Đề kiểm tra 45 phút phần 3 lịch sử 8 - Đề số 7 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra 45 phút phần 3 lịch sử 8 - Đề số 7 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
I. TRẮC NGHIỆM (4 điểm)
Câu 1: Phan Bội Châu chủ trương cứu nước bằng các dựa vào
A. Nga.
B. Nhật Bản.
C. Pháp.
D. Mĩ.
Câu 2: Mục đích hoạt động chính của Đông Kinh nghĩa thục là gì?
A. Bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền bá nội dung học tập và nếp sống mới.
B. Chuẩn bị lực lượng để tổ chức bạo động vũ trang.
C. Chấn hưng nền kinh tế - văn hóa quốc gia.
D. Chấn hưng dân khí để đủ khả năng tự trị.
Câu 3. Phong trào nào sau đây chịu ảnh hưởng trực tiếp của phong trào Duy tân đầu thế kỉ XX?
A. Khởi nghĩa Thái Nguyên.
B. Vụ Hà Thành đầu độc.
C. Phong trào chống thuế ở Trung Kì.
D. Vụ mưu khởi nghĩa ở Huế.
Câu 4. Ngày 5-6-1911, ở Việt Nam đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng?
A. Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
B. Việt Nam Quang phục hội được thành lập.
C. Phong trào kháng thuế ở Trung Kì bùng nổ.
D. Trường Đông Kinh nghĩa thục được thành lập.
Câu 5. Nội dung nào sau đây không thuộc hoạt động của trường Đông Kinh nghĩa thục?
A. Mở trường học.
B. Tổ chức các buổi bình văn.
C. Xuất bản xuất báo.
D. Mở rộng buôn bán để chuẩn bị thực lực.
Câu 6. Nội dung nào sau đây không phải sự thay đổi chính sách thống trị của thực dân Pháp trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918)?
A. Tăng cường bắt nông dân đi lính.
B. Chuyển sang trồng các cây công nghiệp phục vụ chiến tranh.
C. Tăng cường khai thác kim loại quý hiếm phục vụ sản xuất.
D. Mở rộng các ngành công nghiệp nặng.
Câu 7. Đâu không phải nguyên nhân một số nhà yêu nước Việt Nam chủ trương cứu nước bằng con đường cải cách?
A. Do sự thất bại liên tiếp của các phong trào đấu tranh vũ trang trước đó.
B. Do ảnh hưởng yếu tố quê hương.
C. Do thất bại của phong trào Đông Du.
D. Do tư tưởng cải cách trên thế giới lúc bấy giờ xâm nhập mạnh vào Việt Nam.
Câu 8. Đâu không phải hình thức hoạt động của phong trào Duy tân những năm đầu thế kỉ XX?
A. Mở trường, diễn thuyết về các đề tài sinh hoạt.
B. Đua nhau cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn.
C. Tuyên truyền đả phá hủ tục phong kiến lạc hậu.
D. Tổ chức phong trào chống thuế ở Trung Kì.
Câu 9. Tại sao phong trào Đông Du thất bại?
A. Sự phân hóa trong Hội Duy tân.
B. Pháp - Nhật cấu kết với nhau.
C. Phan Bội Châu bị sát hại.
D. Không có đông đảo học sinh tham gia.
Câu 10. Vì sao năm 1911 Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước?
A. Thực dân Pháp hoàn thành xâm lược Việt Nam.
B. Phong trào kháng chiến chống Pháp phát triển mạnh mẽ.
C. Ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản.
D. Yêu cầu tìm kiếm một con đường cứu nước mới cho dân tộc.
II. TỰ LUẬN (6 điểm)
Hướng đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành có gì mới so với những nhà yêu nước chống Pháp trước đó?
Lời giải chi tiết
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. TRẮC NGHIỆM
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
B |
A |
C |
A |
D |
D |
C |
D |
B |
D |
Câu 1:
Phương pháp: Dựa vào hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu để trả lời
Cách giải:
Nhật Bản được xem là nước cùng màu da, cùng văn hóa Hán học, lại đi theo con đường tư bản châu Âu, đã giàu mạnh lên và đánh thắng đế quốc Nga nên Phan Bội Châu tin tưởng có thể nhờ cậy được.
Chọn: B
Câu 2:
Phương pháp: Dựa vào hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục để trả lời
Cách giải:
Các hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục nhằm bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, truyền bá nội dung học tập và nếp sống mới.
Chọn: A
Câu 3:
Phương pháp: Dựa vào tác động của cuộc vận động Duy tân đầu thế kỉ XX để trả lời
Cách giải:
Trong cuộc vận động Duy tân, khi tư tưởng duy tân đi vào quần chúng đã vượt qua khuôn khổ ôn hòa, biến thành cuộc đấu tranh vũ trang quyết liệt, điển hình là phong trào chống thuế ở Trung Kì (1908).
Chọn: C
Câu 4.
Phương pháp: Dựa vào diễn biến tình hình Việt Nam năm 1911 để trả lời
Cách giải:
Ngày 5-6-1911, tại bến cảng nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Việt Nam, ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu La-tu-sơ-Tơ-rê-vin.
Chọn: A
Câu 5.
Phương pháp: sgk trang 145, suy luận.
Cách giải:
Tháng 3-1907, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Vũ Hoành mở một trường trường học lấy tên là Đông Kinh nghĩa thục. Bên cạnh việc mở rộng hệ thống trường học, Đông Kinh nghĩa thục còn tổ chức các buổi bình văn, xuất bản sách báo. Các hoạt động này nhằm bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, truyền bá nội dụng học tập và nếp sống mới.
