Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2023

Trong bài thơ, con đường lẫn trong mây, con đường trên biển cả, con đường chạy dài theo đất nước là con đường của những ai? Con đường của người bố và người mẹ trong bài thơ gợi nghĩ về những nghề nghiệp nào và thành quả của nghề nghiệp ấy là gì?


Đề bài

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề khảo sát gồm 02 trang)

KÌ KHẢO SÁT TUYỂN SINH VÀO LỚP 6

Khóa ngày 04 tháng 7 năm 2023

Khảo sát năng lực Đọc hiểu và Làm văn

 
 

1. Đọc hiểu (8,0 điểm)

Em hãy đọc bài thơ sau:

Con đường của bé

Thanh Thảo

Đường của chú phi công

Lẫn trong mây cao tít

Khắp những vùng trời xanh

Những vì sao chi chít

 

Đường của chú hải quân

Mênh mông trên biển cả

Tới những vùng đảo xa

Và những bờ bến lạ

 

Con đường làm bằng sắt

Là của bác lái tàu

Chạy dài theo đất nước

Đi song hành bên nhau

Còn con đường của bố

Đi trên giàn giáo cao

Những khung sắt nối nhau

Dựng nên bao nhà mới

 

Và con đường của mẹ

Là ở trên cánh đồng

Cỏ ruộng dâu xanh tốt

Thảm lúa vàng ngát hương

 

Bà bảo đường của bé

Chỉ đi đến trường thôi

Bé tìm mỗi sớm mai

Con đường trên trang sách.

(Thơ cho thiếu nhi, Nhiều tác giả, NXB Văn học, 2019)

Trả lời các câu hỏi sau:

a. Trong bài thơ, con đường lẫn trong mây, con đường trên biển cả, con đường chạy dài theo đất nước là con đường của những ai?

b. Con đường của người bố và người mẹ trong bài thơ gợi nghĩ về những nghề nghiệp nào và thành quả của nghề nghiệp ấy là gì?

c. Em hiểu thế nào về hình ảnh Con đường trên trang sách?

d. Em thích khổ thơ nào trong bài thơ? Vì sao?

2. Làm văn (7,0 điểm)

Hãy viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) nêu suy nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Con đường của bé (Thanh Thảo).

---Hết---


Đáp án

ĐÁP ÁN – BIỂU ĐIỂM

Đáp án có tính chất gợi ý, định hướng, học sinh có thể có cách dùng từ, diễn đạt khác, miễn sao đáp ứng được các yêu cầu. Giám khảo cần căn cứ vào bài làm cụ thể để đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực làm văn của học sinh, từ đó đánh giá mức điểm phù hợp.

NỘI DUNG

ĐIỂM

1. Đọc hiểu

8,0

a) Trong bài thơ, con đường lẫn trong mây, con đường trên biển cả, con đường chạy dài theo đất nước là những con đường của chú phi công, chú hải quân, bác lái tàu.

2,0

b) Trong bài thơ, người bố làm nghề thợ xây (hoặc thợ hồ, kĩ sư xây dựng,...); Thành quả từ nghề nghiệp ấy: những ngôi nhà mới (những công trình,...)

Người mẹ làm nghề nông (hoặc nông dân, làm vườn, kĩ sư nông nghiệp,...); Thành quả từ nghề nghiệp ấy: ruộng dâu xanh tốt, thảm lúa vàng ngát hương.

2,0

c) Hình ảnh Con đường trên trang sách là việc học tập mỗi ngày để trau dồi kiến thức (hoặc con đường học tập thông qua sách vở, con đường thực hiện ước mơ trong tương lai, hành trình học tập để đạt được ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai,...)

2,0

d)    HS có thể trả lời theo nhiều hướng khác nhau, nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:

-      Xác định được khổ thơ mình thích.

-      Nêu được lí do vì sao thích: chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh, nội dung khổ thơ mà bản thân thấy thú vị.

-    Diễn đạt rõ ràng, không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

* Lưu ý: với trường hợp học sinh trả lời không thích khổ thơ nào và nêu được lí do một cách thuyết phục thì vẫn chấm điểm như hướng dẫn chấm.

2,0

2. Làm văn

7,0

2.1 . Yêu cầu về kĩ năng

2,0

-   Nắm vững kĩ năng viết đoạn văn; viết đúng số câu theo yêu cầu.

-   Đảm bảo các yêu cầu về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

 

2.2 . Yêu cầu về nội dung

4,0

* Học sinh có thể nêu suy nghĩ về hình thức hoặc nội dung bài thơ hoặc cả hình thức và nội dung bài thơ. Một số gợi ý:

 

- Về nội dung, học sinh cần hiểu và cảm được nội dung chính của bài thơ (bài thơ nói về những con đường và những điều tốt đẹp mà con đường ấy mang lại) và những nét độc đáo của nội dung ấy (những con đường gần gũi, thân quen mà vẫn bay bổng, lãng mạn và thú vị; những con đường mở ra những ước mơ đầy tươi sáng, hứa hẹn;…). Về hình thức, học sinh nhận xét được về từ ngữ, hình ảnh thơ: các từ láy: chi chít, mênh mông; từ ngữ, hình ảnh gợi tả, gợi cảm: cao tít, xanh tốt, ngát hương, những vì sao chi chít, cỏ ruộng dâu xanh tốt,…; từ ngữ được lặp lại trong bài thơ có tác dụng nhấn mạnh ý thơ; ...

- Ý mở rộng: học sinh biết liên hệ đến bản thân sau khi đọc bài thơ; liên tưởng đến ý thơ, bài thơ khác; liên hệ đến thực tế cuộc sống, ...

 

- Sáng tạo: có sáng tạo trong nội dung (ý sâu sắc, mới mẻ, độc đáo; đưa ra được góc nhìn riêng về nội dung bài thơ;...) hoặc hình thức làm bài (dùng từ, đặt câu hay, có nét riêng,…).

1,0

Tổng cộng

15,0