Đề thi học kì 2 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 4

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi: Đằng đông, mặt trời tròn xoe, ửng hồng đang từ từ nhô lên sau bụi tre, chiếu những tia nắng ấm áp xuống mặt đất,


Đề thi

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Đằng đông, mặt trời tròn xoe, ửng hồng đang từ từ nhô lên sau bụi tre, chiếu những tia nắng ấm áp xuống mặt đất, xua tan màn sương sớm, nhuộm vàng những bông lúa làm cả xóm làng như sáng bừng lên giữa ánh bình minh. Bầu trời lúc này như trong và sáng hơn, mây trắng hiền hòa, từng đàn chim bay lượn thật là đẹp. Trên các cành cây, những chú chim hót líu lo chào ngày mới.

(Nhóm tác giả biên tập)

Câu 1. Văn bản trên mang đặc trưng của kiểu văn bản nào?

A. Văn bản tự sự

B. Văn bản miêu tả

C. Văn bản nghị luận

D. Văn bản thông tin

Câu 2. Chủ đề của đoạn văn là gì?

A. Tả cảnh quê hương buổi sáng

B. Tả cảnh quê hương, buổi chiều

C. Tả cảnh quê hương buổi tối

D. Tả cảnh quê hương trưa

Câu 3. Những cảnh vật được miêu tả trong đoạn văn là?

A. Mặt trời, bụi tre, tia nắng, sương, bông lúa, bầu trời, mây, đàn chim, cành cây

B. Mặt trời, bụi tre, dòng sông, tia nắng, sương, bông lúa, bầu trời, mây, đàn chim

Câu 4. Trong câu: Trên các cành cây, những chú chim hót líu lo chào ngày mới. phần in đậm là trạng ngữ chỉ:

A. Chỉ thời gian

B. Chỉ nơi chốn

C. Chỉ nguyên nhân

D. Chỉ mục đích

Câu 5. Trong đoạn văn có các từ (liệt kê mỗi loại ba từ)

- Động từ: …………………………………………

- Tính từ: ………………………………………….

Câu 6. Các từ “tròn xoe, ấm áp, hiền hòa” là tính từ đúng hay sai?

A. Sai

B. Đúng

Câu 7. Đặt câu với các từ: “ấm áp”, “hiền hòa”.

Câu 8. Viết đoạn văn miêu tả khoảng 5 – 7 câu (đề tài tự chọn) có sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa.

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Xác định trạng ngữ và cho biết ý nghĩa của trạng ngữ:

a. Khi mùa thu sang, khắp nơi, hoa cúc nở vàng.

b. Những ngày giáp Tết, trong các chợ hoa, mọi người mua sắm nhiều.

c. Vì chủ quan, nhiều bạn làm bài kiểm tra chưa tốt.

d. Để đạt thành tích tốt, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều.

Câu 2. Hiện nay có nhiều bạn học sinh vì quá đam mê các trò chơi điện tử mà sao nhãng việc học. Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của mình về hiện tượng trên.


Đáp án

Phần I:

Câu 1 (0.25 điểm):

Văn bản trên mang đặc trưng của kiểu văn bản nào?

A. Văn bản tự sự

B. Văn bản miêu tả

C. Văn bản nghị luận

D. Văn bản thông tin

Phương pháp giải:

Dựa vào đặc trưng của thể loại

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên mang đặc trưng của kiểu văn bản miêu tả

=> Đáp án: B

Câu 2 (0.25 điểm):

Chủ đề của đoạn văn là gì?

A. Tả cảnh quê hương buổi sáng

B. Tả cảnh quê hương, buổi chiều

C. Tả cảnh quê hương buổi tối

D. Tả cảnh quê hương trưa

Phương pháp giải:

Từ nội dung rút ra chủ đề

Lời giải chi tiết:

Chủ đề: tả cảnh quê hương buổi sáng

=> Đáp án: A

Câu 3 (0.25 điểm):

Những cảnh vật được miêu tả trong đoạn văn là?

A. Mặt trời, bụi tre, tia nắng, sương, bông lúa, bầu trời, mây, đàn chim, cành cây

B. Mặt trời, bụi tre, dòng sông, tia nắng, sương, bông lúa, bầu trời, mây, đàn chim

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn văn

Lời giải chi tiết:

Những cảnh vật được miêu tả trong đoạn văn: Mặt trời, bụi tre, tia nắng, sương, bông lúa, bầu trời, mây, đàn chim, cành cây

=> Đáp án: A

Câu 4 (0.25 điểm):

Trong câu: Trên các cành cây, những chú chim hót líu lo chào ngày mới. phần in đậm là trạng ngữ chỉ:

A. Chỉ thời gian

B. Chỉ nơi chốn

C. Chỉ nguyên nhân

D. Chỉ mục đích

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về trạng ngữ

Lời giải chi tiết:

Phần in đậm là trạng ngữ chỉ nơi chốn

=> Đáp án: B

Câu 5 (0.25 điểm):

Trong đoạn văn có các từ (liệt kê mỗi loại ba từ)

- Động từ: …………………………………………

- Tính từ: ………………………………………….

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn văn và xác định

Lời giải chi tiết:

- Động từ: nhô lên, xua tan, bay lượn

- Tính từ: tròn xoe, ửng hồng, ấm áp

Câu 6 (0.25 điểm):

Các từ “tròn xoe, ấm áp, hiền hòa” là tính từ đúng hay sai?

