Đề số 17 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 17 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn


Đề bài

Câu 1: (6.0 điểm)

        Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

       “Lúc đó nồi cơm sôi lên sùng sục. Nó hơi sợ, nó nhìn xuống, vẻ nghĩ ngợi, nhắc không nổi, nó lại nhìn lên. Tiếng cơm sôi như thúc giục nó. Nó nhăn nhó muốn khóc. Nó nhìn nồi cơm rồi nhìn lên chúng tôi. Thấy nó luýnh quýnh tôi vừa tội nghiệp vừa buồn cười, nghĩ chắc thế nào nó cũng chịu thua. Nó loay hoay rồi nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ. Con bé đáo để thật.”

a. Nhận biết

Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? Văn bản ra đời trong hoàn cảnh nào? (3. 0 điểm)

b. Thông hiểu

Xác định nội dung chính của đoạn văn. (1.0 điểm)

c. Thông hiểu

Chỉ ra và nêu tác dụng của hai từ láy trong đoạn văn trên. (2.0 điểm)

Câu 2: (6.0 điểm) Vận dụng cao

     “Sáng 22/2, đường dây nóng của Trung tâm Điều phối tạng Hà Nội nhận một cuộc điện thoại đặc biệt. Đầu dây bên kia tự xưng tên Nguyễn Trần Thùy Dương (33 tuổi, thôn Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chị Dương nghẹn ngào đưa lời: “Con tôi – bé gái Nguyễn Hải An mới 7 tuổi, 3 tháng đang trong tình trạng hôn mê do u cầu não xâm lấn. Gia đình có nguyện vọng hiến tặng nội tạng của cháu cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng, muốn sẽ được nghe tiếng trái tim của con gái mình còn đập trong lồng ngực một bạn trẻ nào đó…”

      Bé An nhập viện ngày 15/1/2018. Cũng kể từ ngày đó, chị Dương xin nghỉ việc để đồng hành cùng con gái bé nhỏ. Chị hay kể cho con nghe về chuyện hiến tặng nội tạng cho người bị bệnh. Một lần, khi còn tỉnh táo bé An tân sự với mẹ: “Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác…”

(Theo Kenh 14.vn, ngày 27-2-2018)

    Từ nội dung đoạn tin trên, hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về câu nói: “Cho đi là còn mãi mãi.”

Câu 3: (8 điểm) Vận dụng cao

       Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

(Trích Viếng lăng Bác – Viễn Phương, Ngữ văn 9, Tập 2, NXBGD, 2005, trang 58)

 

Lời giải chi tiết

Câu 1.

a.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Chiếc lược ngà

Cách giải:

Đoạn văn trên trích từ văn bản “Chiếc lược ngà”. Tác giả là Nguyễn Quang Sáng.

Văn bản ra đời năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta đang diễn ra ác liệt.

b.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Chiếc lược ngà

Cách giải:

Nội dung chính của đoạn văn: Bé Thu quyết không gọi ông Sáu là ba ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, cơm sôi mà mẹ đi vắng, không làm sao để múc nước cơm ra được.

c.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Từ láy

Cách giải:

- Hai từ láy: sùng sục, loay hoay

- Tác dụng:

+ Sùng sục: trạng thái cơm sôi to, yêu cầu cấp thiết phải múc nước ra -> hoàn cảnh khó khăn của bé Thu.

+ Loay hoay: hoạt động của bé Thu -> thái độ phản kháng đến cùng, con bé tự tìm cách giải quyết dù trong hoàn cảnh khó khăn chứ nhất quyết không chịu gọi ba để nhờ ba giúp.

Câu 2.

Phương pháp: phân tích, lí giải, tổng hợp

Cách giải:

Yêu cầu về kĩ năng:

- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một bài văn nghị luận xã hội.

- Bài văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

*Yêu cầu về nội dung:

1. Giải thích vấn đề

- Mẩu tin nói về chuyện cô bé 7 tuổi Hải An hiến nội tạng của mình cho những bạn nhỏ khác sau khi em mất để mang lại sự sống cho các bạn ấy.

- Câu chuyện gợi lên cho ta bài học sâu sắc về tình yêu thương, cho đi là còn lại mãi mãi.

2. Bàn luận vấn đề

* Vì sao cho đi là còn lại mãi mãi

- Những thứ ta cho đi sẽ ở lại cùng với những người được đón nhận. Quan trọng không phải ta cho đi cái gì mà người nhận sẽ cảm nhận được tấm lòng của người cho đi.

- Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về.

- Người cho có thể không còn trên thế gian nhưng hành động san sẻ yêu thương ấy thì còn mãi vì nó là biểu hiện sáng trong của tình người, tình đời.

* Biểu hiện của việc cho đi là còn mãi

- Cuộc đời luôn có những bất hạnh, cho đi một phần mình có là san sẻ bớt một chút gánh nặng với những người kém may mắn hơn.

- Việc cho đi không nhất thiết phải là hiến tặng một thứ gì đó, đơn giản chỉ là cho đi một lời nói yêu thương, một cử chỉ ân cần, một cái ôm… Giá trị của việc cho đi nằm ở tinh thần. Vì hơn hết “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”.

