Đề thi học kì 2 KHTN 7 Chân trời sáng tạo - Đề 4

Hình thức sinh sản trong đó cơ thể mới được hình thành từ cơ quan rễ, thân, lá của cơ thể mẹ gọi là


Đề bài

A. Phần trắc nghiệm (7 điểm):

Câu 1. Hình thức sinh sản trong đó cơ thể mới được hình thành từ cơ quan rễ, thân, lá của cơ thể mẹ gọi là

A. sinh sản hữu tính                                                 B. sinh sản phân đôi

C. sinh sản bào tử                                                    D. sinh sản sinh dưỡng

Câu 2. Biện pháp canh tác nào sau đây là ứng dụng ảnh hưởng của độ ẩm trong việc điều khiển sinh trưởng và phát triển của cây trồng?

A. Chiếu sáng nhân tạo trong nhà kính.

B. Trồng xen canh hoặc làm luống.

C. Tưới nước cho cây trồng

D. Trồng luân phiên các loại cây khác nhau.

Câu 3. Biện pháp vun gốc cho cây khoai tây dựa trên

A. tính hướng đất và tránh ánh sáng của rễ.

B. tính hướng đất và hướng ánh sáng của rễ.

C. tính tránh đất và hướng ánh sáng của rễ.

D. tính tránh đất và tránh ánh sáng của rễ.

Câu 4. Hóa trị của Fe trong công thức Fe2O3 là:

A. I                                  B. II                                 C. III                                D. IV

Câu 5. Trong các hiện tượng sau đây, hiện tượng nào không phải là cảm ứng ở thực vật?

A. Lá cây bàng rụng vào mùa hè

B. Lá cây xoan rụng khi có gió thổi mạnh

C. Hoa hướng dương hướng về phía Mặt Trời

D. Cây nắp ấm bắt mồi

Câu 6. Hình thức sinh sản nào dưới đây là hình thức sinh sản hữu tính?

A. Sinh sản trinh sinh ở ong                                     B. Phân đôi ở trùng roi xanh

C. Nảy chồi ở thủy tức                                             D. Đẻ con ở lớp Thú

Câu 7. Mục đích của việc thắp đèn vào ban đêm cho cây thanh long nhằm:

A. kích thích thanh long ra nhiều hoa và tạo quả trái vụ.

B. kích thích khả năng sinh trưởng của cây thanh long.

C. tăng cường khả năng chống chịu của cây thanh long.

D. kéo dài thời gian sinh sản của cây thanh long.

Câu 8. Chúng ta có thể nhân giống cây khoai tây bằng bộ phận:

A. lá                                 B. rễ                                 C. thân củ                        D. cành cây

Câu 9. Tập tính học được khác tập tính bẩm sinh ở đặc điểm là:

A. được di truyền từ bố mẹ

B. có số lượng nhất định và bền vững

C. mang tính đặc trưng cho từng cá thể.

D. giúp cơ thể thích nghi với môi trường sống.

Câu 10. Nếu thiếu nước, sự sinh trưởng và phát triển của thực vật sẽ

A. diễn ra bình thường                                               B. diễn ra chậm hoặc ngừng lại

C. ngay lập túc bị dừng lại                                         D. diễn ra nhanh chóng hơn

Câu 11. Khi quan sát cây lá bỏng, nhận thấy trên lá cây mọc ra mầm cây con. Sau đó, cây con rơi xuống đất rồi phát triển thành cây bỏng trưởng thành. Hình thức sinh sản của cây lá bỏng là

A. sinh sản sinh dưỡng.                                              B. nảy chồi.

C. phân đôi.                                                              D. sinh sản bằng bào tử.

Câu 12. Đối với cây ăn quả, việc người nông dân thường nuôi ong trong các vườn cây ăn quả sẽ có tác dụng:

A. giúp tăng độ ngọt cho các loại quả

B. giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây

C. giúp tiêu diệt các loài sây phá hoại cây

D. giúp tăng tỉ lệ thụ phấn, thụ tinh, tạo quả

Câu 13. Sinh sản vô tính là:

A. hình thức sinh sản có sự kết hợp của các tế bào sinh sản chuyên biệt.

B. hình thức sinh sản ở tất cả các loài sinh vật.

C. hình thức sinh sản không có sự kết hợp giữa yếu tố đực và yếu tố cái.

D. hình thức sinh sản có nhiều hơn một cá thể tham gia.

Câu 14. Người trưởng thành cần cung cấp trung bình bao nhiêu lít nước mỗi ngày?

