Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Lê Văn Thiêm năm 2022
Đọc đoạn trích sau và chọn một đáp án đúng (chỉ ghi A, B, C hoặc D vào tờ giấy kiểm tra). “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tác giả đã giới thiệu tre, nứa, trúc, mai, vầu có đặc điểm chung nào? Câu nào dưới đây so sánh cây tre với những phẩm chất của con người? Câu “Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang.” có trạng ngữ là?
Đề thi
PHÒNG GD-ĐT HÀ TĨNH ĐỀ CHÍNH THỨC
|
BÀI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC Tuyển sinh vào lớp 6, trường THCS Lê Văn Thiêm Năm học 2022-2023 Thời gian làm bài: 30 phút (không kể thời gian phát đề) |
A. PHẦN TRẮC NGHIỆM: 6 điểm
Đọc đoạn trích sau và chọn một đáp án đúng (chỉ ghi A, B, C hoặc D vào tờ giấy kiểm tra).
“Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi… đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn.
Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu, tre cũng sống. Ở đâu, tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.
[…] Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hoá lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Tre, nứa, mai, vầu giúp người hàng nghìn công việc khác nhau. Tre là cánh tay của người nông dân.”
(Trích “Cây tre Việt Nam”, Thép Mới, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001)
Câu 1. Tác giả đã giới thiệu tre, nứa, trúc, mai, vầu có đặc điểm chung nào?
A. Giúp người hàng nghìn công việc khác nhau
B. Cùng một mầm non măng mọc thẳng
C. Đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn
D. Cứng cáp, dẻo dai, bững chắc
Câu 2. Câu nào dưới đây so sánh cây tre với những phẩm chất của con người?
A. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc.
B. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.
C. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn.
D. Ở đâu, tre cũng xanh tốt.
Câu 3. Câu “Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang.” có trạng ngữ là?
A. Dưới bóng tre xanh
B. Đã từ lâu đời
C. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời
D. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày
Câu 4. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam thường làm những việc gì?
A. Dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang
B. Gìn giữ một nền văn hóa lâu đời
C. Dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng
D. Ăn ở với người đời đời kiếp kiếp
Câu 5. Dấu phẩy trong câu “” có tác dụng gì?
A. Ngăn cách chủ ngữ và vị ngữ trong câu.
B. Ngăn cách trạng ngữ với bộ phận chính của câu.
C. Ngăn cách các bộ phận cùng giữ một chức vụ trong câu.
D. Ngăn cách các vế trong câu ghép.
Câu 6. Dòng nào sau đây nêu đúng nhất nội dung của đoạn trích?
A. Miêu tả hình dáng, đặc điểm của cây tre.
B. Miêu tả vẻ đẹp của cây tre.
C. Miêu tả vẻ đẹp và ca ngợi những giá trị của cây tre trong đời sống con người Việt Nam.
D. Ca ngợi những giá trị của cây tre trong đời sống con người Việt Nam.
Câu 7. Trong câu “Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang.” có:
A. 1 chủ ngữ, 1 vị ngữ
B. 2 chủ ngữ, 4 vị ngữ
C. 2 chủ ngữ, 2 vị ngữ
D. 1 chủ ngữ, 4 vị ngữ
Câu 8. Câu “Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn.” có:
A. 4 danh từ, 1 động từ, 1 tính từ
B. 5 danh từ, 2 động từ
C. 5 danh từ, 1 tính từ
D. 1 động từ, 1 tính từ, 5 danh từ
Câu 9. Từ đồng nghĩa với từ “thanh cao” trong câu “Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người”
A. Trong sạch
B. Cao sang
C. Thanh đạm
D. Thanh bình
Câu 10. Trong hai câu “Vào đâu, tre cũng sống. Ở đâu, tre cũng xanh tốt.” tác giả muốn nói điều gì?
A. Giá trị lâu bền của cây tre
B. Sức sống mãnh liệt của cây tre
C. Nét duyên dáng của cây tre
D. Sự gần gũi, giản dị của cây tre
Câu 11. Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ láy?
A. Mộc mạc, nhũn nhặn, chí khí
B. Nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai
C. Chí khí, dẻo dai, mộc mạc
D. Cứng cáp, mộc mạc, nhũn nhặn
Câu 12. Từ “thân mật” trong vế câu “lũy tre thân mật làng tôi” có nghĩa là gì?
