Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Lịch sử 8

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Lịch sử 8


Đề bài

Câu 1 (4 điểm). Hãy cho biết tình hình Nhật Bản nửa đầu thế kỉ XIX có điểm gì nổi bật ? Tinh hình đó đặt ra cho Nhật Bản sự lựa chọn ra sao ? Hãy liên hệ với tình hình chung các nước trong khu vực (châu Á) và cả Việt Nam trong cùng thời kì lịch sử này.

Câu 2 (4 điểm). Nêu nhận xét về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

Câu 3 (2 điểm). Nêu những hậu quả nặng nề mà Chiến tranh thế giới thứ nhất gây ra cho nhân loại.

Lời giải chi tiết

Câu 1 (4 điểm).

- Tinh hình Nhật Bản nửa đầu thế kỉ XIX : chế độ phong kiến lâm vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc. Các nước tư bản phương Tây tăng cường can thiệp vào Nhật Bản, âm mưu xâm lược nước này.

- Tinh hình đó đặt ra cho Nhật Bản đứng trước sự lựa chọn : hoặc tiếp tục duy trì chế độ phong kiến mục nát để trở thành miếng mồi cho thực dân phương Tây, hoặc canh tân để phát triển đất nước.

- Đây là tình trạng chung của hầu hết các quốc gia châu Á, trong đó có cả Viột Nam. Nếu triều đình nhà Nguyễn vào thời điểm đó tiến hành cải cách duy tân đất nước, phát triển kinh tế, làm cho đất nước giàu mạnh thì có khả năng thoát khỏi sự xâm lược của thực dân Pháp.

Câu 2 (4 điểm). Yêu cầu nhận xét về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX theo các ý sau :

- Từ khi bị thực dân phương Tây xâm lược, phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Nam Á đã bùng nổ mạnh mẽ, liên tục và rộng khắp.

+ Ở In-đô-nê-xi-a, nhiều tổ chức yêu nước của trí thức tư sản tiến bộ ra đời. Từ sau năm 1905, nhiều tổ chức công đoàn được thành lập và bước đầu truyền bá chủ nghĩa Mác vào In-đô-nê-xi-a. Năm 1905, công đoàn đầu tiên của công nhân xe lửa được thành lập. Năm 1908, Hội liên hiệp công nhân In-đô-nê-xi-a ra đời. Tháng 5-1920, Đảng Cộng sản ra đời.

+ Ở Phi-líp-pin, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha diễn ra quyết liệt. Cuộc Cách mạng 1896 - 1898 bùng nổ dẫn tới sự ra đời nước Cộng hoà Phi-líp-pin, nhưng sau đó lại bị Mĩ thôn tính.

+ Ở Cam-pu-chia, ngay sau khi vua Nô-rô-đôm kí hiộp ước thừa nhận nền đô hộ của Pháp năm 1863, nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân đã nổ ra. Điển hình là cuộc khởi nghĩa do A-cha Xoa lãnh đạo ở Ta Keo (1863 - 1866) và cuộc khởi nghĩa dưới sự chỉ huy của nhà sư Pu-côm-bô ở Cra-chê (1866 - 1867).

+ Ở Lào, năm 1901 nhân dân Xa-van-na-khét tiến hành cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Pha-ca-đuốc. Cũng năm đó, một cuộc khởi nghĩa khác đã nổ ra ở cao nguyên Bô-lô-ven, lan sang cả Việt Nam và kéo dài đến năm 1907 mới bị dập tắt.

+ Ở Việt Nam, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra liên tục và quyết liệt. Bên cạnh phong trào Cần vương, làn sóng đấu tranh chống Pháp diễn ra ở khắp nơi, mà tiêu biểu là phong trào nông dân Yên Thế (1884 - 1913).

- Các phong trào giải phóng dân tộc lần lượt thất bại vì lực lượng của bọn xâm lược mạnh, chính quyền phong kiến ở nhiều nước đầu hàng làm tay sai cho đế quốc ; các cuộc đấu tranh lại thiếu tổ chức và thiếu sự lãnh đạo chặt chẽ, không có đường lối đấu tranh...

Câu 3 (2 điểm). Hậu quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất:

- Khoảng 10 triệu người chết, trên 20 triệu người bị thương, nền kinh tế châu Âu bị kiệt quệ.

- Nhiều thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy bị phá huỷ.

- Số tiền các nước tham chiến chi phí cho chiến tranh lên tới 85 tỉ đô la.