Đề thi vào 10 môn Văn Bình Phước năm 2020

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bên dưới.


Đề bài

Câu 1: (2,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bên dưới.

“Con bé thấy lạ quả, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tải đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: "Má! Má!”. Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.”

a. Đoạn trích trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

b. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn trích trên?

c. Tìm câu văn có chứa khởi ngữ trong đoạn trích trên? Chỉ ra đâu là khởi ngữ trong câu? Nêu tác dụng của khởi ngữ vừa tìm được?

Câu 2: (2.0 điểm)

Em hãy viết một bài văn nghị luận ngắn khoảng 1 trang giấy thi cho thấy được tinh thần chống Covid-19 của nước ta trong giai đoạn vừa qua.

Câu 3: (6.0 điểm)

Em hãy phân tích hai khổ thơ sau trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Lời giải chi tiết

Câu 1

a. Đoạn trích trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

Phương pháp: Căn cứ bài Chiếc lược ngà

Cách giải:

Đoạn trích trên được trích trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”. Tác giả: Nguyễn Quang Sáng.

b. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn trích trên?

Phương pháp: Căn cứ bài Chiếc lược ngà

Cách giải:

Nội dung đoạn trích: Nỗi đau của ông Sáu khi bé Thu không nhận ba.

c. Tìm câu văn có chứa khởi ngữ trong đoạn trích trên? Chỉ ra đâu là khởi ngữ trong câu? Nêu tác dụng của khởi ngữ vừa tìm được?

Phương pháp: Căn cứ bài Khởi ngữ

Cách giải:

- Câu văn chứa khởi ngữ: Còn anh, anh đừng xững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.

- Khởi ngữ: Còn anh.

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh đối tượng được đề cập đến trong câu văn: ông Sáu

+ Gây sự chú ý, tập trung đối với người đọc.

Câu 2

Em hãy viết một bài văn nghị luận ngắn khoảng 1 trang giấy thi cho thấy được tinh thần chống Covid-19 của nước ta trong giai đoạn vừa qua.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề: Tinh thần chống COVID - 19 của nước ta trong thời gian qua.

2. Giải thích vấn đề

- Đại dich Covid – 19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch lan nhanh đến mọi quốc gia khắp các châu lục.

- Nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân trên thế giới đã ra sức chống dịch. Việt Nam được ghi nhận là quốc gia xuất sắc trong việc kiểm soát dịch bệnh.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề

- Hiện trạng của đại dịch:

+ Tính đến 7 giờ ngày 11/7/2020, dịch bệnh đã lan rộng đến 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

+ Có 12.614.187 người nhiễm bệnh, trong số đó 561.980 người tử vong

+ Đại dịch đã gây hoảng loạn và xáo trộn toàn cầu. Việc cách li và phong tỏa diễn ra ở nhiều nơi. Các công ti, xí nghiệp, trường học đóng cửa hàng loạt. Sản xuất đình trệ, kinh doanh thua lỗ, giáo dục gián đoạn, nhiều hoạt động thường nhật trong cuộc sống hàng ngày cũng không thể tiếp tục.

- Biểu hiện tinh thần chống dịch của nhân dân ta:

+ Ngay khi có sự xuất hiện của dịch bệnh, Đảng và Chính phủ đã có những biện pháp kịp thời chỉ đạo chống dịch, các y bác sĩ đã vào cuộc hết mình để chữa trị cho các bệnh nhân.

+ Người dân tuân phủ biện pháp phòng dịch, cách li toàn xã hội.

+ Những nghĩa cử cao đẹp xuất hiện trong cộng đồng và lan truyền cảm hứng tích cực:

++ Người dân tham gia ủng hộ Nhà nước chống dịch qua việc gửi tin nhắn đóng góp số tiền phù hợp với hoàn cảnh cá nhân.

++ Nhiều cây “ATM gạo” xuất hiện hỗ trợ những người kém may mắn trong thời kì kinh tế khó khăn.

++ Các chiến sĩ nhường nơi ăn, chốn ở cho những người trong khu cách li.

++ Những người cách li được chăm sóc chu đáo, nhiệt tình, …

++ Nhà nước phối với các cá nhân, tổ chức thực hiện các chuyến bay đón đồng bào từ vùng dịch trở về nước an toàn…

- Tình hình dịch bệnh sẽ còn có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên với tinh thần tương thân tương ái và lòng nhân hậu, người dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần chống dịch hiệu quả.

- Bên cạnh đó còn có một số cá nhân không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, trốn cách li, …

4. Liên hệ bản thân và Tổng kết

Câu 3

Em hãy phân tích hai khổ thơ sau trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Mở bài:

“Mùa xuân nho nhỏ” (1980) là tiếng lòng tha thiết gắn bó với cuộc đời, với thiên nhiên, đất nước của nhà thơ Thanh Hải.

- Khổ bốn và khổ năm của bài thơ thể hiện khát vọng, lí tưởng sống cao đẹp của nhà thơ.

2. Thân bài

- Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những khát vọng sống tốt đẹp:

                                     “Ta làm con chim hót

                                       Ta làm một cành hoa

                                       Ta nhập vào hòa ca

                                       Một nốt trầm xao xuyến.”

+ Điệp từ “ta làm”, lặp cấu trúc, liệt kê -> giúp tác giả bày tỏ ước nguyện được hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, xứ sở.

+ Các hình ảnh “con chim hót” , “một cành hoa”, “một nốt trầm”: giản dị, tự nhiên mà đẹp, thể hiện ước nguyện khiêm nhường mà đáng quý.

+ Có sự ứng đối với các hình ảnh ở đầu bài thơ -> lí tưởng cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên, tất yếu; gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người – đất nước.

=> Tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.

- Khát vọng sống đẹp được nâng lên thành lí tưởng sống cao cả:

                                    “Một mùa xuân nho nhỏ

                                      Lặng lẽ dâng cho đời

                                      Dù là tuổi hai mươi

                                      Dù là khi tóc bạc.”

“Mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của cuộc đời con người để góp phần làm nên mùa xuân của đất nước. Là cách nói khiêm nhường, giản dị, gợi một tâm hồn đẹp, một lối sống đẹp, một nhân cách đẹp “lặng lẽ dâng cho đời”.

+ Điệp từ “dù là” + hình ảnh tương phản “tuổi hai mươi” – “khi tóc bạc” khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng và lí tưởng sống ấy. Cả cuộc đời mình ông vẫn muốn chắt chiu những gì tốt đẹp nhất để hiến dâng cho đời.

=> Khổ thơ là lời tổng kết của nhà thơ về cuộc đời mình. Cho đến tận cuối đời ông vẫn khát khao cống hiến cho đất nước.

3. Kết bài:

Lời thơ giản dị và dạt dào xúc động, vừa chứa chan cảm xúc, vừa đậm đà ý vị triết lí, gợi bao liên tưởng sâu xa. Hai khổ thơ thể hiện khát vọng đẹp đẽ muốn là “một mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến cho cuộc đời của nhà thơ Thanh Hải.