Đề thi kì 2 môn Văn lớp 8 năm 2019 - 2020 Phòng GD & ĐT huyện Tứ Kỳ
Giải chi tiết đề thi kì 2 môn văn lớp 8 năm 2019 - 2020 Phòng GD & ĐT huyện Tứ Kỳ với cách giải nhanh và chú ý quan trọng
Đề bài
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN TỨ KỲ ............ ĐỀ CHÍNH THỨC |
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II Năm học 2019 - 2020 Môn: Ngữ văn - lớp 8 Thời gian: 90 phút (Đề gồm 01 trang) |
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa thể xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.
(Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 2 trang 57)
Câu 1 (1.0 điểm). Em cho biết tên tác giả, tác phẩm có đoạn trích trên. Tác phẩm được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
Câu 2 (1.0 điểm). Chỉ rõ một biện pháp tu từ em đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 8 được sử dụng trong đoạn văn trên? Nêu ngắn gọn tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 3 (1.0 điểm). Từ nội dung đoạn trích, em hãy nêu một số biểu hiện về lòng yêu nước của thế hệ trẻ hiện nay?
PHẦN II. TẬP LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm) Viết đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) trình bày cảm nhận của em về tâm trạng của nhà thơ Tế Hanh trong đoạn thơ sau:
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
(Quê hương, Tế Hanh, Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 2)
Câu 2. (5.0 điểm)
Hiện nay, một bộ phận các bạn trẻ vẫn dành quá nhiều thời gian chơi các trò chơi điện tử mà sao nhãng việc học. Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ về tác hại của hiện tượng học sinh nghiện các trò chơi điện tử.
……………Hết……………
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1.
*Phương pháp: Căn cứ vào tác phẩm Hịch tướng sĩ.
*Cách giải:
- Tác phẩm: Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn.
- Hoàn cảnh sáng tác: Được viết vào khoảng thời gian trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai (1285): Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai, lúc này quân giặc rất mạnh muốn đánh bại chúng phải có sự đồng tình, ủng hộ của toàn quân, toàn dân, vì vậy Trần Quốc Tuấn đã viết bài hịch này để kêu gọi tướng sĩ hết lòng đánh giặc
Câu 2.
*Phương pháp: Căn cứ vào những biện pháo tu từ đã học trong chương trình Ngữ văn 8 (nói quá; nói giảm, nói tránh).
*Cách giải:
- Biện pháp tu từ được dùng trong đoạn văn trên: nói quá (ruột đau như cắt; xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù).
- Tác dụng: cho thấy tình yêu nước, tinh thần dân tộc và nhấn mạnh lòng căm thù giặc cao độ của tác giả.
Câu 3
*Phương pháp: Căn cứ vào những biểu hiện của giới trẻ thể hiện lòng yêu nước
*Cách giải:
Học sinh có thể tham khảo những gợi ý sau:
- Lòng yêu nước của thế hệ trẻ hiện nay thể hiện qua việc:
+ Không ngừng nỗ lực học tập và rèn luyện đạo đức để góp phần đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
+ Qua những tình cảm giản dị, gần gũi: tình yêu gia đình, tình yêu thiên nhiên, tình yêu thương giữa con người với con người…
+ Trăn trở trước những vấn đề của đất nước, dùng hành động thực tế để giải quyết những vấn đề đó.
Phần II.
Câu 1.
*Phương pháp:
- Sử dụng các thao tác lập luận phân tích, tổng hợp để tạo lập một đoạn văn nghị luận văn học.
*Cách giải:
- Về kĩ năng:
+ Viết đoạn văn nghị luận văn học.
+ Đoạn văn có lập luận thuyết phục, không mắc lỗi diễn đạt.
- Về kiến thức: Hiểu tình cảm của tác giả và nội dung đoạn thơ. Có thể tham khảo một số ý sau:
+ Nội dung: Đoạn thơ nói về nỗi nhớ da diết, tình cảm thắm thiết của tác giả với quê hương của mình.
+ Nghệ thuật:
./ Liệt kê một loạt các hình ảnh của làng quê: “màu nước xanh”, “cá bạc”, “chiếc buồn vôi”, “con thuyền rẽ sóng”,… thể hiện nỗi nhớ quê hương chân thành, da diết của tác giả.
./ Câu thơ cuối: “mùi nồng mặn” – mùi của biển khơi, cá tôm, mùi của con người thể hiện hương vị đặc trưng của quê hương miền biển. Câu cảm thán như một lời nói thốt ra từ chính trái tim của người con xa quê với một tình yêu thủy chung, gắn bó với nơi đã bao bọc mình.
Câu 2.
*Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.
*Cách giải:
- Yêu cầu hình thức:
+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.
+ Văn bản đầy đủ bố cục 3 phần; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Yêu cầu nội dung:
I. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu hiện tượng nghiện game của học sinh trong xã hội hiện nay. Khái quát suy nghĩ, nhận định của bản thân về vấn đề này (nghiêm trọng, cấp thiết, mang tính xã hội,…).
II. Thân bài: Nghị luận về bạo lực học đường
1. Giải thích khái niệm:
- Trò chơi điện tử là gì? Cách gọi chung của các trò chơi điện tử có thể tìm thấy trên các thiết bị như máy tính, điện thoại di động,...được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của con người ngày nay.
- Nghiện là gì? Là trạng thái tâm lý tiêu cực gây ra do việc quá phụ thuộc hoặc sa đà quá mức vào một thứ gì đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến người sử dụng hoặc thường xuyên tiếp xúc nó.
- Nghiện các trò chơi điện tử là gì? Là hiện tượng đầu nhập quá mức vào trò chơi điện tử dẫn đến những tác hại không mong muốn.
2. Thực trạng:
- Nhiều học sinh, sinh viên dành trên 4 giờ mỗi ngày cho việc chơi điện tử.
- Nhiều tiệm net vẫn hoạt động ngoài giờ cho phép do nhu cầu chơi các trò chơi điện tử về đêm của học sinh.
- Ngày càng nhiều hậu quả tiêu cực xảy ra trong xã hội có liên quan đến nghiện các trò chơi điện tử.
3. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nghiện trò chơi điện tử:
- Các trò chơi ngày càng đa dạng, phong phú và nhiều tính năng thu hút giới trẻ.
- Lứa tuổi học sinh chưa được trang bị tâm lý vững vàng, dễ bị lạc mình trong thế giới ảo.
- Nhu cầu chứng tỏ bản thân và ganh đua với bè bạn do tuổi nhỏ.
- Phụ huynh và nhà trường chưa quản lý học sinh chặt chẽ.
4. Hậu quả của nghiện các trò chơi điện tử:
- Học sinh bỏ bê việc học, thành tích học tập giảm sút.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe, hao tốn tiền của.
- Dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội.
5. Giải pháp khắc phục hiện tượng nghiện các trò chơi điện tử:
- Bản thân học sinh nên tự xây dựng ý thức học tập tốt, giải trí vừa phải.
- Cần có biện pháp giáo dục, nâng cao ý cho học sinh đồng thời tuyên truyền tác hại của việc nghiện game trong nhà trường, gia đình và xã hội.
- Các cơ quan nên có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề phát hành và phổ biến trò chơi điện tử.
III. Kết bài:
Khẳng định lại vấn đề (tác hại của nghiện trò chơi điện tử, vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết kịp thời,...). Đúc kết bài học kinh nghiệm, đưa ra lời kêu gọi, nhắn nhủ.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề thi kì 2 môn Văn lớp 8 năm 2019 - 2020 Phòng GD & ĐT huyện Tứ Kỳ timdapan.com"