Đề thi giữa kì 2 Văn 8 Chân trời sáng tạo - Đề số 6

Đề thi giữa kì 2 Văn 8 bộ sách chân trời sáng tạo đề số 6 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề thi

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (4 điểm)

Đọc văn bản sau:

Giới thiệu cuốn sách hay: “Búp sen xanh” của tác giả Sơn Tùng

Ca ngợi Bác Hồ, ca dao Việt Nam có câu:

"Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ"

Trong số những tác phẩm viết về cuộc đời Hồ Chủ tịch, tiểu thuyết Búp sen xanh của tác giả Sơn Tùng ra đời năm 1982 là một thành công lớn của nền văn học Việt Nam. Sơn Tùng đã viết thành công bởi ông có tấm lòng thành kính đặc biệt đối với Bác và nguyện vọng thiết tha được viết về Bác. Là thương binh nặng loại 6/8, Sơn Tùng đi lại rất khó khăn, nhưng ông đã vượt qua mọi gian khổ, đi nhiều, tìm hiểu kỹ lưỡng để cho ra đời Búp sen xanh.

Búp sen xanh đã dựng lại quãng đời niên thiếu của Bác Hồ một cách công phu, thể hiện quá trình hình thành tính cách của bậc vĩ nhân mà tầm tư tưởng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, được cả thế giới ngưỡng mộ. Sinh ra và được giáo dục trong một gia đình nho học nghèo yêu nước, luôn gần gũi với nhân dân lao động, được truyền thống quê hương hun đúc, cậu bé Côn vốn thông minh ham hiểu biết đã dần dần hình thành chí lớn đi tìm đường cứu nước, để rồi về sau trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta. Nội dung câu chuyện được tác giả kể thật hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Ta hãy Nghệ An những năm 1890: Tại làng Chùa, huyện Nam Đàn đang diễn ra một sự kiện trọng đại của một gia đình... Trong làng Chùa nhòe khói sương lam, cánh cổng trống làm bằng khung tre kết cành rào, hình chữ nhật đã được sập xuống, cải chặt. Khu vườn nhà ông đồ Hoàng Xuân Đường trở nên một cõi riêng biệt, kín bưng. Hương sen từ ngoài đồng bay theo gió pha lẫn mùi bồ kết cháy từ nồi than trong buồng toả ra ngào ngạt. Bà Hoàng Thị Loan vừa sinh hạ người con thứ ba. Khi ấy chưa ai biết rằng ngày này sẽ trở thành một mốc son lịch sử, không chỉ cho gia đình thầy Nguyễn Sinh Sắc, mà cho cả đất nước Việt Nam. Đó là ngày chú bé Nguyễn Sinh Côn – Hồ Chí Minh ra đời. “Tôi đặt tên cho cháu là Côn, tự là Tất Thành”, ông ngoại Côn giải thích. Tại sao ông ngoại lại đặt cho cậu bé cái tên như vậy? Cái tên ấy có ý nghĩa gì? Trong Búp sen xanh đã giải thích thật lý thú. Với tấm lòng kính yêu lãnh tụ vô hạn, Sơn Tùng trung thành với sự thật lịch sử và đã thể hiện thành công tính cách nhân vật chính. Một số chi tiết và nhân vật phụ cũng được thể hiện thành công, góp phần khắc hoạ rõ nét tính cách nhân vật trung tâm, thể hiện rõ chủ đề tư tưởng. Đó là sự sáng tạo hợp lý và cần thiết. Nhân vật Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Bác Hồ, là một nhà trí thức yêu nước. Qua việc mô tả nhân vật này, tác giả làm sống lại không khí một giai đoạn lịch sử giao thời giữa hai thế hệ đang tìm đường cứu nước. Tác phẩm còn đề cập tới một loạt nhân vật lịch sử có thật như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Vương Thúc Quý... Mỗi nhân vật mang một nét riêng, nhưng tất cả tạo nên bức tranh toàn cảnh về một lớp người trí thức yêu nước cuối thế kỉ hai mươi.

