hơn 70m (thậm chí còn cao hơn Khải Hoàn Môn tại Paris, Pháp) và mang đủ hình dáng được kiến tạo từ hàng triệu năm trước.

Nếu bạn là người đam mê du lịch mạo hiểm và thích khám phá thì chẳng cần đi đâu xa xôi như leo núi tuyết Nepal, chinh phục đỉnh Everest… vì ngay tại Việt Nam cũng có một địa điểm thú vị để bạn thử thách bản thân đó là Hang Sơn Đoòng.

Bài giải tiếp theo