Đề thi học kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 1
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
Đề thi
Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả dập dờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt trời vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
(Nguyễn Đình Thi, Việt Nam quê hương ta)
Câu 1. Khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu đáp án đúng cho mỗi câu hỏi sau:
1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
A. Thể thơ lục bát
B. Thể thơ sáu chữ
C. Thể thơ tám chữ
D. Thể thơ tự do
2. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là gì?
A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Biểu cảm
D. Nghị luận
3. Chủ đề của đoạn trích trên là gì?
A. Tình cảm gia đình
B. Tình yêu quê hương đất nước
C. Truyền thống văn hóa dân tộc
D. Đấu tranh xây dựng đất nước
4. Từ nào sau đây không cùng loại với các từ còn lại?
A. Đất nước
B. Quê hương
C. Thương đau
D. Gái trai
Câu 2. Chỉ ra các tiếng mang vần trong 4 câu thơ đầu.
Câu 3. Tìm và chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.
Câu 4. Cảm nhận của em về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong đoạn thơ trên (viết khoảng 5 dòng).
Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Em hãy viết một đoạn văn miêu tả một cảnh đẹp thiên nhiên mà em biết. Trong đoạn văn có sử dụng phép so sánh (hoặc ẩn dụ/ hoán dụ) và 2 từ láy. Chỉ rõ biện pháp tu từ và các từ láy đã sử dụng.
Câu 2. Cảm nhận của em về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích “Trong lòng mẹ”.
Đáp án
Phần I:
Câu 1 (1 điểm):
1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào? A. Thể thơ lục bát B. Thể thơ sáu chữ C. Thể thơ tám chữ D. Thể thơ tự do |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ, chú ý số tiếng từng dòng
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích trên được viết theo thể thơ lục bát
=> Đáp án: A
2. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là gì? A. Tự sự B. Miêu tả C. Biểu cảm D. Nghị luận |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn thơ
Lời giải chi tiết:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là Biểu cảm
=> Đáp án: C
3. Chủ đề của đoạn trích trên là gì? A. Tình cảm gia đình B. Tình yêu quê hương đất nước C. Truyền thống văn hóa dân tộc D. Đấu tranh xây dựng đất nước |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn thơ
Lời giải chi tiết:
Chủ đề của đoạn trích trên là: Tình yêu quê hương đất nước
=> Đáp án: B
4. Từ nào sau đây không cùng loại với các từ còn lại? A. Đất nước B. Quê hương C. Thương đau D. Gái trai |
Phương pháp giải:
Dựa vào nghĩa của từ
Lời giải chi tiết:
Từ nào “Thương đau” không cùng loại với các từ còn lại
=> Đáp án: C
Câu 2 (0,5 điểm):
Chỉ ra các tiếng mang vần trong 4 câu thơ đầu. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn thơ
Lời giải chi tiết:
Các chữ mang vần:
- ơi – trời
- hơn – rờn – Sơn
Câu 3 (0,5 điểm):
Tìm và chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên. |
Phương pháp giải:
Xác định và chỉ ra biện pháp tu từ
Lời giải chi tiết:
Chọn một trong các biện pháp sau:
- Nhân hóa: Việt Nam đất nước ta ơi.
- So sánh: Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
- Hoán dụ: Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên.
Câu 4 (1 điểm):
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong đoạn thơ trên (viết khoảng 5 dòng). |
Phương pháp giải:
Nêu cảm nhận của bản thân
Lời giải chi tiết:
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong đoạn thơ. Đó là:
- Vẻ đẹp bình dị, ấm no, trù phú của đất nước
- Vẻ đẹp về phẩm chất của những con người trung hậu, đảm đang, son sắt thủy chung, cần cù lam lũ, gan dạ trong chiến đấu mà hiền làn trong đời thường.
Phần II (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Em hãy viết một đoạn văn miêu tả một cảnh đẹp thiên nhiên mà em biết. Trong đoạn văn có sử dụng phép so sánh (hoặc ẩn dụ/ hoán dụ) và 2 từ láy. Chỉ rõ biện pháp tu từ và các từ láy đã sử dụng. |
Phương pháp giải:
Xác định nội dung chủ yếu: miêu tả một cảnh đẹp thiên nhiên và viết đoạn văn
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn tham khảo:
Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên) quê em là thắng cảnh đẹp nổi tiếng không chỉ trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn vang danh với cả bạn bè quốc tế bởi vẻ đẹp độc đáo và hùng vĩ của thiên nhiên. Ghềnh Đá Đĩa được xem là một địa danh du lịch đầy ký thú với sự kết hợp tuyệt vời của đá, nước và bầu trời bao la. Từ trên cao, ghềnh đá như một tổ ong khổng lồ, đen bóng và gồ ghề. Hoặc có thể ví như những chiếc đĩa, lổm nhổm, xếp chồng lên nhau trong lò gạch. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban cho vẻ đẹp nên thơ trữ tình, hài hòa non nước, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Nếu đến tận nơi quan sát, đứng trên bờ biển tận mắt chứng kiến, chúng ta sẽ cảm nhận được sự kì diệu mà thiên nhiên mang lại cho nơi đây. Những viên đá với hình thù khác nhau, nằm lộn xộn như chồng chén, đĩa trong các lò gốm sứ. Sóng biển nơi đây cũng mạnh lạ kì. Ngày đêm vỗ bờ, tạo nên bọt trắng xóa cả một vùng. Mảnh đất Phú Yên đầy nắng và gió đã được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho những danh lam thắng cảnh và những kỳ quan thiên nhiên kỳ thú, mê hoặc lòng người – Ghềnh Đá Đĩa là một trong những kỳ quan như thế.
