Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 11 - Đề số 9 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 11 - Đề số 9 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề bài

I. Đọc hiểu

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra truyền thuyết nói như vậy.

 (Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Colleen McCulough, NXB Văn học, 2004, tr8)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.

Câu 2: Hình ảnh chiếc gai dài nhất, nhọn nhất ẩn dụ cho điều gì?

Câu 3: Câu chuyện trên gửi đến độc giả thông điệp gì?

Câu 4: Anh/chị hãy rút ra bài học sâu sắc cho bản thân (Không lặp lại thông điệp đã nêu ở câu 3)

II. Làm văn

Cảm nhận của anh/chị về bức tranh phố huyện lúc chiều tàn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Ngữ Văn 11, tập 1.

Lời giải chi tiết

I. Đọc hiểu

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2:

- Hình ảnh chiếc gai dài nhất, nhọn nhất là hình ảnh ẩn dụ cho những khó khăn, thử thách mà con người phải vượt qua trong cuộc sống.

Câu 3:

Gợi ý:

- Những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống (tri thức, tình bạn, tình yêu, hạnh phúc...) chỉ có thể có được khi ta trải qua những khó khăn, gian khổ, thậm chí phải trả giá bằng chính nỗi đau khổ "vĩ đại", bằng cả sự sống và sinh mạng của mình)

- Mỗi người hãy biết vượt lên trên những gian khổ, bất hạnh bằng nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt để dâng hiến cho cuộc đời những điều đẹp đẽ, quí giá.

- Ý nghĩa của cuộc đời không phải là ta đã tồn tại bao lâu mà là ta đã sống như thế nào và làm được điều gì trong cuộc đời....

Câu 4:

- Bài học về nghị lực sống, dám vượt khó để giành những điều tốt đẹp nhất.

- Bài học về lí tưởng sống đẹp, sẵn sàng trả giá để sống có ý nghĩa, tránh xa cuộc sống tẻ nhạt, trống rống vô nghĩa.

- Bài học về sự biết ơn, trân trọng thành quả lao động và những điều vô giá khác (độc lâp, tự do...) vì để có được những điều qúi giá đó, loài người phải trả giá bằng công sức, thậm chí cả sinh mệnh của chính mình....

II. Làm văn

1. MB:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Dẫn dắt vấn đề

2. TB:

2.1 Bức tranh thiên nhiên phố huyện lúc chiều tàn:

* Cảnh ngày tàn:

- Âm thanh: tiếng trống thu không nhỏ dần từ xa vọng lại, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng, tiếng muỗi vo ve. Đây là những âm thanh đặc trưng của làng quê

Nghệ thuật: lấy động tả tĩnh

- Màu sắc:

  + “chân trời phương tây đỏ rực như lửa cháy và những áng mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”

  + “màu đen của dãy tre làng cắt hình rõ rệt trên nền trời”

⇒ Âm thanh và màu sắc gợi nỗi buồn thấm thía, cảm giác tàn lụi.

-  Tâm trạng của Liên:

  Tâm hồn cô bé nhạy cảm, tinh tế, xao xuyến một nỗi buồn man mác: “Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”.

* Cảnh chợ tàn

- Âm thanh: “Chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu, người về hết, tiếng ồn ào cũng mất”. Phố huyện chỉ còn lại sự trống vắng, quạnh hiu.

- Hình ảnh chợ huyện lúc vãn: “trên nền chợ đầy rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”.

- Những đứa trẻ nghèo nhặt rác, chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được.....

- Tâm trạng Liên: động lòng thương cảm.

Liên là cô bé có tâm hồn nhạy cảm, giàu lòng yêu thương con người. Một nét đẹp tâm hồn mà nhà văn Thạch Lam nâng niu, trân trọng.

* Những kiếp người tàn

- Mẹ con chị Tí:

  + Ngày ngày mò cua bắt ốc, đêm đến lại lầm lũi dọn hàng nước.

  + Khách hàng toàn là những người dưới đáy xã hội.

  + Dẫu chả kiếm được bao nhiêu nhưng đêm nào mẹ con chị Tí cũng dọn hàng.

⇒ Mẹ con chị đang cầm cự trong sự sống.

- Chị em Liên với của hàng tạp hóa sơ sài.... chẳng đáng là bao.

- Bà cụ Thi là nhân vật điển hình cho số phận tàn tạ trong cái đêm đen của xã hội ấy.

⇒ Diễn biến tâm trạng Liên thể hiện một tâm hồn tinh tế nhạy cảm và đồng cảm với những con người không tương lai, không hạnh phúc

2.2 Nghệ thuật:

- Kết hợp giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình

- Câu văn xuôi giàu chất thơ, khéo léo kết hợp các chi tiết

- Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật

3. KB: Nêu cảm nhận chung



Bài giải liên quan

Từ khóa phổ biến