Đọc hiểu Đây thôn vĩ dạ của Hàn Mặc Tử

I - Gợi dẫn 1. Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) là một trong những nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới (1932 – 1945). Ông cũng là nhà thơ có số phận bất hạnh hiếm có. Hàn Mặc Tử là một tài năng độc đáo, một tiếng thơ lạ, thể hiện rõ tấn bi kịch của một con người bất hạnh


Đề bài

Đọc hiểu Đây thôn vĩ dạ của Hàn Mặc Tử

Lời giải chi tiết

I - Gợi dẫn

1. Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) là một trong những nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới (1932 – 1945). Ông cũng là nhà thơ có số phận bất hạnh hiếm có. Hàn Mặc Tử là một tài năng độc đáo, một tiếng thơ lạ, thể hiện rõ tấn bi kịch của một con người bất hạnh. Mắc phải căn bệnh phong quái ác, phải sống trong sự cách ly khi đang tràn trề nhựa sống đã khiến thơ ông nhiều khi như điên loạn với một thế giới hình ảnh thơ đầy ma quái. Thơ Hàn Mặc Tử vừa gợi cho người ta nỗi sợ hãi, vừa đem đến niềm say mê. Chế Lan Viên từng quả quyết rằng: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử. Bên cạnh thơ điên, Hàn Mặc Tử còn có những vần thơ trữ tình rất dịu dàng và duyên dáng. Trong số đó có Đây thôn Vĩ Dạ.

2. Bài thơ được sáng tác khi nhà thơ đã lâm bệnh nặng và không còn cơ hội để trở lại với cuộc sống đời thường. Bài thơ mang vẻ đẹp huyền ảo và trong sáng. Thực và hư hoà quyện tạo nên vẻ riêng cho cảm xúc. Bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của tác giả đối với xứ Huế, nơi nhà thơ đã từng có nhiều kỉ niệm ngọt ngào, đồng thời thể hiện khát khao được sống, được yêu. Đây cũng là những cố gắng cuối cùng của thi sĩ để níu lại trong mình những giây phút ngọt ngào của cuộc sống trần thế. Cảnh thì đẹp mà tình thì buồn là sự thể hiện đầy đủ nhất tình yêu cuộc sống của thi sĩ bất hạnh mà đầy tài năng này.

3. Đọc chậm, diễn cảm. Hết khổ thứ hai ngừng nghỉ lâu hơn khi hết khổ thứ nhất. Câu thơ cuối khổ thứ hai và thứ ba đọc chậm hơn và xuống giọng.

II - Kiến thức cơ bản

    Phong trào Thơ mới (1932 – 1945) xuất hiện trên thi đàn văn học đã tạo ra một bất ngờ lớn nhưng sự xuất hiện của Hàn Mặc Tử còn tạo ra sự ngạc nhiên hơn nhiều. Một đời thơ không dài nhưng Hàn Mặc Tử đã để lại một lượng tác phẩm đáng phục và anh được ví như “ngôi sao băng có ánh sáng khác lạ vụt qua bầu trời văn học” và làm người ta nhớ mãi không quên. Hàn Mặc Tử khiến người ta nhớ đến bởi giọng thơ độc đáo mới lạ của một hồn thơ luôn quằn quại đau đớn trong bất hạnh. Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say, thơ siêu thực với một thế giới đầy ma quái là một giọng thơ trữ tình đằm thắm. Tất cả thể hiện một tình yêu đời tha thiết, khao khát tình người đến cháy bỏng. Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ như thế. Mười hai câu thơ là một mạch cảm xúc chan chứa tình cảm với xứ Huế thơ mộng, với con người trần thế.