Búp sen xanh cũng làm sống lại những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc. Đó là tính hiếu học, tình thày trò, tình làng nghĩa xóm, tình bạn… Những sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát phường vải, múa đèn, hát xẩm…

Bằng vốn tư liệu phong phú và chân thực, đi sâu khai thác nhiều chi tiết điển hình, tác giả đem đến cho bạn đọc những trang tiểu thuyết hấp dẫn đến bùi ngùi cảm động. Chuyện cậu Côn ngồi nghe bà ngoại kể về thân phận người cha mồ côi của mình được ông ngoại nhận làm con nuôi và gả con gái cho là một trong những trang hay của tiểu thuyết. Ông Nguyễn Sinh Sắc học giỏi, tuy đã ghi danh bảng vàng, vẫn canh cánh trong lòng nỗi đau nước mất nhà tan. Đối với ông, cứu nước chỉ còn con đường "làm quan thanh liêm" để bảo vệ dân. Nhưng ngay cả điều đó cũng không thực hiện được, ông quay về dạy học và làm thuốc trị bệnh cứu người. Ông gửi gắm niềm tin vào con trai, hy vọng Nguyễn Sinh Côn sẽ thay ông thực hiện lý tưởng tìm đường cứu nước. Ông rất chăm lo giáo dục con, khích lệ con thực hiện hoài bão lớn lao: "Nước mất, con lo tìm đường cứu nước, cha rất mừng. Con đi vì mục đích lớn. Con có thể thực hiện được cái điều mà cha và lớp người như cha phải bó tay".

Dưới ngòi bút của Sơn Tùng, mỗi chương trong Búp sen xanh là một màn sân khấu diễn ra trong đó những xung đột đầy kịch tính. Khoảng đời niên thiếu của Bác được tái hiện sinh động bằng những chi tiết cuộc sống thường nhật với nỗi buồn, niềm vui, đắng cay, hiếu thảo, ham học, tò mò... Hình ảnh bé Côn với nét tính cách tinh nghịch, hóm hỉnh, thơ ngây hiển hiện trong đầu bạn đọc. Chuyện cậu Côn thường rủ bạn bè trêu chó để chúng sủa om sòm đến tai quan Phó bảng, kết quả là bé Côn phải nhận một hình phạt nghiêm khắc của cha. Ông nói từng tiếng như búa đóng đinh: "Từ ngày mai mỗi bữa con ăn bớt một bát cơm, quảy sọt đi lặt phân bò, chiều về con viết hai chữ "nhân cách" vào năm mươi trang giấy khổ rộng, mỗi trang tám hàng rồi nộp cho cha". Tuổi thơ của cậu bé Côn vừa được tắm mình trong môi trường quê hương, vừa được sự giáo dục của người cha nghiêm khắc và mực thước. Điều đó góp phần hình thành tính cách tốt đẹp của Côn sau này. Ngay từ nhỏ, Côn đã ham đọc sách. "Không gia đình", "Những người khốn khổ"... là những sách cậu Côn cho là không thể thiếu. Cậu cũng yêu thơ và có tài làm thơ. Trong một lần xem khánh thành dinh quan lớn, thấy bọn quan lại thi nhau vịnh hòn non bộ, Côn mạnh dạn làm thơ làm Hoàng Cao Khải phải khâm phục:

Kìa ba ông lão bé con con

Biết có tình gì với nước non.

Trương mắt làm chỉ ngồi mãi đó

Hỏi xem non nước mất hay còn.

Nghe lỏm cha đàm đạo việc cứu nước với cụ Phan Bội Châu, cậu bé Côn đã thấm nỗi nhục mất nước. Cậu đã nghĩ mưu phương, tìm kế cứu nước là vô cùng trọng đại, là việc của những người tai mắt, của các đấng trượng phu. Song cậu lại trộm nghĩ: "Ái quốc bất phân nhân vị bản, anh hùng vô luận thiếu niên do". Tức là lòng yêu nước không phân biệt xuất thân, đã có chí anh hùng thì cũng không tính đến tuổi nhỏ làm gì. Chính tư tưởng đạo đức của cậu đã gây được thiện cảm của mọi người. Làm gì, ở đâu cậu cũng gây được cảm tình sâu sắc của mọi người. Đó là cơ sở để sau này khi là thầy giáo Thành thì hình ảnh thầy không phai mờ trong tâm trí học trò, khi làm phu khuân vác sống cùng những người thợ xóm Chiếu Sài Gòn làm họ không thể quên anh. Hình ảnh chia tay của anh Ba với những người công nhân bến cảng Nhà Rồng như còn ngưng đọng trong trái tim người đọc với tình thương bao la rộng lớn.

Qua ngòi bút Sơn Tùng, Bác Hồ thời niên thiếu hiện lên với nét thông minh hơn người, bản lĩnh độc đáo nhưng không phải là thần đồng bẩm sinh, mà là quá trình tự rèn luyện, học tập, tu dưỡng, tiếp thu tinh hoa dân tộc.

