Đề thi học kì 2 môn sử lớp 8 năm 2019 - 2020 Phòng GD&ĐT huyện Tứ Kì

Giải chi tiết đề thi học kì 2 môn sử lớp 8 năm 2019 - 2020 Phòng GD&ĐT huyện Tứ Kì với cách giải nhanh và chú ý quan trọng


Đề bài

Câu 1 (2 điểm): Lập bảng tổng kết về phong trào Cần Vương và phong trào nông dân Yên Thế về những nội dung sau: thời gian, thành phần lãnh đạo, mục tiêu, hình thức, phạm vi?

Câu 2 (4 điểm): Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914) thực dân Pháp đã thi hành những thủ đoạn gì về kinh tế để bóc lột nước ta? Tác động của chính sách đó tới kinh tế xã hội nước ta như thế nào?

Câu 3 (4 điểm): Vì sao Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước mới? Hướng đi và cách tìm đường cứu nước của Người có gì mới so với những nhà yêu nước chống Pháp trước đó? Theo em những hoạt động đó có ý nghĩa như thế nào đối với dân tộc Việt Nam?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Câu 1.

Phương pháp: so sánh.

Cách giải:

Bảng tổng kết về phong trào Cần Vương và phong trào nông dân Yên Thế:

Nội dung

Phong trào Cần Vương

Phong trào nông dân Yên Thế

Thời gian

1885 - 1896

1884 - 1913

Thành phần lãnh đạo

Văn thân, sĩ phu

Nông dân

Mục tiêu

Đánh Pháp giành lại độc lập, khôi phục lại chế độ phong kiến.

Chống lại chính sách bình định của Pháp, bảo vệ cuộc sống của mình.

Hình thức

Khởi nghĩa vũ trang

Khởi nghĩa vũ trang nhưng có giai đoạn hòa hoãn, có giai đoạn tác chiến.

Phạm vi

Các tỉnh Bắc kì và Trung kì.

 

Chủ yếu ở Yên Thế (Bắc Giang) và một số tỉnh Bắc kì.

Câu 2.

 

Phương pháp: sgk trang 138-142, suy luận.

Cách giải:

* Những thủ đoạn về kinh tế của thực dân Pháp trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914) ở Việt Nam:

- Nông nghiệp: cướp ruộng đất, lập đồn điền.

- Công nghiệp: khai thác than, kim loại.

- Xây dựng hệ thống giao thông vận tải.

- Thương nghiệp: độc chiếm thị trường Việt Nam, đánh các thuế mới, nặng nhất là thuế mối, rượu, thuốc phiện.

* Tác động:

- Về kinh tế:

+ Tích cực: Cuộc khai thác của Pháp làm xuất hiện nền công nghiệp thuộc địa mang yếu tố thực dân; thành thị theo hướng hiện đại ra đời; bước đầu làm xuất hiện nền kinh tế hàng hoá, tính chất tự cung tự cấp của nền kinh tế cũ bị phá vỡ.

+ Tiêu cực: Một trong những mục tiêu của công cuộc khai thác thuộc địa là vơ vét sức người, sức của nhân dân Đông Dương. Do vậy: tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cùng kiệt; nông nghiệp dậm chân tại chỗ; công nghiệp phát triển nhỏ giọt, thiếu hẳn công nghiệp nặng.

=> Nền kinh tế Việt Nam cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ, lạc hậu và phụ thuộc.

- Về xã hội: những giai cấp cũ bị phân hóa, xuất hiện giai cấp - tầng lớp mới.

+ Giai cấp địa chủ phong kiến: một bộ phận địa chủ trở nên giàu có, dựa vào Pháp chiếm đoạt ruộng đất của nông dân. Số địa chủ vừa và nhỏ bị đế quốc chèn ép nên vẫn có tinh thần chống Pháp.

+ Giai cấp nông dân: vốn đã khốn khổ vì thuế khóa, địa tô, phu phen tạp dịch, nạn cướp đất lập đồn điền, dựng nhà máy của Pháp. Nay lại bị mất đất, họ đến các công trường, hầm mỏ và đồn điền xin việc => trở thành giai cấp công nhân. Nông dân Việt Nam là động lực cách mạng to lớn.

+ Giai cấp công nhân: làm việc trong các hầm mỏ, đồn điền, các xí nghiệp,… số lượng ngày càng đông đảo, sống khá tập trung. => Là động lực chính của cách mạng.

+ Tầng lớp tư sản: Những người làm trung gian, đại lý, chủ thầu, chủ xưởng, số sĩ phu yêu nước chịu ảnh hưởng tư tưởng tư sản … là những lớp người đầu tiên của tư sản Việt Nam.

+ Tầng lớp tiểu tư sản: gồm tiểu thương, tiểu chủ, viên chức, thầy giáo, nhà báo, học sinh, sinh viên,… có ý thức dân tộc, tích cực tham gia vào vận động cứu nước.

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 148, 149, so sánh, nhận xét.

Cách giải:

* Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước mới vì:

- Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà rơi vào tay thực dân Pháp, nên ông đã ý thức được lòng yêu nước từ khi còn bé.

- Trên cả nước, nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh liên tiếp nổ ra nhưng đều thất bại.

- Đau xót trước cảnh nước mất, nhà tan, đồng thời nhìn thấy những mặt hạn chế của các phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc.

=> Giữa năm 1911, tại cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước trên tàu Đô Đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin.

* Điểm mới trong con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành:

- Xác định rõ không thể trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài để giành độc lập, điều cần thiết là phải dựa vào chính mình.

- Người quyết ra nước ngoài, cụ thể là sang phương Tây, trung tâm của văn minh thế giới lúc bấy giờ và cũng là quê hương của các cuộc cách mạng lớn trong lịch sử để tìm hiểu, khảo sát xem họ làm như thế nào sau đó về giúp đồng bào mình.

 * Ý nghĩa: Những hoạt động yêu nước của Nguyễn Tất Thành tuy mới chỉ là bước đầu nhưng là cơ sở quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.