     Đây thôn Vĩ Dạ ra đời khi Hàn Mặc Tử đã lâm bệnh nặng, không có cơ hội để trở về với cuộc sống đời thường bởi căn bệnh phong quái ác. Vì vậy bài thơ là sự hoà quyện giữa thực và ảo. Hiện thực là những kỉ niệm về xứ Huế, ảo mộng là những hình ảnh về con người trong mơ tưởng của thi nhân. Theo những người bạn của Hàn Mặc Tử kể lại thì bài thơ được gợi cảm xúc từ tấm bưu ảnh của Hoàng Cúc gửi cho thi sĩ. Bài thơ là sự quyện hoà của giọng điệu chủ thể trữ tình (thi nhân) và khách thể trữ tình ("em").

     Mở đầu bài thơ là khổ thơ viết về thiên nhiên thôn Vĩ với những vẻ đẹp đầy thơ mộng qua dòng hồi tưởng của nhà thơ. Câu thơ đầu có một khả năng gợi mở rất lớn:

   Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

     Câu thơ là lời mời, lời trách hay sự nuối tiếc? Có lẽ là cả ba. Đó là lời mời của cô gái nào đó đang trách hờn “anh” – chủ thể trữ tình của bài thơ hay câu thơ chính là sự phân thân của nhân vật trữ tình để bộc lộ tâm trạng nuối tiếc của mình vì không được trở lại thôn Vĩ nữa. Ba câu sau được nối với câu trước bởi nghệ thuật “vắt dòng” của câu hai. Nhìn nắng hàng cau là lời giải thích “sao anh không về để nhìn nắng” còn nắng mới lên tồn tại độc lập. Đây là lời của cô gái hay chàng trai. Lời của cô gái nhưng bắt đầu có sự xuất hiện của nhân vật trữ tình. Cảnh và người thôn Vĩ hiện lên rõ dần. Bắt đầu là hình ảnh hàng cau – một loại cây quen thuộc trong những khu nhà vườn xứ Huế. Ta đã từng gặp hình ảnh hàng cau trong Nhớ của Hồng Nguyên:

   Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau

    Đây là hàng cau trong nắng chiều còn ở Đây thôn Vĩ Dạ là hình ảnh hàng cau trong nắng sớm ban mai, giữa những vườn mướt “xanh như ngọc” một hình ảnh trong sáng, thân thuộc đến bất ngờ. Câu thơ như một cái ngước nhìn đầy thú vị. Nắng ban mai êm dịu xen giữa những thân cau thẳng tắp lá còn ướt đẫm sương đêm tạo ra cho cảnh vật một nét đẹp rất thơ mà cũng rất đời thường. Khi nhớ đến thôn Vĩ, nhớ đến xứ Huế mơ mộng người ta không thể không nhắc đến những khu nhà vườn xinh đẹp dưới ánh nắng mai.

   Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

      Vẻ đẹp của thôn Vĩ đã được cảm nhận bằng nỗi nhớ của nhân vật trữ tình (tác giả) chứ không phải là của cô gái nữa. Nhân vật trữ tình đã hiện ra bằng lời trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp của thôn Vĩ. Chữ "mướt" gợi màu xanh non tơ, mềm mại đầy xuân sắc và màu “xanh như ngọc” là màu xanh như có ánh sáng từ bên trong. Ngọc vừa có màu vừa có ánh, vừa toả mát ánh sáng, vừa rười rượi sắc xanh, "mướt quá" là trầm trồ chứ không phải là nhận xét “quá mướt”. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh có nhận xét : “có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng lạ”. Nhận xét này thật đúng với câu thơ trên. Có lẽ những giọt sương đêm vẫn còn đọng trên lá và khi ánh bình minh soi xuống đã tạo cho khu vườn vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Câu thơ cho thấy Hàn Mặc Tử yêu Vĩ Dạ, yêu Huế biết bao nhiêu. Ai có thể tin rằng câu thơ đầy sức sống này lại là của một thi sĩ không còn cơ hội trở lại với đời thường. Ta cũng từng gặp cảnh thiên nhiên như thế ở thi sĩ Xuân Diệu khi anh còn trẻ và đang tràn đầy nhựa sống: Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá”

     Tình yêu Vĩ Dạ của thi nhân bắt nguồn từ tình yêu cuộc sống, từ tình yêu với người con gái xứ Huế. Vì vậy con người xứ Huế trong cảm nhận của nhà thơ trong khung cảnh thật gợi:

   Lá trúc che ngang mặt chữ điền

    Câu thơ viết theo hướng cách điệu hoá. Cách điệu từ đường nét “lá trúc che ngang” đến hình ảnh “mặt chữ điền”. Mặt chữ điền từng xuất hiện trong những câu ca dao xứ Huế:

   Mặt em vuông tựa chữ điền,

   Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài.