A. Sai

B. Đúng

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về tính từ

Lời giải chi tiết:

Đúng

=> Đáp án: B

Câu 7 (0.25 điểm):

Đặt câu với các từ: “ấm áp”, “hiền hòa”.

Phương pháp giải:

Đặt câu phù hợp ngữ cảnh

Lời giải chi tiết:

Ví dụ:

- Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, không khí thật ấm áp.

- Dòng sông mùa thu, con nước trôi đi hiền hòa ôm ấp lấy bãi bồi.

Câu 8 (0.25 điểm):

Viết đoạn văn miêu tả khoảng 5 – 7 câu (đề tài tự chọn) có sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa.

Phương pháp giải:

Chọn một đề tài mà em quan tâm để viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu. Chú ý sử dụng biện pháp nhân hóa

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

Giờ ra chơi luôn là thời điểm mà các bạn học sinh mong chờ nhất. Sau hồi trống quen thuộc, từ các cánh cửa lớp, các bạn học sinh ùa ra sân trường đông như đàn ong vỡ tổ. Sân trường bỗng trở nên chật chội. Dưới bóng mát của cây bàng, cây phượng, cây hoa sữa, các bạn nhỏ tụm năm, tụm bảy cùng nhau chơi các trò chơi ưa thích. Nào là đá cầu, rồi là nhảy dây, và cả đá bóng… Trò nào cũng diễn ra đầy sôi nổi và hào hứng. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng cổ vũ, tiếng vỗ tay náo nhiệt cả sân trường. Ở một số góc nhỏ trên sân, là nhóm các bạn ngồi đọc sách, kể chuyện cho nhau nghe. Những cái đầu chụm lại vào nhau, thích thú rung rinh. Trên vòm cây, mấy chú chim nhỏ như vui lây với các bạn nhỏ, mà cứ ríu rít không ngừng. Ông mặt trời trên cao thì hiền hòa chiếu xuống những tia nắng ấm áp. Các tia nắng nghịch ngợm, nhảy xuyên qua tầng mây, qua vòm lá, sà xuống sân trường vui chơi cùng các bạn nhỏ. Thật là vui thay!

- Nhân hóa: phần in nghiêng

Phần II (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

Xác định trạng ngữ và cho biết ý nghĩa của trạng ngữ:

a. Khi mùa thu sang, khắp nơi, hoa cúc nở vàng.

b. Những ngày giáp Tết, trong các chợ hoa, mọi người mua sắm nhiều.

c. Vì chủ quan, nhiều bạn làm bài kiểm tra chưa tốt.

d. Để đạt thành tích tốt, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về trạng ngữ

Lời giải chi tiết:

a. Trạng ngữ chỉ thời gian: Khi mùa thu sang

b. Trạng ngữ chỉ thời gian: Những ngày giáp Tết

Trạng ngữ chỉ nơi chốn: Trong các chợ hoa

c. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân: Vì chủ quan

d. Trạng ngữ chỉ mục đích: Để đạt thành tích tốt 

Câu 2 (5 điểm):

Hiện nay có nhiều bạn học sinh vì quá đam mê các trò chơi điện tử mà sao nhãng việc học. Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của mình về hiện tượng trên.

Phương pháp giải:

1. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng

2. Thân bài

- Giải thích vấn đề

- Biểu hiện của vấn đề

- Nguyên nhân của vấn đề

- Tác hại của vấn đề

- Bài học rút ra từ vấn đề

- Liên hệ bản thân

3. Kết bài: Khái quát lại hiện tượng

Lời giải chi tiết:

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng quá đam mê trò chơi điện tử của nhiều bạn học sinh ngày nay dẫn đến “nghiện” …

2. Thân bài

- Giải thích vấn đề: Trò chơi điện tử là trò chơi được cài đặt sẵn trên máy vi tính… Nhiều bạn vì quá đam mê dẫn dến nghiện.

- Biểu hiện của vấn đề: Ngồi hàng ngày hàng giờ trước màn hình máy tính, điện thoại thông minh chỉ để chơi các trò chơi, đến quên ăn, quên ngủ, … bỏ bê học hành, công việc…

- Nguyên nhân của vấn đề:

+ Khách quan: do sự phát triển của kinh tế xã hội

+ Chủ quan: do bản thân mỗi người chưa tự chủ được bản thân, …

- Tác hại của vấn đề:

+ Làm cho kết quả học tập, công việc bị sút kém

+ Ảnh hưởng đến sức khỏe, mắc các bệnh về mắt: Cận thị, loạn thị… cơ thể suy nhược, gầy yếu…

+ Tinh thần: bị đầu độc bởi các trò chơi chém giết, bạo lực…

+ Ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách của con người: trộm cắp, giết người… sa vào các tệ nạn xã hội…

- Bài học rút ra từ vấn đề: Không nên quá đam mê, chỉ nên chơi có chừng mực, coi đó là trò để giải trí, cần có điểm dừng…

- Liên hệ bản thân: Không chơi để khỏi bị nghiện… Tập trung cố gắng nỗ lực học tập

3. Kết bài:

- Khái quát lại tác hại của hiện tượng quá đam mê điện tử của học sinh hiện nay

- Nêu cảm nghĩ của bản thân