Đề thi học kì 1 Văn 7 Chân trời sáng tạo - Đề số 12
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (4đ)
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới
VẺ ĐẸP CỦA BÀI THƠ NẮNG HỒNG
Nguyễn Văn Thanh
NẮNG HỒNG
Bảo Ngọc
Cả mùa đông lạnh giá Mặt trời trốn đi đâu Cây khoác tấm áo nâu Áo trời thì xám ngắt
Se sẻ giấu tiếng hát Núp sâu trong mái nhà Cả chị ong chăm chỉ Cũng không đến vườn hoa
Mưa phùn giăng đầy ngõ Bảng lảng như sương mờ Bếp nhà ai nhóm lửa Khói lên trời đong đưa |
Ngõ quê in chân nhỏ Lối quê gió lạnh đầy Nép mình trong áo ấm Vẫn cóng buốt bàn tay
Màn sương ôm dáng mẹ Chợ xa đang về rồi Chiếc áo choàng màu đỏ Như đốm trắng đang trôi
Mẹ bước chân đến cửa Mang theo giọt nắng hồng Trong nụ cười của mẹ Cả mùa xuân sáng bừng |
Nhà thơ nữ Bảo Ngọc tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngọc quê Khoái Châu, Hưng Yên hiện công tác ở báo Thiếu niên Tiền phong vừa cho ra đời tập thơ viết cho thiếu nhi “Gõ cửa nhà trời” (Tháng 3- 2019). Bài thơ “Nắng hồng” là một trong ba mươi chín bài thơ trong tập thơ đó của chị.
Bài thơ viết về một miền quê có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mà mùa đông là mùa trẻ em không thích nhất. Chả thế mà mỗi khi mùa đông đến các cô bé, cậu bé đều muốn “gõ cửa nhà trời” để hỏi cho ra lẽ. Những ngày này “mặt trời trốn đi đâu” để cho muôn loài phải thay đổi cả diện mạo bề ngoài lẫn lối sống thường nhật, nào là: “Cây khoác áo màu nâu/ Áo trời thì xám ngắt”. Nào là loài ong là loài cần mẫn, siêng năng, chăm chỉ chuyên đi tìm hoa làm mật cũng phải bỏ việc nằm nhà. Nào là se sẻ hay bay nhảy và ríu rít luôn mồm cũng phải thay đổi cả lối sống của riêng mình: “Se sẻ giấu tiếng hát/ Núp sâu trong mái nhà/ Cả chị ong chăm chỉ/ Cũng không đến vườn hoa...”. Se sẻ mà phải giấu tiếng kêu, ong mà đành chịu nằm tổ không đi tìm hoa là một chuyện cực kỳ hiếm gặp. Vì đâu có những hiện tượng lạ đời đó? Tất cả cũng bởi thời tiết mùa đông luôn khắc nghiệt “Mưa phùn giăng đầy ngõ/ Bảng lảng như sương mờ” Mưa và gió lạnh đến nỗi “Bếp nhà ai nhóm lửa/ Khói lên trời đung đưa”. Khói bếp mùa đông không thể bay thẳng một mạch lên trời như các mùa khác được mà muốn bay lên trời khói phải oằn mình uốn lượn nhiều lần bởi độ ẩm không khí quá cao lại cộng thêm tác động của mưa và gió. Mặt khác cái lạnh ở nông thôn hình như cũng lạnh hơn thành phố rất nhiều: “Ngõ quê in chân nhỏ/ Lối quê gió lạnh đầy”. Ở thành phố nhà chen nhà, mật độ dân số dày đặc tỏa ra một lượng nhiệt đáng kể để dễ dàng xua bớt cái rét đi một ít còn ở quê thì ngược lại: “Nép mình trong áo ấm/ Vẫn cóng buốt bàn tay”.