   Lòng em có đất có trời,

   Có câu nhân nghĩa, có lời thuỷ chung.

    Với biện pháp nghệ thuật cách điệu hoá, tác giả đã diễn tả được vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, hoà hợp với thiên nhiên của người Vĩ Dạ. Người Huế vốn rất yêu thiên nhiên, cây cỏ là bạn với họ. Họ chăm sóc cây cối giống như chăm sóc con người. Và những ngôi nhà truyền thống của người Huế bao giờ cũng ẩn sau những mảnh vườn mướt xanh. Bốn câu thơ đã tạo nên một vẻ đẹp lung linh huyền diệu cho thôn Vĩ.

    Khổ thơ thứ hai có sự thay đổi về không gian và cảm xúc nhưng vẫn là dòng hồi tưởng của nhân vật trữ tình, kỉ niệm lúc này tràn về mãnh liệt đến nỗi từng bước của chàng trai lan toả, xen đầy cả không gian:

    Gió theo lối gió mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

     Mạch cảm xúc không dứt mà tạo một dư âm:

   Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

   Có chở trăng về kịp tối nay?

     Có lẽ cấu tứ của đoạn thơ này được bắt nguồn từ nỗi nhớ về dòng sông Hương êm đềm. Cảnh vật trong khổ thơ buồn da diết, vừa hiện thực vừa hư ảo. Nó khiến người đọc như vừa gặp một ảo giác, cụ thể đấy mà cũng thật mơ hồ. Gió mây thường có mối quan hệ gắn bó khăng khít, “gió thổi mây bay”, nhưng ở đây gió mây lại theo hai đường, thậm chí ngăn cách nhau quyết liệt:

   Gió theo lối gió, mây đường mây

     Gió mây ở đây không phải là hiện thực mà nó mang tâm trạng của người trong cảnh chia lìa. Nhớ Vĩ Dạ nhưng không thể trở về nơi ấy được nữa nên buồn và nỗi buồn đã tràn ra cảnh vật:

    Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

    Trong hồi tưởng của nhân vật trữ tình, dòng Hương giang hiện lên thật buồn. Nhớ Hương giang lại nhớ đến những đêm trăng huyền diệu. Trăng gợi vẻ đẹp huyền ảo song trăng cũng dễ gợi sự cô đơn, lạnh lẽo:

   Trăng sáng, trăng xa trăng rộng quá

   Hai người nhưng chẳng bớt cô đơn.

(Xuân Diệu)

      Trăng từng xuất hiện rất nhiều trong thơ Hàn Mặc Tử với đủ hình dạng, trạng thái khác nhau:

   Trăng nằm sóng soài trên cành liễu

   Đợi gió thu về để lả lơi

       Còn ánh trăng ở đây lại là một ánh trăng huyền ảo, một không gian tràn đầy trăng và thơ:

   Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

   Có chở trăng về kịp tối nay?

       Sáng tạo độc đáo của Hàn Mặc Tử là ở hình ảnh “sông trăng”. Trăng tràn đầy không gian từ dòng sông đến cõi mộng. Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng của trường phái thơ siêu thực và tượng trưng Pháp, có lẽ câu thơ này là kết quả của những ảnh hưởng đó. Hai câu thơ hay mà không thể lý giải cụ thể. Đó cũng chính là bí mật hấp dẫn của thi ca. Ai có thể chở được ánh trăng. Câu thơ gợi lên vẻ đẹp huyền ảo của xứ Huế và thể hiện tâm hồn thơ lãng mạn của thi nhân.

