Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 8 - Đề số 5 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 8 - Đề số 5 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II
MÔN LỊCH SỬ - LỚP 8
Câu 1. Chính sách kinh tế mới được thực hiện đã mang lại kết quả gì cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác của nước Nga Xô viết?
A. sản xuất công, nông nghiệp đình trệ.
B. đưa Liên Xô trở thành một nước đế quốc.
C. được phục hồi và phát triển nhanh chóng.
D. Đảng Bôn-sê-vích củng cổ quyền lực.
Câu 2. Nhân lúc thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang suy yếu, các thuộc địa của hai nước này ở khu vực Mĩ Latinh đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập, dẫn đến sự ra đời của
A. nhiều quốc gia dân tộc dân chủ.
B. một loạt quốc gia tư sản mới.
C. nhiều quốc gia vô sản mới.
D. một loạt của các quốc gia tư bản mới.
Câu 3. Khối Hiệp ước trong Chiến tranh thế giới thứ nhất bao gồm những nước nào?
A. Đức, Áo – Hung, I-ta-li-a.
B. Đức, Anh, Pháp.
C. Anh, Pháp, Nga.
D. Anh, Pháp, i-ta-li-a.
Câu 4. Các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại đều đạt được mục tiêu chung là gì?
A. Lật đổ ách thống trị của chế độ phong kiến.
B. Chủ nghĩa tư bản thắng lợi trên phạm vi thế giới.
C. Thiết lập chế độ cộng hòa tư sản.
D. Giành lại độc lập từ tay thực dân Anh.
Câu 5. Cương lĩnh của “Đồng minh những người cộng sản” do Mác và Ăng-ghen soạn thảo có tên là
A. Cương lĩnh những người cộng sản.
B. Cương lĩnh đồng minh cộng sản.
C. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
D. Tuyên ngôn những người cộng sản.
Câu 6. Sự kiện nào được xem là đã mở đầu cho thắng lợi của Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII?
A. Hội nghị ba đẳng cấp tại cung điện Véc – xai (5/5/1789).
B. Quần chún nhân dân phá ngục Ba – xti (14/7/1789).
C. Các đại biểu Đẳng cấp thứ ba tự họp thành hội đồng dân tộc (17/6/1789).
D. Vua Louis XVI lên ngôi (1774).
Câu 7. Thực dân phương Tây đã không thực hiện thủ đoạn cai trị nào đối với các nước Đông Nam Á ?
A. Chính sách "chia để trị".
B. Ra sức vơ vét của cải, tài nguyên đem về chính quốc.
C. Thẳng tay đàn áp các cuộc đấu tranh và nổi dậy của nhân dân thuộc địa.
D. Biến các nước Đông Nam Á thành thuộc địa "kiểu mới" của chủ nghĩa thực dân.
Câu 8. “Giống như Mặt trời chói lọi, cách mạng thảng Mười Nga chiếu sảng nhất năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái Đất”. Câu nói đó của ai?
A. Lê-nin.
B. Hồ Chí Minh.
C. Xta-lin.
D. Mao Trạch Đông.
Câu 9. Điểm tương đồng về nội dung giữa bản “Tuyên ngôn độc lập” của nhân dân Bắc Mĩ (4/7/1776) và bản “Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền” (26/8/1789) của nhân dân Pháp là gì?
A. Lên án chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo và phản động của thực dân Anh.
B. Đề cao và bảo vệ các đặc quyền, đặc lợi của giai cấp tư sản và tầng lớp chủ nô.
C. Đề cao và bảo vệ các quyền tự nhiên cơ bản của con người như: Tự do, bình đẳng,..
D. Tuyên bố xóa bỏ chế độ nô lệ và sự áp bức cuat giai cấp tư sản và giai cấp công nhân.
Câu 10. Từ khi thành lập đến năm 1870, Quốc tế thứ nhất không đóng vai trò nào sau đây?