A. 1,5 – 2L                      B. 0,5 – 1L                      C. 2 – 2,5L                      D. 2,5 – 3L

Câu 15. Quá trình di chuyển của hạt phấn đến đầu nhụy gọi là

A. thụ tinh.                                                             B. thụ phấn.

C. hình thành quả.                                                   D. hình thành hạt.

Câu 16. Ví dụ nào dưới đây không phải là tập tính của động vật?

A. Sếu đầu đỏ và hạc di cư theo mùa.

B. Chó sói và sư tử sống theo bầy đàn.

C. Tinh tinh đực đánh đuổi những con tinh tinh lạ khi vào vùng lãnh thổ của nó.

D. Người giảm cân sau khi ốm.

Câu 17. Trong các nhóm động vật sau, nhóm động vật nào có đặc điểm con non nở ra từ trứng có đặc điểm hình thái khác với cơ thể trưởng thành?

A. Ruồi, muỗi, ếch, châu chấu, rắn.

B. Ruồi, muỗi, ếch, châu chấu, bướm.

C. Ong, ruồi, rắn, muỗi, ếch.

D. Chim sẻ, ong, ruồi, muỗi, rắn.

Câu 18. Vì sao khi nhân giống cam, chanh, bưởi, hồng xiêm,... người ta thường chiết cành mà không sử dụng phương pháp giâm cành?

A. Vì thời gian ra rễ của các cây trên rất chậm.

B. Vì tốc độ thoát hơi nước của các cây trên rất nhanh.

C. Vì cành của các cây trên quá to, khó đứng vững.

D. Vì khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng của các cây trên kém.

Câu 19. Sự kết hợp của giao tử cái với giao tử đực tạo thành hợp tử xảy ra trong giai đoạn nào của quá trình sinh sản hữu tính ở động vật?

A. Giai đoạn hình thành giao tử.                              B. Giai đoạn thụ tinh.

C. Giai đoạn phát triển phôi.                                    D. Giai đoạn đẻ con.

Câu 20. Phát biểu nào sau đây không đúng khi nói về cơ quan sinh sản của thực vật có hoa?

A. Hoa là cơ quan sinh sản của thực vật có hoa.

B. Hoa đơn tính là hoa có cả nhị và nhụy trên cùng một hoa.

C. Hoa đơn tính là hoa chỉ có nhị hoặc nhụy trên cùng một hoa.

D. Hoa lưỡng tính là hoa có cả nhị và nhụy trên cùng một hoa.

Câu 21. Yếu tố nào dưới đây tham gia điều hòa sinh sản ở sinh vật?

A. Nhiệt độ.                     B. Ánh sáng.                    C. Nước.                          D. Hormone.

Câu 22. Cho các ví dụ sau: Ở thực vật, cà chua phải đủ 14 lá mới ra hoa, cây chuối thì một năm mới bắt đầu ra hoa; có những loài ra hoa, kết quả liên tục như cây đậu cô ve, đu đủ,… Các ví dụ trên chứng minh ảnh hưởng của nhân tố nào đến sinh sản ở thực vật?

A. Ánh sáng.                                                           B. Nhiệt độ.

C. Độ tuổi sinh sản.                                                 D. Hormone sinh sản.

Câu 23. Trong cơ thể người, nước và chất dinh dưỡng được vận chuyển đến các tế bào và các cơ quan trong cơ thể thông qua hoạt động của

A. hệ tuần hoàn.              B. hệ hô hấp.                   C. hệ bài tiết.                    D. hệ thần kinh.

Câu 24. Loài nào sau đây sinh sản vô tính bằng hình thức nảy chồi?