     Đến khổ thơ thứ ba cảnh vật không còn nữa, kỷ niệm trở về ngập hồn nhân vật trữ tình. Và lúc này những rung động của anh đối với Vĩ Dạ đã tập trung ở hình ảnh người con gái “mờ nhân ảnh”:

   Mơ khách đường xa, khách đường xa

   Áo em trắng quá nhìn không ra

   Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

   Ai biết tình ai có đậm đà?

      “Ở đây” là ở đâu? Dù ở đâu thì cũng đã bị bao phủ bởi sương khói của thời gian. "Ai" là một đại từ phiếm chỉ. Một đại từ phiếm chỉ được sử dụng hai lần trong một câu thơ, gợi lên bao ý nghĩa. Câu thơ tha thiết một khát khao, một ước nguyện muốn có người hiểu được tâm sự của mình. Đồng thời thể hiện tâm trạng hoài nghi. Trong bài thơ có tới bốn lần tác giả sử dụng đại từ ai, và “anh” và “em” đã hoà nhập trong từ ai ấy, hoà nhập trong tâm tưởng của thi nhân. Câu thơ cuối cùng thoáng chút hoài nghi ấy xuất phát từ lòng khát khao sống, khát khao giao tiếp với cuộc đời; xuất phát từ niềm khao khát thuỷ chung. Vượt lên nỗi đau riêng, thơ Hàn Mặc Tử nói lên tâm trạng chung của bao lứa đôi xa cách…

   “Thơ đi từ cái thực tới cái ảo ảnh, từ ảo ảnh đi tới cái huyền diệu, từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Bao trùm cả bài thơ là thế giới mơ”, đó là lời của Hàn Mặc Tử về thơ và có lẽ là về chính Đây thôn Vĩ Dạ.

III - Liên hệ

1. Về cái tên Vĩ Dạ có tí này vui. Tình cờ đọc Thương Sơn thi tập của Miên Thẩm, thấy ông hay nhắc ông em Miên Trinh biệt hiệu là Vĩ Dã (Vĩ Dã chữ Hán có nghĩa là Đồng Lau, cũng như Lộc Dã là Đồng Nai), nhưng giọng Huế đọc thành Vĩ Dạ, và cứ thế lưu truyền. Xưa kia có thể đây là một vùng còn là lau sậy nên mới có tên ấy. Nhưng đến thời có câu chuyện tình trong bài thơ này – hồi trước Cách mạng tháng Tám – thì đây là một xóm làng trù mật, dòng họ nhà vua có nhiều gia đình ở đây. Người Huế hay gọi là phủ Tùng Thiện, phủ Tuy Lý của hai ông hoàng tước vương là Miên Thẩm, Miên Trinh có tiếng ở làng này là vậy. Vĩ Dạ khá tiêu biểu cho đất đế đô. Nó nằm sát bờ sông Hương, nhìn qua Cồn Tiên, cù lao giữa sông, cách có mấy con sào, từ đầu cầu Trường Tiền đi theo con đường xuống cửa Thuận chỉ mấy trăm thước. Vườn tược đúng là xanh mướt những thanh trà (một thứ bưởi rất ngon và rất thanh), những đào tiên (tức roi ở Bắc và mận ở Nam), những cam, chanh, quýt, và cau vút cao, tạo thế cân bằng hội hoạ cho bức tranh um tùm nơi mặt đất. Đặc biệt không vườn nào, dù nghèo nhất lại thiếu một mảnh cây kiểng (cây cảnh) trước sân, khách đến là thay chủ đón cười với khách trước khi khách được tiếp bằng hớp trà uống trong cái chung (cái chén) nhỏ xíu mà chủ nhân vừa chùi tro, lòng chung trắng muốt. Nhỏ nhẹ thanh trong, kín đáo, lịch sự từ giọng nói trở đi, từ cô hàng thanh trà đến các bậc cao sang… Đó là Huế, đó cũng là Vĩ Dạ…