- Phép so sánh:
+ ghềnh đá như một tổ ong khổng lồ, đen bóng và gồ ghề;
+ Những viên đá với hình thù khác nhau, nằm lộn xộn như chồng chén, đĩa trong các lò gốm sứ;
- Từ láy: độc đáo, lổm nhổm, lộn xộn
Câu 2 (5 điểm):
Cảm nhận của em về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích “Trong lòng mẹ”. |
Phương pháp giải:
Nêu cảm nhận của bản thân em
Lời giải chi tiết:
Dàn ý tham khảo:
1. Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm, nhân vật.
- Nguyên Hồng, một nhà văn của trẻ em và người phụ nữ. Những trang viết của ông luôn thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân đạo sâu sắc về con người.
- Đoạn trích “Trong lòng mẹ”, nhà văn đã để lại cho ta ấn tượng sâu đậm về nhân vật bé Hồng và gợi cho ta suy nghĩ, lắng lòng mình để hiểu thêm về những số phận cùng cảnh ngộ.
2. Thân bài: Cảm nhận về nhân vật bé Hồng
- Nhân vật bé Hồng là một người con hiếu thảo, giàu lòng yêu thương mẹ
+ Suốt gần một năm trời sống bơ vơ và đói rách giữa thái độ ghẻ lạnh và nhất là những lời lẽ cay nghiệt của người cô nói xấu mẹ mình, lòng yêu thương mẹ của Hồng không vì thế mà suy giảm. Ngược lại, bé càng thông cảm với mẹ hơn. Hồng đã rất sớm nhận ra cái bất công của cổ tục làm khổ nhục mẹ mình và xót xa mẹ đến “cổ họng nghẹn ứ” muốn “vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiền cho kỳ nát vụn mới thôi” cái cổ tục ấy nếu nhưu nó cụ thể như hòn đá, cục thủy tinh.
+ Lòng thương yêu, kính trọng mẹ đã giúp Hồng trước nhận ra rõ những ác ý của người cô cay nghiệt đối với mẹ mình và thấy mẹ mình được che chở, phải được sống đàng hoàng giữa cuộc đời.
+ Hồng luôn yêu thương và nghĩ về mẹ, nên bé Hồng luôn cảm thấy buồn tủi trong cảnh sống nhờ. Trước thái độ miệt thị của người cô, Hồng “im lặng, cúi đầu xuống đất, lòng thắt lại, khóe mắt cay cay”, có lúc “nước mắt tôi đã ròng ròng…” khi người mẹ xiết mãi nỗi đau ấy. Ngay cả lúc bất ngờ gặp mẹ, nỗi mừng của Hồng cũng… chứa cái tủi, khiến chú “òa lên khóc, rồi cứ thế nức nở” trong lòng mẹ.
- Tình yêu thương mẹ của bé Hồng được cụ thể hóa bằng nỗi khát khao được gặp mẹ, và niềm hạnh phúc mãnh liệt trào dâng khi được gặp mẹ mình.
+ Nỗi khao khát ấy thể hiện rõ trong bước chạy “ríu cả chân lại” của chú bé. Nỗi khao khát ấy khiến chú bé hình dung đến sự tuyệt vọng ghê gớm của người đi giữa sa mạc gặp ảo ảnh dòng nước, nếu bị nhận lầm dáng mẹ.
+ Trong lòng chú bé, nguyên vẹn người mẹ rất đáng yêu, rất đẹp với “gương mặt vẫn tươi sáng, đôi mắt trong và nước da mịn… tươi đẹp như thuở còn sung túc”. Trong sâu thẳm cảm giác vẫn nguyên sự ấm áp “mơn man khắp da thịt”, “hơi quần áo… hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra thơm tho lạ thường”. Như vậy, tình yêu thương mẹ của chú bé Hồng đã vượt qua cả những điều cổ hủ, những định kiến ác ý.
+ Cảm giác ấm áp sung sướng tuyệt vời “đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt” khi được trong lòng mẹ, cho ta thấy nỗi khao khát ấy cụ thể, xúc động biết chừng nào. Phải như bé Hồng trong phút lăn vào lòng mẹ, “được bàn tay mẹ vuốt ve và gãi rôm ở sống lưng cho”, mới cảm thấy hết một nỗi “êm dịu vô cùng” mà chỉ mẹ mới có thể cho ta. Tình cảm mãnh liệt và cháy bỏng ấy càng cho ta hiểu thêm về sức mạnh và sự quý giá của tình mẫu tử thiêng liêng.
3. Kết bài: Đánh giá chung về nhân vật bé Hồng và giá trị đoạn trích
- Qua đoạn trích, chú bé Hồng hiện lên là người dũng cảm, và đặc biệt là giàu lòng yêu thương mẹ.
- Đoạn trích ca ngợi tình mẫu tử là bất diệt, thiêng liêng, là mạnh mẽ vô biên ở bất cứ hoàn cảnh nào. Và nó chính là thứ hạnh phúc giản dị mà cao quý nhất trên cõi đời này.
- Bé Hồng gợi lên trong ta bài học cuộc sống: phải biết cảm thông với những mảnh đời bất hạnh; cần biết trân trong và yêu thương mẹ, người đã hi sinh cả cuộc đời vì ta.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề thi học kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 1 timdapan.com"