A. Bọt biển.                      B. Amip.                         C. Thuỷ tức.                      D. Vi khuẩn E.coli.

Câu 25. Đối với động vật đẻ trứng, sự thụ tinh diễn ra

A. ngoài môi trường cạn.

B. ngoài môi trường nước.

C. ngoài môi trường nước hoặc trong cơ thể mẹ.

D. ngoài môi trường cạn hoặc ngoài môi trường nước.

Câu 26. Đa số các thực vật trên cạn hấp thụ nước và muối khoáng chủ yếu nhờ

A. tế bào lông hút.                                                      B. tế bào thịt vỏ.

C. tế bào trụ dẫn.                                                       D. tế bào mạch gỗ.

Câu 27. Sự thống nhất về mặt cấu trúc trong cơ thể đa bào được thể hiện qua các cấp độ tổ chức lần lượt là

A. tế bào – mô – cơ quan – hệ cơ quan – cơ thể.

B. tế bào – mô – hệ cơ quan – cơ quan – cơ thể.

C. tế bào – cơ quan – hệ cơ quan – mô – cơ thể.

D. tế bào – cơ quan – mô – hệ cơ quan – cơ thể.

Câu 28. Ưu điểm của hình thức sinh sản hữu tính so với hình thức sinh sản vô tính là

A. có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái giúp duy trì khả năng thích nghi của thế hệ sau với môi trường sống ổn định.

B. có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái giúp tăng khả năng thích nghi của thế hệ sau với sự thay đổi của môi trường sống.

C. có thể tạo ra được một số lượng cá thể con rất lớn trong một khoảng thời gian ngắn từ một cá thể mẹ ban đầu.

D. có thể thực hiện được ngay cả trong trường hợp số lượng cá thể của loài bị giảm sút nghiêm trọng.

B. Phần tự luận (3 điểm)

Câu 1 (2 điểm). Phát biểu khái niệm sinh trưởng và phát triển. Sinh trưởng và phát triển có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Câu 2 (1 điểm). Phân biệt hình thức đẻ trứng và đẻ con ở động vật. Vẽ sơ đồ mô tả các giai đoạn của quá trình sinh sản hữu tính ở gà.


Đáp án

1. D

2. C

3. A

4. C

5. B

6. D

7. A

8. C

9. C

10. B

11. A

12. D

13. C

14. A

15. B

16. D

17. B

18. A

19. B

20. B

21. D

22. C

23. A

24. C

25. C

26. A

27. A

28. B

A. Phần trắc nghiệm (7 điểm):

Câu 1. 

Hình thức sinh sản trong đó cơ thể mới được hình thành từ cơ quan rễ, thân, lá của cơ thể mẹ gọi là

A. sinh sản hữu tính                                                 B. sinh sản phân đôi

C. sinh sản bào tử                                                    D. sinh sản sinh dưỡng

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về các hình thức sinh sản của thực vật.

Lời giải chi tiết:

Hình thức sinh sản trong đó cơ thể mới được hình thành từ cơ quan rễ, thân, lá của cơ thể mẹ gọi là sinh sản sinh dưỡng.

Chọn D.

Câu 2. 

Biện pháp canh tác nào sau đây là ứng dụng ảnh hưởng của độ ẩm trong việc điều khiển sinh trưởng và phát triển của cây trồng?

A. Chiếu sáng nhân tạo trong nhà kính.

B. Trồng xen canh hoặc làm luống.

C. Tưới nước cho cây trồng

D. Trồng luân phiên các loại cây khác nhau.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Lời giải chi tiết:

Biện pháp canh tác là ứng dụng ảnh hưởng của độ ẩm trong việc điều khiển sinh trưởng và phát triển của cây trồng là: Tưới nước cho cây trồng.

Chọn C.

Câu 3. 

Biện pháp vun gốc cho cây khoai tây dựa trên

A. tính hướng đất và tránh ánh sáng của rễ.

B. tính hướng đất và hướng ánh sáng của rễ.

C. tính tránh đất và hướng ánh sáng của rễ.

D. tính tránh đất và tránh ánh sáng của rễ.

Phương pháp giải:

Dựa vào sự cảm ứng của thực vật với ánh sáng và đất.

Lời giải chi tiết:

Biện pháp vun gốc cho cây khoai tây dựa trên tính hướng đất và tránh ánh sáng của rễ.

Chọn A.

Câu 4. 

Hóa trị của Fe trong công thức Fe2O3 là:

A. I                                  B. II                                 C. III                                D. IV

Phương pháp giải:

Hóa trị là con số biểu thị khả năng liên kết của nguyên tử nguyên tố này với nguyên tử nguyên tố khác.

Lời giải chi tiết:

Gọi hóa trị của Fe trong phân tử là x.

Ta có: x . 2 = II . 3 => x = III.

Chọn C.

Câu 5

Trong các hiện tượng sau đây, hiện tượng nào không phải là cảm ứng ở thực vật?