Khi các em đầm mình trong cái rét buốt của mùa đông ở nông thôn nhà thơ Bảo Ngọc giúp các em tìm lại cái ấm áp của “giọt nắng hồng” mùa xuân qua hình ảnh người mẹ đi chợ về. Hình ảnh quen thuộc ở mọi miền quê: “Màn sương ôm dáng mẹ/ Chợ xa đang về rồi/ Chiếc áo choàng màu đỏ/ Như đốm nắng đang trôi”. Trong tay chiếc áo choàng màu đỏ bình dị đó là tình thương yêu vô bờ bến của người mẹ dành cho con mình, cơ man nào là quà bánh dành cho bé mỗi lần mẹ đi chợ về. Nó làm ấm lòng bé mỗi khi nhìn thấy vóc dáng mẹ xuất hiện từ xa nhà thơ Bảo Ngọc dùng ngôn ngữ thơ với vài nét phác họa để làm đậm nét thêm tựa như đốm nắng mùa xuân giữa trời đông lạnh giá. Khổ thơ này và khổ cuối nhà thơ là muốn nhắn nhủ với các em rằng mẹ là cả một mùa xuân nồng ấm khi hình tượng của người mẹ. Cái cốt lõi nhất và cũng là điều mong ước nhất của có mẹ thì mùa đông không còn đáng sợ nữa và nó cũng tự biết phải lùi xa: “Mẹ bước chân đến cửa/ Mang theo giọt nắng hồng/ Trong nụ cười của mẹ/ Cả mùa xuân sáng bừng”.
(http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/tho-chon-va-loi-binhnang-hong 1574216503.html)
Câu hỏi
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại/tiểu loại nào?
A. Văn bản thơ.
B. Văn bản nghị luận – Nghị luận văn học.
C. Văn bản nghị luận xã hội.
D. Văn bản tản văn.
Câu 2. Đối tượng nghị luận của văn bản là:
A. Thể thơ năm chữ.
B. Cảm xúc trong thơ.
C. Bài thơ Nắng hồng.
D. Vẻ đẹp của thơ ca.
Câu 3. Nhan đề “VẺ ĐẸP CỦA BÀI THƠ NẮNG HỒNG” cung cấp người đọc những thông tin gì của văn bản?
A. Nội dung ( vẻ đẹp); phạm vi (bài thơ Nắng hồng).
B. Đối tượng bàn luận.
C. Mức độ bàn luận.
D. Các quan điểm khác nhau về vấn đề.
Câu 4. Câu nêu ý kiến/luận điểm 1 (ở đoạn số 2) của văn bản là:
A. Mùa đông là mùa trẻ em không thích nhất.
B. Bài thơ viết về một miền quê có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
C. Những ngày này “mặt trời trốn đi đâu” để cho muôn loài phải thay đổi cả diện mạo bề ngoài lẫn lối sống thường nhật.
D. Tất cả cũng bởi thời tiết mùa đông luôn khắc nghiệt.
Câu 5. Câu “Nào là loài ong là loài cần mẫn, siêng năng, chăm chỉ chuyên đi tìm hoa làm mật cũng phải bỏ việc nằm nhà” là câu:
A. Nêu ý kiến.
B. Lí lẽ.
C. Dẫn chứng gián tiếp.
D. Kết luận.
Câu 6. Đoạn văn bản từ “ Bài thơ viết về...” đến “Vẫn cóng buốt bàn tay”, tác giả đã sử dụng những thao tác lập luận nào?
A. Phân tích, chứng minh, bình luận, tổng hợp.
B. Phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh.
C. Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
D. Phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ.
Câu 7. Hai dòng thơ “Bếp nhà ai nhóm lửa/Khói lên trời đung đưa” chứng minh
điều gì?
A. Tất cả cũng bởi thời tiết mùa đông luôn khắc nghiệt.
B. Khói bếp mùa đông không thể bay thẳng một mạch lên trời như các mùa khác được mà muốn bay lên trời khói phải oằn mình uốn lượn nhiều lần...