(Có dẫn chứng cụ thể)

- Từ việc cho đi của một người, lan tỏa những hành động yêu thương đến những người khác.

3. Mở rộng và liên hệ bản thân

- Chúng ta nhận thức rõ cho đi là còn lại mãi mãi nhưng cũng còn đó những người ích kỉ, chỉ biết nhận riêng mình mà không biết chia sẻ.

- Là một học sinh, em đã được đón nhận rất nhiều may mắn, hạnh phúc, em cũng phải cho đi để cảm thấy cuộc đời  ý nghĩa, đáng sống hơn.

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.

- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Mở bài: Giới thiệu vị trí đoạn thơ trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của đoạn

“Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là bài thơ nói lên một cách thiết tha, cảm động những tình cảm thiêng liêng, thành kính của đồng bào miền Nam với Bác. Đây là khổ thơ thứ 1 và thứ 2 của bài thơ.

- Đoạn thơ giới thiệu hoàn cảnh ra thăm lăng Bác, khẳng định Bác bất tử, trường tồn cùng núi sông, dân tộc và tình cảm thành kính, thiêng liêng, sâu sắc mà nhân dân dành cho Người là vĩnh viễn.

2. Thân bài: Lần lượt trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ

a. Khổ 1: Cảm xúc của nhà thơ khi đến thăm lăng Bác:

-          Bồi hồi, xúc động “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

+ Cặp đại từ xưng hô “con – Bác” là cách xưng hô gần gũi, thân thiết của người miền Nam, vừa thể hiện sự tôn kính với Bác vừa bộc lộ tình cảm yêu thương dành cho một người ruột thịt, một người bề trên trong gia đình. Đọc câu thơ tưởng như Viễn Phương là một người con xa xứ nay mới được trở về bên người cha của mình.

+ Cách nói giảm nói tránh “thăm” làm giảm bớt nỗi đau thương, mất mát, đồng thời khẳng định sự bất tử của Người trong lòng những người con nước Việt.

ð  Câu thơ giản dị như một lời kể nhưng lại thấm đượm bao nỗi bồi hồi, xúc động của nhà thơ, sau bao mong nhớ, đợi chờ, nay mới được đến viếng lăng Bác.

-          Ấn tượng đậm nét hiện lên trước mắt nhà thơ: “hàng tre bát ngát”:

+ Đây là hình ảnh thực làm nên quang cảnh đẹp cho lăng Bác, mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi của làng quê, đất nước Việt.

+ Đấy cũng là hình ảnh chưa nhiều sức gợi: “hàng tre xanh xanh” gợi vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam với sức sống tràn trề; “bão táp…thẳng hàng” là vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, bền bỉ, hiên ngang, bất khuất của con người Việt Nam. Hình ảnh hàng tre bao quanh lăng là biểu tượng của cả dân tộc đang quây quần bên Người, thể hiện tình cảm của người dân miền Nam nói riêng, con người Việt Nam nói chung dành cho Bác.

ð  Khổ 1 là niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ khi đứng trước lăng Người.

b. Khổ 2: Tác giả như muốn khẳng định: Bác còn đó và còn mãi giữa non sông đất nước, giữa lòng dân tộc và nhân loại:

                 “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

                  Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

                  Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

                  Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

-  Sáng tạo hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: mặt trời trên lăng – mặt trời tự nhiên, mặt trời trong lăng - ẩn dụ cho Bác. Bác đã mang lại ánh sáng chân lí, giúp dân tộc thoát khỏi kiếp sống nô lệ, khổ đau. Hình ảnh ẩn dụ đã vừa khẳng định, ngợi ca sự vĩ đại của Người vừa thể hiện tình cảm tôn kính, biết ơn của cả dân tộc đối với Người.

- Hình ảnh “dòng người” đi liền với điệp từ “ngày ngày” gợi dòng thời gian vô tận và sự sống  vĩnh cửu; mang giá trị tạo hình, vẽ lên quang cảnh những đoàn người nối tiếp nhau không dứt, lặng lẽ và thành kính vào viếng Bác. Lối nói “đi trong thương nhớ” thể hiện nỗi tiếc thương, nhớ nhung lớn lao của bao thế hệ người dân VN trong giây phút vào lăng viếng Bác.

“Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”: 79 năm cuộc đời Người đã hiến dâng trọn vẹn cho quê hương, đất nước. Nó được kết từ hàng ngàn, hàng vạn trái tim để bày tỏ niềm tiếc thương, kính yêu vị cha già dân tộc. Đó cũng là cách để nhà thơ khẳng định Bác sống mãi trong lòng dân tộc.

=> Một liên tưởng độc đáo, phù hợp với khung cảnh viếng lăng, làm cho hình tượng thơ thêm cao quý, lộng lẫy.

3. Kết bài: Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ

- Đoạn thơ mang trọn âm hưởng chủ đạo của bài thơ: Đó là tấm lòng thành kính, thiêng liêng không chỉ của riêng nhà thơ mà còn của cả miền Nam với Bác Hồ.

- Đoạn thơ còn cho ta thấy tài năng của tác giả: Giàu chiêm nghiệm và suy tư, với nghệ thuật dùng từ độc đáo vừa giản dị tự nhiên vừa hàm súc, trang trọng.