A. Lá cây bàng rụng vào mùa hè

B. Lá cây xoan rụng khi có gió thổi mạnh

C. Hoa hướng dương hướng về phía Mặt Trời

D. Cây nắp ấm bắt mồi

Phương pháp giải:

Cảm ứng ở thực vật là các phản ứng của cơ thể thực vật đối với các kích thích đến từ môi trường.

Lời giải chi tiết:

Hiện tượng không phải cảm úng của thực vật là: Lá cây xoan rụng khi có gió thổi mạnh.

Chọn B.

Câu 6. 

Hình thức sinh sản nào dưới đây là hình thức sinh sản hữu tính?

A. Sinh sản trinh sinh ở ong                                     B. Phân đôi ở trùng roi xanh

C. Nảy chồi ở thủy tức                                             D. Đẻ con ở lớp Thú

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về sinh sản hữu tính ở động vật.

Sinh sản hữu tính là hình thức sinh sản tạo ra cơ thể mới qua sự hợp nhất giữa giao tử đực và giao tử cái tạo nên hợp tử.

Lời giải chi tiết:

Hình thức sinh sản hữu tính là đẻ con ở lớp Thú.

Sinh sản trinh sinh ở ong, nảy chồi ở thủy tức, phân đôi ở trùng roi xanh là các hình thức sinh sản vô tính của sinh vật.

Chọn D.

Câu 7. 

Mục đích của việc thắp đèn vào ban đêm cho cây thanh long nhằm:

A. kích thích thanh long ra nhiều hoa và tạo quả trái vụ.

B. kích thích khả năng sinh trưởng của cây thanh long.

C. tăng cường khả năng chống chịu của cây thanh long.

D. kéo dài thời gian sinh sản của cây thanh long.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về ảnh hưởng của các nhân tố môi trường đối với quá trình sinh sản của sinh vật.

Lời giải chi tiết:

Việc thắp đèn vào ban đêm cho cây thanh long nhằm kích thích thanh long ra nhiều hoa và tạo quả trái vụ.

Chọn A.

Câu 8. 

Chúng ta có thể nhân giống cây khoai tây bằng bộ phận:

A. lá                                 B. rễ                                 C. thân củ                        D. cành cây

Phương pháp giải:

Dựa vào hình thức sinh sản của khoai tây.

Lời giải chi tiết:

Chúng ta có thể nhân giống cây khoai tây bằng bộ phận thân củ.

Chọn C.

Câu 9. 

Tập tính học được khác tập tính bẩm sinh ở đặc điểm là:

A. được di truyền từ bố mẹ

B. có số lượng nhất định và bền vững

C. mang tính đặc trưng cho từng cá thể.

D. giúp cơ thể thích nghi với môi trường sống.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức đã học về tập tính ở động vật.

Lời giải chi tiết:

Tập tính học được khác tập tính bẩm sinh ở đặc điểm là mang tính đặc trưng cho từng cá thể.

Chọn C.

Câu 10. 

Nếu thiếu nước, sự sinh trưởng và phát triển của thực vật sẽ

A. diễn ra bình thường                                             B. diễn ra chậm hoặc ngừng lại

C. ngay lập túc bị dừng lại                                       D. diễn ra nhanh chóng hơn

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về vai trò của nước tới cơ thể sinh vật.

Lời giải chi tiết:

Nếu thiếu nước, sự sinh trưởng và phát triển của thực vật sẽ diễn ra chậm hoặc ngừng lại.

Chọn B.

Câu 11. 

Khi quan sát cây lá bỏng, nhận thấy trên lá cây mọc ra mầm cây con. Sau đó, cây con rơi xuống đất rồi phát triển thành cây bỏng trưởng thành. Hình thức sinh sản của cây lá bỏng là

A. sinh sản sinh dưỡng.                                             B. nảy chồi.

C. phân đôi.                                                             D. sinh sản bằng bào tử.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về quá trình sinh sản vô tính ở thực vật.

Lời giải chi tiết:

Khi quan sát cây lá bỏng, nhận thấy trên lá cây mọc ra mầm cây con. Sau đó, cây con rơi xuống đất rồi phát triển thành cây bỏng trưởng thành. Hình thức sinh sản của cây lá bỏng là sinh sản sinh dưỡng.

Chọn A.

Câu 12. 