C. Cái lạnh ở nông thôn hình như cũng lạnh hơn thành phố rất nhiều.
D. Cái lạnh khiến loài ong là loài cần mẫn cũng phải bỏ việc nằm nhà.
Câu 8. Câu nêu ý kiến/luận điểm 2 (ở đoạn số 3) của văn bản là:
A. Dáng mẹ xuất hiện từ xa tựa như đốm nắng mùa xuân giữa trời đông lạnh giá.
B. Nhà thơ là muốn nhắn nhủ với các em rằng mẹ là cả một mùa xuân nồng ấm khi có mẹ thì mùa đông không còn đáng sợ nữa.
C. Nhà thơ Bảo Ngọc giúp các em tìm lại cái ấm áp của “giọt nắng hồng” mùa xuân qua hình ảnh người mẹ đi chợ về.
D. Mùa đông cũng tự biết phải lùi xa.
Câu 9. Em có đồng ý với nhận định của bài viết: Cái cốt lõi nhất và cũng là điều mong ước nhất của nhà thơ là muốn nhắn nhủ với các em rằng mẹ là cả một mùa xuân nồng ấm khi có mẹ thì mùa đông không còn đáng sợ nữa và nó cũng tự biết phải lùi xa: “Mẹ bước chân đến cửa/ Mang theo giọt nắng hồng/ Trong nụ cười của mẹ/ Cả mùa xuân sáng bừng” không? Vì sao? (trả lời 6-8 dòng) (1đ)
Câu 10. Theo em, vẻ đẹp của bài thơ “Nắng hồng” đã được tác giả chứng minh ở những phương diện nào? Em hãy đọc kĩ bài thơ và bổ xung thêm một vẻ đẹp mà mình cảm nhận được (trả lời 4-6 dòng) (1đ)
II. TẠO LẬP VĂN BẢN (4đ)
Quan sát 2 bức ảnh sau và trả lời câu a,b
a. Xác định bức ảnh gợi liên tưởng đến văn bản đọc, làm rõ sự liên tưởng, liên quan đó (1đ)
b. Đặt tên cho từng bức ảnh và viết bài văn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của em về 2 bức ảnh trên (dài từ 1 -1,5 trang) (3đ)
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 |
Câu 2 |
Câu 3 |
Câu 4 |
Câu 5 |
Câu 6 |
Câu 7 |
Câu 8 |
B |
C |
A |
A |
B |
B |
B |
C |
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại/tiểu loại nào? A. Văn bản thơ. B. Văn bản nghị luận – Nghị luận văn học. C. Văn bản nghị luận xã hội. D. Văn bản tản văn. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức về dấu hiệu nhận biết các thể loại
Lời giải chi tiết:
Văn bản trên thuộc thể loại văn bản nghị luận/ nghị luận văn học
→ Đáp án B
Câu 2. Đối tượng nghị luận của văn bản là: A. Thể thơ năm chữ. B. Cảm xúc trong thơ. C. Bài thơ Nắng hồng. D. Vẻ đẹp của thơ ca. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản và tiêu đề
Lời giải chi tiết:
Đối tượng nghị luận của văn bản là Bài thơ Nắng hồng
→ Đáp án C
Câu 3. Nhan đề “VẺ ĐẸP CỦA BÀI THƠ NẮNG HỒNG” cung cấp người đọc những thông tin gì của văn bản? A. Nội dung ( vẻ đẹp); phạm vi (bài thơ Nắng hồng). B. Đối tượng bàn luận. C. Mức độ bàn luận. D. Các quan điểm khác nhau về vấn đề. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ nhan đề văn bản
Lời giải chi tiết:
Nhan đề “VẺ ĐẸP CỦA BÀI THƠ NẮNG HỒNG” cung cấp người đọc những thông tin: Nội dung ( vẻ đẹp); phạm vi (bài thơ Nắng hồng)
→ Đáp án A
Câu 4. Câu nêu ý kiến/luận điểm 1 (ở đoạn số 2) của văn bản là: A. Mùa đông là mùa trẻ em không thích nhất. B. Bài thơ viết về một miền quê có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. C. Những ngày này “mặt trời trốn đi đâu” để cho muôn loài phải thay đổi cả diện mạo bề ngoài lẫn lối sống thường nhật. D. Tất cả cũng bởi thời tiết mùa đông luôn khắc nghiệt. |