=> Loại trừ đáp án: D
Chọn: D
Câu 6.
Phương pháp: sgk trang 146, suy luận.
Cách giải:
Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường đầy mạnh việc vơ vét sức người, sức của ở Đông Dương phục vụ cho chiến tranh:
- Chuyển từ chỗ chuyên canh cây lúa chuyển sang trồng các cây công nghiệp phục vụ chiến tranh như thầu dầu, đậu, lạc, đặc biệt là cao su
- Hàng tấn kim loại quý hiếm ở Việt Nam bị thực dân Pháp phục vụ cho chiến tranh
- Thực hiện chính sách nới lỏng, mở rộng các ngành công nghiệp nhẹ phục vụ cho nhu cầu của người Pháp ở Đông Dương
- Hàng vạn người bị bắt sang Pháp làm lính thợ, lính đánh thuê
=> Loại trừ đáp án D: Pháp luôn hạn chế phát triển công nghiệp nặng ở Việt Nam nhằm làm cho kinh tế Việt Nam phụ thuộc chặt chẽ vào chính quốc.
Chọn: D
Câu 7.
Phương pháp: sgk trang 145-146, suy luận.
Cách giải:
Sở dĩ một số nhà yêu nước Việt Nam chủ trương cải cách là do:
- Chứng kiến sự thất bại liên tiếp của các phong trào đấu tranh vũ trang trước đó
- Tư tưởng cải cách trên thế giới xâm nhập mạnh vào Việt Nam, đặc biệt là từ Nhật Bản với thành công của cuộc cách cách Duy tân Minh Trị.
=> Loại trừ đáp án: C
Chọn: C
Câu 8.
Phương pháp: sgk trang 145, suy luận.
Cách giải:
Hình thức hoạt động của phong trào Duy tân rất phong phú: mở trường diễn thuyết về các đề tài sinh hoạt xã hội, tình hình thế giới, tuyên truyền đả phá các hủ tục phong kiến lạc hậu, đua nhau cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn, đả kích quan lại xấu, cổ động việc mở mang công thương nghiệp, …
=> Đáp án D: là phong trào chịu ảnh hưởng trực tiếp của phong trào Duy tân.
Chọn: D
Câu 9.
Phương pháp: sgk trang 144, suy luận.
Cách giải:
Lúc đầu, phong trào Đông Du hoạt động thuận lợi; số học sinh sang Nhật có lúc lên tới 200 người. Đến tháng 9-1908, thực dân Pháp câu kết với Nhật và yêu cầu nhà cầm quyền nước này trục xuất những người yêu nước Việt Nam -> Phan Bội Châu buộc phải rời khỏi Nhật Bản, phong trào Đông Du tan rã.
Chọn: B
Câu 10.
Phương pháp: sgk trang 148, suy luận.
Cách giải:
Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước trong hoàn cảnh:
- Phong trào Cần Vương thất bại cũng đánh dấu sự thất bại của con đường cứu nước theo khuynh hướng phong kiến.
- Sự thất bại của phong trào đấu tranh của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đánh dấu khuynh hướng dân chủ tư sản chưa thực sự xâm nhập sâu vào nước ta và chưa thể hiện được điểm ưu thế hay phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.
=> Con đường cứu nước giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang bế tắc, chưa có lối thoát. Yêu cầu đặt ra phải tìm kiếm một con đường cứu nước mới
Chọn: D
II. TỰ LUẬN
Phương pháp: so sánh, nhận xét.
Cách giải:
- Mặc dù rất khâm phục tinh thần yêu nước của các vị tiền bối nhưng Nguyễn Tất Thành không tán thành con đường cứu nước của các sĩ phu yêu nước.
* Phan Bội Châu:
- Đi theo con đường bạo động cách mạng, hướng về phương Đông, đưa học sinh sang du học tại Nhật Bản.
- Nhưng sai lầm của cụ là quá tin và bị động vào Nhật Bản mà không nhận rõ bản chất của các nước đế quốc. Con đường cứu nước của cụ vì thế mà thất bại.
- Người nhận xét về con đường cứu nước của Phan Bội Châu, dựa vào Nhật để đánh Pháp thì khác gì "đuổi hổ cửa trước rước beo cửa sau".
* Phan Châu Trinh:
- Đi theo con đường thương thuyết, kêu gọi hoà bình, ngược hoàn toàn với con đường cứu nước của Phan Bội Châu. Tuy nhiên, con đường của Phan Châu Trinh vẫn chưa phải là con đường đúng đắn nhất.
- Nguyễn Tất Thành nhận xét con đường của Phan Châu Trinh chẳng khác gì "xin giặc rủ lòng thương"
* Hướng đi của Nguyễn Tất Thành có những điểm mới:
- Đi sang phương Tây, sang chính đất nước đang kìm hãm, đô hộ đất nước mình, nơi có nền kinh tế, khoa học - kĩ thuật phát triển, nơi có tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”.
- Đó là một con đường đúng đắn, sáng suốt. Chỉ có đi sâu vào tìm hiểu chính kẻ thù của mình để tìm ra điểm yếu, đúng sai, tìm ra bản chất thì mới nhận diện kẻ thù một cách chính xác nhất. Và ở đây, Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác Lê nin và cuộc cách mạng tháng Mười Nga, từ đó tìm ra con đường cứu nước - con đường cách mạng vô sản.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề kiểm tra 45 phút phần 3 lịch sử 8 - Đề số 7 có lời giải chi tiết timdapan.com"