A. Chân thành, nồng hậu và gần gũi, thân thiết với nhau
B. Gần gũi và có tình cảm với nhau
C. Gần gũi và có tình cảm đằm thắm
D. Có tình cảm thương yêu, đối xử tử tế với nhau
B. PHẦN TỰ LUẬN: 4,0 điểm
Mùa đông đến, cảnh vật như co mình trong giá lạnh, con người càng khát khao hơi ấm…
Từ gợi ý trên, em hãy viết một bài băn ngắn (khoảng 15 dòng) miêu tả vẻ đẹp của mùa đông.
---Hết---
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
A. PHẦN TRẮC NGHIỆM: 6 điểm
Câu 1. B |
Câu 2. B |
Câu 3. C |
Câu 4. A |
Câu 5. D |
Câu 6. D |
Câu 7. D |
Câu 8. D |
Câu 9. A |
Câu 10. B |
Câu 11. D |
Câu 12. A |
Câu 1. Tác giả đã giới thiệu tre, nứa, trúc, mai, vầu có đặc điểm chung nào?
A. Giúp người hàng nghìn công việc khác nhau
B. Cùng một mầm non măng mọc thẳng
C. Đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn
D. Cứng cáp, dẻo dai, bững chắc
Lời giải
Em đọc kĩ nội dung đoạn 2, câu 1.
Tác giả đã giới thiệu tre, nứa, trúc, mai, vầu có đặc điểm chung là cùng một mầm non măng mọc thẳng
Đáp án: B
Câu 2. Câu nào dưới đây so sánh cây tre với những phẩm chất của con người?
A. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc.
B. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.
C. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn.
D. Ở đâu, tre cũng xanh tốt.
Lời giải
Câu “Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.” đã so sánh cây tre với những phẩm chất của con người
Đáp án: B
Câu 3. Câu “Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang.” có trạng ngữ là?
A. Dưới bóng tre xanh
B. Đã từ lâu đời
C. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời
D. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày
Lời giải
Dưới bóng tre xanh: Trạng ngữ chỉ nơi chốn
đã từ lâu đời: Trạng ngữ chỉ thời gian
Đáp án: C
Câu 4. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam thường làm những việc gì?
A. Dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang
B. Gìn giữ một nền văn hóa lâu đời
C. Dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng
D. Ăn ở với người đời đời kiếp kiếp
Lời giải
Em đọc kĩ nội dung đoạn 3, câu 3.
Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang.
Đáp án: A
Câu 5. Dấu phẩy trong câu “Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa.” có tác dụng gì?
A. Ngăn cách chủ ngữ và vị ngữ trong câu.
B. Ngăn cách trạng ngữ với bộ phận chính của câu.
C. Ngăn cách các bộ phận cùng giữ một chức vụ trong câu.
D. Ngăn cách các vế trong câu ghép.
Lời giải
Câu “Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa.” là câu ghép có 3 cụm chủ vị được ngăn cách với nhau bằng dấu phẩy.
Đáp án: D
Câu 6. Dòng nào sau đây nêu đúng nhất nội dung của đoạn trích?
A. Miêu tả hình dáng, đặc điểm của cây tre.
B. Miêu tả vẻ đẹp của cây tre.
C. Miêu tả vẻ đẹp và ca ngợi những giá trị của cây tre trong đời sống con người Việt Nam.
D. Ca ngợi những giá trị của cây tre trong đời sống con người Việt Nam.
Lời giải
Đoạn trích miêu tả vẻ đẹp (đoạn 1, 2) và ca ngợi những giá trị của cây tre trong đời sống con người Việt Nam (đoạn 3).
Đáp án: D
Câu 7. Trong câu “Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang.” có:
A. 1 chủ ngữ, 1 vị ngữ
B. 2 chủ ngữ, 4 vị ngữ
C. 2 chủ ngữ, 2 vị ngữ
D. 1 chủ ngữ, 4 vị ngữ
Lời giải
người dân cày Việt Nam/ dựng nhà,/ dựng cửa,/ vỡ ruộng,/ khai hoang.