A. Kêu gọi nhân dân các nước quyên góp, ủng hộ công nhân Bỉ.
B. Truyền bá rộng rãi chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân.
C. Xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa.
D. Thúc đẩy phong trào công nhân quốc tế.
Câu 11. Hai mươi năm sau khi thành lập Đảng Quốc đại phân hóa như thế nào?
A. Một bộ phận chống lại mọi hình thức đấu tranh bạo lực.
B. Một bộ phận muốn dựa vào Anh đem lại tiến bộ và văn minh cho Ấn Độ.
C. Một bộ phận theo đường lối cấp tiến, chống lại phái ôn hòa đòi lật đổ ách thống trị của thực dân Anh.
D. Một bộ phận cũng đấu tranh chống lại thực dân Anh nhưng không triệt để.
Câu 12. Nước Nga thực hiện Chính sách cộng sản thời chiến trong hoàn cảnh nào?
A. Cách mạng tháng Mưới thành công.
B. Nội chiến kết thúc.
C. Khôi phục kinh tế.
D. Chống thù trong giặc ngoài.
Câu 13. Cuối thế kỉ XIX, Mĩ tăng cường bành trướng ở khu vực nào?
A. Thái Bình Dương.
B. Đông Nam Á.
C. Bắc châu Âu.
D. Đông Nam châu Phi.
Câu 14. Phong trào Nghĩa Hoà đoàn ở Trung Quốc là phong trào cách mạng của
A. giai cấp tư sản.
B. giai cấp nông dân.
C. giai cấp công nhân.
D. giai cấp tiểu tư sản.
Câu 15. Thiên hoàng Minh Trị đã không thực hiện chính sách cải cách nào về quân sự?
A. Quân đội được tổ chức và huân luyện theo kiểu phương Tây.
B. Thực hiện chính sách “Cộng sản thời chiến” để xây dựng một quân đội vững mạnh.
C. Thực hiện chế độ nghĩa vụ thay thế cho chế độ trưng binh.
D. Công nghiệp hóa ngành đóng tàu, sản xuất vũ khí.
Câu 16. Thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực quân sự cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX là gì?
A. Nhiều vũ khí mới được sản xuất: đại bác, chiến hạm, thủy lôi...
B. Chế tạo được mát tính điện tử thế hệ thứ ba.
C. Chiến hạm quân sự liên quốc gia.
D. Khí cầu dùng để phục vụ cho công tác bảo vệ an ninh.
Câu 17. Nguyên nhân chính làm cho Quốc tế thứ hai tan rã khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ là gì?
A. Chính phủ tư sản ở các nước ra sức ngăn cấm Quốc tế thứ hai hoạt động
B. Hầu hết các đảng trong Quốc tế thứ hai ủng hộ chính phủ tư sản gây chiến tranh đế quốc.
C. Lê-nin và những người vô sản Nga rút ra khỏi Ọuốc tế thứ hai và thành lập đảng riêng của mình.
D. Các đảng xã hội dân chú tuyên bố rút khỏi Quốc tế thứ nhất.
Câu 18. Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết được thành lập dựa trên yêu cầu nào là quan trọng nhất?
A. Các dân tộc phải liên minh khăng khít, giúp đỡ nhau về mọi mặt.
B. Đất nước đã được ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện.
C. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đạt nhiều thành tựu.
D. Bọn phản động cách mạng điên cuồng chống phá.
Câu 19. Khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong lòng xã hội phong kiến, mâu thuẫn nào nảy sinh?
A. Chế độ phong kiến với giai cấp tư sản.
B. Chế độ phong kiến với nông dân và thợ thủ công.
C. Mâu thuẫn giữa tư sản với nông dân.
D. Chế độ phong kiến với tư sản và các tầng lớp khác.
Câu 20. Nội dung chủ yếu của Hòa ước Brét Litốp được kí kết giữa Nga và Đức là gì?