Đối với cây ăn quả, việc người nông dân thường nuôi ong trong các vườn cây ăn quả sẽ có tác dụng:

A. giúp tăng độ ngọt cho các loại quả

B. giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây

C. giúp tiêu diệt các loài sây phá hoại cây

D. giúp tăng tỉ lệ thụ phấn, thụ tinh, tạo quả

Lời giải chi tiết:

Đối với cây ăn quả, việc người nông dân thường nuôi ong trong các vườn cây ăn quả sẽ có tác dụng giúp tăng tỉ lệ thụ phấn, thụ tinh, tạo quả.

Chọn D.

Câu 13. 

Sinh sản vô tính là:

A. hình thức sinh sản có sự kết hợp của các tế bào sinh sản chuyên biệt.

B. hình thức sinh sản ở tất cả các loài sinh vật.

C. hình thức sinh sản không có sự kết hợp giữa yếu tố đực và yếu tố cái.

D. hình thức sinh sản có nhiều hơn một cá thể tham gia.

Phương pháp giải:

Có hai hình thức sinh sản ở sinh vật là sinh sản hữu tính và sinh sản vô tính.

Lời giải chi tiết:

Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp giữa yếu tố đực và yếu tố cái.

Chọn C.

Câu 14. 

Người trưởng thành cần cung cấp trung bình bao nhiêu lít nước mỗi ngày?

A. 1,5 – 2L                      B. 0,5 – 1L                      C. 2 – 2,5L                      D. 2,5 – 3L

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về vai trò của nước đối với sinh vật.

Lời giải chi tiết:

Người trưởng thành cần cung cấp trung bình 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.

Chọn A.

Câu 15. 

Quá trình di chuyển của hạt phấn đến đầu nhụy gọi là

A. thụ tinh.                                                              B. thụ phấn.

C. hình thành quả.                                                   D. hình thành hạt.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về quá trình sinh sản hữu tính ở thực vật có hoa.

Lời giải chi tiết:

Quá trình di chuyển của hạt phấn đến đầu nhụy gọi là thụ phấn.

Chọn B.

Câu 16. 

Ví dụ nào dưới đây không phải là tập tính của động vật?

A. Sếu đầu đỏ và hạc di cư theo mùa.

B. Chó sói và sư tử sống theo bầy đàn.

C. Tinh tinh đực đánh đuổi những con tinh tinh lạ khi vào vùng lãnh thổ của nó.

D. Người giảm cân sau khi ốm.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về tập tính ở sinh vật.

Lời giải chi tiết:

Ví dụ không phải là tập tính của động vật là: Người giảm cân sau khi ốm.

Chọn D.

Câu 17. 

Trong các nhóm động vật sau, nhóm động vật nào có đặc điểm con non nở ra từ trứng có đặc điểm hình thái khác với cơ thể trưởng thành?

A. Ruồi, muỗi, ếch, châu chấu, rắn.

B. Ruồi, muỗi, ếch, châu chấu, bướm.

C. Ong, ruồi, rắn, muỗi, ếch.

D. Chim sẻ, ong, ruồi, muỗi, rắn.

Phương pháp giải:

Đặc điểm con non nở ra từ trứng và có đặc điểm hình thái khác hoàn toàn với cơ thể trưởng thành có ở những loài phát triển qua biến thái. 

Lời giải chi tiết:

Các loài động vật có đặc điểm này là: Ruồi, muỗi, ếch, châu chấu, bướm.

Chọn B.

Câu 18. 

Vì sao khi nhân giống cam, chanh, bưởi, hồng xiêm,... người ta thường chiết cành mà không sử dụng phương pháp giâm cành?

A. Vì thời gian ra rễ của các cây trên rất chậm.

B. Vì tốc độ thoát hơi nước của các cây trên rất nhanh.

C. Vì cành của các cây trên quá to, khó đứng vững.

D. Vì khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng của các cây trên kém.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về ứng dụng quá trình sinh trưởng và phát triển của thực vật.

Lời giải chi tiết:

Vì khi chiết cành chúng ta bóc 1 lớp vỏ, khoanh vỏ chỗ cắt đã làm đứt mạch rây của cành nên chất hữu cơ do lá chế tạo ra vận chuyển xuống dưới bị tích tụ lại ở mép vỏ phía trên. Khi gặp độ ẩm của bầu đất làm cho cành ra rễ ở tại đó.

