Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Cầu Giấy năm 2020
Câu nào dưới đây mắc lỗi dùng từ? Trong các câu sau, câu nào là câu ghép?
Đề thi
ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 6 TRƯỜNG THCS CẦU GIẤY
Thời gian làm bài: 40 phút
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Trả lời câu hỏi bằng cách khoanh vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng nhất.
Câu 1. Câu nào dưới đây mắc lỗi dùng từ?
A. Hàng hậu vệ chính là điểm yếu lớn nhất của đội bóng.
B. Trong xã hội ta, không ít người vẫn còn bàng quan với vấn đề môi trường.
C. Chủ nhật tuần trước, chúng em được đi thăm quan vườn quốc gia Ba Vì.
D. Ngôi nhà được xây dựng rất kiên cố trên ngọn đồi.
Câu 2. Cho đoạn văn:
“Màu lúa chín dưới đồng (...) lại. Nắng nhạt ngả màu (...). Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan (...) không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít (...)”
(Trích Quang cảnh làng mạc ngày mùa, Tô Hoài,
Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Dòng nào nêu đúng trình tự các từ cần điền vào dấu ba chấm (...) trong đoạn văn trên?
A. vàng hoe - vàng ối - vàng lịm - vàng xuộm.
B. vàng xuộm - vàng hoe - vàng lịm - vàng ối.
C. vàng hoe - vàng ối - vàng xuộm - vàng lịm.
D. vàng xuộm - vàng hoe - vàng ối - vàng lịm.
Câu 3. Trong các câu sau, câu nào là câu ghép?
A. Ngọn gió êm ả như ru, lúc phần phật như quạt, mang cái trong lành, cái tươi mát của đại dương vào đất liền, làm sảng khoái tâm hồn ta.
B. Núi non, sóng nước tươi đẹp của Hạ Long là một bộ phận của non sông Việt Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn.
C. Thiên nhiên Hạ Long chẳng những kì vĩ mà còn duyên dáng.
D. Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.
Câu 4. Tổ hợp nào sau đây là tục ngữ?
A. Ăn thùng uống vại.
C. Ăn chực nằm chờ.
B. Ăn có nơi chơi có chốn.
D. Ăn ngay nói thẳng.
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Bài 1. (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“(1) Ngồi xem anh Thận làm việc thật thích: có cái gì rất khoẻ rất say trong công việc của anh, sinh động và hấp dẫn lạ thường. (2) Này đây, anh bắt lấy thổi thép hồng như bắt lấy một con cá sống. (3) Dưới những nhát búa hăm hở của anh, con cá lửa ấy vùng vẫy, quằn quại, giãy lên đành đạch. (4) Những chiếc vảy của nó bắn ra tung toé thành những tia lửa sáng rực. (5) Nó nghiến răng ken két, nó cưỡng lại anh, nó không chịu khuất phục.”
(Trích Người thợ rèn Nguyên Ngọc,
Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
a) Dấu hai chấm (:) trong câu (1) có tác dụng gì?
b) Câu (3) được liên kết với các câu khác bằng phép liên kết nào? Chỉ ra các từ ngữ có tác dụng liên kết.
c) Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên. Qua các biện pháp tu từ ấy, em có cảm nhận gì về công việc của anh Thận?
Bài 2. (2,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Chắt trong vị ngọt mùi hương
Lặng thầm thay những con đường ong bay
Trải qua mưa nắng vơi đầy
Men trời đất đủ làm say đất trời.
Bầy ong giữ hộ cho người
Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.”
(Trích Hành trình của bầy ong, Nguyễn Đức Mậu,
Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
a) Ghi lại các từ ghép tổng hợp được sử dụng trong đoạn thơ trên
b) Qua đoạn thơ trên, em có cảm nhận gì về sự vất vả cũng như lợi ích của bầy ong đối với con người? Hình ảnh những chú ong gợi cho em liên tưởng đến những người nào trong cuộc sống quanh ta?
