Đề thi vào 10 môn Văn Thái Nguyên năm 2023
Khi đã trưởng thành và nhìn lại quãng đường đã qua, tôi đã nhận ra chính nhờ đã trải qua những cô đơn, buồn tủi, nghèo khó đó mà tôi dễ dàng cảm thông với người khác, có khả năng sống độc lập và có bản lĩnh đương đầu với gian khó.
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích:
Khi đã trưởng thành và nhìn lại quãng đường đã qua, tôi đã nhận ra chính nhờ đã trải qua những cô đơn, buồn tủi, nghèo khó đó mà tôi dễ dàng cảm thông với người khác, có khả năng sống độc lập và có bản lĩnh đương đầu với gian khó. Từ khi còn rất trẻ, tôi đã tham gia các dự án cộng đồng, vì muốn giúp đỡ những đứa trẻ có cùng cảnh ngô như mình, vì muốn tạo ra điều có ích cho người khác. Tôi cũng nhận ra, mỗi chúng ta khi sinh
ra đã được vũ trụ tặng cho những món quà vô giá ẩn trong bức màn bí ẩn của cuộc sống. Những nghịch cảnh mà ta phải đối mặt, những trải nghiệm mà ta có trong cuộc sống này chính là cách để ta khám phá ra món quà kì diệu đó của vũ trụ, phát huy hết sức mạnh và học hỏi và khám phá, tôi đã biết cách sống hạnh phúc; dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
(Trích Không có đỉnh quả cao, Giáo sư Phan Văn Trường và nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2022, tr.19,20)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2 (0,5 điểm). Vì sao tác giả đã tham gia các dự án cộng đồng từ khi còn rất trẻ?
Câu 3 (1,0 điểm). Em hiểu như thế nào là “những nghịch cảnh mà ta phải đối mặt” trong cuộc sống?
Câu 4 (1,0 điểm). Em có đồng tình với quan điểm: “Cuộc sống là một hành trình học hỏi và khám phá” hay không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 15 - 20 dòng) về ý nghĩa của sự tự lập.
Câu 2. Trong bài thơ Sang thu, Hữu Thỉnh viết:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
(Trích Sang thu, Hữu Thinh, SGK Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2022, tr.70)
Phân tích bức tranh mùa thu trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về tình cảm của tác giả đối với thiên nhiên.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp:
Căn cứ các phương thức biểu đạt đã học.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: tự sự.
Câu 2:
Phương pháp:
Đọc, tìm ý.
Cách giải:
Tác giả từ khi còn rất trẻ đã tham gia các dự án cộng đồng vì muốn giúp đỡ những đứa trẻ có cùng cảnh ngộ như mình, vì muốn tạo ra điều có ích cho người khác.
Câu 3:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Học sinh trình bày theo ý hiểu của bản thân mình, có lý giải phù hợp.
Gợi ý:
Nghịch cảnh được nhắc đến trong bài ý chỉ những khó khăn, trắc trở, những hoàn cảnh éo le, trớ trêu mà con người sẽ gặp phải trong cuộc sống.
Câu 4:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Học sinh đưa ra quan điểm cá nhân: đồng tình, không đồng tình, đồng tình một phần; có lý giải phù hợp.
Gợi ý:
- Đồng tình. Cuộc sống rất kì diệu. Ở đó luôn chứa đựng những điều bí ẩn. Con người muốn có một cuộc sống đúng nghĩa thì cần phải không ngừng cố gắng học hỏi, không ngừng khám phá. Mỗi lần như vậy chúng ta sẽ nhận được những giá trị tuyệt vời mà cuộc sống mang lại.
- Đồng tình một phần. Cuộc sống không chỉ là hành trình học hỏi và khám phá. Cuộc sống đôi khi còn được thể hiện qua những phút giây dừng lại, sống chậm lại, lắng mình để cảm nhận những vẻ đẹp bình dị và nhỏ bé.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
Nêu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của sự tự lập trong cuộc sống mỗi người.
* Giải thích:
- Tính tự lập là việc con người tự mình thực hiện các công việc mà không dựa dẫm hay ỷ nại vào người khác.