Bạn đọc khó mà quên được mốc lịch sử ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5 tháng 6 năm 1911. "Anh nghe tiếng còi tàu nhọn hoắt khoan vào không gian nhức nhối... Anh bước sải chân vội vã xuống tàu. Gương mặt người con gái Sài Gòn chập chờn trước mắt anh như một búp sen quê hương. Và cả khuôn mặt Việt Nam choán lấy trái tim anh".

"Búp sen xanh" góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục, động viên thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao tinh thần trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc, rèn luyện bản thân thành người có phẩm cách lớn.

Ngay từ khi ra đời tác phẩm đã được không chỉ thiêu nhi, mà cả người lớn mến mộ. Điều đó là dễ hiểu, bởi nhân dân ta luôn thiết tha tìm hiểu học tập Hồ Chí Minh, bởi sự thành công về nội dung và nghệ thuật trong Búp sen xanh của Sơn Tùng. Búp sen xanh đã được tặng giải thưởng đặc biệt trong cuộc vận động sáng tác "Bốn mươi năm Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh" là xứng đáng.

Nhiều năm trở lại đây cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này được đưa vào tủ sách vàng của nhiều nhà xuất bản, được in đi in lại nhiều lần, được dịch sang tiếng anh và được in song ngữ. Lang thang qua những vi hè những nhà sách lớn hay những quầy sách nhỏ đâu đâu ta cũng thấy cuốn sách này như một điều để nhìn thấy Bác.

"Búp sen xanh" có lẽ là món quà thiêng liêng nhất mà nhà văn Sơn Tùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung kính dâng lên Bác Hồ. Trải qua bao nhiêu năm tháng mà cuốn sách vẫn giữ vững được những nét đẹp, giá trị đích thực của nó bởi trong đó có chứa đựng một tâm hồn cao cả vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Hải Yến

Câu 1. Xác định thể loại của văn bản trên.

A. Văn bản thông tin

B. Văn bản nghị luận

C. Truyện ngắn

D. Tiểu thuyết

Câu 2. Nội dung chính của văn bản này là gì?

A. Phân tích giá trị nội dung của văn bản Búp sen xanh

B. Giới thiệu về cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh

C. Phê bình cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh

D. Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Búp sen xanh

Câu 3: Nhân vật chính được tái hiện trong Búp sen xanh là ai?

A. Tác giả

B. Võ Nguyên Giáp

C. Bác Hồ

D. Lí Thường Kiệt

Câu 4: Theo văn bản Búp sen xanh cũng làm sống lại những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống nào của dân tộc?

A. Tính hiếu học, tình thầy trò

B. Những sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát

C. Tình làng nghĩa xóm, tình bạn...

D. A, B, C đúng.

Câu 5: “Búp sen xanh” là:

A. Truyện ngắn

B. Tiểu thuyết

C. Truyện cười

D. Kịch

Câu 6: Xác định biện pháp tu từ trong câu sau: Khoảng đời niên thiếu của Bác được tái hiện bằng những chi tiết cuộc sống thường nhật với nỗi buồn, niềm vui, đắng cay, hiếu thảo, ham học, tò mò...

A. So sánh

B. Điệp từ

C. Liệt kê

D. Câu hỏi tu từ

Câu 7: Đó là sự sáng tạo hợp lý và cần thiết. Nhân vật Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Bác Hồ, là một nhà trí thức yêu nước.

Thành phần biệt lập của câu trên là:

A. Cảm thán

B. Phụ chú

A. Phép lặp

D. Tình thái

Câu 8: Xác định phép liên kết trong hai câu sau: Điều đó là dễ hiểu, bởi nhân dân ta luôn thiết tha tìm hiểu học tập Hồ Chí Minh, bởi sự thành công về nội dung và nghệ thuật trong Búp sen xanh của Sơn Tùng. Búp sen xanh đã được tặng giải thưởng đặc biệt trong cuộc sống vận động sáng tác “Bốn mươi năm Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh" là xứng đáng.

A. Cảm thán

B. Phép thế

C. Phép nối

D. Phép liên tưởng

PHẦN II – TẬP LÀM VĂN (6 điểm)

Viết bài văn kể về một hoạt động xã hội em đã tham gia


Đáp án

PHẦN I – ĐỌC HIỂU

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

Câu 5

Câu 6

Câu 7

Câu 8

A

B

C

D

B

C

B

A

Câu 1 (0.5 điểm)

Xác định thể loại của văn bản trên.

A. Văn bản thông tin

B. Văn bản nghị luận

C. Truyện ngắn

D. Tiểu thuyết

Phương pháp:

Căn cứ các kiểu văn bản đã học

Lời giải chi tiết:

Văn bản thông tin giới thiệu về 1 cuốn sách

=> Đáp án: A

Câu 2 (0.5 điểm)

Nội dung chính của văn bản này là gì?