Mà các cây giống cam, chanh, bưởi … có thời gian ra rễ rất chậm nên người ta không sử dụng biện pháp giâm cành.

Chọn A.

Câu 19. 

Sự kết hợp của giao tử cái với giao tử đực tạo thành hợp tử xảy ra trong giai đoạn nào của quá trình sinh sản hữu tính ở động vật?

A. Giai đoạn hình thành giao tử.                               B. Giai đoạn thụ tinh.

C. Giai đoạn phát triển phôi.                                    D. Giai đoạn đẻ con.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về quá trình sinh sản ở động vật. 

Lời giải chi tiết:

Sinh sản hữu tính ở động vật được chia thành 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn hình thành giao tử
  • Giai đoạn thụ tinh
  • Giai đoạn phát triển phôi

Sự kết hợp của giao tử cái với giao tử đực tạo thành hợp tử xảy ra trong giai đoạn thụ tinh của quá trình sinh sản hữu tính ở động vật.

Chọn B.

Câu 20. 

Phát biểu nào sau đây không đúng khi nói về cơ quan sinh sản của thực vật có hoa?

A. Hoa là cơ quan sinh sản của thực vật có hoa.

B. Hoa đơn tính là hoa có cả nhị và nhụy trên cùng một hoa.

C. Hoa đơn tính là hoa chỉ có nhị hoặc nhụy trên cùng một hoa.

D. Hoa lưỡng tính là hoa có cả nhị và nhụy trên cùng một hoa.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về quá tình sinh sản hữu tính của thực vật có hoa.

Lời giải chi tiết:

Thực vật có hoa được chia thành 2 nhóm: hoa đơn tính và hoa lưỡng tính. Hoa đơn tính là hoa chỉ có nhị hoặc nhụy trên cùng 1 hoa, còn hoa lưỡng tính có cả nhị và nhụy trên cùng 1 hoa.

Chọn B.

Câu 21. 

Yếu tố nào dưới đây tham gia điều hòa sinh sản ở sinh vật?

A. Nhiệt độ.                     B. Ánh sáng.                    C. Nước.                          D. Hormone.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về các nhân tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật.

Lời giải chi tiết:

Yếu tố tham gia điều hòa sinh sản ở sinh vật là hormone.

Chọn D.

Câu 22

Cho các ví dụ sau: Ở thực vật, cà chua phải đủ 14 lá mới ra hoa, cây chuối thì một năm mới bắt đầu ra hoa; có những loài ra hoa, kết quả liên tục như cây đậu cô ve, đu đủ,… Các ví dụ trên chứng minh ảnh hưởng của nhân tố nào đến sinh sản ở thực vật?

A. Ánh sáng.                                                           B. Nhiệt độ.

C. Độ tuổi sinh sản.                                                 D. Hormone sinh sản.

Phương pháp giải:

Vận dụn kiến thức về quá trình sinh sản ở các loài sinh vật.

Lời giải chi tiết:

Các ví dụ trên chứng minh thực vật sinh sản phụ thuộc vào độ tuổi.

Chọn C.

Câu 23. 

Trong cơ thể người, nước và chất dinh dưỡng được vận chuyển đến các tế bào và các cơ quan trong cơ thể thông qua hoạt động của

A. hệ tuần hoàn.              B. hệ hô hấp.                   C. hệ bài tiết.                    D. hệ thần kinh.

Phương pháp giải:

Trong cơ thể người, nước và chất dinh dưỡng được vận chuyển đến các tế bào và các cơ quan trong cơ thể thông qua hoạt động của hệ tuần hoàn.

Lời giải chi tiết:

Chọn A.

Câu 24. 

Loài nào sau đây sinh sản vô tính bằng hình thức nảy chồi?

A. Bọt biển.                      B. Amip.                C. Thuỷ tức.                     D. Vi khuẩn E.coli.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về quá trình sinh sản vô tính ở động vật.

Lời giải chi tiết:

Loài sinh vật sinh sản bằng hình thức nảy chồi là thủy tức.

Chọn C.

Câu 25. 

Đối với động vật đẻ trứng, sự thụ tinh diễn ra

A. ngoài môi trường cạn.

B. ngoài môi trường nước.

C. ngoài môi trường nước hoặc trong cơ thể mẹ.

D. ngoài môi trường cạn hoặc ngoài môi trường nước.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về quá trình sinh sản hữu tính ở động vật.

