Đề số 10 - Đề kiểm tra 45 phút (1 tiết) - Học kì 2 - Ngữ văn 9

Đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 45 phút - Đề số 10 - Học kì 2 - Ngữ văn 9


Đề bài

I.    PHẦN TRẮC NGHIỆM: (4 điểm)

Khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất.

Câu 1: Dòng nào sau dây là định nghĩa đúng nhất về khởi ngữ?

A.Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ.

B. Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.

C. Khởi ngữ đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.

D. Khởi ngữ là thành phần đứng trước chủ ngữ.

Câu 2: Câu nào sau đây có khởi ngữ?

A. Về trí thông minh thì nó là nhất.

B. Nó là một học sinh thông minh.

C. Nó thông minh nhưng hơi cẩu thả.

D. Người thông minh nhất chính là nó.

Câu 3: Từ: “Có lẽ” trong câu: “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất” là thành phần gì?

A. Thành phần trạng ngữ.

B. Thành phần khởi ngữ.

C. Thành phần biệt lập tình thái.

D. Thành phần biệt lập cảm thán.

Câu 4: Từ “hành động” trong câu: “Đó là một hành động đúng đắn” là loại từ gì?

A. Danh từ.                  B. Động từ.

C. Tính từ.                   D. Số từ.

Câu 5: Câu: “Bạn vừa đến thì xe cũng vừa đi” thuộc kiểu câu gì?

A. Câu đơn.

B. Câu rút gọn.

C. Câu ghép.

D. Câu đặc biệt.

Câu 6: Hàm ý là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu. Đúng hay sai?

A. Đúng.                   B. Sai.

Câu 7: Tìm từ thích hợp để điền vào chỗ trống (........ ) sao cho phù hợp.

Các thành phần tình thái, cảm thán là những bộ phận không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của sự việc của câu nên gọi là …………

Câu 8: Nối nội dung ở cột A với nội dung ở cột B sao cho đúng.

A

Câu

B

Thành phần biệt lập

1. Cô gái nhà bên (có ai ngờ) cũng vào du kích.

a. Tình thái.

2. Trong gió, nghe như có tiếng hát.

b. Cảm thán.

3. Chao ôi, nước mất nhà tan

Hôm nay lại thấy giang san bốn bề

 c. Gọi đáp.

 4. Anh chị em ơi hãy giương súng lên cao chào xuân 68!

 d. Phụ chú.

II. Phần tự luận 

Câu 1: (3 điểm)

1.1. Phân biệt sự khác nhau giữa nghĩa tường minh và hàm ý.

1.2. Tìm hàm ý của câu sau:

“Trời sắp mưa đấy!”

Câu 2: (3 điểm)

Chỉ ra liên kết nội dung và hình thức trong đoạn văn sau:

       Nhưng hôm nay Chí Phèo không say. Tình yêu đã thức tỉnh anh và hé mở cho anh con đường trở lại làm người. Anh hồi hộp hi vọng. Nhưng con đường ấy bị chặng đứng: Bà cô Thị Nở không cho phép cháu bà “đâm đầu đi lấy một thằng (...) chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ”. Mọi người đã quen coi Chí Phèo như một con vật và không công nhận anh là con người từ lâu rồi. Thế là Chí Phèo rơi vào một bi kịch tâm hồn đau đớn, bi kịch của con người bị cự tuyệt không được làm người. Chí Phèo uống và “ôm mặt khóc rưng rức”. Anh lại xách dao ra đi, và như mọi lần, vừa đi vừa chửi.

(Lịch sử văn học Việt Nam, Tập V, Phần 2 - Nguyễn Hoành Khung và các tác giả khác)

Lời giải chi tiết

I. Phần trắc nghiệm: (4 điểm)

Câu

1

2

3

4

5

6

Đáp án

B

A

C

A

C

B

Câu 7: Thành phần biệt lập

Câu 8: 1-d, 2-a, 3-b, 4-c

II. Phần tự luận: (6 điểm)

Câu 1: (3 điểm)

1.1. Phân biệt sự khác nhau giữa nghĩa tường minh và hàm ý: (2 điểm)

- Nghĩa tường minh: là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng các từ ngữ có trong câu.

- Hàm ý: là phần thông báo không được diễn đạt trực tiếp bằng các từ trong câu, phải nhờ suy nghĩ mới nắm bắt được.

* Lưu ý: Hàm ý phụ thuộc vào tình huống giao tiếp. Cùng một câu nhưng nói trong những tình huống khác nhau có thể có những hàm ý khác nhau.

1.2. 

Hàm ý của câu “Trời sắp mưa đấy!” là:

⟶ Mang áo mưa đi.

⟶ Ra cất quần áo vào.

⟶ Đừng đi nữa……       

Câu 2: (3 điểm)

* Yêu cầu cần đạt: Các câu trong đoạn văn liên kết với nhau về nội dung và hình thức:

1. Về nội dung:

- Liên kết chủ đề: Các câu trong đoạn đều hướng đến chủ đề là: Khát vọng được làm người lương thiện của Chí Phèo.

- Liên kết logic: Các câu trong đoạn văn được sắp xếp hợp lí theo trình nêu ý chủ đề trước, lí giải ý chủ đề sau.

2. Về hình thức:  

Sử dụng các phép liên kết trong đoạn văn:

- Phép lặp từ ngữ: Anh, con đường, Chí Phèo.

- Phép thế: Anh, thằng ⟶ Thế đại từ.

- Phép nối: Nhưng, thế là.

- Phép liên tưởng: Mọi người (Liên tưởng toàn thể).