CN VN1 VN2 VN3 VN4
người dân cày Việt Nam: CN
dựng nhà: VN1
dựng cửa: VN2
vỡ ruộng: VN3
khai hoang: VN4
Đáp án: D
Câu 8. Câu “Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn.” có:
A. 4 danh từ, 1 động từ, 1 tính từ
B. 5 danh từ, 2 động từ
C. 5 danh từ, 1 tính từ
D. 1 động từ, 1 tính từ, 5 danh từ
Lời giải
Danh từ: bóng tre, làng, bản, xóm, thôn
Động từ: trùm
Tính từ: âu yếm
Vậy câu trên có 1 động từ, 1 tính từ, 5 danh từ
Đáp án: D
Câu 9. Từ đồng nghĩa với từ “thanh cao” trong câu “Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người”
A. Trong sạch
B. Cao sang
C. Thanh đạm
D. Thanh bình
Lời giải
“thanh cao” nghĩa là trong sạch và cao thượng
Đáp án: A
Câu 10. Trong hai câu “Vào đâu, tre cũng sống. Ở đâu, tre cũng xanh tốt.” tác giả muốn nói điều gì?
A. Giá trị lâu bền của cây tre
B. Sức sống mãnh liệt của cây tre
C. Nét duyên dáng của cây tre
D. Sự gần gũi, giản dị của cây tre
Lời giải
hai câu “Vào đâu, tre cũng sống. Ở đâu, tre cũng xanh tốt.” thể hiện sức sống mãnh liệt của cây tre
Đáp án: B
Câu 11. Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ láy?
A. Mộc mạc, nhũn nhặn, chí khí
B. Nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai
C. Chí khí, dẻo dai, mộc mạc
D. Cứng cáp, mộc mạc, nhũn nhặn
Lời giải
Từ ghép: chí khí, dẻo dai
Từ láy: cứng cáp, mộc mạc, nhũn nhặn
Đáp án: D
Câu 12. Từ “thân mật” trong vế câu “lũy tre thân mật làng tôi” có nghĩa là gì?
A. Chân thành, nồng hậu và gần gũi, thân thiết với nhau
B. Gần gũi và có tình cảm với nhau
C. Gần gũi và có tình cảm đằm thắm
D. Có tình cảm thương yêu, đối xử tử tế với nhau
Lời giải
Thân mật nghĩa là chân thành, nồng hậu và gần gũi, thân thiết với nhau
Đáp án: A
B. PHẦN TỰ LUẬN: 4,0 điểm
Mùa đông đến, cảnh vật như co mình trong giá lạnh, con người càng khát khao hơi ấm…
Từ gợi ý trên, em hãy viết một bài băn ngắn (khoảng 15 dòng) miêu tả vẻ đẹp của mùa đông.
Lời giải
- Về hình thức: Bài viết cần đảm bảo bố cục của 1 bài văn gồm mở bài, thân bài, kết bài. Trình bày rõ ràng, dễ hiểu.
- Về nội dung: Bài viết cần đảm bảo đủ 2 ý sau:
+ Vẻ đẹp thiên nhiên vào mùa đông
+ Vẻ đẹp con người
Bài viết có thể là sự tưởng tưởng của học sinh nhưng cần làm rõ câu mở đầu.
Bài viết mẫu 1:
Mùa đông đến, cảnh vật như co mình trong giá lạnh, con người càng khát khao hơi ấm. Cái giá rét làm con người ta rất ngại ra ngoài. Đối với thời tiết như vậy, tôi chỉ muốn ở cả ngày trong ổ chăn ấm áp và xem những bộ phim yêu thích. Nhưng ngày hôm ấy đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn của tôi về mùa đông.