A. Hai bên bắt tay cùng nhau chống đế quốc.
B. Nước Nga rút ra khỏi chiến tranh đế quốc.
C. Phá vỡ tuyến phòng thủ của Đức ở biên giới hai nước.
D. Hai nước hòa giải để tập trung vào công cuộc kiến thiết đất nước.
Lời giải chi tiết
1. C |
2. B |
3. C |
4. B |
5. C |
6. B |
7. D |
8. B |
9. C |
10. C |
11. C |
12. D |
13. A |
14. B |
15. B |
16. A |
17. B |
18. A |
19. D |
20. B |
Câu 1
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 83.
Cách giải:
Nhờ Chính sách kinh tế mới, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Năm 1925, sản xuất công, nông nghiệp đạt mức xấp xỉ trước chiến tranh. Đây là kết quả tích cực mà chính sách kinh tế mới mang lại cho kinh tế của nước Nga Xô viết.
Chọn C
Câu 2
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 23.
Cách giải:
Do tác động của Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mĩ và Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII, nhân lúc thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang suy yếu, các thuộc địa của hai nước này ở khu vực Mĩ Latinh đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập, dẫn đến sự ra đời của một loạt các quốc gia tư sản mới.
Chọn B
Câu 3
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 70.
Cách giải:
Khối Hiệp ước bao gồm Anh, Pháp, Nga.
Chọn C
Câu 4
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 74.
Cách giải:
Các cuộc cách mạng tư sản diễn ra dưới các hình thức khác nhau ở nhiều nước, tuy kết quả không giống nhau nhưng đều đạt được mục tiêu chung là chủ nghĩa tư bản thắng lợi trên phạm vi thế giới, một số nước phát triển kinh tế chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Chọn B
Câu 5
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 32.
Cách giải:
Mác và Ăng – ghen khi ở Anh đã được bổ nhiệm soạn thảo cương lĩnh của “Đồng minh những người cộng sản”. Tháng 2-1848, cương lĩnh được công bố ở Luân Đôn hình thức một bản tuyên ngôn – Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Chọn C
Câu 6
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 12.
Cách giải:
Cuộc tấn công vào pháo đài Baxti đã mở đầu cho thắng lợi của CMTS Pháp cuối thế kỉ XVIII
Chọn B
Câu 7
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 64, suy luận.
Cách giải:
Thực dân phương Tây sau khi thôn tính và biến các nước Đông Nam Á thành thuộc địa đã tiến hành chính sách cai trị hà khắc; vơ vét, đàn áp; thực hiện chính sách “chia để trị”. Tùy vào tình hình cụ thể của mỗi nước mà thực dân phương Tây có chính sách cai trị khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung đều là vơ vét tài nguyên đưa về chính quốc, không mở mang công nghiệp ở thuộc địa, tăng các loại thuế, mở đồn điền, bắt lính và đàn áp phong trào yêu nước.
Chọn D
Chú ý khi giải:
Chủ trương biến các nước Đông Nam Á thành thuộc địa “kiểu mới” là biểu hiện của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, tiêu biểu là Mĩ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Câu 8
Phương pháp: Liên hệ kiến thức.
Cách giải:
Câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện vai trò to lớn của cách mạng tháng Mười đối với Việt Nam. Khi Nguyễn Ái Quốc đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê nin” là khi tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, con đường cách mạng vô sản. Cách mạng tháng Mười chính là cái mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển min của loài người, bước từ kỉ nguyên nô lệ sang kỷ nguyên con người làm chủ vận mệnh của mình, tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại.
Chọn B
Câu 9
Phương pháp: Dựa vào nội dung giữa bản “Tuyên ngôn độc lập” của nhân dân Bắc Mĩ (4/7/1776) và bản “Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền” (26/8/1789) của nhân dân Pháp để so sánh.
Cách giải:
Điểm tương đồng về nội dung giữa bản “Tuyên ngôn độc lập” của nhân dân Bắc Mĩ (4/7/1776) và bản “Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền” (26/8/1789) của nhân dân Pháp là đều đề cao và bảo vệ các quyền tự nhiên cơ bản của con người như: Tự do, bình đẳng,..
