Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Lương Thế Vinh năm 2021
“Người bạn đồng hành quý báu” của nhân vật “tôi” trong đoạn văn trên là. Nhân vật “tôi” có cảm giác gì khi được mặc chiếc áo do mẹ may?
Đề bài
BÀI KHẢO SÁT MÔN TIẾNG VIỆT VÀO LỚP 6
Thời gian làm bài: 60 phút
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:
“Tôi có một người bạn đồng hành quý báu từ ngày tôi còn là đứa bé 11 tuổi. Đó là chiếc áo sơ mi vải Tô Châu, dày mịn, màu cỏ úa. Chiếc áo sờn vai của ba dưới bàn tay vén khéo của mẹ đã trở thành cái áo xinh xinh, trông rất oách của tôi... Mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba...[...] Ba đã hi sinh trong một lần đi tuần tra biên giới, chưa kịp thấy tôi chững chạc như một anh lính tí hon trong cái áo mẹ chữa lại từ chiếc áo quân phục cũ của ba.”
(Trích Cái áo của ba, Phạm Lê Hải Châu,
Tiếng Việt 5, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Câu 1. “Người bạn đồng hành quý báu” của nhân vật “tôi” trong đoạn văn trên là:
A. người mẹ thân yêu.
C. chiếc áo sơ mi vải Tô Châu.
B. người cha dũng cảm.
D. một anh lính tí hon.
Câu 2. Nhân vật “tôi” có cảm giác gì khi được mặc chiếc áo do mẹ may?
A. Thấy xót xa, đau đớn khi nhớ về sự hi sinh của ba.
B. Thấy ấm áp, yêu thương khi cảm nhận được tình thương của ba, mẹ.
C. Thấy xấu hổ vì mặc cái áo được chữa lại từ chiếc áo quân phục cũ đã sờn vai.
D. Thấy thương mẹ phải vất vả nuôi con khôn lớn mà không có chồng bên cạnh.
Câu 3. Dòng nào sau đây nêu đúng nhất nội dung chính của đoạn văn trên?
A. Tả cái áo của ba để lại sau khi đã hi sinh trong một lần đi tuần tra biên giới.
B. Thể hiện tình cảm yêu mến, tự hào của nhân vật “tôi” dành cho chiếc áo.
C. Ca ngợi sự dũng cảm hi sinh của ba và sự tảo tần, khéo léo của mẹ.
D. Thể hiện tình cảm gia đình yêu thương, ấm áp dù ba đã hi sinh.
Câu 4. Trong đoạn văn trên có bao nhiêu từ láy?
A. Ba.
B. Bốn.
C. Năm.
D. Sáu.
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Bài 1. (1,0 điểm) Tìm ba từ ghép và ba từ láy có chứa tiếng “sạch”.
Bài 2. (1,0 điểm) Ghép thêm một bộ phận vào tổ hợp “Ba đã hi sinh trong một lần đi tuần tra biên giới” để được một câu có:
a. Sử dụng một cặp quan hệ từ.
b. Một trạng ngữ chỉ mục đích.
Bài 3. (2,0 điểm) Cho đoạn thơ:
“Rồi đến chị rất thương
Rồi đến em rất thảo
Ông lành như hạt gạo
Bà hiền như suối trong”
(Trích Cao Bằng, Trúc Thông,
Tiếng Việt 5, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Gọi tên và chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh thể hiện các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên. Nêu tác dụng của việc sử dụng các biện pháp tu từ đó.
Bài 4. (4,0 điểm) Em hãy viết bài văn miêu tả quang cảnh trường em vào giờ ra chơi.
------- Hết -------
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Câu 1. C |
Câu 2. B |
Câu 3. D |
Câu 4. B |
Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.
Câu 1. Chiếc áo sơ mi bình dị được mẹ làm từ chiếc áo cũ của ba đã trở thành người bạn đồng hành với nhân vật “tôi” đi qua bao năm tháng. Nó quý báu vô cùng vì là kỉ vật thiêng liêng của ba để lại.
Câu 2. Trong đoạn văn, tác giả viết: Mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba.
Câu 3. Đoạn văn thể hiện tình cảm gia đình yêu thương ấm áp: tình cảm ba mẹ dành cho con; lòng biết ơn, niềm tự hào của con đối với sự hi sinh, tình thương của cha mẹ. Các phương án A, B, C có ý đúng nhưng chưa đầy đủ các nội dung của đoạn trích.
Câu 4. Các từ láy có trong đoạn trích trên là: xinh xinh, mạnh mẽ, ấm áp, chững chạc.
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Bài 1. (1,0 điểm)
Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.
Gợi ý:
- Ba từ ghép có chứa tiếng “sạch”: sạch đẹp, sạch bong, sạch trơn.
- Ba từ láy có chứa tiếng “sạch”: sạch sẽ, sành sạch, sạch sành sanh.
Bài 2. (1,0 điểm)
Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.
Gợi ý:
a. Dù ba đã hi sinh trong một lần đi tuần tra biên giới nhưng trong tim tôi, ba vẫn còn sống mãi.
b. Để bảo vệ biên cương Tổ quốc, ba đã hi sinh trong một lần đi tuần tra biên giới.
Bài 3. (2,0 điểm)
Mỗi ý trả lời đúng được 1,0 điểm.
- Biện pháp tu từ: điệp ngữ (cụm từ “rồi đến” được lặp lại 2 lần) kết hợp với so sánh (Ông lành như hạt gạo/ Bà hiền như suối trong).
là những người gần gũi, giàu tình yêu thương, tấm lòng thơm thảo với tính cách - Tác dụng: ca ngợi những vẻ đẹp của con người Cao Bằng. Dù trẻ hay già, đó đều hiền lành và tâm hồn trong sáng, thanh sạch.
Bài 4. (4,0 điểm)
1. Yêu cầu về hình thức (1,0 điểm)
- Bài làm cần trình bày thành bài văn, có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài các phần được tách biệt thành các đoạn văn.
- Bài viết ngắn gọn, diễn đạt lưu loát, trình bày sạch sẽ, rõ ràng.
- Không mắc lỗi dùng từ, lỗi đặt câu, lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.
2. Yêu cầu về nội dung (3,0 điểm)
Học sinh miêu tả ngôi trường vào giờ ra chơi theo quan sát của riêng mình, nhưng bài viết cần đảm bảo các ý lớn sau:
Mở bài: Giới thiệu ấn tượng chung về trường em vào giờ ra chơi.
Thân bài: Tả khung cảnh trường em vào giờ ra chơi theo trình tự nhất định. Có thể:
- Theo trình tự thời gian (trước, trong và sau giờ ra chơi).
- Theo trình tự không gian (khung cảnh xung quanh đến hoạt động của học sinh, thầy cô; từ trong lớp đến ngoài hành lang, sân trường...).
Kết bài: Tình cảm, suy nghĩ của em về mái trường nói chung, về giờ ra chơi nói riêng.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Lương Thế Vinh năm 2021 timdapan.com"