Lời giải chi tiết:

Đối với động vật đẻ trứng, sự thụ tinh diễn ra ngoài môi trường nước hoặc trong cơ thể mẹ.

Chọn C.

Câu 26. 

Đa số các thực vật trên cạn hấp thụ nước và muối khoáng chủ yếu nhờ

A. tế bào lông hút.                                                      B. tế bào thịt vỏ.

C. tế bào trụ dẫn.                                                       D. tế bào mạch gỗ.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về quá trình hấp thụ và vận chuyển các chất trong cây.

Lời giải chi tiết:

Đa số các thực vật trên cạn hấp thụ nước và muối khoáng chủ yếu nhờ tế bào lông hút.

Chọn A.

Câu 27. 

Sự thống nhất về mặt cấu trúc trong cơ thể đa bào được thể hiện qua các cấp độ tổ chức lần lượt là

A. tế bào – mô – cơ quan – hệ cơ quan – cơ thể.

B. tế bào – mô – hệ cơ quan – cơ quan – cơ thể.

C. tế bào – cơ quan – hệ cơ quan – mô – cơ thể.

D. tế bào – cơ quan – mô – hệ cơ quan – cơ thể.

Phương pháp giải:

Sự thống nhất về mặt cấu trúc trong cơ thể đa bào được thể hiện qua các cấp độ tổ chức lần lượt là tế bào – mô – cơ quan – hệ cơ quan – cơ thể.

Lời giải chi tiết:

Chọn A.

Câu 28. 

Ưu điểm của hình thức sinh sản hữu tính so với hình thức sinh sản vô tính là

A. có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái giúp duy trì khả năng thích nghi của thế hệ sau với môi trường sống ổn định.

B. có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái giúp tăng khả năng thích nghi của thế hệ sau với sự thay đổi của môi trường sống.

C. có thể tạo ra được một số lượng cá thể con rất lớn trong một khoảng thời gian ngắn từ một cá thể mẹ ban đầu.

D. có thể thực hiện được ngay cả trong trường hợp số lượng cá thể của loài bị giảm sút nghiêm trọng.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về quá trình sinh sản ở sinh vật.

Lời giải chi tiết:

Ưu điểm của hình thức sinh sản hữu tính so với hình thức sinh sản vô tính là có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái giúp tăng khả năng thích nghi của thế hệ sau với sự thay đổi của môi trường sống.

Chọn B.

B. Phần tự luận (3 điểm)

Câu 1 (2 điểm). 

Phát biểu khái niệm sinh trưởng và phát triển. Sinh trưởng và phát triển có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật.

Lời giải chi tiết:

- Sinh trưởng là sự tăng về kích thước và khối lượng của cơ thể do sự tăng lên về số lượng và kích thước tế bào, nhờ đó cơ thể lớn lên.

- Phát triển bao gồm sinh trưởng, phân hóa tế bào, phát sinh hình thái cơ quan và cơ thể.

- Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển: Trong vòng đời của sinh vật, các giai đoạn sinh trưởng và phát triển diễn ra đan xen với nhau. Sinh trưởng gắn với phát triển và phát triển dựa trên cơ sở của sinh trưởng. Do đó, nếu không có sinh trưởng sẽ không có phát triển và ngược lại.

Câu 2 (1 điểm). 

Phân biệt hình thức đẻ trứng và đẻ con ở động vật. Vẽ sơ đồ mô tả các giai đoạn của quá trình sinh sản hữu tính ở gà.

Phương pháp giải:

Hình thức đẻ trứng: phối sẽ phát triển trong trứng và sử dụng chất dinh dưỡng trong trứng để sinh trưởng và phát triển.

Hình thức đẻ con: phôi sẽ phát triển trong tử cung của mẹ, sử dụng chất dinh dưỡng được truyền trực tiếp từ máu mẹ để sinh trưởng và phát triển.

 

Lời giải chi tiết:

Ở động vật đẻ trứng (ví dụ: rùa, rắn, một số loài cá, gà), phôi phát triển ngoài cơ thể mẹ, vì vậy phôi và con non ít được bảo vệ.

Ở động vật đẻ con (ví dụ: chó, lơn, thỏ, mèo), phôi được hình thành và phát triển trong cơ thể mẹ nên được bảo vệ an toàn, tránh được các tác nhân từ bên ngoài nên khả năng sống sót cao hơn.