(Lê Trí Viễn, Đến với thơ hay, Sđd)

2. … Đi tìm cái đẹp của cõi thực, cõi thực hờ hững. Đi tìm sự đồng cảm, đồng điệu trong cõi mộng, cõi mộng hư ảo, mù mịt. Cho nên, đắm say rồi nguội lạnh, băng giá, mộng rồi lại tỉnh. Đó là logic vận động tâm trạng của một cái Tôi ham sống, yêu đời trong Đây thôn Vĩ Dạ. Lôgíc tâm trạng đã chi phối lôgíc phong cảnh và tổ chức điệu giọng trữ tình. Cảnh lúc như gần, lúc như xa, lúc rất thực, càng về sau càng trở nên hư ảo, huyền hồ. Sắc điệu tiếng nói trữ tình lúc âm u, lúc chói lạnh. Nhưng giọng điệu chủ đạo của tiếng nói ấy vẫn là giọng điệu bâng khuâng, đầy mơ mộng.

      Đây thôn Vĩ Dạ là tiếng nói của một cái tôi bơ vơ, cô đơn, là khát vọng ngàn đời của con người về sự đồng cảm, đồng điệu, mà tình yêu và hạnh phúc lứa đôi là biểu hiện cao nhất.

      Thể hiện khát vọng về sự đồng điệu, Hàn Mặc Tử đã tạo ra một công trình nghệ thuật đạt tới sự hài hoà lý tưởng: Đây thôn Vĩ Dạ là tốc kí tâm trạng, nhưng nhạc thơ chưa vượt trước lời thơ, phá vỡ logic ngữ nghĩa thông thường, khiến tiếng nói trữ tình thành chuỗi phát ngôn thác loạn. Vì thế lời thơ trong sáng, tao nhã, mà vẫn giản dị. Lấy tình làm điểm tựa để vẽ cảnh, nhưng tình chưa tràn ra ngoài cảnh, biến cảnh thành những hình hài méo mó, dị dạng giống như bóng dáng của yêu ma. Được tắm đẫm trong cảm hứng lãng mạn, cuộc sống trần thế trong Đây thôn Vĩ Dạ hiện lên lung linh, kì diệu mà không kì bí. Kinh nghiệm của cái tôi cá nhân Hàn Mặc Tử chưa vượt vòng kiểm soát của kinh nghiệm cá nhân Ta. Với Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử vẫn đứng giữa mảnh đất của thi ca lãng mạn, chưa bước qua địa hạt của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực. Cho nên, diễn đạt theo cách Hoài Thanh, bài thơ “Vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế”.

(Lã Nguyên, Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam)

3. Khi Tử làm Sở Đạc điền Quy Nhơn, Tử có yêu một thiếu nữ ở cùng một con đường – đường Khải Định – biệt hiệu là Hoàng Cúc.

   Mối tình giữa một anh chàng đôi mươi và một cô nàng mười lăm mười bảy, lẽ tất nhiên là trong đẹp, nên thơ. Để tỏ lòng cùng người yêu, Tử có bài Vịnh hoa cúc:

Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa

Sương điểm trăng lồng bóng thướt tha.

Vẻ mặt khác chi người quốc sắc

Trong đời tri kỉ chỉ riêng ta.

Và bài Trồng hoa cúc:

Thích trồng hoa cúc để xem chơi,

Cúc ngó đơn sơ, lắm mặn mòi.

Đêm vắng gần kề say chén nguyệt,

Vườn thu vắng vẻ đủ mua vui.

     Tình thơ lợt lạt và có vẻ “nhà nho”. Đừng đổ tội cho thể thơ. Cũng đừng tưởng mối tình của Tử đối với Hoàng Cúc không nồng nàn. Đó là do ảnh hưởng của thời đại.

     Thời bấy giờ phong trào lãng mạn tuy đã bành trướng khắp nơi, song ở Quy Nhơn, ảnh hưởng chưa được sâu sắc. Chữ Lễ còn đi kèm bên chữ Yêu chẳng khác mụ vú già theo kèm cô chủ dậy thì có nhan sắc. Cho nên cách tỏ tình cần phải kín đáo, tình tỏ ra không dám sỗ sàng.

