Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Kết nối tri thức - Đề số 2
Đề thi giữa kì 1 Văn 10 bộ sách kết nối tri thức đề số 2 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề thi
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I
Môn: Ngữ văn lớp 10; Năm học 2022 - 2023
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc bài thơ sau:
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom
(Tự tình I - Hồ Xuân Hương)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ tự do |
B. Thơ thất ngôn tứ tuyệt |
C. Thơ lục bát |
D. Thơ thất ngôn bát cú Đường luật
|
Câu 2: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ in đậm.
A. Phép đối |
B. So sánh |
C. Ẩn dụ |
D. Hoán dụ
|
Câu 3: Hai câu thơ “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom/ Oán hận trông ra khắp mọi chòm” thể hiện tâm trạng gì của nhân vật trữ tình?
A. Oán hận |
B. Hạnh phúc |
C. Vui vẻ |
D. Nhớ nhung
|
Câu 4: Trong câu thơ “Thân này đâu đã chịu già tom”, từ “Thân này” chỉ ai?
A. Người đọc |
B. Nguyễn Khuyến |
C. Nguyễn Du |
D. Hồ Xuân Hương
|
Câu 5. Từ láy “văng vẳng” trong câu thơ “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom” gợi cảm giác về điều gì?
A. Tiếng trống thưa thớt, xa xắm |
B. Thời gian càng trở nên khuya khoắt hơn |
C. Một không gian rộng và tĩnh mịch |
D. Nhỏ bé, ít ỏi
|
Câu 6: Đọc bài thơ, anh (chị) nhận thấy khát vọng gì của Hồ Xuân Hương?
A. Khát vọng công danh, sự nghiệp |
B. Khát vọng hạnh phúc lứa đôi |
C. Khát vọng cuộc sống ấm no |
D. Khát vọng được đi ngao du sơn thủy |
|
|
Câu 7: Sự giống nhau trong tâm trạng của Hồ Xuân Hương thể hiện trong hai bài thơ “Tự tình I” và “Tự tình II” là:
A. Sự căm thù chế độ phong kiến thối nát |
B. Buồn tủi, xót xa, phẫn uất trước duyên phận |
C. Sự thách thức cuộc đời |
D. Buồn đau, chán chường vì cuộc đời nhạt nhẽo, vô vị.
|
Câu 8. Xác định ý nghĩa nhan đề “Tự tình”.
Câu 9. Câu thơ “Thân này đâu đã chịu già tom” thể hiện điều gì trong tính cách, con người của nhân vật trữ tình?
Câu 10. Từ bài thơ “Tự tình II”, anh (chị) hãy viết 5- 7 dòng nhận xét về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến?
II. VIẾT
Viết bài văn nghị luận về chủ đề sự đồng cảm tạo nên vẻ đẹp gắn kết thế giới.
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1(0.5đ) |
Câu 2 (0.5đ) |
Câu 3(0.5đ) |
Câu 4(0.5đ) |
Câu 5(0.5đ) |
Câu 6(0.5đ) |
Câu 7(0.5đ) |
D |
A |
A |
D |
C |
B |
B |
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
|
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ
- Dựa vào những đặc điểm về hình thức để suy ra thể thơ
Lời giải chi tiết:
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú đường luật (gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ)
→ Đáp án D
Câu 2. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ in đậm.
|
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ hai câu thơ
- Dựa vào kiến thức đã học về các biện pháp nghệ thuật để chọn đáp án đúng
Lời giải chi tiết:
Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ in đậm là: phép đối (mõ thảm >< chuông sầu, khua >< đánh, cốc >< om)
→ Đáp án A
Câu 3. Hai câu thơ “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom/ Oán hận trông ra khắp mọi chòm” thể hiện tâm trạng gì của nhân vật trữ tình?
|
Phương pháp giải:
Đọc kĩ và phân tích hai câu thơ
Lời giải chi tiết:
Hai câu thơ trên thể hiện tâm trạng oán hận của Hồ Xuân Hương. Nỗi oán hận ở đây chính là oán hận cuộc đời trớ trêu, oán hận xã hội đã khiến số phận bà mất đi hạnh phúc.
→ Đáp án A
Câu 4.Trong câu thơ “Thân này đâu đã chịu già tom”, từ “Thân này” chỉ ai?
|
Phương pháp giải:
Đọc kĩ câu thơ
Lời giải chi tiết:
Từ “Thân này” trong câu thơ trên chỉ chính tác giả Hồ Xuân Hương. Câu thơ ý muốn nói Hồ Xuân Hương sẽ không ngồi yên chờ tuổi già tới.
→ Đáp án D
Câu 5. Từ láy “văng vẳng” trong câu thơ “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom” gợi cảm giác về điều gì?
|
Phương pháp giải:
Đọc kĩ câu thơ
Lời giải chi tiết:
Từ láy “văng vẳng” trong câu thơ gợi cảm giác về một không gian rộng và tĩnh mịch
→ Đáp án C
Câu 6. Đọc bài thơ, anh (chị) nhận thấy khát vọng gì của Hồ Xuân Hương?
|
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ và nêu suy nghĩ về khát vọng của Hồ Xuân Hương
Lời giải chi tiết:
Qua bài thơ, Hồ Xuân Hương gửi gắm khát vọng hạnh phúc trọn vẹn, khát vọng về tình yêu lứa đôi
→ Đáp án B
Câu 7. Sự giống nhau trong tâm trạng của Hồ Xuân Hương thể hiện trong hai bài thơ “Tự tình I” và “Tự tình II” là:
|
Phương pháp giải:
Nhớ lại nội dung của bài Tự tình (II) và so sánh với bài Tự tình (I)
Lời giải chi tiết:
Trong cả hai bài thơ, tác giả đều thể hiện tâm trạng buồn tủi, xót xa, phẫn uất trước duyên phận hẩm hiu, trước sự cô đơn lẻ bóng của bản thân.
→ Đáp án B
Câu 8. Xác định ý nghĩa nhan đề “Tự tình”(1đ)
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản và xác định ý nghĩa nhan đề
Lời giải chi tiết:
Ý nghĩa nhan đề:
- Tự bộc lộ tâm tư, tình cảm một cách trực tiếp. Đó là lời tự bạch, tự trải lòng mình của Hồ Xuân Hương
- Bài thơ Tự tình I chính là nỗi đau của Hồ Xuân Hương cũng như những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Câu 9. Câu thơ “Thân này đâu đã chịu già tom” thể hiện điều gì trong tính cách, con người của nhân vật trữ tình? (1đ)
Phương pháp giải:
Phân tích câu thơ để thấy được tính cách cũng như con người của nhân vật trữ tình
Lời giải chi tiết:
Câu thơ “Thân này đâu đã chịu già tom” thể hiện cá tính, sự mạnh mẽ, ngang tàng, quyết liệt của Hồ Xuân Hương.
Câu 10. Từ bài thơ “Tự tình II”, anh (chị) hãy viết 5- 7 dòng nhận xét về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến? (1đ)
Phương pháp giải:
Lời giải chi tiết:
Số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến: bị chèn ép, bất hạnh, khổ đau, chất chứa đầy bi kịch,..
II. PHẦN VIẾT (4đ)
*Dàn ý:
1. Giải thích:
- Khái niệm: Đồng cảm là biết rung cảm trước những vui buồn của người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và cảm thông với họ. Khi ta học được cách đồng cảm và chia sẻ cũng là lúc ta nhận được niềm vui.
-Biểu hiện: Người biết đồng cảm sẽ biết san sẻ vui buồn , hiểu biết những trạng thái tâm hồn với người khác, từ đó biết chia sẻ những khó khăn về vật chất, tinh thần , kết nối, lan toả với những người xung quanh..
- Vai trò: khi ta học được cách đồng cảm ta sẽ biết sẻ chia , biết cách sống vì người khác . Đó cũng là ta nhận được niềm vui, ý nghĩa cuộc sống, ta cũng mở rộng được các mối quan hệ, tạo sự thân thiện, hoà ái với thế giới ,…
2. Bàn luận:
Đồng cảm là một phẩm chất cần rèn luyện thường xuyên; Đồng cảm luôn gắn với sẻ chia và thể trong các mối quan hệ giữa người với người; Đồng cảm không giới hạn mà là phẩm chất mang tính nhân loại, vượt lên mọi giới hạn, kết nối với thế giới,…
a. Cuộc sống đầy những khó khăn, vì vậy rất cần những tấm lòng đồng cảm
- Sẻ chia về vật chất: Giúp đỡ khi mọi người gặp khó khăn, hoạn nạn
- Sẻ chia về tinh thần: Ánh mắt, nụ cười, lời an ủi, chúc mừng, đôi khi chỉ là sự im lặng cảm thông, lắng nghe.
b. Sự đồng cảm, sẻ chia được thể hiện trong những mối quan hệ khác nhau
- Đối với người nhận
- Đối với người cho
c. Phê phán bệnh vô cảm, lối sống ích kỉ, sống thiếu trách nhiện với cộng đồng
3. Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức:
+ Đồng cảm, sẻ chia giúp con người thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách, những nghịch cảnh của cuộc đời.
- Hành động:
+ Học cách biết đồng cảm, sẻ chia và phân biệt đồng cảm, sẻ chia với sự thương hại, ban ơn
+ Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn khi con người biết đồng cảm, sẻ chia. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
*Bài viết chi tiết
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết:
“Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi…”
Câu hát đã để lại cho chúng ta những chiêm nghiệm sâu sắc về cách sống đẹp trong xã hội hiện đại. Một trong những phẩm chất cơ bản ấy là sự sẻ chia đồng cảm của con người. Sẻ chia hiểu theo nghĩa cơ bản là sự quan tâm, đồng cảm giữa con người với con người được thể hiện thông qua những hành động thiết thực. Đôi khi sẻ chia chỉ đơn giản là những lời động viên chân thành, một câu nói an ủi, một cái nắm tay, hay chỉ là một ánh mắt, một cái nhìn thân thiện.
Cuộc đời không luôn như ta muốn, nó luôn tiềm tàng những khó khăn trắc trở trên con đường ta đi. Đâu ai biết được ngày mai sẽ ra sao? Hôm nay thành công nhưng ngày mai đâu chắc sẽ hạnh phúc, hôm nay thất bại đâu có nghĩa ngày mai là buồn đau. Có những khó khăn ta phải tự vượt qua nhưng cũng có lúc cần đến sự sẻ chia tiếp thêm động lực để ta chiến thắng cuộc đời. Vì vậy nên đâu ai có thể tồn tại một mình mà không có những người bạn đồng hành, không có sự đồng cảm sẻ chia. Có người đã từng nói với tôi rằng: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương”. Cuộc đời là dài là rộng nếu chỉ biết sống cho cái “tôi” cá nhân chỉ sống vị kỷ vì bản thân thì đó không phải là cuộc đời ý nghĩa. Những người như vậy họ mải miết chạy theo tham vọng cá nhân nhưng sẽ không tìm được góc bình yên trong tâm hồn mình. Thiếu sự sẻ chia họ sống không tình thương và không có hạnh phúc.
“Yêu thương cho đi là sự yêu thương duy nhất mà ta giữ lại được”. Những người sống đơn giản và luôn thanh thản trong tâm hồn là những người luôn sẵn sàng chia sẻ đồng cảm với nỗi đau sự bất hạnh của người khác. Họ sống để yêu thương, để cho đi yêu thương và cũng là để được yêu thương. Những người như vậy thật đáng quý đáng trân trọng biết bao! Ta sẽ mãi không quên hình ảnh người mẹ của chú lính chì Thiện Nhân. Trước nỗi đau và sự bất hạnh của một đứa trẻ vô tội, chị đã cưu mang và đem đến nguồn sống, ánh sáng cuộc đời cho em. Để hôm nay ta được thấy hình ảnh của một cậu bé hồn nhiên, vô tư chơi đùa như những bạn bè cùng trang lứa.
Không chỉ riêng chị mà cuộc đời này vẫn còn nhiều lắm những hành động, những tấm lòng như thế. Những ngày gần đây ngay trong tháng sáu này chúng ta xót xa trước sự hy sinh của đại tá Trần Quang Khải phi công máy bay SuMK và chín chiến sĩ vẫn đang mất tích trên biển Đông. Dù không được gặp mặt trực tiếp không được nhìn cận cảnh nhưng chưa bao giờ tôi thấy trên mạng xã hội sức mạnh của sự sẻ chia lại lớn đến thế. “Cư dân mạng” những người trẻ tuổi như chúng tôi họ bày tỏ sự cảm thông và tấm lòng sẻ chia qua những dòng trạng thái qua những lời bình luận thật ấm áp và vô cùng cảm động. Đọc những vần thơ họ sáng tác mà lòng cũng chợt nghẹn ngào và ở đó, nó cũng cho tôi niềm tin hơn về thế hệ trẻ tương lai.
Cuộc sống hiện đại mang đến cho con người những giá trị vật chất mới nhưng nó không có nghĩa là những giá trị tinh thần bị thay đổi. Vậy mà ngày nay lối sống vị kỷ của một bộ phận giới trẻ đang ngày một nghiêm trọng, họ tự bao biện cho lối sống ấy bằng cách đổi lỗi cho cuộc sống hối hả bộn bề lo toan. Lo toan là điều bình thường và tất yếu trong cuộc sống nhưng không bao giờ nó cản trở ta trao gửi yêu thương, chưa bao giờ nó xâm chiếm toàn bộ suy nghĩ tình cảm mà vẫn luôn cho ta một góc nhỏ của lòng trắc ẩn và sự yêu thương. Này các bạn trẻ hãy thôi than phiền và đổ lỗi cho hoàn cảnh hãy nhìn lại mình đi để nghiêm túc kiểm điểm nhận ra mình còn vô tâm, thờ ơ lắm!
Để sống biết yêu thương và chia sẻ không quá khó. Chì cần những tình cảm những hành động ấy xuất phát từ trái tim thì nó cũng sẽ đến được trái tim. Không phải là điều gì quá lớn lao, sẻ chia chỉ đơn giản là một cái ôm ấm áp khi ai đó đang mệt mỏi rã rời, là bờ vai yêu thương để tựa vào khi buồn phiền, là lời động viên an ủi lúc mất mát u buồn…Lòng thương cảm giữa con người với con người không cần phải dựa vào những giá trị vật chất tầm thường mà nó cần được dựng xây trên nền tảng của trái tim yêu thương.
Yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại dù không quá nhiều nhưng hãy làm điều gì đó để cuộc sống này tươi đẹp hơn.
“Thương người như thể thương thân” là truyền thống của dân tộc ta được lưu truyền từ ngàn đời và thế hệ này mai sẽ là người kế thừa, phát huy. Không bao giờ là quá muộn để yêu thương sẻ chia với ai đó cả nên hãy mở rộng lòng mình ra để tình yêu được lan toả. Bản thân tôi cũng luôn tự nhắc nhở bản thân: Sống chậm lại nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Bằng những hành động nhỏ bé mà thiết thực đem yêu thương trao gửi mọi người.
“Sống là cho
Đâu chỉ nhận riêng mình”
Bài học về sự sẻ chia còn nhiều, những tấm gương ngoài kia cũng không thiếu. Hãy là một trong số họ để viết lên câu chuyện cuộc đời nhiều tình thương của riêng mình. Khi ta học được cách đồng cảm nghĩa là ta đã biết sống vì người khác cũng chính là lúc được nhận niềm vui và cảm thấy cuộc đời này tươi đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Chính vì vậy, trong cuộc sống, chúng ta không nên tự cô lập bản thân trong thế giới riêng nhỏ bé của mình. Hãy mở rộng tấm lòng để nhận thấy cuộc sống này sẽ trở nên gắn kết, ấm áp biết bao. Vì ở đời “người với người sống để yêu nhau”.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Kết nối tri thức - Đề số 2 timdapan.com"