A. Phân tích giá trị nội dung của văn bản Búp sen xanh

B. Giới thiệu về cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh

C. Phê bình cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh

D. Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Búp sen xanh

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp

Lời giải chi tiết:

Nội dung: giới thiệu về cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh

=> Đáp án: B

Câu 3 (0.5 điểm)

Nhân vật chính được tái hiện trong Búp sen xanh là ai?

A. Tác giả

B. Võ Nguyên Giáp

C. Bác Hồ

D. Lí Thường Kiệt

Phương pháp:

Căn cứ nội dung đoạn trích, phân tích

Lời giải chi tiết:

Nhân vật chính: Bác Hồ

=> Đáp án: C

Câu 4 (0.5 điểm)

Theo văn bản Búp sen xanh cũng làm sống lại những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống nào của dân tộc?

A. Tính hiếu học, tình thầy trò

B. Những sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát

C. Tình làng nghĩa xóm, tình bạn...

D. A, B, C đúng.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Theo văn bản Búp sen xanh cũng làm sống lại những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc:

- Tính hiếu học, tình thầy trò

- Những sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát phường vải, múa đèn, hát xẩm…

- Tình làng nghĩa xóm, tình bạn…

=> Đáp án: D

Câu 5 (0.5 điểm)

“Búp sen xanh” là:

A. Truyện ngắn

B. Tiểu thuyết

C. Truyện cười

D. Kịch

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp

Lời giải chi tiết:

Búp sen xanh là tiểu thuyết

=> Đáp án: B

Câu 6 (0.5 điểm)

Xác định biện pháp tu từ trong câu sau: Khoảng đời niên thiếu của Bác được tái hiện bằng những chi tiết cuộc sống thường nhật với nỗi buồn, niềm vui, đắng cay, hiếu thảo, ham học, tò mò...

A. So sánh

B. Điệp từ

C. Liệt kê

D. Câu hỏi tu từ

Phương pháp:

Căn cứ các biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

Liệt kê: nỗi buồn, niềm vui, đắng cay, hiếu thảo, ham học, tò mò…

=> Đáp án: C

Câu 7 (0.5 điểm)

Đó là sự sáng tạo hợp lý và cần thiết. Nhân vật Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Bác Hồ, là một nhà trí thức yêu nước.

Thành phần biệt lập của câu trên là:

A. Cảm thán

B. Phụ chú

A. Phép lặp

D. Tình thái

Phương pháp:

Căn cứ các thành phần biệt lập

Lời giải chi tiết:

Phụ chú: thân sinh của Bác Hồ

=> Đáp án: B

Câu 8 (0.5 điểm)

Xác định phép liên kết trong hai câu sau: Điều đó là dễ hiểu, bởi nhân dân ta luôn thiết tha tìm hiểu học tập Hồ Chí Minh, bởi sự thành công về nội dung và nghệ thuật trong Búp sen xanh của Sơn Tùng. Búp sen xanh đã được tặng giải thưởng đặc biệt trong cuộc sống vận động sáng tác “Bốn mươi năm Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh" là xứng đáng.

A. Cảm thán

B. Phép thế

C. Phép nối

D. Phép liên tưởng

Phương pháp:

Căn cứ các phép liên kết

Lời giải chi tiết:

Điều đó là dễ hiểu, bởi nhân dân ta luôn thiết tha tìm hiểu học tập Hồ Chí Minh, bởi sự thành công về nội dung và nghệ thuật trong Búp sen xanh của Sơn Tùng. Búp sen xanh đã được tặng giải thưởng đặc biệt trong cuộc vận động sáng tác  “Bốn mươi năm Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh” là xứng đáng.

=> Đáp án: A

PHẦN II – TẬP LÀM VĂN (6 điểm)

Viết bài văn kể về một hoạt động xã hội em đã tham gia.

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp

Lời giải chi tiết:

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát: Nêu tên một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa, mục đích

2. Thân bài

- Kể về hình thức tổ chức hoạt động: thành phần tham gia, thời gian, địa điểm...

- Kể lại quá trình tiến hành hoạt động: bắt đầu, những hoạt động chính, kết thúc...

- Kết quả của hoạt động (vật chất và tinh thần).

- Suy nghĩ của em về hoạt động: lại giá trị, ý nghĩa như thế nào?

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của hoạt động và rút ra bài học sau khi tham gia hoạt động xã hội.