Chọn C
Câu 10
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 33, 34, suy luận.
Cách giải:
Từ khi thành lập đến năm 1870, Quốc tế thứ nhất vừa truyền bá học thuyết Mác, vừa đóng vai trò trung tâm thúc đảy phong trào công nhân quốc tế. Tiêu biểu trong đó là kêu gọi nhân dân các nước quyên góp, ủng hộ công nhân Bỉ.
Chọn C
Câu 11
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 57, 58.
Cách giải:
Hai mươi năm sau khi thành lập, Đảng Quốc đại đã phân hóa thành hai phái.
- Phái “ôn hòa” chủ trương thỏa hiệp, yêu cầu chính phủ thực hiện cải cách.
- Pháp “cấp tiến” do Ti-lắc đứng đầu, có thái độ kiên quyết chống Anh.
Chọn C
Câu 12
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 80.
Cách giải:
Suốt ba năm (1918 – 1920) nước Nga đã tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng chống thù trong giặc ngoài trong những điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ. Với chính sách Cộng sản thời chiến nhân dân Xô viết đã vượt qua được cơn hiểm nghèo
Chọn D
Câu 13
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 42.
Cách giải:
Cuối thế kỉ XIX, Mĩ tăng cường bành trướng ở khu vực Thái Bình Dương, gây chiến tranh với Tây Ban Nha để tranh giành thuộc địa, can thiệp vào khu vực Trung, Nam Mĩ bằng sức mạnh của vũ lực và đồng đôla Mĩ.
Chọn A
Câu 14
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 60.
Cách giải:
Vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, một phong trào nông dân chống đế quốc bùng nổ ở miền Bắc Trung Quốc, đó là phong trào Nghĩa Hòa đoàn.
Chọn B
Câu 15
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 67, suy luận.
Cách giải:
Về quân sự, Thiên hoàng Minh Trị tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây, chế độ nghĩa vụ thay cho chế độ trưng binh. Công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí được chú trọng, ….
Chọn B
Câu 16
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 52.
Cách giải:
Trong lĩnh vực quân sự, nhiều vũ khí mới được sản xuất; đại bác, súng trường bắn nhanh và xa; chiến hạm vỏ thép chạy bằng chân vịt có trọng tài lớn; ngư lôi bắt đầu được sử dụng; khí cầu dùng để trinh sát trận địa đối phương.
Chọn A
Câu 17
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 47.
Cách giải:
Khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, các nghị quyết, tuyên ngôn chỉ còn là lời nói suông. Trên thực tế, các đảng của Quốc tế thứ hai, trừ Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, đều đã ủng hộ chính phủ tư sản đế quốc. Quốc tế thứ hai đi đến chỗ phân hóa và tan rã.
Chọn B
Câu 18
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 83, suy luận.
Cách giải:
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước đòi hỏi các dân tộc trên đất nước Xô viết phải liên minh khăng khít và giúp đỡ nhau hơn nữa về mọi mặt. Từ yêu cầu quan trọng nhất này, tháng 12-1922, Liên Bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết (gọi tắt là Liên Xô) được thành lập trên cơ sở tự nguyện của bốn nước cộng hòa xô viết đầu tiên.
Chọn A
Câu 19
Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 4.
Cách giải:
Khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong lòng xã hội phong kiến, mâu thuẫn giữa chế độ phong kiến với tư sản và các tầng lớp khác đã nảy sinh và ngày càng trở nên gay gắt.
Chọn D
Câu 20
Phương pháp: Liên hệ kiến thức về Hòa ước Brét Litốp.
Cách giải:
Để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, đáp ứng nguyện vọng hòa bình của quần chúng, nhà nước Xô viết kí riêng với Đức Hòa ước Bret litốp (3-3-1918) nhượng cho Đức một phần lãnh thổ của đế quốc Nga để rút Nga ra khỏi chiến tranh đế quốc.
Chọn B
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 8 - Đề số 5 có lời giải chi tiết timdapan.com"