Bài 3. (3,0 điểm)
Thật thú vị khi được quan sát những con người chăm chỉ và hăng say lao động. Em hãy viết một đoạn văn (từ 7–10 câu) tả một người đang say mê làm việc mà em có dịp quan sát được.
-------- Hết --------
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.
Câu 1. C |
Câu 2. B |
Câu 3. D |
Câu 4. B |
Câu 1. Câu nào dưới đây mắc lỗi dùng từ?
A. Hàng hậu vệ chính là điểm yếu lớn nhất của đội bóng.
B. Trong xã hội ta, không ít người vẫn còn bàng quan với vấn đề môi trường.
C. Chủ nhật tuần trước, chúng em được đi thăm quan vườn quốc gia Ba Vì.
D. Ngôi nhà được xây dựng rất kiên cố trên ngọn đồi.
Lời giải chi tiết:
Từ bị dùng sai là từ “thăm quan”. Từ đúng phải là “tham quan” với nghĩa: đi xem tận nơi, tận mắt để mở rộng hiểu biết hoặc để học tập kinh nghiệm.
Chọn C.
Câu 2. Cho đoạn văn:
“Màu lúa chín dưới đồng (...) lại. Nắng nhạt ngả màu (...). Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan (...) không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít (...)”
(Trích Quang cảnh làng mạc ngày mùa, Tô Hoài,
Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Dòng nào nêu đúng trình tự các từ cần điền vào dấu ba chấm (...) trong đoạn văn trên?
A. vàng hoe - vàng ối - vàng lịm - vàng xuộm.
B. vàng xuộm - vàng hoe - vàng lịm - vàng ối.
C. vàng hoe - vàng ối - vàng xuộm - vàng lịm.
D. vàng xuộm - vàng hoe - vàng ối - vàng lịm.
Lời giải chi tiết:
Trình tự các từ đúng với trình tự được sử dụng trong văn bản Quang cảnh làng mạc ngày mùa của tác giả Tô Hoài. Đồng thời, nghĩa của các từ phù hợp với từng đối tượng được miêu tả.
- “Vàng xuộm” (màu của lúa): vàng đều, nhuộm khắp cả đối tượng.
- “Vàng hoe” (nắng): có màu vàng nhạt, nhưng tươi và ánh lên.
- “Vàng lịm” (quả xoan): chín vàng và gợi cảm thích thú, dễ chịu.
- “Vàng ối” (lá mít): màu vàng đậm và đều khắp.
Chọn B.
Câu 3. Trong các câu sau, câu nào là câu ghép?
A. Ngọn gió êm ả như ru, lúc phần phật như quạt, mang cái trong lành, cái tươi mát của đại dương vào đất liền, làm sảng khoái tâm hồn ta.
B. Núi non, sóng nước tươi đẹp của Hạ Long là một bộ phận của non sông Việt Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn.
C. Thiên nhiên Hạ Long chẳng những kì vĩ mà còn duyên dáng.
D. Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.
Lời giải chi tiết:
Câu văn trong đáp án D “Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.” có hai cụm CN – VN độc lập nhau nên là câu ghép.
Các câu còn lại đều là các câu đơn.
Chọn D.
Câu 4. Tổ hợp nào sau đây là tục ngữ?
A. Ăn thùng uống vại.
C. Ăn chực nằm chờ.
B. Ăn có nơi chơi có chốn.
D. Ăn ngay nói thẳng.
Lời giải chi tiết:
- Tổ hợp “Ăn có nơi, chơi có chốn” mang nghĩa hoàn chỉnh, là một kinh nghiệm, một lời khuyên người ta phải tuân theo một trật tự nhất định trong cuộc sống hàng ngày.
- Các tổ hợp còn lại là thành ngữ (một cụm từ cố định thể hiện một nội dung nhất định với cách nói giàu hình ảnh).
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Bài 1. (3,0 điểm)
a) (0,5 điểm)
- Dấu hai chấm (:) trong câu (1) có tác dụng cho biết bộ phận đi sau là phần giải thích, bổ sung cho ý của phần đứng trước.