Phương pháp giải
Đọc kĩ đoạn 2 và tìm ra luận điểm
Lời giải chi tiết
Câu nêu ý kiến/luận điểm 1 (ở đoạn số 2) của văn bản là Mùa đông là mùa trẻ em không thích nhất
→ Đáp án A
Câu 5. Câu “Nào là loài ong là loài cần mẫn, siêng năng, chăm chỉ chuyên đi tìm hoa làm mật cũng phải bỏ việc nằm nhà” là câu: A. Nêu ý kiến. B. Lí lẽ. C. Dẫn chứng gián tiếp. D. Kết luận. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ câu văn và đối chiếu với văn bản
Lời giải chi tiết:
Câu trên là câu nêu lí lẽ
→ Đáp án B
Câu 6. Đoạn văn bản từ “ Bài thơ viết về...” đến “Vẫn cóng buốt bàn tay”, tác giả đã sử dụng những thao tác lập luận nào? A. Phân tích, chứng minh, bình luận, tổng hợp. B. Phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh. C. Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận. D. Phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn văn
Nhớ lại kiến thức về những thao tác lập luận
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn trên sử dụng các thao tác: Phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh
→ Đáp án B
Câu 7. Hai dòng thơ “Bếp nhà ai nhóm lửa/Khói lên trời đung đưa” chứng minh điều gì? A. Tất cả cũng bởi thời tiết mùa đông luôn khắc nghiệt. B. Khói bếp mùa đông không thể bay thẳng một mạch lên trời như các mùa khác được mà muốn bay lên trời khói phải oằn mình uốn lượn nhiều lần... C. Cái lạnh ở nông thôn hình như cũng lạnh hơn thành phố rất nhiều. D. Cái lạnh khiến loài ong là loài cần mẫn cũng phải bỏ việc nằm nhà. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ hai dòng thơ
Chú ý các hình ảnh: bếp, khói,…
Lời giải chi tiết:
Hai dòng thơ chứng minh: Khói bếp mùa đông không thể bay thẳng một mạch lên trời như các mùa khác được mà muốn bay lên trời khói phải oằn mình uốn lượn nhiều lần...
→ Đáp án B
Câu 8. Câu nêu ý kiến/luận điểm 2 (ở đoạn số 3) của văn bản là: A. Dáng mẹ xuất hiện từ xa tựa như đốm nắng mùa xuân giữa trời đông lạnh giá. B. Nhà thơ là muốn nhắn nhủ với các em rằng mẹ là cả một mùa xuân nồng ấm khi có mẹ thì mùa đông không còn đáng sợ nữa. C. Nhà thơ Bảo Ngọc giúp các em tìm lại cái ấm áp của “giọt nắng hồng” mùa xuân qua hình ảnh người mẹ đi chợ về. D. Mùa đông cũng tự biết phải lùi xa. |
Phương pháp giải
Đọc kĩ đoạn 3
Lời giải chi tiết
Câu nêu ý kiến ở đoạn 3 là: Nhà thơ Bảo Ngọc giúp các em tìm lại cái ấm áp của “giọt nắng hồng” mùa xuân qua hình ảnh người mẹ đi chợ về
→ Đáp án C
Câu 9. Em có đồng ý với nhận định của bài viết: Cái cốt lõi nhất và cũng là điều mong ước nhất của nhà thơ là muốn nhắn nhủ với các em rằng mẹ là cả một mùa xuân nồng ấm khi có mẹ thì mùa đông không còn đáng sợ nữa và nó cũng tự biết phải lùi xa: “Mẹ bước chân đến cửa/ Mang theo giọt nắng hồng/ Trong nụ cười của mẹ/ Cả mùa xuân sáng bừng” không? Vì sao? (trả lời 6-8 dòng) (1đ)
Phương pháp giải:
Đọc lại bài thơ Nắng hồng và đối chiếu với nhận định
Lời giải chi tiết:
- Nhận xét sự thuyết phục của nhận định (bài thơ, cảm nhận của cá nhân là cơ sở khẳng định sức thuyết phục của nhận định)
- Kết nối các thông tin trên để trả lời/ thể hiện ý kiến cá nhân cho mạch lạc
Câu 10. Theo em, vẻ đẹp của bài thơ “Nắng hồng” đã được tác giả chứng minh ở những phương diện nào? Em hãy đọc kĩ bài thơ và bổ xung thêm một vẻ đẹp mà mình cảm nhận được (trả lời 4-6 dòng) (1đ)
Phương pháp giải:
Nêu ý kiến của bản thân
Lời giải chi tiết:
- Ở các phương diện: nội dung, nghệ thuật, giá trị tư tưởng/ bức thông điệp của bài thơ (HS nói rõ từng phương diện)
- HS bổ xung sự cảm nhận của cá nhân về vẻ đẹp của bài thơ như: nội dung, hình ảnh thơ, các biện pháp tu từ, cảm xúc của tác giả, cảm xúc của chính mình khi đọc bài thơ. Hoặc những hiểu biết thú vị về mùa đông ở nông thôn; Cảm nhận riêng về hình tượng người mẹ trong bài thơ
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (4đ)
Quan sát 2 bức ảnh sau và trả lời câu a,b
a. Xác định bức ảnh gợi liên tưởng đến văn bản đọc, làm rõ sự liên tưởng, liên quan đó (1đ)
b. Đặt tên cho từng bức ảnh và viết bài văn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của em về 2 bức ảnh trên (dài từ 1 -1,5 trang) (3đ)
Phương pháp giải:
Quan sát kĩ 2 bức ảnh và rút ra nội dung chính
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã được học để viết bài văn
Lời giải chi tiết:
a.
- HS tự thể hiện sự cảm nhận, liên tưởng của bản thân, tùy ý chọn ảnh
- Tham khảo gợi ý: Bức ảnh số 2 – người mẹ mặc áo đỏ; người mẹ khiến mưa gió lùi xa con
b.- HS tự đặt tên theo ý của mình (tên gợi được một đặc điểm nổi bật, hoặc đề tài, ý nghĩa bức ảnh, tránh suy diễn vô căn cứ)
- Có thể tham khảo gợi ý: Bức ảnh 1: Những đứa trẻ đói khát; bơ vơ…
Bức ảnh 2- Mẹ và con trai trong lũ; mẹ yêu con; không ướt giày…
Cảm xúc, suy nghĩ của em về 2 bức ảnh |
||
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,5 |
- Giới thiệu 2 bức ảnh - Nêu ấn tượng khái quát (của cá nhân) về 2 bức ảnh |
Thân bài |
2,5 |
- Về bức ảnh 1: gọi tên, mô tả sơ lược về hình ảnh chính của 2 bức ảnh (những đứa trẻ châu Phi đói nghèo, cực khổ) + Nhận thức – cảm xúc -suy nghĩ - Về bức ảnh 2: gọi tên, mô tả sơ lược về hình ảnh chính của bức ảnh (con trai lớn ngồi trên xe để mẹ dắt trông rất khó coi…) + Nhận thức – cảm xúc – suy nghĩ - Nhận thức về 2 cảnh ngộ trái ngược trong 2 bức ảnh - Rút ra nhận xét, đánh giá, nhận thức của cá nhân |
Kết bài |
0,5 |
- Sự tác động của 2 bức ảnh tới cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức, hành động của bản thân… |
Yêu cầu khác |
0,5 |
- Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận: sự phản bác, sự xót thương…) - Phân tích, suy luận, bình luận phù hợp hình ảnh (ở từng bức ảnh), phù hợp với văn hóa dân tộc… |
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề thi học kì 1 Văn 7 Chân trời sáng tạo - Đề số 12 timdapan.com"