Hôm đó tôi phải đến nhà chú tôi vì bố mẹ tôi đều có lịch đột xuất vào ngày chủ nhật. Đến nhà chú, tôi cứ tưởng tôi sẽ tiếp tục thói quen vào ngày chủ nhật của mình là xem phim và nghỉ ngơi. Nhưng thật bất ngờ bởi trong cái giá rét ấy, gia đình chú lại có thật nhiều hoạt động vào ngày cuối tuần. Tôi được cùng anh họ dọn dẹp sân vườn, quét dọn và giúp mợ tôi xử lí vườn rau, chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Trong cái thời tiết giá lanhj ấy, rau cỏ vẫn xanh mơn mởn. Mặt trời chiếu những tia sáng ấm áp như làm dịu đi cái giá rét của mùa đông. Những chiếc lá như lung linh trong nắng ấm. Khoảnh khắc đó, tôi đã hiểu lý do vì sao những chú mèo lại luôn thích được nằm phơi nắng. Gió không còn gào thét mà đã trở nên dịu dàng biết mấy, gió thổi rì rào qua những tán cây như đang trò chuyện, tâm tình. Bầu trời không rực rỡ, nắng gắt như mùa hè mà trở nên xanh trong, ấm áp. Những cây bàng trơ trọi giữa mùa đông như đang có một chuyến nghỉ dài, còn những loài cây khác vẫn xanh tươi, đầy sức sống. Sau khi ăn trưa, chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa và nghe ông nội kể lại những câu chuyện thời còn chiến tranh. Ngọn lửa kêu tí tách, ông vừa nướng ngô vừa kể những câu chuyện mà tôi chưa từng được đọc, được nghe ở bất kì đâu. Anh tôi bảo đấy là những câu chuyện nghe hoài không chán.
Và tôi đã kết thúc ngày chủ nhật thật ý nghĩa của mình. Tôi đã phát hiện rằng mùa đông không hề đáng sợ và nhàm chán như tôi nghĩ. Mùa đông trở nên ấm áp hơn bao giờ hết khi chúng ta được quây quần bên gia đình, bên bếp lửa và sự hạnh phúc khi được trò chuyện cùng nhau.
Bài viết mẫu 2:
Mùa đông đến, cảnh vật như co mình trong giá lạnh, con người càng khát khao hơi ấm. Đường sá trở nên vắng lặng và chỉ còn sự rít gào của những cơn gió. Cây cối trở nên thật đáng sợ. Những chiếc bóng kéo dài và không ngừng lắc lư như con quái vật khổng lồ như đang chờ đợi thời cơ để ập đến bất cứ lúc nào. Sau buổi học thêm, tôi chỉ muốn chạy về nhà thật nhanh và tận hưởng sự ấm áp, ngọt ngào của bữa ăn tối mà mẹ đã chuẩn bị. Bỗng tôi phát hiện có một bạn nhỏ đang vừa bước đi, vừa nhìn xung quanh như đang tìm kiếm một thứ gì đó.
Tôi vội vàng chạy đến, ngạc nhiên hỏi: “Có chuyện gì với cậu vậy?”. Tôi hỏi thế bởi trời cũng đã nhá nhem tối, giờ này hầu hết mọi người đều quây quần bên bữa cơm ấm cúng của mình. Bạn ấy xuất hiện thật đột ngột với bộ quần áo mỏng manh, khuôn mặt xanh xao hẳn bởi đã ở ngoài gió rét khá lâu. Bạn trả lời tôi: “Tớ không tìm thấy tiền, đó là số tiền tớ đã kiếm được nhờ việc bán trứng gà cho mẹ vào sáng nay.” Nói rồi, bạn ấy òa khóc. Tôi không thể tưởng tượng được bạn ấy đã phải ở ngoài tiết trời giá rét này bao lâu bởi đôi tay của bạn ấy đã trở nên lạnh cóng. Đợi bạn ấy ngừng khóc, tôi đề nghị sẽ tìm tiền giúp bạn ấy. Và hành động của chúng tôi đã khiến một số cô chú sống quanh đó chú ý. Các cô chú đã ủng hộ số tiền đã mất giúp bạn ấy, nhiệt tình mời chúng tôi những món ăn ngon và đề nghị chở bạn ấy về nhà kẻo bố mẹ lo lắng.
Thời tiết mùa đông dường như đã không còn lạnh lẽo, bởi thay vào đó chính là hơi ấm của tình người. Và có lẽ vì thế mà tôi không còn sợ những buổi tối mùa đông nữa, bởi tôi biết rằng luôn có những con người tốt bụng xung quanh tôi. Cầm trong tay chiếc bánh ấm nóng, tôi vội chạy qua những căn nhà ánh lên ánh sáng ấm áp và rộn rã tiếng trò chuyện. Tôi muốn chạy về nhà thật nhanh để kể lại cho mẹ nghe câu chuyện tôi đã gặp được vào ngày hôm nay.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Lê Văn Thiêm năm 2022 timdapan.com"