- Cụ thể, phần sau giải thích rõ vì sao xem anh Thận làm việc lại thích.
b) (1,0 điểm)
Câu (3) được liên kết với các câu khác bằng các phép liên kết:
- Phép lặp: “anh”, “con cá”.
- Phép thế: “thỏi thép hồng” của câu (2) được thay thế bằng cụm từ “con cá lửa
ấy” ở câu (3) và từ “nó” ở câu (4) và câu (5).
c) (1,5 điểm)
- Xác định biện pháp tu từ:
+ Biện pháp so sánh (thỏi thép hồng giống như con cá lửa)
+ Biện pháp nhân hoá (dùng các từ chỉ đặc điểm trạng thái của người cho đồ vật: vùng vẫy, quằn quại, nghiến răng, giãy lên, cưỡng lại, khuất phục).
- Tác dụng: Giúp đoạn văn trở nên vô cùng sinh động, công việc rèn sắt của anh Thận chứa đựng những cái thú vị vô cùng. Công việc đó hiện lên thật vất vả, khó khăn, đòi hỏi phải có sức lực cường tráng, dẻo dai, thao tác làm việc phải khéo léo, nhanh nhẹn đồng thời cũng mang đến những cảm xúc thích thú, say mê.
Bài 2. (2,0 điểm)
a) (0,5 điểm) Các từ ghép tổng hợp trong đoạn văn trên là: lặng thầm, mưa nắng, vơi đầy, trời đất, đất trời, tàn phai, tháng ngày.
b) (1,5 điểm) Đoạn thơ gợi cho em cảm nhận về công việc và lợi ích của bay ong đối với con người:
- Công việc của bầy ong là một công việc diễn ra trong thầm lặng. Bầy ong phải đối diện với hoàn cảnh gian khổ, khắc nghiệt của “mưa nắng vơi đầy” mới chắt chịu, cần mẫn mà làm ra được mật ngọt.
- Lợi ích của bầy ong: Tặng dâng cho con người thứ mật ngọt chắt chiu từ trăm hoa, thứ mật ngọt đủ “làm say đất trời”. Trong mỗi giọt mật ngọt thơm đã lưu giữ
lại cả những mùa hoa đẹp, không bị tàn phai đi theo năm tháng.
- Hình ảnh của bầy ong gợi liên tưởng đến những người lao động bình dị, chăm chỉ, lặng lẽ làm việc và cống hiến cho cuộc đời.
Bài 3. (3,0 điểm)
* Yêu cầu về hình thức (1,0 điểm)
- Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.
- Học sinh viết đoạn văn ngắn, từ 7 – 10 câu.
- Diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc, sinh động.
* Yêu cầu về nội dung (2,0 điểm)
- Tìm ý tưởng: Có thể tả một người nông dân đang làm việc người công nhân làm việc trong nhà máy, tại các công trường; một bác sĩ đang khám bệnh; một thầy cô giáo đang soạn giáo án hoặc giảng bài; một cô lao đôn động đang quét dọn vệ sinh ...
Đoạn văn đảm bảo các ý lớn sau:
- Giới thiệu chung về người lao động em định tả: Đó là ai? Ở đâu? Em quen người ấy trong hoàn cảnh nào? Ấn tượng nổi bật của em về người ấy là gì?
- Tả quang cảnh xung quanh: Làm việc lúc nào? Ở đâu? Trong điều kiện như thế nào?
- Tả ngoại hình: tầm vóc, tuổi tác, khuôn mặt,... có đặc điểm gì nổi bật?
- Tả hoạt động: cử chỉ, lời nói, thao tác làm việc.
- Tả tâm trạng của người đó trong quá trình làm việc, sau khi kết thúc công việc.
- Nêu cảm nghĩ của em về người đó, về công việc mà người đó đang làm.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Cầu Giấy năm 2020 timdapan.com"