- Ý nghĩa của sự tự lập:
+ Chủ động hơn trong cuộc sống, tự lập kế hoạch, định hướng cho bản thân mình.
+ Chủ động vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
+ Rèn luyện tốt hơn khă năng tư duy sáng tạo.
+ Khẳng định bản thân, nhận ra giá trị bản thân.
- Bàn luận mở rộng:
+ Phê phán những người có thói quan ỷ nại, dựa dẫm vào người khác.
+ Đôi khi trong cuộc sống để có thể vượt qua những khó khăn con người cũng cần đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. Tự lập không phải cự tuyệt mọi sự giúp đỡ.
- Liên hệ bản thân.
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm Sang thu.
- Giới thiệu khổ thơ 1,2.
2. Thân bài:
2.1. Những tín hiệu báo mùa thu sang.
Bài thơ được mở ra bằng những tín hiệu rất riêng, báo mùa thu về:
+ “Hương ổi”: đi liền với từ “bỗng” gợi cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng; “phả” – làn hương ngọt ngào, sánh đậm, mùi ổi chín như được cô lại, phả vào gió thu. “Hương ổi” gợi không gian thơ thân thuộc, yêu dấu của làng quê đất Việt với những khu vườn, lối ngõ sum xuê hoa trái, làm nên hương sắc mỗi mùa; gợi hương vị riêng của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh.
+ “Gió se” là ngọn gió heo may mùa thu dịu nhẹ, thoáng chút se lạnh lúc thu về, giúp ta cảm nhận rõ hơn cái ngọt lành của hương ổi.
+ “Sương chùng chình” – nghệ thuật nhân hóa, gợi dáng vẻ, tâm trạng của làn sương thu. Làn sương lãng đãng như cố ý chậm lại, lưu luyến mùa hè, chưa muốn bước hẳn sang thu.
Hệ thống hình ảnh độc đáo đã diễn tả một cách tài tình cái không khí se lạnh đầu thu và cả cái nhịp điệu chầm chậm của mùa thu về với đất trời.
Đối diện với những tín hiệu báo thu là cái ngỡ ngàng của lòng người:
+ “Hình như” là lối nói giả định, không chắc chắn, phù hợp với những biểu hiện mơ hồ lúc giao mùa – những biểu hiện ấy không chỉ được cảm nhận bằng các giác quan mà còn phải cảm nhận bằng cả một tâm hồn tinh tế.
+ Âm điệu: là tiếng reo vui, ngỡ ngàng lúc thu sang.
Khổ thơ là những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của tác giả lúc mùa sang. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.
2.2. Quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu:
- Được tái hiện vừa chân thực lại vừa sống động:
+ “Sông” “dềnh dàng”: tả thực con sông của mùa thu vô cùng trong trẻo, tĩnh lặng, êm đềm. Nghệ thuật nhân hóa khiến con sông như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho con người qua chiến tranh, lửa đạn, giờ đang chậm lại, cho phép mình được nghỉ ngơi.
+ “Chim” “vội vã”: vừa tả thực những cánh chim bay vội về phương Nam tránh rét, vừa gợi những vội vã, tất bật với lo toan thường nhật của đời người.
+ Phép đối “dềnh dàng” >< “vội vã” làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên mà cũng là sự vận động của thiên nhiên giao mùa.
Được khắc họa rất ấn tượng:
+ “Đám mây mùa hạ” được hữu hình hóa, vừa thực vừa hư, tái hiện được nhịp điệu của thời gian, là một chiếc cầu nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu để sự chuyển giao giữa hai mùa không đứt đoạn.
+ Đám mây mang cả lớp nghĩa thế sự, gợi trạng thái giao thời của đời sống khi đất nước chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình.
=> Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế, sống động qua những câu thơ rất giàu chất tạo hình. Ẩn sau những hình ảnh thiên nhiên lúc thu sang ấy còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu.
3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề thi vào 10 môn Văn Thái Nguyên năm 2023 timdapan.com"