      Hai bài thơ trên phản ánh thái độ yêu đương của thanh niên thời bấy giờ mà Tử là một.

      Nhưng thường được gần gũi với người yêu, thì tâm trạng của Kim Lang đêm trăng nơi vườn Thúy, không còn là tâm trạng riêng của chàng trai đời Gia Tĩnh triều Thanh, mà là tâm trạng chung của Nòi Tình muôn thuở. Cho nên đối với Hoàng Cúc đã có lần Tử muốn gác lễ nghĩa một bên.

   Tử có đọc cho tôi nghe một bài thơ, theo Tử, chưa đọc cho ai nghe hết, và dặn tôi phải giấu kín, rằng:

   Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường,

   Không dám sờ tay sợ tấm hương.

   Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá.

   Muốn ôm hồn cúc ở trong sương.([1])

     Chân tướng của Tử đã hiển hiện rõ rệt trong bài thơ này. Tình của Tử đối với Hoàng Cúc đâu phải không đượm đà, đâu phải không bồng bột. Tử chỉ gìn giữ đó thôi, dè dặt đó thôi.

      Tử gìn giữ cho tình yêu trong trắng. Tử dè dặt vì nền nếp Nho gia. Và dè dặt gìn giữ để được thấy dưới bóng đuốc hoa cái gì cao quý nhất của người thục nữ: Tử muốn đưa tình yêu vụng lén đến cuộc hôn nhân. Nhưng hôn sự bất thành! Bất thành không phải vì Tử gặp cảnh rủi ro của chàng Kim Trọng. Bất thành vì vấp phải trường hợp của Tản Đà khi nhờ người dạm hỏi Đỗ Thị. Nghĩa là thân sinh của Hoàng Cúc – lúc bấy giờ làm tham tá Sở Đạc điền mà Tử là tùy thuộc – chê Tử không xứng mặt đông sàng!(*).

    Tử thôi làm việc ở Sở Đạc điền Quy Nhơn để vào Sài Gòn làm báo, chính vì bị chê không có địa vị cao sang. Ghé vào Nha Trang thăm tôi, khi đi Sài Gòn, Tử nói:

- Đi chuyến này, tôi quyết xây sự nghiệp văn chương cho thật vững vàng, thử xem người ta có còn dám khi dể(**).

      Nhưng khi Tử có địa vị hẳn trong làng văn làng báo, thì Tử lại gặp Mộng Cầm, và khi Tử trở về Quy Nhơn cho xuất bản Gái quê thì Hoàng Cúc đã theo gia đình về Huế.

   Thế là cùng Hoàng Cúc một xa, Tử không còn gặp lại.

   Tuy không gặp lại, nhưng mối tình của Tử đối với Hoàng Cúc là mối tình đầu – như lời Thế Lữ:

   Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,

   Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.

   Mối tình đầu của Tử đã để dấu sâu đậm trong tập Gái quê. Những bài như:

   Trước sân anh thơ thẩn

   Đăm đăm trông nhạn về

(Tình quê)

Từ gió xuân đi gió hạ về

Anh thường gửi gắm mối tình quê

     (Âm thầm)

      Là nỗi lòng nhớ thương Hoàng Cúc từ lúc Tử ở Sài Gòn. Vì vậy ban đầu Tử đã định đề tặng Gái quê cho Hoàng Cúc, nhưng sau nghĩ có điều bất tiện, nên đành phải chôn kín nỗi lòng.

      Khi Tử đau nằm ở Quy Nhơn, Hoàng Cúc có gởi vào tặng Tử một phiến ảnh “cô gái Huế” với lời mời “ra chơi Vĩ Dạ”. Tạ lòng tri kỉ, Tử gởi tặng lại một bài thơ nhan là Đây thôn Vĩ Dạ.



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến