Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Chân trời sáng tạo - Đề số 1

Đề thi giữa kì 1 Văn 10 bộ sách chân trời sáng tạo đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề thi

 ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ I

Môn: Ngữ văn lớp 10; Năm học 2022 - 2023

Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề

 

PHẦN ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

NỮ THẦN MẶT TRỜI VÀ MẶT TRĂNG

Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là hai chị em, con của Trời. Công việc của Trời giao phó hàng ngày phải thay phiên nhau đi xem xét thế gian. Bọn khiêng kiệu gồm có hai lớp già và trẻ thay phiên nhau. Gặp phải bọn khiêng kiệu già đi chậm, cô Mặt Trời phải ngồi lâu, ngày ở dưới trần hóa dài ra. Đến lượt bọn trẻ khiêng kiệu đi mau, cô Mặt Trời được chóng công việc về sớm thì ngày ngắn lại.

Cô em Mặt Trăng tính tình nóng nảy không kém gì cô chị làm cho thiên hạ ở mặt đất suốt cả ngày đã phải chịu nóng bức vì cô chị, đến đêm lại cũng phải khó chịu vì cô em. Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt Trăng. Từ đó, cô em đổi tính ra hết sức dịu dàng, khác hẳn với cô chị, nên được người dưới trần ai cũng thích. Mỗi khi cô ngoảnh mặt nhìn xuống trần là lúc đó trăng rằm, ngoảnh lưng lại là ba mươi, ngoảnh sang phải, sang trái là trăng thượng huyền hay hạ huyền. Hôm nào trăng quầng là lúc vết tro trát mặt hiện ra.

Người ta nghe nói rằng chồng của hai nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một con gấu. Mỗi lần gấu đến với vợ là sinh ra nguyệt thực hay nhật thực, lúc đó người dưới trần làm ầm ĩ lên đánh trống, khua chiêng, gõ mõ, để cho gấu xa ra, vì gấu đi lại với vợ, che lấp Mặt Trời, Mặt Trăng làm hại cho mùa màng.

(Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng – Truyện thần thoại Việt Nam
– TheGioiCoTich.Vn)

Thực hiện những yêu cầu sau đây:

Câu 1. Trong văn bản, nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng được Trời giao công việc gì? 

A. Chiếu sáng cho nhân gian.

B. Hàng ngày thay phiên nhau đi xem xét thế gian.

C. Cai quản công việc trên trời.

D. Khiêng kiệu

Câu 2. Câu nào dưới đây đúng khi nói về nội dung bao quát của truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng?

A. Lý giải về hiện tượng ngày và đêm

B. Lý giải về hiện tượng nắng và mưa

C. Lí giải các hiện tượng tự nhiên gắn với mặt trời có ánh sáng gay gắt vào ban ngày và mặt trăng có ánh sáng dịu dàng vào ban đêm

D. Lý giải về sự hình thành của trời và đất

Câu 3. Sự kiện “Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt Trăng” được tác giả dân gian tạo ra nhằm lý giải điều gì?

A. Hiện tượng mặt trăng hiện lên khi đêm xuống

B. Hiện tượng mặt trăng có ánh sáng dịu nhẹ

C. Hiện tượng ngày ngắn đêm dài

D. Hiện tượng ngày dài đêm ngắn

Câu 4. Theo bạn :“cô Mặt Trời phải ngồi lâu, ngày ở dưới trần hóa dài ra... cô Mặt Trời được chóng công việc về sớm thì ngày ngắn lại.” giúp bạn liên tưởng đến câu tục ngữ nào dưới đây :

A. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa

B. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối

C. Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy, cơn đằng nam vừa làm vừa chơi

D. Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa

Câu 5. Biện pháp tu từ nào được dùng chủ yếu trong văn bản trên ?

A. Nhân hóa

B. Liệt kê

C. So sánh

D. Phóng đại

Câu 6. Trong văn bản trên, ai là người kể chuyện ?

A. Ông Trời

B. Mặt Trời

C. Mặt Trăng

D. Người trực tiếp diễn xướng để kể lại cho công chúng

Câu 7. Khi nguyệt thực, nhật thực xảy ra con người làm ầm ĩ lên đánh trống, khua chiêng, gõ mõ, để Mặt Trời Mặt Trăng khỏi bị che lấp làm hại mùa màng, liên quan hoạt động nào trong đời sống cộng đồng thời cổ đại ?

A. Lễ hội

B. Liên hoan

C. Cầu nguyện thần linh

D. Thờ cúng

Câu 8. Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận ra Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một truyện thần thoại?

Câu 9. Hình tượng nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng phản ánh quan niệm, nhận thức gì của người xưa về thế giới tự nhiên?

Câu 10. Thông điệp mà người xưa gửi gắm qua câu chuyện này là gì?

II. PHẦN VIẾT (4.0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một truyện thần thoại.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.



Đáp án

Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1(0.5đ)

Câu 2 (0.5đ)

Câu 3(0.5đ)

Câu 4(0.5đ)

Câu 5(0.5đ)

Câu 6(0.5đ)

Câu 7(0.5đ)

B

C

B

B

A

D

C

 

Câu 1. Trong văn bản, nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng được Trời giao công việc gì?

Chiếu sáng cho nhân gian.

Hàng ngày thay phiên nhau đi xem xét thế gian.

Cai quản công việc trên trời.

Khiêng kiệu.

 

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Trong văn bản, nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng được giao nhiệm vụ hàng ngày thay phiên nhau đi xem xét thế gian.

→ Đáp án B

Câu 2Câu nào dưới đây đúng khi nói về nội dung bao quát của truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng.

A. Lý giải về hiện tượng ngày và đêm

B. Lý giải về hiện tượng nắng và mưa

C. Lí giải các hiện tượng tự nhiên gắn với mặt trời có ánh sáng gay gắt vào ban ngày và mặt trăng có ánh sáng dịu dàng vào ban đêm

D. Lý giải về sự hình thành của trời và đất

 

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản

- Rút ra nội dung bao quát của truyện

Lời giải chi tiết:

Nội dung bao quát của truyện: Lí giải các hiện tượng tự nhiên gắn với mặt trời có ánh sáng gay gắt vào ban ngày và mặt trăng có ánh sáng dịu dàng vào ban đêm

→ Đáp án C

Câu 3Sự kiện “Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt Trăng” được tác giả dân gian tạo ra nhằm lý giải điều gì?

A. Hiện tượng mặt trăng hiện lên khi đêm xuống

B. Hiện tượng mặt trăng có ánh sáng dịu nhẹ

C. Hiện tượng ngày ngắn đêm dài

D. Hiện tượng ngày dài đêm ngắn

 

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Sự kiện “Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt Trăng” được tác giả dân gian tạo ra nhằm lý giải hiện tượng mặt trăng có ánh sáng dịu nhẹ

→ Đáp án B

Câu 4Theo bạn :“cô Mặt Trời phải ngồi lâu, ngày ở dưới trần hóa dài ra... cô Mặt Trời được chóng công việc về sớm thì ngày ngắn lại.” giúp bạn liên tưởng đến câu tục ngữ nào dưới đây?

A. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa

B. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối

C. Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy, cơn đằng nam vừa làm vừa chơi

D. Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm

 

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ câu văn

- Liên hệ kiến thức của bản thân

Lời giải chi tiết:

Có thể liên hệ đến câu tục ngữ: Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối

→ Đáp án B

Câu 5Biện pháp tu từ nào được dùng chủ yếu trong văn bản trên ?

A. Nhân hóa

B. Liệt kê

C. So sánh

D. Phóng đại

 

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản

- Nhớ lại kiến thức về các biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

Biện pháp được dùng chủ yếu là Nhân hóa (làm cho mặt trăng, mặt trời trở nên sống động như con người)

→ Đáp án A

Câu 6Trong văn bản trên, ai là người kể chuyện ?

A. Ông Trời

B. Mặt Trời

C. Mặt Trăng

D. Người trực tiếp diễn xướng để kể lại cho công chúng

 

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Văn bản được kể bằng ngôi thứ 3 (người kể chuyện giấu mặt)

→ Đáp án D

Câu 7Khi nguyệt thực, nhật thực xảy ra con người làm ầm ĩ lên đánh trống, khua chiêng, gõ mõ, để Mặt Trời Mặt Trăng khỏi bị che lấp làm hại mùa màng, liên quan hoạt động nào trong đời sống cộng đồng thời cổ đại ?

A. Lễ hội

B. Liên hoan

C. Cầu nguyện thần linh

D. Thờ cúng

 

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản

- Liên hệ với những hoạt động trong đời sống cộng đồng thời cổ đại

Lời giải chi tiết:

Những hành động trên liên quan đến hoạt động cầu nguyện thần linh của người cổ đại

→ Đáp án C

Câu 8: Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận ra Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một truyện thần thoại? (1đ)

Phương pháp giải:

Nhớ lại kiến thức đã học về những dấu hiệu của thể loại thần thoại

Lời giải chi tiết:

Những dấu hiệu giúp nhận biết truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một truyện thần thoại:

- Cốt truyện là chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình sáng tạo thế giới (các hiện tượng liên quan đến mặt trời và mặt trăng).

- Nhân vật chính kể về các vị thần.

- Thời gian không xác định.

- Không gian vũ trụ, không xác định nơi chốn cụ thể.

Câu 9: Hình tượng nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng phản ánh quan niệm, nhận thức gì của người xưa về thế giới tự nhiên? (1đ)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Hình tượng nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng phản ánh quan niệm, nhận thức gì của người xưa về thế giới tự nhiên là:

- Thế giới tự nhiên là một thế lực siêu nhiên chi phối thế giới và cuộc sống của con người.

- Khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên của người xưa.

Câu 10: Thông điệp mà người xưa gửi gắm qua câu chuyện này là gì? (0.5đ)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và rút ra thông điệp

Lời giải chi tiết:

- Gợi ý: Thông điệp mà người xưa gửi gắm qua câu chuyện này là:

+ Thiên nhiên và cuộc sống con người có mối quan hệ gắn bó mật thiết.

+ Thiên nhiên có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của con người.

+ Con người luôn có khát vọng chinh phục thiên nhiên.

PHẦN II. VIẾT

Phân tích truyện thần Trụ Trời

Truyện "Thần Trụ trời" thuộc nhóm thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, muôn loài hay còn gọi là thần thoại suy nguyên được tác giả Nguyễn Đổng Chi sưu tầm. Truyện được coi là tác phẩm có nét đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật.

"Thần Trụ trời" kể về thần Thần Trụ trời với sức mạnh phi thường đã phân chia bầu trời và mặt đất, dùng đất đá tạo nên núi, đảo,.. Qua đó, câu chuyện đã giải thích nguồn gốc của sự hình thành các sự vật trong tự nhiên một cách sáng tạo.

Mở đầu câu chuyện, tác giả dân gian mở ra không gian vũ trụ hoang sơ "một vùng hỗn độn, tối tăm, lạnh lẽo" và thời gian chưa được xác định rõ ràng "Chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người". Trong khoảnh khắc tối tăm mù mịt ấy, Thần Trụ trời đã xuất hiện với thân hình khổng lồ "Chân thần dài không thể tả xiết". Mỗi bước chân của thần "có thể qua từ vùng này đến vùng nọ, hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác". Nhờ sức mạnh phi thường ấy, thần đã tự mình đào đất, đập đá, tạo nên cái cột đá cao và to để chống trời. Cột càng đắp cao, tấm trời lại càng thêm rộng mở. Chẳng bao lâu sau, thần Trụ trời đã đẩy vòm trời lên phía mây xanh, khoảng cách giữa đất trời được phân chia rõ ràng. Sau khi trụ trời xong, thần lại phá cột đá và dùng đất đá ném ra mọi nơi, tạo thành hòn núi, dải đồi cao,... Mượn các hình ảnh thiên nhiên, tác giả dân gian đã giải thích quá trình tạo lập thế giới một cách sáng tạo. Từ đây, chủ đề của truyện trở nên gần gũi và hấp dẫn với bạn đọc.

Chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm văn học luôn song hành và bổ sung cho nhau. Truyện "Thần Trụ trời" cũng vậy, những sáng tạo hình thức nghệ thuật về cốt truyện, nhân vật đã đóng góp vào thành công trong việc làm nổi bật chủ đề truyện. Là truyện thần thoại, cốt truyện "Thần Trụ trời" được xây dựng hết sức đơn giản và gần gũi, xoay quanh việc thần Trụ trời làm công việc phân chia đất, trời và tạo nên những dạng địa hình tự nhiên khác nhau. Dựa vào trí tưởng tượng của con người cùng những yếu tố kì ảo, truyện đã giải thích quá trình tạo lập vũ trụ và thế giới tự nhiên. Qua đó, ta cũng thấy được khát khao tìm hiểu và khám phá của con người trong buổi đầu sơ khai. Đặc sắc nghệ thuật còn được thể hiện trong việc xây dựng nhân vật kết hợp sử dụng thủ pháp cường điệu, phóng đại kết hợp với các chi tiết hư cấu. Hình ảnh Thần Trụ trời có kích thước "khổng lồ" với những bước chân rộng lớn, sở hữu sức mạnh phi thường, đã giúp cho người đọc hình dung rõ ràng, sắc nét về một vị thần trong thần thoại.

"Thần Trụ trời" với những đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật đã mang đến cho bạn đọc câu chuyện thú vị lí giải về nguồn gốc các sự vật trong tự nhiên. Đồng thời truyện cũng phản ánh mong muốn, khát khao được tìm tòi, khám phá của con người trong buổi đầu sơ khai. Tác phẩm sẽ mãi để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc yêu thích văn học dân gian của dân tộc.