Đề số 6 - Đề kiểm tra 45 phút (1 tiết) - Học kì 1 - Ngữ văn 9

Đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 45 phút - Đề số 6 - Học kì 1 - Ngữ văn 9


Đề bài

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM: (3 điểm)

Đọc kĩ các câu hỏi sau và trả lời theo phương án đúng nhất ở mỗi câu hỏi. Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.

Câu 1: Nhận định nào sau đây nói đúng về truyện Truyền kì ?

A.Là những truyện kể về các sự việc hoàn toàn do tác giả tưởng tượng ra.

B.Là truyện kể về các nhân vật lịch sử.

C. Là những truyện kể có sự đan xen giữa những yếu tố có thật với những yếu tố hoang đường.

D. Là những truyện kể về các sự việc hoàn toàn có thật.

Câu 2: Truyện Kiều thuộc thể loại gì?

A. Truyện thơ Nôm lục bát.

B. Truyện ngắn,

C. Truyện lịch sử.

D. Truyện cổ tích.

Câu 3: Vì sao trong Chị em Thúy Kiều, tác giả miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân trước Thúy Kiều?

A. Thúy Vân đẹp hơn Thúy Kiều.

B. Thúy Vân không phải là nhân vật chính.

C. Tác giả muốn đề cao vẻ đẹp của Thúy Vân.

D. Tác giả muốn làm nổi bật lên vẻ đẹp của Thúy Kiều.

Câu 4: Bộ mặt xấu xa của bọn vua chúa phong kiến được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm nào:

A.Hoàng Lê nhất thống chí.

B. Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh.

C. Truyện Kiều.

D. Chuyện người con gái Nam Xương.

Câu 5: Đặc điểm thể “chí” trong Hoàng Lê nhất thống chí là gì?

A. Là thể văn nghị luận cổ được vua chúa trình bày một chủ trương hay công bố kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết.

B. Là lời công bố chủ trương, đường lối, nhiệm vụ mà vua và triều đình nêu ra yêu cầu thần dân thực hiện.

C. Lời ban bố mệnh lệnh của vua chúa xuống thần dân.

D. Thể văn vừa có tính chất văn học, vừa có tính chất lịch sử.

Câu 6: Câu thơ:

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

Có nghĩa là:

A. Làm người phải có tấm lòng bao dung, nhân ái.

B. Làm ơn thì không cần được trả ơn.

C. Thấy việc nghĩa không làm không phải là anh hùng.

D. Thọ ơn người thì phải biết đền ơn.

PHẦN TỰ LUẬN: (7 điểm)

Giá trị của chi tiết “chiếc bóng” trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Lời giải chi tiết

I. Phần trắc nghiệm: (3 điểm - Mỗi câu đúng đạt 0,5 điểm)

Câu

1

2

3

4

5

6

Đáp án

C

A

D

B

D

C

II. Phần tự luận: (7 điểm)

1. Giá trị nội dung:

- “Chiếc bóng” tô đậm thêm nét đẹp phẩm chất của Vũ Nương trong vai trò người vợ, người mẹ. Đó là nỗi nhớ thương, sự chung thủy. Đó là tấm lòng người mẹ muốn khỏa lấp sự trống vắng, thiếu hụt tình cảm của người cha trong lòng đứa con thơ.

- “Chiếc bóng” là một ẩn dụ cho số phận mỏng manh của người phụ nữ trong chế độ phong kiến nam quyền. Họ có thể gặp bất hạnh bởi bất cứ một nguyên nhân vô lí nào. Với chi tiết này, người phụ nữ là nạn nhân của bi kịch gia đình, bi kịch xã hội.

- “Chiếc bóng” xuất hiện ở cuối tác phẩm: “Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần rồi biến đi mất” khắc hoạ giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm. Chi tiết này là bài học về hạnh phúc muôn đời: Một khi đánh mất niềm tin, hạnh phúc chỉ còn là chiếc bóng hư ảo.

2. Giá trị nghệ thuật:

- Chi tiết “chiếc bóng” tạo nên nghệ thuật thắt nút, mở nút mâu thuẫn bất ngờ và hợp lí cho cốt truyện; tạo sự hoàn chỉnh, chặt chẽ cho cốt truyện.

+ Bất ngờ: Chiếc bóng của tình chồng nghĩa vợ, thể hiện nỗi khát khao đoàn tụ, sự chung thủy son sắt lại bị chồng nghi ngờ là “thất tiết”... Chỉ một lời nói của tình mẫu tử lại bị chính đứa con thơ đẩy vào vòng oan nghiệt.

+ Hợp lí: Mối nhân duyên khập khiễng (Vũ Nương kết duyên cùng với Trương Sinh - một kẻ thất học, đa nghi, ghen tuông, độc đoán), cảnh ngộ chia li bởi chiến tranh tạo nên nguy cơ tiềm ẩn bùng phát.

- Tạo kịch tính, tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện.

- Đây là chi tiết sáng tạo của Nguyễn Dữ, tạo nên vẻ đẹp lung linh cho tác phẩm và một kết thúc tưởng như có hậu nhưng lại càng nhấn mạnh hơn bi kịch của người phụ nữ.

 



Từ khóa phổ biến